Chủ Nhật, 2 tháng 10, 2016

Từ xuyên tạc đến đại ngộ


Trong bài Kinh Kannakatthala, số 90, Trung Bộ 2, có ghi lại đoạn đối thoại giữa Đức Thế Tôn và vua Pasenadi như sau:
“Thưa Ðại vương, những ai nói như sau: "Sa-môn Gotama có nói: "Không có một Sa-môn hay Bà-la-môn nào toàn tri, toàn kiến, có thể cho là chứng được tri kiến viên mãn; sự tình như vậy không thể xảy ra”, những vị nói như vậy không nói đúng lời Ta nói, và họ xuyên tạc Ta một cách hư ngụy, không đúng sự thật”.
Rồi vua Pasenadi nước Kosala nói với tướng quân Vidudabha:
-- Này Tướng quân, ai đã đem vấn đề này vào trong nội cung?
-- Tâu Ðại vương, Bà-la-môn Sanjaya, thuộc dòng họ Akasa”.
Nghe vậy vua Pasenadi sai người cho gọi Bà-la-môn Sanjaya đến. Tiếp đó bài kinh đã tường thuật cụ thể:
“...Rồi một người khác tâu với vua Pasenadi nước Kosala:
-- Tâu Ðại vương, Bà-la-môn Sanjaya, thuộc dòng họ Akasa đã đến.
Rồi vua Pasenadi nước Kosala nói với Bà-la-môn Sanjaya, thuộc dòng họ Akasa:
-- Này Bà-la-môn, ai phổ biến câu chuyện này trong nội cung?
-- Tâu Ðại vương, tướng quân Vidudabha.
Tướng quân Vidudabha lại nói:
-- Tâu Ðại vương, chính Bà-la-môn Sanjaya, thuộc dòng họ Akasa”.
Ghi chú: Ngay trong thời Đức Phật còn hiện tiền mà các Bà-la-môn còn dám xuyên tạc lời Ngài một các hư ngụy, trong khi đó những người đời sau cứ một chiều tin vào các kinh văn, các luận giải trái ngược với kinh điển gốc của các luận sư gốc Bà-la-môn sau khi Phật nhập diệt hằng trăm năm, như vậy có phải là quá ngây thơ đến độ tà tín?
Trong bài kinh trên cũng ghi lại lời dạy của Đức Thế Tôn:
“-- Thưa Ðại vương, Ta tự xem là đã nói những lời như sau: "Không có một Sa-môn hay Bà-la-môn nào có thể trong một lúc, biết hoàn toàn và thấy hoàn toàn, không thể có sự tình như vậy”.
Như một sự nhất quán trước sau như một, trong bài kinh Canki, Trung Bộ 2, Đức Thế Tôn cũng đã khẳng định rõ:
“-- Này Bharadvaja, chính nhờ luyện tập, tu tập và hành tập nhiều lần, chân lý mới được chứng đạt. Cho đến như vậy, này Bharadvaja, là chứng đạt chân lý, cho đến như vậy, chân lý được chứng đạt, cho đến như vậy, chúng tôi chủ trương sự chứng đạt chân lý”.
Lại nữa, Kinh Kìtàgiri, Trung bộ 2: “Này các Tỷ-kheo, Ta không nói rằng trí tuệ được hoàn thành lập tức. Nhưng này các Tỷ-kheo, trí tuệ được hoàn thành nhờ học từ từ, hành từ từ, thực tập từ từ”.
Và đây nữa: “Cũng vậy này các Tỷ-kheo, trong Pháp và Luật này, các học pháp là tuần tự, các quả dị thục là tuần tự, các con đường là tuần tự,không có sự thể nhập chánh trí thình lình. Này Paharada, vì rằng trong Pháp và Luật này, các học pháp là tuần tự, các quả dị thục là tuần tự, các con đường là tuần tự, không có sự thể nhập chánh trí thình lình. Này các Tỷ-kheo, đây là vi diệu chưa từng có thứ nhứt. Do thấy vậy, thấy vậy, Tỷ-kheo thích thú trong Pháp và Luật này (Ud 51).
Ghi chú: Còn trường hợp các Tổ sư Thiền tông “hoát nhiên đại ngộ” thì sao? Trả lời: Một là vì họ theo “giáo ngoại biệt truyền” nên tu sai đường không giác ngộ theo đúng pháp của Phật, hai là họ đã rơi vào “tưởng tri Niết bàn là Niết bàn” nên mới “hoát nhiên” như thế. Chính Đức Phật còn phải mất ba canh để chứng Tam Minh, hẳn nhiên các Tổ không thể nào hơn Phật, và vì vậy chuyện “đại ngộ” của họ thực ra chỉ là “dại ngộ” mà thôi!
CHÁNH THIỀN

Thứ Bảy, 1 tháng 10, 2016

Người bệnh cần phải làm gì?


Phật dạy trong Tăng Chi Bộ Kinh, Chương 5 Pháp, Phẩm Bệnh, Bài kinh “Người Bệnh”, số 121
"1. Một thời, Thế Tôn trú ở Vesālī, tại Ðại Lâm, giảng đường có nóc nhọn. Rồi Thế Tôn vào buổi chiều, từ Thiền tịnh đứng dậy, đi đến hành lang người bệnh. Thế Tôn thấy một Tỷ-kheo ốm yếu bệnh hoạn, thấy vậy Ngài ngồi xuống trên chỗ đã soạn sẵn. Sau khi ngồi, Thế Tôn bảo các Tỷ-kheo:
2. - Này các Tỷ-kheo, nếu năm pháp này không rời bỏ một kẻ ốm yếu bệnh hoạn, thời người ấy được chờ đợi như sau: Không bao lâu, do đoạn diệt các lậu hoặc, ngay trong hiện tại, với thắng trí sẽ chứng ngộ, chứng đạt và an trú Vô lậu Tâm giải thoát, Tuệ giải thoát.
Thế nào là năm? Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo
* sống quán bất tịnh trên thân,
* với tưởng ghê gớm đối với các món ăn,
* với tưởng không thích thú đối với tất cả thế giới,
* quán vô thường trong tất cả hành,
* và nội tâm khéo an trú trong tưởng về chết.
- Này các Tỷ-kheo, nếu năm pháp này không rời bỏ một kẻ ốm yếu bệnh hoạn, thời người ấy được chờ đợi như sau: Không bao lâu, do đoạn diệt các lậu hoặc, ngay trong hiện tại, với thắng trí sẽ chứng ngộ, chứng đạt và an trú Vô lậu Tâm giải thoát, Tuệ giải thoát."
** Thừa tự Pháp trích lục:
Quán bất tịnh trên thân để không tham luyến sắc thân. Không tham luyến sắc thân nên không khổ vì thân. Thân có bệnh nhưng tâm không bệnh, thân có khổ nhưng tâm không khổ.
Cũng vậy, tưởng ghê gớm các món ăn để không tham ái thức ăn, chứ không phải để nhịn ăn tuyệt thực. Không tham ái thức ăn nên không thèm khát thức ăn. Không thèm khát thức ăn nên không hệ lụy vì thức ăn. Ăn để sống, để chữa bệnh chứ không phải ăn để thỏa mãn dục cầu.
Chính vì thích thú với các thế giới khác nên khi bệnh, ở trong thế giới bệnh hoạn, càng thấy khổ thêm, càng thèm khát thế giới khác nhiều hơn. Do vậy thân bệnh, tâm cũng bệnh theo thân. Thân khổ, tâm cũng khổ theo thân.
Nhờ thấy tất cả đều vô thường nên kham nhẫn các cảm thọ tốt hơn. Khổ thọ cũng vô thường đoạn diệt, bệnh cũng thế, không bệnh cũng thế. Tất cả đều vô thường biến toái hoại diệt, không có gì đáng để chấp thủ sầu bi.
Khéo an trú tưởng về chết là khi bệnh đến có thể chết bất cứ lúc nào vì vậy phải nỗ lực tu tập để dù có chết cũng chết không bị điều phục bởi tham sân si, thậm chí nhờ tinh tấn đúng pháp có khi lại vượt qua được bệnh tật. Trái lại khi bệnh mà nghĩ đến chết để rồi buồn khổ sầu bi là không khéo an trú tưởng về chết.
Với năm pháp tu tập đúng hướng có thể chuyển bệnh nặng thành bệnh nhẹ, bệnh nhẹ thành không bệnh; khổ nhiều thành khổ ít, khổ ít thành không khổ, từng bước đạt tới giải thoát an vui Niết Bàn. Đây mới chính là Diệu Pháp diệt khổ!
Tuệ Tĩnh 
(Ảnh Internet)

Thứ Sáu, 30 tháng 9, 2016

Nguyện đại đại nguyện thành dại nguyện


! Đại nguyện của Bụt Dược sư trong kinh Dược sư Lưu ly Quang (Chữ in nghiêng theo bản dịch của HT Thích Trí Quang. Phần in đứng trong bản kịch năm 20?0):
"  “Đại nguyện thứ banguyện con sau này, khi được tuệ giác vô thượng, thì vận dụng vô lượng trí tuệ và phương tiện, làm cho mọi người cùng được vô tận những vật hưởng dụng, không để cho ai có sự thiếu thốn
(Tái bút: Nếu thực tế không đúng như vậy, chứng tỏ con chưa thành Phật, chưa có tuệ giác vô thượng; hoặc trí tuệ và phương tiện của con còn quá giới hạn, phải tu tiếp. Các nguyện khác của con cũng đều như thế, không thể thành tựu, dù vậy nhiều người vẫn thích con, vì họ muốn con cho họ “vô tận những vật hưởng dụng”)
" “Đại nguyện thứ tưnguyện con sau này, khi được tuệ giác vô thượng, thì những kẻ đi theo tà đạo đều được làm cho ở yên trong đạo giác ngộ, những người tu theo thanh văn duyên giác đều được xây dựng bằng pháp đại thừa
(Tái bút: Khi phát nguyện này, dù con chưa thành Phật, chưa được tuệ giác vô thượng nhưng con vẫn biết trước ở cõi Ta Bà, sau khi Phật Thích Ca nhập diệt hàng trăm năm, sẽ có phái đại thừa của mấy kẻ tin con cùng với “bọn” thanh văn duyên giác (Ai tin con mà nói cõi nước con cũng có đại thừa - tiểu thừa là những kẻ nói láo, đoán mò, không có căn cứ. Ai không tin con thì thôi, không cần phải chứng minh).
Và vì “bọn” thanh văn duyên giác không khác gì kẻ tiểu nhân tà đạo, và vì con muốn phái Đại thừa sẽ chinh phục phái Tiểu thừa của mấy kẻ tin ông Phật Thích Ca, nên con mới phát đại nguyện như thế! “Ngêu sò cắn nhau, ngư ông mới đắc lợi”.
Các nguyện đại khác của con tuy không thể kiểm chứng nhưng rất hay, dễ mê theo. Chỉ có nguyện này hơi phi lý một chút, nhưng để thanh toán bọn tiểu thừa, xin mọi người hãy tin con. Những ai muốn cá cắn câu đều biết dấu móc câu trong miếng mồi y như vậy, duy chỉ có Huyền Trang và những người tin kinh Dược sư là không biết. Họ chẳng hiểu “pháp môn câu cá” là gì. Thật tội nghiệp! Nam Mô Dược sư Lưu ly quang chưa Như lai).
! Đại nguyện thứ 18 của Bụt A Di ĐàLúc tôi thành Phật, thập phương chúng sanh, chí tâm tín mộ, muốn sanh về cõi nước tôi, nhẫn đến 10 niệm, nếu không được sanh, thời tôi không ở ngôi Chánh giác; trừ kẻ tạo tội ngũ nghịch, cùng hủy báng Chánh pháp
(Vậy thập phương chúng sanh cứ tha hồ loạn luân, diệt chủng, giết người, cướp của, hãm hiếp, buôn lậu vô tư, miễn sao không phạm tội ngũ nghịch và hủy báng Pháp là được! Xong rồi, chỉ cần niệm “Nam mô A Di Đà” mười lần là thoát ngay về cõi Độ Tinh!
Chỉ có điều nên nhớ rằng, đại nguyện của một bậc thực sự đại trí tuệ không thể có sai sót, vô lý, cần phải biện giải biện hộ gì thêm; trừ khi nó là nguyện đại của một kẻ dại nguyện) 
! Hạnh nguyện Phổ Hiền (Chữ in nghiêng trích trong Hoa Nghiêm đại thừa kinh, bản dịch của HT Thích Trí Quang)
" Nguyện thứ bảy“…đối với chư vị Bồ tát, Thanh văn, Duyên giác, còn tu học, hết tu học, cho đến hết thảy các bậc Thiện tri thức, tôi đều khuyên mời đừng nhập niết bàn…” (mà hãy vào địa ngục để Bồ-tát Địa Tạng không thể thành Phật, ở lại cùng tôi dắt dẫn chúng sanh).
" Nguyện thứ chín“…cho đến tất cả tám bộ thiên long, nhân loại và loài khác, không chân, hai chân, bốn chân, nhiều chân, có hình sắc, không hình sắc, có tư tưởng, không tư tưởng, không phải có tư tưởng, không phải không tư tưởng; tất cả chủng loại như vậy, đối với họ tôi đều tùy thuận cả: tôi phụng sự đủ cách, cung dưỡng đủ cách, kính như kính cha mẹ, thờ như thờ sư trưởng, thờ La hán cho đến như thờ Như lai, đồng đẳng không có gì khác cả.
(Nói gọn cho dễ hiểu: thâm ý của Bà-la-môn Long Xà và Bồ-tát Phổ Hiền là muốn dạy cho những người tin theo họ hãy “kính như kính cha mẹ, thờ như thờ sư trưởng, thờ La Hán cho đến như thờ Như Lai và loài khác, không chân, hai chân, bốn chân, nhiều chân đồng đẳng không có gì khác cả”)
" Nguyện thứ mười“…mở bày đường chính của nhân loại chư thiên và Niết-bàn…” (Phổ Hiền tôi bị tật lú lẫn, vừa rồi nguyện thứ bảy tôi nói gì thế nhỉ? Mà thôi, mấy kẻ đã mê tín rồi còn trí tuệ đâu mà thắc mắc, cứ nguyện đại như thế này cho chúng nó ham:)
“…Nếu chúng sinh vì làm bao nghiệp dữ mà bị những quả khổ nặng nề thì tôi chịu thay hết cho họ, làm cho họ được giải thoát, cứu cánh thành đạt vô thượng bồ đề…”
(Chúng sinh còn sợ gì nữa? Ác cứ ác! Giết cứ giết! Hiếp cứ hiếp!... Đã có Phổ Hiền rồi, vô tư đi! Nam mô Dại nguyện Phổ Hiền Bồ tát Ma ha tát)
Thích Chơn Pháp
-------------------------
Pháp Trích Lục
Kinh Phù Di, số 126, Trung Bộ 3
] Dưới đây là câu hỏi của Vương tử Jayasena và câu trả lời của Tôn giả Bhumija:
“-- Thưa Tôn giả Bhumija, có một số Sa-môn, Bà-la-môn có lý thuyết như sau, có quan điểm như sau: "Nếu có ước nguyện hành Phạm hạnh, thời không đạt được quả vị; nếu không có ước nguyện hành Phạm hạnh, thời không đạt được quả vị; nếu có và không có ước nguyện hành Phạm hạnh, thời không đạt được quả vị; nếu không có và không không có ước nguyện hành Phạm hạnh, thời không đạt được quả vị". Ở đây, bậc Ðạo sư của Tôn giả Bhumija có nói gì, và có lập luận gì?
-- Thưa Vương tử, tôi không tận mặt Thế Tôn được nghe như vậy, được ghi nhớ như vậy. Và sự việc này xảy ra, Thế Tôn có giải thích như sau: "Nếu có ước nguyện, hành Phạm hạnh không chánh đáng (ayoni so), thời không đạt được quả vị; nếu không có ước nguyện, hành Phạm hạnh không chánh đáng, thời không đạt được quả vị; nếu có và không có ước nguyện, hành Phạm hạnh không chánh đáng, thời không đạt được quả vị; nếu không có và không không có ước nguyện, hành Phạm hạnh không chánh đáng, thời không đạt được quả vị”
] Sau đó Tôn giả Bhumija đến bạch với Đức Thế Tôn và được Ngài dạy thêm:
“-- Thật vậy, này Bhumija, được hỏi vậy, được trả lời vậy, Ông nói đúng lời Thế Tôn nói, Ông không xuyên tạc Thế Tôn với điều không đúng sự thực, Ông đã giải thích đúng pháp, tùy pháp, và một vị đồng Phạm hạnh nói đúng pháp, tùy pháp không có lý do gì để chỉ trích.
Này Bhumija, những Sa-môn hay Bà-la-môn nào có tà kiến, tà tư duy, tà ngữ, tà nghiệp, tà mạng, tà tinh tấn, tà niệm, tà định, nếu họ có ước nguyện hành Phạm hạnh, thời không đạt được quả vị; nếu họ không có ước nguyện, hành Phạm hạnh, thời không đạt được quả vị; nếu họ có và không có ước nguyện, hành Phạm hạnh, thời không đạt được quả vị; nếu họ không có và không không có ước nguyện, hành Phạm hạnh, thời không đạt được quả vị. Vì sao vậy? Ðây không phải là phương pháp, này Bhumija, để đạt được quả vị.
Này Bhumija, những Sa-môn hay Bà-la-môn nào có Chánh Kiến, Chánh Tư Duy, Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, Chánh Mạng, Chánh Tinh Tấn, Chánh Niệm, Chánh Định; nếu họ có ước nguyện, hành Phạm hạnh, họ đạt được quả vị; nếu họ không có ước nguyện ...; nếu họ có và không có ước nguyện ...; nếu họ không có và không không có ước nguyện, hành Phạm hạnh, thời họ đạt được quả vị. Vì cớ sao? Ðây là phương pháp, này Bhumija, để đạt được quả vị.”
 Vấn: Chính Đức Thế Tôn trước sau như một đã định nghĩa Chánh Niệm là Bốn Niệm Xứ, Chánh Định là Tứ Thiền – Tứ Thánh Định. Thế nhưng các nhà Đại thừa xem thường và không thực hành theo các Chánh Đạo này. Vì thế dù họ có ước nguyện hay không có ước nguyện thì họ cũng không thể đạt quả vị của Chánh đạo, có chăng họ cũng chỉ đạt quả vị của tà đạo mà thôi.

Thứ Năm, 29 tháng 9, 2016

Kinh Hàng Ma thật và giả


DẪN: Bài viết dưới đây sẽ cho thêm một minh chứng giữa Chánh Kinh thật sự và tà kinh ngụy tạo.

SO SÁNH 
Kinh Hàng Ma (số 50, Trung Bộ, HT Thích Minh Châu dịch Việt từ nguyên bản Pali) và
Kinh Hàng Ma (số 131, Trung A Hàm, TT Tuệ Sỹ dịch Việt từ bản Hán Văn)
Chánh kinh Pāli: “Thật vi diệu thay, này các Tôn giả! Thật hy hữu thay, này các Tôn giả! Vị Sa-môn này chết mà vẫn ngồi, nay được sống lại". Này Ác ma, vì lý do này, Tôn giả Sanjiva được xưng danh là Sanjiva, Sanjiva.
Này Ác ma, rồi Ác ma Dusi nghĩ như sau: "Ta không biết chỗ đến và chỗ đi của các vị Tỷ-kheo có giới hạnh và thiện pháp này. Vậy nay ta hãy nhập vào hàng Bà-la-môn gia chủ và nói như sau:
"Hãy đến phỉ báng, mạ lị, thống trách và nhiễu hại các vị Tỷ-kheo có giới hạnh và thiện tánh. Do bị phỉ báng, mạ lị, thống trách và nhiễu hại bởi các Người, các vị ấy có thể đổi tâm và như vậy, Ác ma Dusi mới có dịp để chi phối họ."
Tà kinh A Hàm: “...Những người lùa trâu, dê, những người mót cỏ khô, hoặc người đi đường vào trong núi đã gặp Tôn giả trước kia, họ bèn nghĩ: ‘Đây là Sa-môn ngồi mà chết trong khu rừng vắng vẻ này. Chúng ta đã nhặt cỏ khô chất đống phủ trên thân, nổi lửa đốt rồi bỏ đó mà đi. Song Hiền giả này vẫn còn biết tưởng’ Này Ba-tuần, vì lẽ đó cho nên Tôn giả Tưởng được gọi là Tưởng vậy.”
Phân tích: Theo ngữ cảnh của kinh Hàng Ma Pali, Tôn giả Sañjīva đang ngồi nhập Diệt Thọ Tưởng Định, nhiều người thấy Ngài bất động lại nghĩ lầm Ngài “đã chết mà vẫn ngồi” nên họ đã gom củi khô hỏa táng Ngài rồi bỏ đi.
Thế nhưng sau đó mọi người thấy Ngài Sañjīva “sống lại” và vẫn đi khất thực bình thường, khiến họ phải kinh ngạc thán phục: “Thật vi diệu thay… Thật hy hữu thay!”. Chính vì thế mọi người mới gọi Ngài là “Sañjīva” theo nghĩa hy hữu vi diệu “Người đã thấy ngồi chết và bị gom củi đốt nhưng nay vẫn sống lại”. Bởi vậy, có thể hiểu nôm na tôn hiệu “Sañjīva” có nghĩa là “Siêu nhân” cũng được.
Theo đây, kinh Pali có giải thích rõ từ “sañjīva” có nghĩa là “chết mà vẫn ngồi, nay sống lại”, nên đây mới thật là điều vi diệu.
Ngược lại trong kinh Hàng Ma A Hàm tương đương, sự việc hy hữu này bị xóa bỏtrạng thái Diệt Thọ Tưởng Định của Đạo Phật bị bỏ lơ. Thay vào đó các nhà biên dịch A Hàm đã ma mãnh cải biên từ “sañjīva” thành từ “saññīva” theo nghĩa người vẫn cònbiết tưởng khiến cho sự việc vừa trở thành bình thường, lại hết sức vô lý.
Thật vậy, những người lùa trâu, dê làm sao biết Sa-môn ngồi mà chết “vẫn còn biết tưởng”?
Rõ ràng chỉ cần biến cải một chút các dịch giả A Hàm đã làm mất đi ý nghĩa siêu việt của Diệt Thọ Tưởng Định của Đạo Phật, và còn làm cho kinh Phật trở thành phi lý.
Hẳn là Ác ma cũng đã nhập vào các Bà-la-môn dịch giả để tìm mọi cách “phỉ báng, mạ lị, thống trách và nhiễu hại các vị Tỷ-kheo có giới hạnh và thiện tánh” nhằm phá hoại Phật Pháp.
Ngay trong thời Phật còn hiện tiền, những kẻ ngoại học vẫn thường áp dụng thủ đoạn giả danh Phật để xuyên tạc chính đạo Phật! Đáng tiếc thay những sự phi lý, trái đạo, hủy báng Tam Bảo vung vãi đầy dẫy trong tạng A Hàm như vậy, thế nhưng qua hàng ngàn năm với biết bao thế hệ thọ trì, nhưng không một ai biết lên tiếng cảnh giác, không một lời chú thích cảnh báo! Chẳng lẽ các “Bồ-tát sứ giả” đều biến thành các “giả sứ” cả rồi hay sao?
Càng so sánh Chánh kinh Trung Bộ Pāli với Tà kinh Trung A Hàm càng thấy ra những ý đồ thâm hiểm tàn hại của những gián điệp ngoại học, người Phật tử càng phải thận trọng nhiều hơn với bất kỳ thứ kinh-luật-luận nào xuất hiện sau khi Đức Phật đã nhập Niết Bàn, được như vậy Chánh Pháp mới có hồi xương minh phục dựng.
Mỗi người Phật tử phải biết phân biệt chánh pháp và tà pháp, chánh kiến và tà kiến, chánh kinh và tà kinh để cứu mình, từ đó mới có thể giúp cho người khác thoát khỏi tai họa.
Tạp Chí Nghiên Cứu Phật Học
-----------------------------

Bài liên quan

http://buthayma.blogspot.com/2016/04/but-ham-noi-chieu.html


Thứ Tư, 28 tháng 9, 2016

Đệ tử cào cào


Một buổi chiều nọ, các cụ già ngồi nói chuyện với nhau dưới mái hiên chùa.
Cụ thứ nhất lên tiếng:
_ Đức Phật dạy chỉ có bậc Chân nhân mới biết ai là Chân nhân, ai không phải Chân nhân. Ngược lại, không phải bậc Chân nhân nên không biết ai là Chân nhân, ai không Chân nhân.
Cụ thứ hai góp ý:
_ Đúng quá rồi còn gì! Mấy con châu chấu ở dưới đất nhìn lên bầu trời cao thấy đại bàng còn nhỏ hơn cả mấy con gà con. Trái lại đại bàng từ trên cao nhìn xuống đất mới thấy rõ đâu là gà con, đâu là châu chấu.
Cụ thứ ba chép miệng:
_ Chúng ta cũng như châu chấu cả thôi!
_ Tại sao?
_ Vì bọn mình coi trọng lời dạy của Bồ-tát Quán Tự Tại, luận sư Long Thọ, thánh tăng Phật Âm, tổ sư Đạt Ma, thiền sư Mahashi, “Bậc Tam Minh”, đấng “Vô Thượng Sư”... còn hơn cả lời Phật Thích Ca trong kinh gốc chứ sao!
Nghe vậy, cả nhóm cùng ngồi so vai, dúm chân, giống y như cào cào sắp nhảy.
Châu Chấu Chân Nhân

Thứ Ba, 27 tháng 9, 2016

Nghe vô thượng, nghe hạ liệt


Đức Phật dạy: “… 3. Còn nghe vô thượng là gì?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người đi nghe tiếng trống, đi nghe tiếng sáo, đi nghe tiếng ca, hay đi nghe tiếng cao thấp khác nhau, hay đi nghe pháp các Sa-môn hay Bà-la-môn có tà kiến, tà hạnh. Này các Tỷ-kheo, đây có phải là nghe không? Ta nói rằng: "Ðây là không nghe". Sự nghe ấy, này các Tỷ-kheo, là hạ liệt, là hèn hạ, là phàm phu, không xứng Thánh hạnh, không liên hệ đến mục đích, không đưa đến yếm ly, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn.
Này các Tỷ-kheo, ai đi để nghe pháp của Như Lai hay của đệ tử Như Lai, với lòng tin an trú, với lòng ái mộ an trú, nhứt hướng thuần tín, thời này các Tỷ-kheo, đây là sự nghe vô thượng, đưa đến thanh tịnh cho các loài chúng sanh, vượt qua sầu bi, chấm dứt khổ ưu, đạt được chánh lý, chứng ngộ Niết-bàn, tức là đi nghe pháp của Như Lai hay của đệ tử Như Lai, với lòng tin an trú, với lòng ái mộ an trú, nhứt hướng thuần tín. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là nghe vô thượng, đây là thấy vô thượng, nghe vô thượng...” (Trích bài kinh “Trên tất cả”, số 30, Tăng Chi 3, Chương 6)
***
Ý kiến: Thời nay nhiều người tuy mang danh con Phật, xưng danh ‘thầy cô’ với thiên hạ, thế nhưng họ không phải con Phật thật sự, không xứng làm ‘thầy’ người khác.
Bởi cái ‘sự nghe’ của họ không theo lời Phật chỉ dạy, không phải ‘sự nghe cao thượng’ mà là ‘sự nghe hạ liệt, hèn hạ, phàm phu, không xứng Thánh hạnh, không liên hệ đến mục đích, không đưa đến yếm ly, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn.
Họ nghe gì? Họ nghe trống, nghe sáo, nghe ca nhạc, nghe múa hát, hay đi nghe pháp của các Bà-la-môn phát triển có tà kiến, tà hạnh. Có người không những nghe mà còn ca hát, đàn địch, thổi kèn, nhảy múa...
Đấy là sự nghe hạ liệt, hành vi tục lụy, không xứng Thánh hạnh, thời làm sao xứng đáng là người con chân chánh của Phật Thích Ca cho được. Có chăng họ chỉ là con của các tổ sư Bà-la-môn gián điệp mà thôi!
Các ‘thầy cô’ nào còn thích ca hát, đàn địch, nhảy múa hãy học lại giới thứ bảy trong Bát Quan Trai Giới của người cư sĩ: “Hôm nay, đêm nay và ngày nay, ta cũng từ bỏ không đi xem múa, hát, nhạc diễn kịch,không trang sức bằng vòng hoa, hương liệu, dầu thoa và các thời trang. Với chi phần này, Ta theo gương vị A-la-hán, ta sẽ thực hành ngày trai giới ".
Tám giới của người cư sĩ còn không giữ tròn, làm sao giữ nghiêm các giới luật khác. Hãy vâng theo lời Phật thực hành sự nghe vô thượng và từ bỏ sự nghe hạ liệt. Hãy làm thày chính mình, trước khi muốn làm thầy thiên hạ.
Tạp Chí Hoa Sen

Thứ Hai, 26 tháng 9, 2016

Cây gai trong thiền


Lời mở: Nhiều người con Phật đang đua nhau ngồi thiền, chen vai hành thiền. Điều đó cũng tốt, nhưng tốt hơn nữa họ cần phải biết có nhiều cây gai trong thiền mà nếu không có chúng, rời khỏi chúng, nhổ tận chúng mới chứng ngộ thiền, mới đắc Thánh Quả, bằng không mọi sự nỗ lực chỉ là chuyện ‘dã tràng se cát biển Đông’ mà thôi.
Chính Đức Phật đã dạy trong bài kinh “Cây Gai”, số 72, Tăng Chi 4, Chương 10, VIII. Phẩm Ước Nguyện, trang 415-418:
1. Một thời, Thế Tôn trú ở Vesāli, tại Ðại Lâm, ở ngôi nhà có nóc nhọn, với rất nhiều các Thượng tọa có danh tiếng, có danh tiếng như Tôn giả Cāla, Tôn giả Upācāla, Tôn giả Kakkata, Tôn giả Kalimbha, Tôn giả Nikata, Tôn giả Katissaha, cùng nhiều Tôn giả có danh tiếng khác.
2. Lúc bấy giờ có nhiều Licchavī có danh tiếng, có danh tiếng lớn đang cỡi các cỗ xe lộng lẫy, tranh đua cao tiếng, lớn tiếng đi vào Ðại Lâm để yết kiến Thế Tôn. Rồi các trưởng lão ấy suy nghĩ: "Có nhiều Licchavī có danh tiếng, có danh tiếng lớn đang cỡi các cỗ xe lộng lẫy, tranh đua cao tiếng, lớn tiếng đi vào Ðại Lâm để yết kiến Thế Tôn, Thế Tôn có dạy:"Tiếng ồn là cây gai cho Thiền." Vậy chúng ta hãy đi đến Gosinga, khu rừng cây sāla. Tại đây, chúng ta có thể sống an ổn, không ồn ào, không chen chúc."
3. Rồi các Tôn giả ấy đi đến Gosinga, ngôi rừng các cây sāla. Tại đây, các Tôn giả ấy sống an ổn, không ồn ào, không chen chúc. Rồi Thế Tôn bảo các Tỷ-kheo:
- Này các Tỷ-kheo, Cāla ở đâu? Upacāla ở đâu? Kakkata ở đâu? Kalimbha ở đâu? Nikata ở đâu? Katissaha ở đâu? Này các Tỷ-kheo, các trưởng lão đệ tử ấy đi đâu?
- Ở đây, bạch Thế Tôn, các Tôn giả ấy suy nhĩ như sau: "Có nhiều Licchavī có danh tiếng, có danh tiếng lớn đang cỡi các cỗ xe lộng lẫy, tranh đua cao tiếng, lớn tiếng, đi vào Ðại Lâm để yết kiến Thế Tôn, Thế Tôn có dạy: "Tiếng ồn là cây gai cho thiền". Vậy chúng ta hãy đi đến Gosinga khu rừng cây sāla. Tại đây, chúng ta có thể sống an ổn, không ồn ào, không chen chúc". Bạch Thế Tôn, các Tôn giả ấy đã đi đến Gosinga, khu rừng cây sāla. Tại đây, các bậc Tôn giả ấy sống an ổn, không ồn ào, không chen chúc.
4. - Lành thay, lành thay, này các Tỷ-kheo. Trả lời như các đại đệ tử đã trả lời, là trả lời một cách chơn chánh. Này các Tỷ-kheo, "Tiếng ồn là gai cho thiền", đã được Ta nói như vậy. Này các Tỷ-kheo, có mười loại cây gai này. Thế nào là mười?
5.
Với người ưa thích viễn ly, ưa thích hội chúng là cây gai.
Với người chuyên chú tu tập tướng bất tịnh, tu tập tịnh tướng là cây gai.
Với người phòng hộ các căn, đi xem văn nghệ trình diễn là cây gai.
Với người sống Phạm hạnh, thân cận với phụ nữ là cây gai.
Với người chứng Thiền Thứ Nhất, tiếng ồn là cây gai.
Với người chứng Thiền Thứ Hai, tầm tứ là cây gai.
Với người chứng Thiền Thứ Ba, hỷ là cây gai.
Với người chứng Thiền Thứ Tư, hơi thở là cây gai.
Với người đã đạt được Diệt thọ tưởng định, tưởng và thọ là cây gai.
* Tham là cây gai. Sân là cây gai. Si là cây gai.
Này các Tỷ-kheo, hãy sống không phải là cây gai. Này các Tỷ-kheo, hãy sống rời khỏi cây gai. Này các Tỷ-kheo, hãy sống không phải là cây gai và rời khỏi cây gai. Này các Tỷ-kheo, không có cây gai là bậc A-la-hán. Này các Tỷ-kheo, rời khỏi cây gai là bậc A-la-hán. Này các Tỷ-kheo, vị không có gai và rời khỏi cây gai là bậc A-la-hán
(HT Thích Minh Châu dịch Việt)

Chủ Nhật, 25 tháng 9, 2016

Còn chết nữa!



Một nhóm cư sĩ nói chuyện với nhau. Vị thứ nhất lên tiếng:

_ Có người nói rằng Đạo Phật đã có cách nay hơn hai ngàn năm trăm năm nhưng thế gian vẫn còn đầy đau khổ, như vậy chứng tỏ Đạo Phật không giúp diệt khổ. Các ông nghĩ sao?

Cả nhóm nhao nhao phản biện:

_ Ông nghĩ sao, nếu có kẻ phán rằng trường học đã có từ lâu đời nhưng đến nay vẫn còn nhiều kẻ ngu si mù chữ, như vậy chứng tỏ trường học không giúp ích gì?

_ Cũng rứa, thuốc men đã có từ muôn đời nhưng đến nay bệnh hoạn vẫn hoàn bệnh hoạn, điều này chứng tỏ thuốc men không có công hiệu. Ông nghĩ thế nào?

_ Thầy giáo đã có, trường học đã có nhưng không chịu đi học, không được đi học, làm sao biết chữ? Cũng vậy, thần y có sẵn, thần dược đầy đủ, bệnh cần uống thuốc nhưng không chịu tin, không chịu uống thuốc, bệnh làm sao khỏi được?

Cư sĩ thứ nhất mỉm cười:

_ Bệnh gì gây khổ? Thuốc gì chữa khổ?

Cư sĩ ngồi cạnh mau miệng:

_ Bệnh tham, bệnh sân, bệnh si gây khổ. Thuốc không tham, thuốc không sân, thuốc không si chữa khổ.

_ Thuốc ở đâu?

_ Dù biết ở đâu, nhưng nếu cứ nghe càn tin bậy, không chịu suy tư kỹ lưỡng, gặp thầy giả, thuốc dỏm còn chết nữa. 

_ Tôi hiểu rồi, cảm ơn các huynh!

Tại gia cư sĩ
(Ảnh Internet)

Thứ Bảy, 24 tháng 9, 2016

CUỘI MƠ THÀNH BỤT



Mùa thu năm ấy Thiên Đình náo loạn khác thường. Bởi, đây là lần đầu tiên trong lịch sử cõi Trời một vụ án kinh thiên động địa xảy ra. Lúc đó đám dân đen khổ sở dưới hạ giới kéo nhau lên tận Cung Trời để kiện với Ngọc Hoàng về những tội tày đình của chú Cuội.
Theo tin tiết lộ ban đầu, Cuội bị tố cáo phạm hàng loạt tội danh nghiêm trọng “lợi dụng uy tín, lừa gạt nhiều người, chiếm đoạt tài sản công dân”. Nghe đâu còn dính líu tới cả một đấng tối cao nào đó. Khắp các cõi trời người, ai nấy đều mong chờ đến ngày được Thượng Đế phán xét.
Rồi cũng đến ngày chân lý phán xử, giữa tiết Trung Thu, Thiên đình nghị án. Trong án phòng chật ních một bên các nguyên cáo bị hại. Tất cả toàn một đám dân lành nghèo khổ, ít học, si mê. Còn bên này bị cáo, trước vành móng khỉ, chỉ một mình chú Cuội đang gãi đầu gãi tai, đứng ngồi nhấp nhỏm không yên.
Sau một hồi trống trời ầm ĩ, mọi người đặt tay lên đầu tuyên thệ nói lời chân thật. Ngọc Hoàng Thượng Đế bắt đầu khai án:
_ Này các nguyên cáo, các ngươi đã bị Cuội lừa đảo như thế nào, sự việc lần lượt ra sao, hãy khai cho ta rõ?
Một đại diện dân đen thân hình gầy còm, quần áo rách rưới, bước lên thổn thức:
_ Dạ bẩm Ngọc Hoàng, chúng con tất cả chỉ vì nghe theo lời hứa của thằng Cuội, cúng dường đầy đủ để mong cầu thoát khổ, nhưng khốn khó ngày càng khốn khó, điêu đứng ngày càng điêu đứng. Hic... hic… hic…
_ Cuội hứa gì?
_ Dạ thưa, Cuội bảo với chúng con rằng “nguyện con sau này, khi được tuệ giác vô thượng, thì vận dụng vô lượng trí tuệ và phương tiện, làm cho mọi người cùng được vô tận những vật hưởng dụng, không để cho ai có sự thiếu thốn”.
Ngọc Hoàng quay sang hỏi Cuội:
_ Ông Giời con kia, ngươi hứa gì hả?
_ Dạ, con là Hứa Văn Cuội!
Ngọc Hoàng đập bàn, quát:
_ Ta không hỏi họ tên ngươi. Ta hỏi ngươi có hứa với họ đúng như thế không?
Cuội cúi đầu lí nhí:
_ Dạ thưa, có hứa thế ạ!
Tề Thiên nhỏm dậy, chỉ tay vào Cuội:
_ Cha chả, ông tướng con này! Ngươi biết cõi Ta Bà đầy dục ái, của ít tham nhiều, nhân quả khổ đau đủ thứ. Ngươi hứa lèo hứa cuội để dụ dỗ người khác, bố thí toàn không khí. Ngươi học ai dám lếu láo như vậy hả? Tội này đáng cho vào lò Bát Quái.
Sa Tăng liếc nhìn Ngọc Hoàng, vội vàng kéo Ngộ Không ngồi xuống, không cho nói tiếp. Đám chư Thần huyên náo, kẻ bênh người chống, ồn ào một lúc. Thượng Đế lại đập bàn, cả án phòng mới im lặng.
Một nhóm bị hại khác, râu tóc trọc lóc bước lên trình tấu:
_ Dạ thưa Ngọc Hoàng, còn chúng con chỉ vì nghe theo lời Cuội, nghĩ được hắn chống lưng, dù có làm càn phá giới cũng được y cứu thoát. Nào dè cả lũ bị bắt vào trại “Phục hồi nhân phẩm”, cải tạo mút mùa nước lũ, chẳng ai thèm thương xót. Ối giời ơi, nhục ơi là nhục!
Bắc Đẩu Tinh Quân nhăn mặt:
_ Cuội hứa thế nào mà tin nó?
_ Dạ, hắn bảo với chúng con rằng: “nguyện con sau này, khi được tuệ giác vô thượng, thì vô số người tu hành phạm hạnh trong chánh pháp của con, con làm cho tất cả được giới thể không thiếu sót, trọn vẹn giới pháp ba loại. Giả sử phá phạm đi nữa, nghe danh hiệu con rồi là phục hồi thanh tịnh, không rơi vào đường dữ”.
Ngọc Hoàng Thượng Đế gằn giọng:
_ Cuội, có đúng ngươi hứa như vậy không?
Cuội rúm người gãi rốn:
_ Dạ…, đúng ạ! Nhưng con dùng chữ “nếu”, có nghĩa là giả thuyết thế thôi, vấn đề còn lại là ở phía đối tác, người nghe có…
Na Tra Thái Tử ôm bụng cười nghiêng ngả:
_ Ha ha ha, có… phá giới hay không. Bố ngụy biện vừa thôi Dóc Tổ. Kẻ phạm giới mà chỉ cần nghe tên thôi được phục hồi thanh tịnh, con nít như ta còn không tin nổi. Còn lũ người kia tín bừa làm bậy, bị bắt vào “Phục hồi nhân phẩm” cải tạo là đúng rồi còn gì. Oan cái lũ khỉ gió!
Na Tra nói xong, nháy mắt nhìn Tề Thiên cười đểu. Đám đầu trọc biết mình cũng có lỗi, không dám nói gì thêm, chỉ cúi đầu lau nước mắt lui xuống. Đến lượt một đám đông những kẻ thân hình thấp kém, giác quan không đủ, xấu xí, u mê, mù điếc, câm ngọng, tay quắp, chân quẹo, lưng gù, phung lác, điên cuồng bước ra. Một đại diện run rẩy:
_ Kính bạch Thượng Đế, chúng con cũng bị thằng Cuội lừa gạt không tha. Cuội biết chúng con bất hạnh khổ đau, thường mong cầu hết nạn, hắn hứa với chúng con thế này: Nguyện con sau này, khi được tuệ giác vô thượng, những kẻ thân hình thấp kém, giác quan không đủ, xấu xí, u mê, mù điếc, câm ngọng, tay quắp, chân quẹo, lưng gù, phung lác, điên cuồng, đủ thứ bịnh khổ, nhưng nghe danh hiệu con rồi, tất cả đều đẹp đẽ, thông minh, giác quan hoàn bị, hết mọi bịnh khổ”. 
Ngọc Hoàng tròn mắt:
_ Cuội, ngươi dám hứa lèo như thế à?
Cuội che mặt bẽn lẽn:
_ Dạ, lèo… tí ạ!
Nam Tào đang ghi chép cũng phải ngừng tay, nhìn các bị hại:
_ Tất cả các ngươi nghe danh hiệu ấy bao nhiêu lần rồi, có kẻ nào được đẹp đẽ, được thông minh, giác quan hoàn bị, hết mọi bịnh khổ không?
_ Bẩm ngài, chúng con nghe vạn lần rồi, đã không được gì thì chớ, trái lại còn hao tốn tiền của, mua nhang cúng đèn, góp công góp sức, thiệt hại biết bao năm trời nhưng thân khổ vẫn hoàn thân khổ. Hu hu hu…
Ngọc Hoàng mới nghe tới đây đã thấy nhức đầu nóng mặt, vội vàng cho tạm ngưng phiên tòa để Thần Y đo lại huyết áp cho ngài. Một lúc sau Ngọc Hoàng thấy tạm ổn mới tiếp tục thăng đường. Ngay tức khắc một đám bệnh nhân khổ sở bước ra tố cáo:
_ Bạch Ngọc Hoàng, chúng con đều bị mọi thứ bịnh khổ hành hạ, không ai cứu giúp, không nơi nương tựa, không thầy thuốc, không thuốc men, không thân thuộc, không nhà cửa, nghèo nàn lắm khổ. Cuội biết chúng con có bệnh thì vái tứ phương, nghèo hay thích giàu, hèn hay thích chảnh, nên hứa chắc như đinh đóng mả: Nguyện con sau này, khi được tuệ giác vô thượng, những kẻ bị mọi thứ bịnh khổ hành hạ mà không ai cứu giúp, không nơi nương tựa, không có y sĩ, không có dược liệu, không có thân thuộc, không có nhà cửa, nghèo nàn lắm khổ, thì danh hiệu của con, một khi đi qua thính giác của họ, là bịnh khổ tan biến, thân tâm an lạc, nhà cửa, thân thuộc và đồ dùng, đầy đủ tất cả, cho đến thực hiện được tuệ giác vô thượng.”
Đông Cung Thái Tử nãy giờ im lặng, đập bàn đứng dậy quát to:

_ Mi đùa hả Cuội? Nổ vừa thôi chứ. Bố tưởng mọi người điếc hết rồi sao, lại chơi quăng bom tấn.

Cuội rụt cổ bịt tai:
_ Dạ, Cuội không dám đùa. Có kẻ điếc đấy ạ. Điếc mới mê bom!
Chử Đồng Tử hai tay ôm chặt khố rách:
_ Í chời đất ơi! May quá, con ở trên này không nghe Cuội hứa. Con mà tin nó, chắc đến cái khố nát cũng chẳng còn. Chứng khoán được mùa, nó tính bán trời không văn tự. Chị Hằng ơi, kíu em!
Hằng Nga nghe gọi đến tên liền ưỡn người, điệu đà bắt chéo chân như vô tình để lộ cặp chân dài hơn chân hươu cao cổ, ngoe nguẩy nhìn Chử Đồng Tử:
_ Nỡm ạ! Hằng Nga cứu mình không xong, đi cứu ai. Nga em ở trên Cung Trăng cùng với anh Cuội, bị ăn hiếp hoài. Tiên nữ chúng em chúa ngây thơ, đến “có” với “không” cũng lẫn lộn; lắm lúc mắc lỡm anh Cuội đến quên cả tháng ngày, nguyệt thực không đều. Đáng thương lắm. Mọi người nhìn kìa, đám bị hại phần lớn đều là phụ nữ cả đấy, thấy không.
Lúc này đám đông toàn đàn bà con gái nhào ra khóc như mưa. Một phụ nữ môi phù nức nở:
_ Kính bạch Ngọc Hoàng, Cuội biết chúng con là phụ nữ nhiều khổ não vì giới tính, lại dễ tin, nên hắn hứa thế này: “Nguyện con sau này, khi được tuệ giác vô thượng, nếu có nữ nhân nào bị hành hạ bởi cả trăm thứ khổ sở của nữ nhân, nên cùng cực chán ngán, muốn thoát thân ấy, thì nghe danh hiệu con rồitất cả đều chuyển thân nữ nhân thành thân nam tử, đủ tướng trượng phu, cho đến thực hiện được tuệ giác vô thượng.”
Thánh Mẫu Nương Nương không nhịn được nữa, hét lớn:
_ Thằng trời đánh kia, có hứa thế không?
Cuội hai tay che ngực thỏ thẻ:
_ Dạ…, có hứa thế ạ!
Bồ-tát Tòng Địa Pháp Huê õng ẹo, liếc xéo đám nữ nhân:
_ Xía! Chuyện chuyển giới nữ thành nam, nam thành nữ chỉ có Bồ-tát thượng phẩm hoặc đi thẩm mĩ viện mới làm được. Các người không thấy mấy tượng thờ Bồ-tát Đại giáo đấy ư? Nam nữ, nữ nam lưỡng thể rất khó phân biệt. Còn chuyện chỉ cần nghe danh hiệu mà nữ hóa thành nam, được tuệ giác vô thượng, chỉ có Hứa Văn Cuội mới làm được. Dóc tổ đến thế mà cũng tin. Thiệt là chán hơn con sán!
Bồ-tát Tòng Địa Pháp Huê vừa dứt tiếng, một đám các nạn nhân thân mình đầy sẹo, tay chân hằn vết gông cùm ào đến làm náo loạn Cung Trời. Bốn Đại Thiên Vương cùng với Thiên Lôi phải mất hồi lâu mới ổn định được trật tự. Một đại diện bị hại nói to:
_ Thưa Ngọc Hoàng, chúng con chỉ vì nghe lời hứa cuội, tin rằng dù làm bậy có bị ngục hình cũng mau được cứu thoát, phước thần uy lực. Cứu đâu không thoát, uy đâu không lực, tất cả chúng con tù vẫn hoàn tù, ngục vẫn cứ ngục, chịu đủ mọi cực hình. Khổ ơi là khổ!
Ngọc Hoàng nhỏm hẳn người lên:
_ Cuội hứa như thế nào mà các ngươi tin?
_ Dạ, hắn hứa: “Nguyện con sau này, khi được tuệ giác vô thượng, thì những kẻ bị phép vua ghi sổ, xích trói đánh khảo, giam nhốt lao ngục, sắp bị hành hình, cộng với vô lượng tai nạn khổ nhục và bi thảm sầu muộn khác nữa, ngâm nấu bức bách, làm cho cả cơ thể lẫn tâm trí đều chịu thống khổ, nhưng nghe danh hiệu của con, thì vì năng lực phước đức và uy thần của con mà họ thoát hết mọi sự lo sợ khổ sở.”
Thượng Đế chắp hai tay lên đầu, vái lịa:
_ Giời ơi là Cuội! Mày lên đây ngồi luôn cho tao nhờ. Ông gạt phăng nhân quả, phước đức uy thần kiểu đó đến trời cũng phải sập. Tao đi bán muối.
Thần Nam căn Priapus teo rúm cả lại, sợ đến vãi ra quần, vật vã quằn quại:
_ Ối anh Cuội ơi! Giá như anh nguyện đại chỉ cần nghe danh Cuội những kẻ ác từ bỏ ý ác, quay đầu làm thiện, chúng em nghe còn có lý, thế gian còn đỡ khổ. Đàng này Cuội để mặc cho lũ ác tạo tội bị bỏ tù, rồi giả nhân cứu giúp. Làm vậy chẳng khác nào Cuội xúi chúng nó đừng sợ gì cả, cứ thiến hết chúng em, cắt tiết hết cả lũ. Anh chơi kiểu này, chúng em đau hơn hoạn. Tội lắm Cu.. ội.. ơi! Hu hu hu…
Long Vương cùng binh tướng tôm cá cũng khóc ròng, cong lưng bái Cuội:
_ Con lạy bố, bố thương cả chúng con! Chỉ cần nghe danh hiệu, mọi tội ác được thoát, con thề với bố, tận thế ngay liền! Những kẻ ác cứ ác, giết cứ giết, chúng truyền tai nhau, chẳng đứa nào sợ quả báo, kéo nhau đi diệt chủng, chết sạch. Lúc ấy Diêm Vương với bố chia đôi thiên hạ. Con đến muối cũng chẳng còn, làm mắm cũng ươn.
Cuội đỏ mặt vớt vát: 
_ Dạ…, nhân quả chứ ạ!
Ngưu Lang Chức Nữ vốn hiềm khích Nguyệt Hằng từ lâu đến ghét luôn cả Cuội. Được dịp này, cả hai song kiếm hợp bích, hè nhau dập Cuội. Chức Nữ liếc xéo chú Cuội lẫn Hằng Nga:
_ V.â.n.g, nhân được nghe danh Cuội con, gặt được quả… bom Nga khuyến mãi chứ ạ!
Ngưu Lang giả giọng Cuội:
_ Dạ, con hồi nhỏ đẻ kho đạn, lớn làm pháo, sáng bán lựu đạn, chiều cưa bom. Nổ hơi bị to, hứa hơi bị liều, miểng văng trúng ai ráng chịu.
Ngưu Lang Chức Nữ lâu lâu mới gặp, lợi dụng dịp này cả hai rúc vào vai nhau khúc khích. Cặp đôi được phen bắt chước mấy phim cổ trang dưới thế, xa làm như thương, gần làm bộ giận, mắt đong đưa, mũi sụt sịt, mồm leo lẻo nửa tuồng nửa kịch “Quỷ nà… ứ thèm… thấy ghét”.
Cả Thiên Đình chẳng ai thấy thèm, chỉ thấy ghét, nhưng lo chuyện đại sự lại ồn náo hẳn lên, mạnh bên nào bàn tán bên nấy, oang oang như một cái chợ. Có tiếng cãi nhau. Nhiều người la hét: “Cứ bảo những ai tin thằng Cuội vào tù, phát loa tên ai đó xem có đứa nào hết lo sợ khổ sở? Bố láo tào lao đến thế mà cũng tin. Chết cũng đáng”, “Chơi kiểu đó binh trời cũng bó tay, chết cả lũ”, “Tuyệt chủng rồi bà con ơi”…
Đến đây đám đông không còn giữ bình tĩnh được nữa, đua nhau vung nắm tay lên trần gào thét “Đả đảo Cuội bịp, đả đảo Cuội lừa, đả đảo Cuội láo… đả đảo, đả đảo, đả đảo…”
Ngọc Hoàng thấy tình thế mỗi lúc một hỗn loạn thêm, liền nháy mắt cho Thần Sấm hành động. Ngay tức thì, Thần Sấm rút súng trời bắn một hơi liên tục. Mọi người ôm đầu nằm rạp, miệng câm như hến, đến lúc ấy trật tự mới được vãn hồi. Ngọc Hoàng nhìn Cuội, hỏi lớn:
_ Này Cuội, trẫm lấy làm lạ một điều, tại răng ngươi hứa nhăng hứa cuội đến như thế mà mọi người vẫn tin, vẫn bị mắc lỡm là sao? Ngươi có thần thông, pháp thuật hay bí quyết gì chăng, khai mau!
Chỉ chờ có thế, Cuội mau mắn lấy trong túi cuốn sách vàng chóe phân trần:
_ Dạ thưa Ngọc Hoàng, mọi người kết tội con oan quá. Con chỉ y theo lời ngài Dược Sư Lưu Ly Quang Vương Bụt trong cuốn kinh này, phát đại nguyện giống y như ngài, không dám sai lấy một từ. Chỉ có điều con sáng tác cuốn kinh mới và bảo mọi người tụng hồng danh Cuội Dược Sư Lưu Ly Quang Vương Bụt. Mọi người kính tín Phật Thích Ca, nhưng không vâng chính lời Ngài, không phán xét suy tư cẩn thận thành ra dễ bị lừa, dễ tin luôn cả con, như đã tin Bụt Dược Sư, Bụt Di Đà, Bụt Bà, Bụt Cuội. Đơn giản vậy thôi, có ai đắc thần thông pháp thuật gì đâu!
Tất cả đám Thần Tiên mới nghe đến chữ “Bụt”, thảy đều giật mình nhìn nhau té ngửa. Chết chửa? Cái gì? Thằng Cuội bảo chính Dược Sư Lưu Ly Quang Vương Bụt phát đại nguyện như thế à? Cuốn kinh kia kinh hoàng khủng khiếp đến thế sao? Cõi Lưu Ly ở đâu? Tin nổi không? Hay mọi người đang nằm mơ? Chẳng lẽ Bụt Dược Sư là sư phụ thằng Cuội? Hay chính bố thằng Cuội bịa ra “kinh Dược Sư” rồi chỉ lại cho nó? Chẳng lẽ tới lúc này Cuội vẫn còn nói láo? Sự thật ở đâu kìa?
Cả án phòng chìm trong trầm tư im lắng như một nghĩa trang. Đâu đó văng vẳng tiếng ai oán của một Tiên nữ cảm thương anh Cuội, buông một câu hò não ruột:
Hò ơ, ai kia sạo bạo người mê.
Cuội đem bắt chước, bị kề án oan.
Thị Mầu oan án chửa hoang.
Cuội mang tiếng oán, nguyện ngang, hứa lèo.
Con mèo mày dám leo trèo.
Gặp cha chú Cuội, mày leo đường nào…
Thánh Mẫu Nương Nương nghe hát xúc động, chuyển giọng cải lương:
_ Úi cha! Cuội bậy quá hè, sao cưng không nói ngay từ đầu. Chị hỏi để tán dương em. Nương chưa kịp tán, em đã dương ngay pháp bảo. Đại nguyện như thế mới phải chứ. Mẫu cũng nể à nghen. Lát nữa qua Điện Mẫu, chị đãi ăn đào tiên mới hái. Nhớ nghe cưng.
Lúc này Cuội được nước, càng lớn tiếng:
_ Đúng vậy. Mọi người phải nể mặt nhau chứ. “Chúng sanh đồng Bụt tánh”, con khỉ Ngộ Không kia cũng thành Bụt được, chẳng lẽ không cho Cuội ước mơ thành Bụt được sao? không cho Cuội phát đại nguyện thành Bụt được à? Bất công như vậy là không đẹp, nót phe! (not fair = không đẹp, không công bằng)
Tề Thiên đến bên Cuội, bắt tay giả lả:
_ Mai đia (My dear). Ai ép Cuội bao giờ, thử Cuội chút cho vui. Đại nguyện như Chú mới thật đại từ đại bi, đại bác ái, đại độ tha nhất hạng ấy chứ. Lão đệ tâm phục khẩu phục hết sức. À, mai ghé đệ, có chuối nhập khẩu chính hãng hảo hảo. Mình chờ Chú đó!
Cuội vỗ vai Ngộ Không, bước ra đứng chống nạnh giữa Thiên Đình, oai phong hơn cả Đại Thánh lúc náo loạn cung trời, hùng biện:
_ Lão Tề chính xác luôn, phải tâm phục khẩu phục nhau chớ. Nếu khép tội Cuội hứa lèo, nhạo báng Cuội bố thí toàn không khí; hẳn cũng phải bắt tội Dược Sư hứa cuội, bố thí toàn khí gây mê. Đại nguyện của Cuội không thực, Cuội vẫn là Cuội, Cuội chưa thành Bụt. Vậy nguyện đại của Dược Sư cũng không có thực, hão huyền, Dược Sư vẫn còn là sư dược, chưa thành Bụt được. Mà dù có thành Phật cũng không tào lao như Cuội. Vậy tại sao mọi người cứ chổng khu lạy Dược Sư, trong khi lại xỉa xói chê trách Cuội đủ thứ. Cuội thì kiện được, còn ông Dược Sư kia ở đâu, sao mọi người không đến đó kiện ổng? Cuội phải dám chơi liều, mọi người mới biết ai điêu, ai dóc tổ. Cuội hỏi thật: Kẻ nào mới đáng tội? Kinh nào mới đáng cho vào lò Bát Quái?
Không ai dám trả lời Cuội một câu. Cả Thiên Đình im lặng phăng phắc, tiếng thở lớn cũng không có, bầu không khí ngẹn thở hơn cả lò hơi ngạt. Bỗng Trư Bát Giới ôm đầu rên rỉ:
_ Thôi chít ngộ rồi! Chít ngộ rồi! Kỳ này chức Tịnh Đàn Sứ Giả họ nhà Trư tiêu ma thật rồi. Nãy giờ tui đã hơi nghi nghi, bây giờ rõ vỡ lẽ.
Các Tiên nữ nhìn nhau cảnh giác, xúm lại hỏi dồn:
_ Chuyện gì bác Trư?
Trư Bát Giới mặt buồn như hết gạo, tranh thủ gục vào vai Ngọc Nữ, nức nở:
_ Bấy lâu nay Bát Giới cũng muốn thêm nhiều tế đàn hưởng lộc, muốn mũi bớt to, muốn bụng sáu múi, đẹp giai hơn Đường Tăng, răng trắng hơn Nguyệt Hằng, được tuệ giác vô thượng nên cũng tin ngay cuốn kinh Cuội Sư Lưu Ly Quang Vương kia, hằng ngày đều đem ra tụng niệm. Ai dè té ra Ngộ Năng cũng bị Cuội cho hít khói, bố thí toàn không khí. Xấu hổ quá. Hu hu hu…
Tiếng khóc của Trư Bát Giới khiến cả Thiên Đình mủi lòng khóc òa theo như đám ma Thần Chết. Ngọc Hoàng thấy vụ án có chiều phức tạp, tuyên bố tạm đình hoãn. Chư Tiên cõi trời lại một phen xôn xao bàn tán.
Có tin rò rỉ từ hành lang, vì vụ án đụng chạm tới danh hiệu Bụt Dược Sư Lưu Ly Quang, là cấp trên của Ngọc Hoàng, nên phải xử kín rồi nhấn chìm xuồng luôn.
Lại có tin từ Cục Điều Tra Thiên Đình Tối Cao phát hiện Bụt Dược Sư chỉ là nhân vật hão huyền, do ai đó bịa đặt ra nhằm bôi nhọ Phật giáo. Hồ sơ có chứng cớ đầy đủ, nhưng vì vấn đề nhạy cảm nên cuối cùng bị tiêu hủy.
Cũng theo nguồn tin khác, chú Cuội phải dời khỏi Cung Trăng để giữ yên dư luận, sang du học cõi Tây Phương Tịnh Độ của đức Bụt A Di Đà nhằm bồi dưỡng kiến thức nguyện đại.
Theo tin tối mật: đám dân đen mê kinh Cuội Sư Lưu Ly Quang Vương Bụt đều bị cho ăn cháo lú, quên hết mọi chuyện. Cả lũ bị chất lên tám vạn bốn ngàn cỗ xe Đại Xa, chở xuống dưới trần chờ đi theo nghiệp của mình.
Đám quần tiên không ai biết rõ thực hư. Tất cả chỉ toàn là tin đồn, mê mê ảo ảo.
Dưới hạ giới cứt trâu để lâu cũng hóa bùn. Trên thượng giới sạch hơn, xóa một lúc cả bùn lẫn cứt. Bởi thế cõi Ta Bà nhiều người không hay biết gì cả, qua bao đời vẫn vô tư dạy nhau tụng niệm thánh kinh thần chú Dược Sư Lưu Ly Quang Vương Bụt “Nguyện thứ ba… thứ năm… thứ bảy… thứ mười, nguyện con sau này… Án lam sa ha… Án sa phạ bà phạ thuật đà, sa phạ đạt ma sa phạ, bà phạ thuật độ hám…”
Còn lũ con nít vẫn cứ ngây thơ, vẫn cứ mê chú Cuội, vẫn thích tết Trung Thu, thích ăn bánh rước đèn vừa đi vừa hát:
Ánh trăng trắng ngà
Có cây đa to
Có thằng Cuội già
Ôm một mối mơ
Hơ hơ hơ...

Tạp Chí Học Phật