Thứ Hai, 23 tháng 9, 2019

Nhị Tạng chứ không phải 'tam tạng'


Trích Kinh THANH TỊNH, số 29, Trường Bộ 2,

PHẬT DẠY: “Nếu có ai, khi tả một phạm hạnh, thành tựu hết thảy tướng, không thiếu sót, không quá đáng, được khéo tuyên bố một cách viên mãn, vị ấy nếu tuyên bố đúng đắn sẽ tuyên bố như sau: "Phạm hạnh này thành tựu hết thảy tướng, cụ túc hết thảy tướng, không thiếu thốn, không quá đáng, được khéo tuyên bố một cách viên mãn, được khéo trình bày”.

Này Cunda, Uddaka con của Ràma thường nói: "Thấy mà không thấy". Thấy cái gì mà không thấy? Với một con dao sắc bén, chỉ thấy lưỡi dao không thấy khía cạnh sắc bén của dao. Này Cunda, đấy là nghĩa của câu: "Thấy mà không thấy".


Này Cunda, ở đây Uddaka con của Ràma đề cập đến một vật đê tiện, hạ liệt, thuộc về phàm phu, không xứng bậc Thánh, không có lợi ích, nói về con dao. Này Cunda, nếu nói đúng đắn câu "Thấy mà không thấy", thời phải nói như sau: "Thấy mà không thấy. Vị ấy thấy cái gì mà không thấy?”

Một phạm hạnh, thành tựu hết thảy tướng, đầy đủ hết thảy tướng, không thiếu sót, không quá đáng, được khéo tuyên bố một cách viên mãn, được khéo trình bày. Chính vị ấy thấy phạm hạnh này.

Nếu vị ấy trừ bớt một phương diện nào tại một chỗ nào, nghĩ rằng làm vậy sẽ được rõ ràng hơn, vị ấy sẽ không thấy gì. Nếu vị ấy thêm vào một phương diện nào tại chỗ nào, nghĩ rằng làm vậy sẽ được rõ ràng hơn, vị ấy sẽ không thấy gì. Nếu vị ấy thêm vào một phương diện nào tại chỗ nào, nghĩ rằng làm vậy được viên mãn hơn, vị ấy sẽ không thấy gì. Như vậy gọi là "Thấy mà không thấy... <HT Minh Châu dịch Việt>

Ý kiến con Phật:

Cũng giống như Uddaka con của Ràma, những luận sư sau này chính là những kẻ “tưởng thấy mà không thấy” nên mới bày đặt thêm vào một tạng Luận bên cạnh hai thánh tạng Kinh và Luật của Đức Thế Tôn. Họ làm vậy và tưởng rằng được rõ ràng hơn, giá trị hơn, nhưng kỳ thật họ bị Đức Phật gọi là những kẻ “tưởng thấy mà không thấy”.

Lại có những người giới hạnh không thanh tịnh nên tâm không thanh tịnh. Tâm không thanh tịnh nên tri kiến không thanh tịnh. Tri kiến không thanh tịnh nên không thể hiểu trực tiếp Kinh và Luật của Đức Thế Tôn. Cho nên họ phải tin theo các luận sư và dựa vào các chú giải, luận giải đến độ xem thường hoặc bỏ lờ tạng Kinh điển của Phật vì tin rằng nó chỉ là tục đế, là thường pháp, không phải chân nghĩa đế; luận Vi diệu pháp mới chính là pháp vi diệu. Những kẻ này làm vậy và tưởng rằng được rõ ràng hơn, hiểu Phật pháp hơn, nhưng kỳ thật họ cũng bị Đức Phật gọi là những kẻ “tưởng thấy mà không thấy”.

CON PHẬT THÍCH CA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét