Chủ Nhật, 2 tháng 10, 2016

Từ xuyên tạc đến đại ngộ


Trong bài Kinh Kannakatthala, số 90, Trung Bộ 2, có ghi lại đoạn đối thoại giữa Đức Thế Tôn và vua Pasenadi như sau:
“Thưa Ðại vương, những ai nói như sau: "Sa-môn Gotama có nói: "Không có một Sa-môn hay Bà-la-môn nào toàn tri, toàn kiến, có thể cho là chứng được tri kiến viên mãn; sự tình như vậy không thể xảy ra”, những vị nói như vậy không nói đúng lời Ta nói, và họ xuyên tạc Ta một cách hư ngụy, không đúng sự thật”.
Rồi vua Pasenadi nước Kosala nói với tướng quân Vidudabha:
-- Này Tướng quân, ai đã đem vấn đề này vào trong nội cung?
-- Tâu Ðại vương, Bà-la-môn Sanjaya, thuộc dòng họ Akasa”.
Nghe vậy vua Pasenadi sai người cho gọi Bà-la-môn Sanjaya đến. Tiếp đó bài kinh đã tường thuật cụ thể:
“...Rồi một người khác tâu với vua Pasenadi nước Kosala:
-- Tâu Ðại vương, Bà-la-môn Sanjaya, thuộc dòng họ Akasa đã đến.
Rồi vua Pasenadi nước Kosala nói với Bà-la-môn Sanjaya, thuộc dòng họ Akasa:
-- Này Bà-la-môn, ai phổ biến câu chuyện này trong nội cung?
-- Tâu Ðại vương, tướng quân Vidudabha.
Tướng quân Vidudabha lại nói:
-- Tâu Ðại vương, chính Bà-la-môn Sanjaya, thuộc dòng họ Akasa”.
Ghi chú: Ngay trong thời Đức Phật còn hiện tiền mà các Bà-la-môn còn dám xuyên tạc lời Ngài một các hư ngụy, trong khi đó những người đời sau cứ một chiều tin vào các kinh văn, các luận giải trái ngược với kinh điển gốc của các luận sư gốc Bà-la-môn sau khi Phật nhập diệt hằng trăm năm, như vậy có phải là quá ngây thơ đến độ tà tín?
Trong bài kinh trên cũng ghi lại lời dạy của Đức Thế Tôn:
“-- Thưa Ðại vương, Ta tự xem là đã nói những lời như sau: "Không có một Sa-môn hay Bà-la-môn nào có thể trong một lúc, biết hoàn toàn và thấy hoàn toàn, không thể có sự tình như vậy”.
Như một sự nhất quán trước sau như một, trong bài kinh Canki, Trung Bộ 2, Đức Thế Tôn cũng đã khẳng định rõ:
“-- Này Bharadvaja, chính nhờ luyện tập, tu tập và hành tập nhiều lần, chân lý mới được chứng đạt. Cho đến như vậy, này Bharadvaja, là chứng đạt chân lý, cho đến như vậy, chân lý được chứng đạt, cho đến như vậy, chúng tôi chủ trương sự chứng đạt chân lý”.
Lại nữa, Kinh Kìtàgiri, Trung bộ 2: “Này các Tỷ-kheo, Ta không nói rằng trí tuệ được hoàn thành lập tức. Nhưng này các Tỷ-kheo, trí tuệ được hoàn thành nhờ học từ từ, hành từ từ, thực tập từ từ”.
Và đây nữa: “Cũng vậy này các Tỷ-kheo, trong Pháp và Luật này, các học pháp là tuần tự, các quả dị thục là tuần tự, các con đường là tuần tự,không có sự thể nhập chánh trí thình lình. Này Paharada, vì rằng trong Pháp và Luật này, các học pháp là tuần tự, các quả dị thục là tuần tự, các con đường là tuần tự, không có sự thể nhập chánh trí thình lình. Này các Tỷ-kheo, đây là vi diệu chưa từng có thứ nhứt. Do thấy vậy, thấy vậy, Tỷ-kheo thích thú trong Pháp và Luật này (Ud 51).
Ghi chú: Còn trường hợp các Tổ sư Thiền tông “hoát nhiên đại ngộ” thì sao? Trả lời: Một là vì họ theo “giáo ngoại biệt truyền” nên tu sai đường không giác ngộ theo đúng pháp của Phật, hai là họ đã rơi vào “tưởng tri Niết bàn là Niết bàn” nên mới “hoát nhiên” như thế. Chính Đức Phật còn phải mất ba canh để chứng Tam Minh, hẳn nhiên các Tổ không thể nào hơn Phật, và vì vậy chuyện “đại ngộ” của họ thực ra chỉ là “dại ngộ” mà thôi!
CHÁNH THIỀN

Thứ Bảy, 1 tháng 10, 2016

Người bệnh cần phải làm gì?


Phật dạy trong Tăng Chi Bộ Kinh, Chương 5 Pháp, Phẩm Bệnh, Bài kinh “Người Bệnh”, số 121
"1. Một thời, Thế Tôn trú ở Vesālī, tại Ðại Lâm, giảng đường có nóc nhọn. Rồi Thế Tôn vào buổi chiều, từ Thiền tịnh đứng dậy, đi đến hành lang người bệnh. Thế Tôn thấy một Tỷ-kheo ốm yếu bệnh hoạn, thấy vậy Ngài ngồi xuống trên chỗ đã soạn sẵn. Sau khi ngồi, Thế Tôn bảo các Tỷ-kheo:
2. - Này các Tỷ-kheo, nếu năm pháp này không rời bỏ một kẻ ốm yếu bệnh hoạn, thời người ấy được chờ đợi như sau: Không bao lâu, do đoạn diệt các lậu hoặc, ngay trong hiện tại, với thắng trí sẽ chứng ngộ, chứng đạt và an trú Vô lậu Tâm giải thoát, Tuệ giải thoát.
Thế nào là năm? Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo
* sống quán bất tịnh trên thân,
* với tưởng ghê gớm đối với các món ăn,
* với tưởng không thích thú đối với tất cả thế giới,
* quán vô thường trong tất cả hành,
* và nội tâm khéo an trú trong tưởng về chết.
- Này các Tỷ-kheo, nếu năm pháp này không rời bỏ một kẻ ốm yếu bệnh hoạn, thời người ấy được chờ đợi như sau: Không bao lâu, do đoạn diệt các lậu hoặc, ngay trong hiện tại, với thắng trí sẽ chứng ngộ, chứng đạt và an trú Vô lậu Tâm giải thoát, Tuệ giải thoát."
** Thừa tự Pháp trích lục:
Quán bất tịnh trên thân để không tham luyến sắc thân. Không tham luyến sắc thân nên không khổ vì thân. Thân có bệnh nhưng tâm không bệnh, thân có khổ nhưng tâm không khổ.
Cũng vậy, tưởng ghê gớm các món ăn để không tham ái thức ăn, chứ không phải để nhịn ăn tuyệt thực. Không tham ái thức ăn nên không thèm khát thức ăn. Không thèm khát thức ăn nên không hệ lụy vì thức ăn. Ăn để sống, để chữa bệnh chứ không phải ăn để thỏa mãn dục cầu.
Chính vì thích thú với các thế giới khác nên khi bệnh, ở trong thế giới bệnh hoạn, càng thấy khổ thêm, càng thèm khát thế giới khác nhiều hơn. Do vậy thân bệnh, tâm cũng bệnh theo thân. Thân khổ, tâm cũng khổ theo thân.
Nhờ thấy tất cả đều vô thường nên kham nhẫn các cảm thọ tốt hơn. Khổ thọ cũng vô thường đoạn diệt, bệnh cũng thế, không bệnh cũng thế. Tất cả đều vô thường biến toái hoại diệt, không có gì đáng để chấp thủ sầu bi.
Khéo an trú tưởng về chết là khi bệnh đến có thể chết bất cứ lúc nào vì vậy phải nỗ lực tu tập để dù có chết cũng chết không bị điều phục bởi tham sân si, thậm chí nhờ tinh tấn đúng pháp có khi lại vượt qua được bệnh tật. Trái lại khi bệnh mà nghĩ đến chết để rồi buồn khổ sầu bi là không khéo an trú tưởng về chết.
Với năm pháp tu tập đúng hướng có thể chuyển bệnh nặng thành bệnh nhẹ, bệnh nhẹ thành không bệnh; khổ nhiều thành khổ ít, khổ ít thành không khổ, từng bước đạt tới giải thoát an vui Niết Bàn. Đây mới chính là Diệu Pháp diệt khổ!
Tuệ Tĩnh 
(Ảnh Internet)