Thứ Hai, 30 tháng 7, 2018

ĐẠI DẠI 5: DẠI TÀ TÍN - TÀ NGUYỆN - TÀ HÀNH


Dại Nhân: _ Này Tiểu Thiên, chính ta được đọc trong kinh Tiểu Thừa Trung Bộ 3, bài kinh Hành Sanh, số 120, Đức Thế Tôn đã dạy: với những ai mong muốn sanh vào những nơi quyền quý như gia đình vua chúa, gia đình Bà-la-môn hoặc các cõi chư Thiên, nếu họ cứ “chuyên định tâm ấy, an trú tâm ấy, tu tập tâm ấy” thời cũng sẽ được toại nguyện. Ta một lòng tín-nguyện-hạnh về Tây Phương Cực Lạc, há chẳng theo lời Phật Thích Ca hay sao?
Tiểu Thiên: _ Nhưng trước đó Đức Thế Tôn đã nhắc đi nhắc lại nhiều lần rằng, vị ấy phải đầy đủ tín, đầy đủ giới, đầy đủ văn, đầy đủ thí, đầy đủ trí tuệ. Chánh pháp, chánh đạo muốn diệt khổ cũng phải tuân theo quy luật nhân quả như thế. Chỉ có tà pháp, tà đạo mới không tôn trọng luật nhân quả mà thôi.
Thử nghĩ mà xem, ông A buôn lậu ma túy, bà B bán hàng quốc cấm nên cả hai đâm ra lo sợ, nhưng nhờ tin và niệm “A mi tò phò” nên được an tâm khi hành sự và cứ như thế họ tiếp tục làm càn. Nếu khi họ mạng chung, theo đại nguyện của ông A Di Đà, nhất quyết họ cũng được thong dong vãng sanh tịnh độ, thế còn biết bao nạn nhân của họ thì sao? Như vậy còn gì là luật nhân quả, là công bằng, là nghiệp báo?
Dại Nhân: _ Nhưng riêng bản thân ta không làm điều gì xấu ác, chỉ chí tâm niệm hồng danh và một lòng nguyện sanh về miền Tây Phương để hưởng cảnh Lạc Cực. Ta cứ “chuyên định tâm ấy, an trú tâm ấy, tu tập tâm ấy” thời cũng được chứ sao, có gì trái với luật nhân quả?
Tiểu Thiên: _ Tất nhiên là được! Nhưng ông nên nhớ, nếu không có đầy đủchánh tín, chánh giới, chánh văn, chánh thí, chánh tuệ; nói chung không có chánh công đức, chánh phước báo; thì coi chừng ông sẽ hưởng thọ sung sướng trong nguy hiểm.
Dại Nhân: _  Nguy hiểm thế nào và vì sao?
Tiểu Thiên: _  Bởi vì đối với các loài giòi bọ, côn trùng thời một đống phân hôi thối cũng là những hoàng cung, cung điện, thiên đàng, cực lạc của chúng chứ có thua gì ai? Chúng cũng cảm thấy sung sướng an lạc, cũng tắm mình trong cảnh “trời Tây” chứ có đau khổ gì đâu? Nếu ông có Thiên nhĩ thông, hẳn ông sẽ nghe tiếng chúng luôn miệng hót như chim Ca-lăng-tần-già: “Ôi sung sướng thay, hạnh phúc thay, tuyệt vời thay, kỳ diệu thay cõi hạnh phúc cực lạc là đây!”.
Dại Nhân: _ Nhưng pháp môn này do chính Đức Thế Tôn đã giới thiệu cho bà Vi-đề-hi kia mà?
Tiểu Thiên: _ Những kẻ gián điệp muốn phá đạo Phật không biết nói như thế hay sao? Đức Thế Tôn Thích Ca Mâu Ni không bao giờ giới thiệu một pháp môn phi pháp, phi luật, phi nhân quả, và đầy dẫy những phi lý, phi căn bản như thế.
Ông nên nhớ, ngay trong thời Đức Phật, ngay trong vùng Phật du hóa nhưng đã có những kẻ nham hiểm như Potaliputta, Sonakàyana, Sanjaya, Verañja, Lohicca, Paccaniikasàta, Pancasàlà, Vassakàra, Sangarava, Assalayana, Uttara, Vekhanassa, Magandiya, Niganthaputta Saccaka, Ambattha, Subha Todeyyaputta, Bà-la-môn ở Thùna… dám ngang nhiên giả danh Phật, giả lời Phật, hại đệ tử Phật. Có kẻ cũng ngụy trá nói với mọi người rằng đích thân họ được nghe chính Đức Thế Tôn dạy thế này, bảo thế kia để lường gạt mọi người bằng những tà pháp, tà niệm của họ.
Cho nên, ông cứ nhắm mắt tin rằng pháp môn Tịnh độ, xuất hiện sau thời Phật hàng trăm năm tại Trung Quốc, cũng chính là pháp môn được Phật Thích Ca tán thán, điều này chứng tỏ ông đã quá ngây thơ, cả tin đến độ mù quáng! 
Tóm lại, mong ông hãy “hồi đầu thị ngạn”, liệu chừng mà chánh tín, chánh giới, chánh văn, chánh thí, chánh tuệ. Chứ đừng tà tín – tà nguyện – tà hành.
SIÊU CẤP PHẬT HỌC

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét