Thứ Sáu, 30 tháng 10, 2015

Ông Thiện, Ông Ác


Hai cư sĩ ngồi nói chuyện với nhau. Cư sĩ trẻ hỏi vị cư sĩ già:

- Thưa bác, Phật giáo là đạo của từ bi nhân ái, nhưng tại sao trong nhiều chùa cháu thấy bên cạnh ông Thiện còn có cả ông Ác?

Cư sĩ già gật gù:

- Câu hỏi của cháu rất hay. Một số nơi còn quan niệm Ông Thiện là Thần Hộ Pháp, còn ông Ác là Thần Kim Cang. Thật ra, hai vị cũng là biểu tượng cho nhân quả nghiệp báo mà thôi.

- Nhân quả nghiệp báo thế nào, thưa bác?

- Ông Thiện nhắc mình thân phải làm thiện, miệng phải nói thiện, ý nghĩ phải nghĩ thiện để hưởng quả báo thiện lành, an vui, Thiên đàng. Còn ông Ác nhắc mình thân đừng làm ác, miệng đừng nói ác, ý nghĩ đừng nghĩ ác; để phải chịu quả báo ác, khổ đau, địa ngục.

Cư sĩ trẻ thắc mắc:

- Làm thiện được quả thiện là đương nhiên, nhưng nếu quan niệm lấy ác trả đũa cho cái ác, còn gì là thiện, thưa bác?

- Đạo Phật không chủ trương lấy ác trả đũa cho cái ác, mà là theo luật nhân quả nhân bản. Bản thân một nghiệp ác phải gặt quả báo ác. Thực ra ông Ác chỉ là hiện thân của quả báo ác, chứ không phải ổng làm ác. Ông Ác nhắc mình phải biết sợ quả báo ác, chứ không phải ổng làm ác với ai, cháu à!

Cư sĩ trẻ như tiểu ngộ:

- À, cháu hiểu rồi. Cũng như trong xã hội, ngoài nhà giáo, nhà tu, nhà trườngcòn phải có cả công an, nhà tù, tòa án để đối trị mấy kẻ phá hoại. Ông quan tòa phán tội theo pháp luật, ông công an lo bắt cướp. Mấy ổng không phải làm ác mà là làm nhiệm vụ để giữ yên cho xã hội.

Đúng vậy! Bên cạnh đó, nếu mọi người biết tin và hành theo luật nhân quả thiện ác, trọng ông Thiện, ngán ông Ác, để ráng làm lành lánh ác, nhờ vậy cá nhân, gia đình và xã hội mới an vui an ổn.

- Cho nên, nếu chỉ nói nhân quả của thiện mà không nói nhân quả của bất thiện vẫn còn thiếu sót. Theo thiển ý của cháu, chùa nào thờ cả Thần Kim Cang - ông Ác có thêm một lợi thế khác nữa.

- Lợi thế gì?

- Để răn đe những kẻ rắn mắt, quậy phá. Cháu đã từng ở trong một tu viện mà buổi trưa mọi người cần nghỉ ngơi an tịnh, thế nhưng mấy đứa trẻ cứ la hét đùa giỡn thoải mái, chẳng coi ai ra gì.

- Chắc chỗ đó chỉ thờ toàn ông Thiện.

- Vâng ạ. Tu viện thờ toàn hình ảnh các chư Thiên hiền khô. Các vị Tăng Ni ở đó cũng im lặng chịu đựng, để mặc cho lũ con nít muốn làm gì thì làm. Họ nói họ tu hạnh nhẫn nhục.

Vị cư sĩ già chép miệng:

- Nhẫn nhục cũng có cái lý của nó. Trong kinh văn có từ “nhẫn quân lực” để khuyên các tu sĩ nhẫn những điều đáng nhẫn.

- Như kham nhẫn lạnh, nóng, đói, khát, sự xúc chạm của ruồi, muỗi, bò sát, nắng mưa; kham nhẫn những cảm thọ bất ưng, các cách nói mạ lị phỉ báng. Cháu nghĩ như vậy có đúng không bác?

- Đúng vậy. Tuy nhiên trước những điều đáng ra có thể chuyển hóa tốt hơn, nhưng vì cứ theo kiểu “có mắt như mù, có tai như điếc” cho nên cái xấu bất thiện vẫn hoàn bất thiện.

Cư sĩ trẻ ra vẻ hiểu vấn đề:

- Ví như tu viện cháu ở có thể an tịnh tốt hơn nếu những trẻ em quậy phá được dạy dỗ ngoan hơn để chúng biết tôn trọng những nơi đáng tôn trọng; biết sợ cả pháp luật, sợ công an quở phạt.

- Chúng ta không hù dọa bất cứ ai, nhưng nhiều nơi sẽ tốt hơn nếu được dạy những điều thiện và phải biết sợ cả những điều đáng sợ hãi, những pháp nên sợ hãi. Trong kinh gọi là pháp “Quý”, cháu à.

- “Quý” là tự mình phải sợ thân làm ác, sợ miệng nói ác, sợ ý nghĩ ác, sợ những điều ác bất thiện và sợ quả báo bất thiện; phải không bác?

- Cháu hiểu đúng rồi đó.

- Nếu mọi người biết khi đến các nơi tôn nghiêm phải trang nghiêm, còn nếu phá phách sẽ bị quở phạt. Được vậy chắc nhiều nơi, nhiều người được tốt hơn.

Cư sĩ già tán đồng:

- Bác còn nhớ, hồi nhỏ mỗi lần theo mẹ đến chùa mình cứ sờ sợ thế nào ấy. Mình cứ khép nép bên bà cụ vì chùa có cả hình ảnh Thiên đàng lẫn Địa ngục, có ông Thiện và cả ông Ác. Mình ngẫm kỹ lại, nhờ ghi nhớ những tấm hình kẻ ác bị quả báo địa ngục nên trước cám dỗ và hận thù mình giữ mình tốt hơn, không làm ác tạo tội .

Mỗi người phải biết sợ quả báo ác lên chính bản thân mình, nhờ vậysẽ giúp họ tránh ác. Đồng thời con người phải biết tin vào nhân quả thiện lành cho chính mình, được vậy sẽ giúp họ cố gắng làm lành để hưởng an vui, bác nhỉ?

- Thêm nữa, nhiều nơi nhờ mọi người tin vào Thần Cá, Thần Rừng, dù không cần ai trông coi nhưng cá không bị giết, rừng không bị diệt, môi trường không bị hủy hoại.

- Cháu còn nhớ trong Trưởng Lão Tăng Kệ số  236 - 237 có ghi rõ: “Ai ở đời, giữa người / Làm hại chúng sanh khác / Vị ấy tự hại mình / Ðời này và đời sau / Ai với tâm từ bi / Thương tưởng mọi hữu tình / Một người làm như vậy / Gặt phước đức thật nhiều.”

- Cháu nhớ tốt lắm. Cho nên Đức Phật đã dạy Ngài nói cả hai lời nói mềm mỏng và lời nói cứng rắn.

- Thưa, Đức Phật dạy cụ thể thế nào mong bác nói rõ thêm.

Vị cư sĩ già liền lấy cuốn kinh trên kệ rồi đằng hắng giọng:

- Cháu hãy lắng nghe, trong Kinh Tăng Chi, phẩm bốn pháp, Đức Phật đã dạy cho Kesi, người đánh xe điều phục ngựa, thế này: - Này Kesi, Ta nhiếp phục người đáng được nhiếp phục với lời nói mềm mỏng, Ta nhiếp phục với lời nói cứng rắn, Ta nhiếp phục với lời nói vừa mềm mỏng, vừa cứng rắn.

Tại đây, này Kesi, đây là với lời nói mềm mỏng: Ðây là thân làm thiện, đây là quả báo thân làm thiện. Ðây là lời nói thiện, đây là quả báo lời nói thiện. Ðây là ý nghĩ thiện, đây là quả báo ý nghĩ thiện. Ðây là chư Thiên. Ðây là loài Người.

Tại đây, này Kesi, đây là với lời nói cứng rắn: Ðây là thân làm ác, đây là quả báo thân làm ác. Ðây là lời nói ác, đây là quả báo lời nói ác. Ðây là ý nghĩ ác, đây là quả báo ý nghĩ ác. Ðây là địa ngục. Ðây là loài bàng sanh. Ðây là loại ngạ quỷ.

Tại đây, này Kesi, đây là lời nói vừa mềm mỏng vừa cứng rắn: Ðây là thân làm thiện, đây là quả báo thân làm thiện. Ðây là thân làm ác, đây là quả báo thân làm ác. Ðây là lời nói thiện, đây là quả báo lời nói thiện. Ðây là lời nói ác, đây là quả báo lời nói ác. Ðây là ý nghĩ thiện, đây là quả báo ý nghĩ thiện. Ðây là ý nghĩ ác, đây là quả báo ý nghĩ ác. Ðây là chư Thiên. Ðây là loài Người. Ðây là địa ngục. Ðây là loài bàng sanh. Ðây là ngạ quỷ.”

Cư sĩ trẻ chắp tay tiếp lời:

- Cũng vậy. Mọi người cần phải tin tưởng và ghi nhớ: đây là ông Thiện, nhắc mọi người gắng làm thiện để được quả thiện lành, hạnh phúc, thiên đàng. Còn đây là ông Ác, nhắc mình đừng làm ác để phải chịu quả báo ác, khổ đau, địa ngục.

Cư sĩ già kết luận:

- Bây giờ cháu đã hiểu vì sao có chùa thờ hai ông Thiện - Ác rồi chưa? Nói ông Thiện là thiện, nhưng nói “ông Ác” thực ra cũng để răn thiện là vậy!

Cư sĩ trẻ đứng dậy xá vị cư sĩ già:

- Dạ thưa, cháu hiểu rồi. Cháu tin vào nhân quả và biết sợ những điều đáng sợ hãi. Cháu sẽ nhắc nhở các trẻ em khác như vậy. Xin tri ân bác.

Theo An Tự

(Ảnh Internet)

Đúng một, sai hai



Nam Tào hỏi Bắc Đẩu:
_ Trong phần giới thiệu cho cuốn sách nọ, một trưởng lão đã viết “kinh là để dụ người, luật là để trói người, luận là để giết người”. Dựa vào đâu vị Tỳ-kheo lại dám nói như thế?

_ Dựa vào các luận sư gốc Bà-la-môn gián điệp chứ còn ai nữa. Cho nên câu ấy chỉ đúng một mà sai tới hai.

_ Đúng sai thế nào?

_ Đúng ra phải nói thế này “kinh là để cứu người khỏi vô minh, luật là cởi trói cho người khỏi tà nghiệp, còn luận mới thực sự là giết người”.

_ Giết người như thế nào?

_ Tin vào Luận, coi thường chánh Kinh – chánh Luật là tự giết mình chứ sao.


(Ảnh Internet)


Đại thừa, Tiểu thừa


- Đại thừa là gì?

- Dư thừa nhiều.

- Tiểu thừa là gì?

- Dư thừa ít.

- Cái gì không thừa?

- Kinh Nikaya - Luật Patimokkha không thừa, không thiếu.

(Ảnh Internet)


Thứ Sáu, 2 tháng 10, 2015

"Phước"




Một đại gia lắm bạc nhiều tiền trong một lần ham săn bắn lạc bước đến một am tranh của một tu sĩ trẻ trong rừng. Vị đại gia thấy vị tu sĩ trẻ nghèo nàn nên tỏ vẻ xem thường, hỏi trỏng:
_ Ê Tiểu, đường nào ra khu “rì-sọt”. Chỉ mau, ta cho tiền.
Vĩ tu sĩ trẻ thản nhiên nhưng vẫn nhã nhặn:
_ Ông theo con đường nhỏ trước mặt, bên phải có biển chỉ dẫn, theo đó sẽ về được…
Vị tu sĩ trẻ nói chưa hết câu, vị đại gia đã giơ một nắm tiền trước mặt với giọng đầy tự mãn:
_ Này, cầm lấy, ráng tu có phước để xây chùa to một chút, ở chi chỗ này khổ quá!
Vị tu sĩ trẻ lắc đầu:
_ Mô Phật, ông hãy đem tiền ấy về bố thí giúp cho người khác. Mà này, ở đây có cả cướp nữa đấy, ông nên cẩn thận!
Vị đại gia mặt liền biến sắc, tái xanh như lá chuối, xuống giọng rên rỉ:
_ Thế à, thầy ơi, thầy làm ơn làm phước đi cùng tôi ra khỏi đây. Tôi xin hậu tạ hậu hĩ.
Tu sĩ trẻ thở dài:
_ Ông đem tiền ấy mà làm từ thiện, tôi đã bảo phải…
Bỗng nhiên, bụi cây bên đường có tiếng sột soạt, vị đại gia giật bắn người run như cầy sấy. Tu sĩ trẻ trấn an:
_ Đó là mấy con thú hoang, ông đừng sợ. Giờ đây xem ra ông khổ hơn tôi nhiều đấy!
Đại gia mếu máo:
_ Trời ạ! Giữa rừng lại có cướp, ai không sợ! Nói dại, giờ mà chúng dí dao vào cổ, có bao nhiêu tài sản tôi cũng cho hết, miễn sao được sống.
Tu sĩ trẻ chép miệng:
_ Ông quên rồi, giữa căn nhà kín cổng cao tường của ông cũng nhiều cướp lắm đấy!
_ Vâng, tôi ở nhà đôi khi cũng sợ bóng sợ gió mấy tên cướp liều mạng!
_ Ông lầm nữa, ý tôi muốn nói có nhiều loại cướp khác cũng có thể tước đoạt mạng sống của ông, tiêu hủy tài sản của ông.
_ Cướp gì?
_ Bọn “cướp” là những tai nạn bất ưng, những hỏa hoạn, bão tố, lũ lụt, động đất, tật bệnh, lừa đảo, phá hoại… tất cả cũng đều là những tên “cướp” nguy hiểm.
_ Đúng vậy, ông bạn tỉ phú của tôi vừa mất vì buồn tức thằng con trai phá gia chi tử.
_ Lúc nãy ông bảo tôi ráng tu có phước, xây chùa to, tịnh xá lớn để rồi cũng không tránh khỏi những tên cướp “vô thường”. Như vậy thực sự “có phước” hay “vô phước”?
_ Dạ xin lỗi thầy, tôi chưa rành lẽ đạo, mong thầy từ bi giúp tôi ra khỏi đây.
_ Ông yên tâm, nhưng từ nay ông nhớ làm phước cứu giúp những người khác và đừng bắn giết chúng sanh nữa. Phước báu ấy là tài sản để dành của ông không ai đánh cướp được. Vả lại ngay đời này ông cũng được người trí tán thán.
_Vâng thưa thầy, tôi sẽ thực hành theo lời thầy. Tuy lạc đường nhưng gặp được thầy, rủi lại hóa may.
Vị tu sĩ im lặng giúp vị đại gia trở lại khu nghỉ dưỡng an toàn, rồi quay trở về lại trú xứ của mình. Không ai ngờ được, ba năm sau chính vị đại gia ấy đã trở lại khu rừng và xin xuất gia với vị tu sĩ.
________________
Kinh Già (S.i,36)
-- Vật gì tốt đến già?
Vật gì tốt kiên trú?
Vật gì vật báu người?
Vật gì cướp khó đoạt?

-- Giới là tốt đến già,
Tín là tốt kiên trú,
Tuệ, vật báu loài Người,
Công đức, cướp khó đoạt
.



Thứ Năm, 1 tháng 10, 2015

Đức!

Một Phật tử tham quan ngôi chánh điện xong, quay ra gặp một vị sư, liền chắp tay hỏi:
_ Thưa thầy, con thấy trong chánh điện có treo một bức tranh rất đẹp vẽ hai bông hoa sen ở giữa có chữ “ĐỨC”. Xin thầy nói rõ hơn về ý nghĩa của nó.
Vị sư mỉm cười nhẹ nhàng:
_ Chữ “ĐỨC” ở đây có hai nghĩa song hành. Một là Đức hạnh và hai là Công đức. Giữ gìn Đức hạnh, trước hết là năm giới: không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không dùng rượu và chất gây nghiện; nhờ vậy giúp người cư sĩ sống thiện lành và được tái sanh cõi lành.
Vị Phật tử mau miệng:
_ Còn Công đức là làm phước, bố thí để giúp đỡ cho mọi người và để dành thiện phước cho đời sau. Con nghĩ đúng không ạ?
_ Đúng vậy. Người Phật tử nên giữ tròn cả hai Đức hạnh và Công đức.
Vị Phật tử lại mau miệng:
_ Dạ, nếu chỉ có Đức hạnh thôi cũng tốt nhưng ích kỷ không bố thí giúp đỡ người khác, kiếp sau dù có làm người nhưng gặp nghèo khó. Ngược lại chỉ biết làm bố thí nhưng không giữ giới hạnh, kiếp sau tái sanh làm mấy con thú nuôi trong gia đình giàu có, được ăn uống chăm sóc phủ phê nhưng cũng chẳng hay ho gì. Con nghĩ như vậy có đúng không ạ?
Nhà sư ôn tồn:
_ Chính vì thế hai bông sen là biểu hiện hai nghĩa song toàn của chữ “ĐỨC”: Đức Hạnh và Công Đức. Thí chủ nhớ thực hành đầy đủ!
_ Dạ, xin vâng.