Chủ Nhật, 25 tháng 2, 2018

DẠI NGUYỆN PHỔ ÁC BỒ TÁT TRONG VỞ BI HÀI KỊCH DÀI NHẤT LỊCH SỬ NHÂN LOẠI


Tiểu Thiên (TT): -- Này Dại Nhân, có kẻ cho rằng: dù giết mẹ tội này cũng chẳng sao!
Dại Nhân (DN): -- Đồ quỷ sứ!
TT: -- Dù giết cha, cũng không có gì hệ trọng!
DN: -- Thứ ác ma!
TT: -- Dù giết A-la-hán, chớ có sợ, hãy xem nhẹ như lông hồng!
DN: -- Bọn sa-tăng!
TT: -- Dù làm Phật chảy máu: chuyện nhỏ mọn, không đáng kể!
DN: -- Bầy yêu quái!
TT: -- Dù phá hoà hợp Tăng, đó là việc tầm thường thôi!
DN: -- Lũ chằng tinh! Ta còn nhớ rõ trong Kinh Nguyên Thủy Tăng Chi tập 2, trang 543, Đức Phật đã tuyên bố phạm “năm pháp ngũ nghịch này, đưa đến đọa xứ, đưa đến địa ngục (vô gián), không thể chữa trị” cơ mà?
TT: -- Không những có thể chữa trị, mà còn xóa được năm đại nghịch tội vô gián này một cách dễ dàng nhanh chóng. Chỉ cần một điều kiện đơn giản: đó là… hãy truyền bá, phổ biến những điều tôi vừa nói!
DN: -- Trời ơi! Ngươi đúng là đồ quỷ sứ, ác ma, sa-tăng, yêu quái, chằng tinh cộng lại.
TT: -- Ấy chết! Xin ông chớ vội bực mình, hãy bình tĩnh để Tiểu Thiêntôi phân minh cho tỏ tường. Nói có sách, mách có chứng. Ông hãy cố dằn lòng, dỏng tai mà nghe tôi đọc nguyên văn đoạn “siêu thánh kinh” sau đây:
“Đối với mười đại nguyện này, có ai đem lòng tin sâu xa mà tiếp nhận, ghi nhớ, đọc xét văn nghĩa, tụng đọc thuộc lòng, cho đến chỉ sao chép được một bài chỉnh cú bốn câu, cũng mau chóng diệt được năm tội vô gián”.
Tôi nhắc lại, nó là nguyên văn đó. Xin hỏi Dại Nhân, một bài chỉnh cú bốn câu, dù có cao siêu đến đâu chăng nữa, nhưng mau chóng xóa được năm đại nghịch tội vô gián - giết mẹ, giết cha, giết A-la-hán, làm Phật chảy máu, phá hoà hợp Tăng - thì bài văn cú ấy của Chuyển Luân Thánh Vương hay của Chuyển luân ma vương?
DN: -- Tất nhiên chỉ có ác pháp của ma vương mới không đếm xỉa gì tới luật nhân quả, xem thường cả năm đại nghịch tội. Ngay cho dù sao chép một bài chỉnh cú bốn câu có mau chóng diệt được năm tội vô khám: sát sanh, trộm cướp, hiếp dâm, buôn người, bán trẻ cũng đã quá vô lý.
Ngươi hãy thử vào tù, bảo các tội nhân chép bốn trăm câu như thế xem có ai thoát được tội? Tà đạo rõ ràng đến như vậy, tại sao ngươi còn đi tuyên truyền ác tà kiến của bọn yêu tinh quỷ quái?
TT: -- Mô Phật! Ông chớ có phát ngôn bừa bãi kẻo phạm thượng đụng chạm bề trên. Xin ông cứ mở phẩm “Hạnh nguyện Phổ Hiền”, bản dịch của HT Thích Trí Quang, trong kinh đại…thừa Hoa Nghiêm, do tổ sư gốc Bà-la-môn Long Thọ kết tập, sẽ thấy ngay lời dạy của Bồ-tát Phổ Hiền còn rành rành ra đó. Xin thề là tôi không dám bịa, dù chỉ một từ.
DN: -- Lại có chuyện như thế nữa ư? Hay câu văn ngược đạo lý ấy do một kẻ ác ý nào đó thêm vào để xúi dại con Phật, phá hoại Phật Pháp?
TT: -- Vậy, mời ông hãy nghe tiếp đoạn thơ số 57 đầy tuyệt tác và mầu nhiệm, trong đó Bồ-tát Phổ Ác, ấy quên, Phổ Hiền sợ mọi người cũng không tin như ông, không nhớ lời dạy của Phổ Hiền nên “ngài” đã phổ thơ nhắc nhở khẩn thiết:
“Nếu mà xưa kia
không có trí tuệ
nên tạo năm tội
địa ngục Vô gián,
nhưng nếu ngày nay
tụng đại nguyện vương
của đức Phổ Hiền,
thì một sát na
tiêu diệt tức thì
năm tội như vậy”.
DN: -- Hừ, xưa kia đã phạm năm đại nghịch tội, kiếp này làm sao được làm người mà tụng Hoa Nghiêm của Phổ Hiền? Còn nếu đã hết tội được làm người trở lại, thời còn cần gì Phổ Hiền nữa?
Chẳng lẽ kiếp này cứ phạm trọng tội giết mẹ, giết cha, giết A-la-hán, làm Phật chảy máu, phá hòa hợp Tăng rồi tụng mười nguyện vương là xong ngay ư?
Phổ Hiền muốn “xúi trẻ ăn cứt gà” hay sao? Hay mọi người phải đốt bản kinh… hoàng này cho các tội nhân dưới địa ngục vô gián trì tụng để họ được lên ngay dương trần giết tiếp mẹ cha?
TT: -- Thế đấy, ông thử nghĩ mà xem, nghiệp chướng của những Phật tử sẽ như thế nào nếu họ cứ vô tư tin vào Phổ Hiền và cho rằng chỉ cần tụng đại mười nguyện vương này là tức khắc thoát khỏi năm đại nghịch tội vô gián: giết mẹ, giết cha, giết A-la-hán, làm Phật chảy máu, phá hoà hợp Tăng?
Phật giáo sẽ như thế nào nếu tất cả Phật tử đều cuồng tín tin vào sự kết tập kinh…sợ này của tổ sư gốc Bà-la-môn Long Thọ?
Ông đã thấy ra sự nguy hiểm của một trong những “viên đạn tẩm mật” mà các tổ sư ngoại đạo nội gian gián điệp bắn vào Đạo Phật chưa?
DN: -- Quả là lợi bất cập hại, nguy hiểm thật! Thế nhưng mười đại nguyện vương của Phổ Hiền như thế nào lại có “oai lực” nghịch hẳn với lời dạy của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, bất chấp cả đạo luật nhân quả?
TT: -- Chuyện ấy lại thêm một đống âm mưu nguy hiểm khác nữa! Xin kể sơ sơ nguyện thứ bảy của Phổ Hiền nguyên văn thế này: “…đối với chư vị Bồ-tát, Thanh văn, Duyên giác, còn tu học, hết tu học, cho đến hết thảy các bậc Thiện tri thức, tôi đều khuyên mời đừng nhập Niết Bàn, hãy sống với những thời kỳ nhiều bằng số lượng cực vi của tất cả thế giới, để lợi ích yên vui cho tất cả chúng sinh.”
DN: -- Tầm bậy! Rõ ràng ta còn nhớ có lần ngươi nói với ta rằng trong kinh Tương Ưng tập 3, trang 331, Đức Thế Tôn đã xác quyết: “Nhập vào Niết Bàn là sự thực hành phạm hạnh. Niết Bàn là mục tiêu cuối cùng. Niết Bàn là cứu cánh”.
Và trong kinh Tương Ưng tập 5, trang 18, Đức Phật cũng đã định nghĩa rất rõ ràng cụ thể: “Ðồng nghĩa với Niết Bàn giới là nhiếp phục tham, nhiếp phục sân, nhiếp phục si, cũng được gọi là đoạn tận các lậu hoặc” (S.v,8).
Vả lại, trong Tương Ưng tập 5, trang 265, Đức Thế Tôn cũng đã giải thích rõ thế nào là: “Trong khi hộ trì cho mình là hộ trì người khác. Trong khi hộ trì người khác, là hộ trì cho mình”.
Mình có thoát khỏi bùn lầy mới cứu người còn trong bùn lầy được chứ? Có đoạn tận tham sân si, nhập được Niết-bàn-hữu-dư-y, giải thoát khỏi khổ đau mới cứu được người khỏi đau khổ, đúng không?
Chẳng lẽ những ai đã nhập được vào Niết Bàn thì không thể làm lợi ích yên vui cho tất cả chúng sinh?
Tại sao Phổ Hiền không biết khuyên mời mọi người hãy nhập Niết-bàn-hữu-dư-y để cứu bản thân họ, đồng thời phải tích cực đào tạo thế hệ theo sau gánh vác công việc của mình để tiếp tục làm lợi ích yên vui cho chúng sanh như các A-la-hán Thanh Văn Tiểu Thừa?
Đức Thế Tôn và các vị Thánh A-la-hán cũng nhập vào Niết Bàn, nhưng những gương hạnh và lời dạy của các Ngài vẫn đem lại an lạc cho biết bao nhiêu chúng sanh thì sao?
Rất nhiều các Tỳ-kheo Thanh Văn Tiểu Thừa đều lấy Niết Bàn làm cứu cánh nhưng cũng đã mang lại lợi ích an vui đến cho bao nhiêu người, và họ còn đưa đạo Phật thành quốc giáo tại các quốc gia theo truyền thống nguyên thuỷ thì sao? Phổ Hiền và những ai tin theo Phổ Hiền có làm được như thế không?
Lại nữa, không nhập Niết Bàn là không nhiếp phục tham, không nhiếp phục sân, không nhiếp phục si, không đoạn tận các phiền não lậu hoặc, ôm một mớ các ác pháp như thế lại đòi làm lợi ích yên vui cho chúng sanh là sao? Phổ Hiền và kẻ vẽ ra hình tượng Phổ Hiền có còn một chút tỉnh táo hay không?
Mà làm lợi ích yên vui cho tất cả chúng sanh như thế nào? Nói khơi khơi như vậy chẳng khác gì mấy mụ phù thủy phóng lưỡi dụ bọn trẻ con. Hay Bồ-tát Phổ Hiền sẽ cùng với “thánh tăng” Tế Điên không nhập Niết Bàn, ở lại trụ thế để kéo các đệ tử Phật hội nhập cùng các đệ tử lưu linh, chén chú chén anh uống rượu cho quên sầu đời? Hay lại rủ nhau phanh ngực phanh bụng, cười toe toét như hình nộm của mấy anh hề để ban vui giải buồn, làm trò đùa giỡn cho đám con nít?
Nghịch lý và phi lý quá! Phải lấy đi một gạch ngang trong nguyện này của Phổ Hiền để gọi “đại nguyện” là “dại nguyện” mới đúng. Còn nguyện nào cao siêu hơn nữa không?
TT: -- “Cao hổ cốt” thì có, chứ “siêu” thì không. Phổ Hiền phát dại nguyện thứ tám như sau: “thường học theo Phật là như đức Tỳ-lô-giá-na như lai của thế giới Sa bà này… lột da làm giấy, chẻ xương làm bút, chích huyết làm mực, sao chép kinh điển chất bằng núi Tu di, vì tôn trọng chánh pháp mà thân mạng còn không tiếc…”
DN: -- Lại càng vô lý nữa! Thử hỏi hạnh nguyện của Phổ Hiền có hơn gì ý chí tự sát vì tín ngưỡng của những kẻ khủng bố cuồng tín? Họ cũng dám hy sinh thân mạng cho “chánh pháp” của mình chứ có thua gì ai?
Tại sao ông “Phật” Tỳ-lô-giá-na trong kinh Hoa Nghiêm Đại Thừa do tổ sư gốc Bà-la-môn Long Thọ kết tập lại thuyết giáo vụng về như vậy?
Không lẽ Bụt Hoa Nghiêm, Bồ-tát Phổ Hiền và tổ sư Long Thọ đã quên lời dạy đầy trí tuệ của Đức Thế Tôn Thích Ca Mâu Ni trong Kinh Tăng Chi: “Trong một pháp luật được vụng thuyết, này các Tỷ-kheo, người tinh cần tinh tấn sống đau khổ. Vì cớ sao? Vì pháp được vụng thuyết... Trong một pháp luật được khéo thuyết, này các Tỷ-kheo, ai sống tinh cần tinh tấn, người ấy sống an lạc. Vì cớ sao? Vì pháp được khéo thuyết”? (Chương 1, trang 73)                      
Chẳng lẽ Phổ Hiền lại cãi lời Phật Thích Ca Mâu Ni, không muốn là bậc Hiền trí, Đại tuệ; trái lại muốn trở thành kẻ ác trí, dại tuệ, theo tà pháp lầm lạc hay sao?
Thật tội nghiệp, Phổ Hiền đã không còn biết đến điều răn dạy chí lý của Đấng Bổn Sư trong bài kinh “Con Đường Sai Lạc” vẫn còn ghi rõ như vầy: “Ở đây, này Tỷ-kheo, Bậc Hiền trí, Ðại tuệ, không có nghĩ tự làm hại mình, không có nghĩ tự làm hại người, không có nghĩ tự mình làm hại cả hai, có suy nghĩ điều gì thời suy nghĩ lợi mình, lợi người, lợi cả hai, lợi toàn thể thế giới. Như vậy, này Tỷ-kheo, là Bậc Hiền trí, Ðại tuệ” (Kinh Tăng Chi II, tr. 159).
Chẳng lẽ Phổ Hiền đã dại dột tự làm hại mình (dù trên giấy tờ) lại còn rêu rao muốn nêu gương xấu cho người khác để trở thành kẻ bất chánh suy tư như người bất chánh, tư duy như người bất chánh hay sao? Lời Phật dạy trong kinh gốc vẫn còn rành rành thế này: Và này các Tỷ-kheo, như thế nào là người bất chánh suy tư như người bất chánh? Ở đây, này các Tỷ-kheo, người bất chánh suy nghĩ tự làm hại mình, suy nghĩ làm hại người khác, suy nghĩ làm hại cả hai. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là người bất chánh suy tư như người bất chánh.
Và này các Tỷ-kheo, như thế nào là người bất chánh tư lường như người bất chánh? Ở đây, này các Tỷ-kheo, người bất chánh tư lường tự làm hại mình, tư lường làm hại người, tư lường làm hại cả hai.Như vậy, này các Tỷ-kheo, là người bất chánh tư lường như người bất chánh”? (Tiểu Kinh Mãn Nguyệt, TB3, 110).
Tại sao Phổ Hiền không học theo tinh thần từ bi nguyên thuỷ, phát nguyện một cách khôn ngoan hiền trí hơn: “Xin nguyện làm thánh nhân trọn đời nêu gương biết sống thương mình để không gây khổ đau cho mình, thương người để không gây khổ đau cho người; thấu rõ nỗi đau khổ của mình để nỗ lực làm lợi ích cho mình, thấu cảm nỗi đau khổ của người để nỗ lực làm lợi ích cho người, cho cả hai”?
Còn nếu muốn phát nguyện theo kiểu biểu tượng thì thiếu gì các biểu tượng cao đẹp, dũng khí, văn hoa nhưng cũng rất thực tiễn. Sao không phát đại nguyện một cách đầy dũng trí thiết thực như thế này: “Xin nguyện sẵn sàng thị hiện thà ôm cột đồng cháy đỏ mà chết chứ quyết không phá giới, phá luật để khuyên dạy mọi người biết giữ gìn giới luật là giữ gìn mạng mạch cho Chánh pháp, bảo vệ giới luật là bảo vệ nền tảng của Chánh pháp. Thà đau khổ một lần như thế còn hơn phải đau khổ muôn đời trong địa ngục vì tội tà kiến, phá giới”?
Biểu tượng dũng khí tuyệt vời như thế, sao không phát nguyện? Có phát đại nguyện như vậy mới thực sự là đại từ, đại bi, đại trí, đại dũng; mới là tích cực giúp mình, giúp người, tôn trọng chánh pháp, đúng không nào?
Lại nữa, giả sử có một kẻ dại dột nào đó bắt chước làm như Phổ Hiền thì viết chưa xong một trang giấy đã chết không kịp ngáp, lấy đâu ra sinh mạng để sao chép chất bằng núi Tu di? Còn nếu phải nhiều đời, nhiều kiếp mới tạo ra được ngọn núi bằng thịt, da, xương, máu của con người như vậy, thời phải gọi núi Tu di ấy là “Những vần thơ của quỷ Dracula” chứ kinh điển chánh pháp cái nỗi gì?
Cũng may, vì dại nguyện của Phổ Hiền quá cao siêu nên không đến được tai bọn trẻ con đường phố. Bọn chúng mà nghe được kiểu liều mình (dù trên cửa miệng) không đúng chỗ, đúng lúc, đúng cách, đúng đối tượng, đúng mục đích - tức tà tinh tấn - của Phổ Hiền, sẽ xếp Phổ Hiền vào loại “chơi dại lấy tiếng ngu” thì Phổ Hiền còn bị chết hai lần, tai tiếng nát tan chứ tái sanh làm sao nổi. Đúng là “Thánh đần, dân khổ. Thánh “nổ”, lộ ngay mặt tà”!
Dại nguyện tào lao của Phổ Hiền xóa tội giết một con kiến còn không xong, nói gì đến chuyện mau chóng tiêu diệt năm đại nghịch tội. Nghe như có mùi phản thệ giáo, tà ma thế nào ấy nhỉ?
TT: -- Ông tung một hơi “liên hoàn chưởng” khiến trời phải quang, mây phải tạnh, sự việc rõ như ban ngày còn phân vân gì nữa. Đây, tôi cho ông thêm một minh chứng khác nữa về sự phản thệ thấu cáy của Phổ-giả-hiền qua dại nguyện thứ chín của ông ta:
“…cho đến tất cả tám bộ thiên long, nhân loại và loài khác, không chân, hai chân, bốn chân, nhiều chân, có hình sắc, không hình sắc, có tư tưởng, không tư tưởng, không phải có tư tưởng, không phải không tư tưởng; tất cả chủng loại như vậy, đối với họ tôi đều tùy thuận cả: tôi phụng sự đủ cách, cung dưỡng đủ cách, kính như kính cha mẹ, thờ như thờ sư trưởng, thờ La hán cho đến như thờ Như lai, đồng đẳng không có gì khác cả.”
DN: -- Phổ Hiền nguyện tầm bậy rồi. Nguyên văn trong chánh kinh Nikāya, bài kinh Như Lai số 41, Tương Ưng tập 5, Đức Thế Tôn dạy rõ thế này: “ -- Cũng như, này các Tỷ-kheo, đối với tất cả loại hữu tình không chân, hai chân, bốn chân, hay nhiều chân, có sắc hay không sắc, có tưởng hay không tưởng, hay không có tưởng và không không có tưởng; Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác, được gọi là tối thượng.
Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, phàm có thiện pháp gì, tất cả đều lấy không phóng dật làm căn bản, đều lấy không phóng dật làm chỗ quy tụ. Không phóng dật được gọi là tối thượng đối với tất cả pháp ấy”.
Phổ Hiền đã nguyện tầm bậy thì chớ, lại còn thiếu sót nữa. Sao Phổ Hiền không thờ cả Bồ-tát để ta có dịp phụng sự, cung dưỡng, kính ngưỡng các Bồ-tát Địa Tạng, Bồ-tát Quan Âm, Bồ-tát Văn Thù, Bồ-tát Long Thọ, Thế Thân, Vô Trước… y như tất cả các chủng loại khác, không chân, hai chân, bốn chân, nhiều chân đồng đẳng không có gì sai khác? Sự thiếu sót với bất cứ lý do gì của Phổ-giả-hiền ở đây cũng thật đáng trách.
Hơn nữa, hàng triệu triệu con người còn đang đói khổ bệnh hoạn, sống dở chết dở, có ai đã chứng nghiệm, chứng minh được sự phụng sự đủ cách, cung dưỡng đủ cách của Phổ Hiền chưa? Lời hứa hẹn bỏ ngỏ ôm đồm cả vũ trụ theo kiểu một “Thượng đế bên dưới” không thể xác minh xác chứng như của Phổ Hiền, nói thật, thằng Cuội ngồi gốc cây đa cũng dám vỗ ngực, vỗ đùi hứa được. Vớ vẩn kiểu này phải gọi là nguyện càn, nguyện đại, chứ đại nguyện cái nỗi gì? Khéo vẽ bóng nên hình!
Ơ! Nhưng sao lời lẽ của Phổ Hiền lại có vẻ móc mỉa, xỏ xiên, thấu cáy giống như các Sa môn, Bà-la-môn ngoại đạo thù ghét Đạo Phật như trong Kinh Nguyên Thủy còn ghi lại thế nhỉ? Họ có mối liên hệ tín ngưỡng hay giai cấp gì không đấy? Thật là đáng nghi ngờ!
TT: -- Ai ngây thơ như ông mới còn nghi ngờ, chứ những người có trí tuệ đều thấy cả rồi. Chỉ có điều, kẻ đứng ngoài xỏ xiên chửi rủa, tức khắc ai cũng biết, nhưng nếu hắn chui vào bên trong móc mỉa phá hoại, thì khối người ngu không hay, thậm chí còn tôn vinh hắn nữa.
Xin ông hãy kham nhẫn mà nghe tiếp nguyện cuối cùng của Phổ Hiền:“…mở bày đường chính của nhân loại chư thiên và Niết Bàn. Nếu chúng sinh vì làm bao nghiệp dữ mà bị những quả khổ nặng nề thì tôi chịu thay hết cho họ, làm cho họ được giải thoát, cứu cánh thành đạt vô thượng Bồ-đề”.
DN: -- Mới vừa rồi nguyện thứ bảy khuyên người ta đừng nhập Niết Bàn, bây giờ lại mở bày đường chính Niết Bàn là sao? Trí nhớ của Phổ Hiền bị tan nát bể vụn rồi chăng?
Nếu cứ chịu thay quả báo khổ đau cho kẻ ác được, còn gì là luật nhân quả? Cứ cứu chuộc tội ác khơi khơi như Phổ Hiền chẳng khác nào xúi dại người ta đừng sợ quả báo, cứ tiếp tục gây bao nghiệp dữ. Nguyện kiểu này có giúp những kẻ hung ác biết làm lành lánh dữ, thành đạt vô thượng Bồ-đề không?
Giả sử có một ông bố ác nhân, giết người như ngoé, trộm cướp như ranh, tạo bao nghiệp ác, nhưng có đứa con tự xưng quan quyền đứng ra xin chịu thay hết tù tội để giải thoát cho bố. Thử hỏi có luật pháp thế gian nào lại chấp nhận điều phi lý như thế, huống hồ ở đây lại là luật nhân quả?
Hơn nữa, đó có phải là cách tốt nhất của một người có trí tuệ nhằm giáo dục, giúp đỡ cho kẻ dữ nên người? Vả lại Đức Phật cũng đã dạy rành rành: “Tự mình làm điều ác. Tự mình làm nhiễm ô. Tự mình ác không làm. Tự mình làm thanh tịnh. Tịnh, không tịnh tự mình. Không ai thanh tịnh ai (PC 165). Mỗi người phải biết sợ quả báo và tự mình phải chịu trách nhiệm lấy bản thân mình, nhờ vậy thế giới mới trở nên lương thiện an bình được chứ?
Kẻ phàm phu như ta còn biết “Thương cho roi, cho vọt. Ghét cho ngọt, cho bùi”. Phải chăng sự ngọt bùi của Phổ Hiền giống như mật ngon làm chết mấy con ruồi?
Chắc chắn trong những nguyện đầu, Phổ Hiền thế nào cũng giả bộ trá hàng, tung hô theo Phật giáo để những kẻ nhẹ dạ chạy theo; sau đó mới quay lại vung “đao” nguyện tiếp bằng đòn “hồi mã thương” để chém vào các con Phật chứ gì?
Thôi, bấy nhiêu cũng đủ cho một kẻ dại nhân như ta hiểu rõ chân-ngụy, chánh-tà. Ta chẳng thèm nghe nữa. 
TT: -- Ông đã có tha tâm thông rồi đấy! Vả lại, tôi cũng không muốn nói thêm làm gì những điều nhảm nhí ấy. Chỉ có điều, vì nó quá ư tà đạo gian ngụy nên người đời sau chắc thấy không ổn, nên ai đó đã chế tác thêm mười nguyện phụ, và chưng dẫn các nguyện này để khỏa lấp đi các dại nguyện chính thức của Bồ tát Phổ Ác.
DN: -- Mọi người không tìm hiểu tài liệu tận gốc, không nghiên cứu tư liệu tận nguồn, cứ nghe sao tin vậy để rồi trở thành những kẻ “nhận giặc làm cha, nhận tú bà làm mẹ”! Thiết nghĩ, bổn phận của mỗi người con Phật là phải nhặt ra những “viên đạn tẩm mật” ẩn mình trong kinh văn giả để bảo vệ cho Phật pháp.
TT: -- Nhưng trước hết trách nhiệm này thuộc về các Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức, Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Tiến sĩ Phật học, Giảng sư, Pháp sư, những “Như Lai sứ giả” và những người có tấm lòng thiết tha vì Chánh Pháp của Đức Thế Tôn Thích Ca Mâu Ni.
DN: -- Ý ông muốn nói “Đạo Pháp tồn vong, tứ chúng xung phong, Tăng Ni hữu trách”?
TT: -- Đúng vậy!
DN: -- Nhưng bản thân mình còn bị nước cuốn trôi, làm sao cứu được người đang chết đuối? Tăng Ni không giữ giới, chưa thoát ly tham ái, làm sao có chánh tri kiến biết phân biệt chánh tà để chỉ dạy cho người khác? Các sư phụ, sư mẫu phải nỗ lực tự cứu lấy chính mình trước, rồi sau đó mới biết cách cứu giúp cho mọi người chứ? 
TT: -- Hẳn nhiên là như thế và mỗi người tu sĩ phải tự mình trả lời câu hỏi này của ông. Còn ở đây, tôi có thể trả lời tất cả những câu hỏi từ nãy đến giờ của ông một cách đơn giản thế này:
“Trong khi Đạo Phật chính thống là một nếp sống ly dục để ly khổ, diệt dục để diệt khổ theo Tám Chánh Đạo, thì tôn giáo lại là thuốc phiện của nhân loại. Đương nhiên, khi Đại Thừa giáo đã cải biến theo hướng tôn giáo, để thu hút tín đồ nó cũng phải sử dụng các “chất gây mê” như niệm chú, tụng kinh gõ mõ, lập đàn tế tự, cầu đảo, cầu siêu, coi bói, xin xăm…
Lại nữa, một khi những tín đồ đã bị ngấm chất “ma túy vô phân biệt” được ngụy trang một cách khéo léo, đương nhiên họ sẽ dễ dàng chấp nhận mọi tà lý, tà thuyết, kể cả tà pháp chống lại Phật pháp. Chính vì thế các kinh Đại Thừa cải giáo như Hoa Nghiêm, Pháp Hoa, Lăng Già… mới sống dai cho đến tận bây giờ. Không những thế mọi người còn hùa nhau cong lưng tín phục, cúi đầu tòng thuận mọi điều, kể cả những điều thâm ác nhất như mấy dại nguyện của Phổ-giả-hiền vừa rồi”.
Đấy, bây giờ ông đã thấy mê man, kính nể, sợ hãi rồi chưa? Và cũng hết thắc mắc rồi phải không?
DN: -- Những ai thấy sợ hãi thì không thắc mắc về Phổ-giả-hiền, chứ tôi không những không sợ hãi mà còn khuyến cáo những ai đọc Hoa Nghiêm cần phải sửa lại cho đúng: “Đối với mấy nguyện đại này, có ai đem lòng tin sâu xa mà tiếp nhận, ghi nhớ, đọc xét văn nghĩa, tụng đọc thuộc lòng, cho đến chỉ sao chép được một bài chỉnh cú bốn câu, cũng mau chóng đọa địa ngục vô gián”.
TT: -- Lành thay! Ông đã lấy trí nhân để thay hiểm ác.
DN: -- Còn nữa: “Nếu mà xưa kia không có trí tuệ nên tạo năm tội địa ngục Vô gián, nhưng nếu ngày nay tụng dại nguyện vương của Phổ giả hiền, thì một sát na tăng trưởng tức thì năm tội như vậy”.
TT: -- Chí lý thay! Ông đã đem nhân quả để thắng gian tà.
DN: -- Này ông, tôi có cảm giác, hình như, từ xưa đến nay người ta chỉ đọc Hoa Nghiêm bằng đức tin đơn thuần, chứ không có một chút lý trí nào cả.
TT: -- Chính xác là như thế chứ còn “cảm giác” với “hình như” gì nữa. Người ta có đọc không, còn phải kiểm tra lại. Nhưng rõ ràng đã có chuyện người trước nói sao, người sau lao theo nói vậy.
Đã có một hòa thượng tiến sĩ viết trong cuốn Phật Học Căn Bản để “hoằng pháp” cho mọi người rằng: một vị tôn túc “bác học” nổi tiếng của Phật giáo Đại Thừa phán truyền kinh Hoa Nghiêm được Phật thuyết trong vòng 21 ngày ngay sau khi chứng đạo. Vì nó chỉ dành riêng cho các Bồ-tát cao siêu mới lĩnh hội được, cho nên các A-la-hán Thanh văn Tiểu Thừa như Xá-lợi-phất, Mục-kiền-liên, A-nan dự hội không hiểu gì cả, chẳng khác gì như những người mù câm điếc (?)
DN: -- Trời đất thánh thần thiên địa ơi! Trí tuệ đi đâu cả rồi? Mới 21 ngày ngay sau khi chứng đạo, lúc này năm anh em ông Kiều Trần Như còn chưa có, lấy đâu ra các Thánh Tăng A-la-hán để cho các tổ sư Bà-la-môn Đại Thừa và ông hòa thượng tiến sĩ hùa nhau phỉ báng? Chính những ai tin vào những gián điệp lừa bịp và ngụy kinh Hoa Nghiêm của họ mới thật sự điếc câm mù!
TT: -- Ông nói thế, các Bồ-tát Đại Thừa tự ái rồi cãi bừa rằng kinh Hoa Nghiêm được thuyết giảng cả sau 21 ngày thì sao?
DN: -- Thì tôi hỏi họ tiếp: nếu vậy tại sao trong Nikāya – tạng kinh đồ sộ ghi lại đầy đủ tất cả các sự kiện từ lúc Đức Phật ra đời đến khi Ngài nhập diệt, thậm chí có cả nhiều kiếp về trước – lại không có đến một dòng nào, một chữ nào, một người nào, một chư Thiên nào nhắc tới “pháp hội” đặc biệt này?
TT: -- Có kẻ nói thế giới Hoa Nghiêm bất khả tư nghì, tất cả không gian – thời gian trên đầu ngọn cỏ?
DN: -- Sao các Thánh A La Hán không bất khả tư nghì luôn, lại bắt họ như mù câm điếc? Chẳng lẽ những kẻ phá hoại Phật Pháp không biết nói láo, lươn lẹo để hợp thức hóa các kinh văn ngụy tạo của chúng hay sao mà cứ tin bừa?
Giả sử giờ đây có một tên lưu manh đưa ra cuốn “kinh Nghiêm Hoa bất khả tư nghì”, chê bai tất cả các kinh văn phát triển, và phỉ báng tất cả các Bồ-tát Đại Thừa. Thế nhưng vài trăm năm sau có những kẻ tin ngay vào điều này và quay lại khinh thường cả Hoa Nghiêm và Đại Thừa. Thử hỏi những hậu sanh này thế nào? Họ có cả tin ngây thơ không?
TT: -- Ông là công tố viên số một. Những kẻ bị ông vạch tội khó mà chạy thoát!
DN: -- Không chỉ có tôi mà mọi người đều phải có trách nhiệm vạch mặt những kẻ chủ mưu vẽ rắn thêm chân, vẽ rồng thêm dép, bịa đặt những điều quá ư phi lý để phá hoại Phật Pháp ngay từ bên trong.
TT: -- Thực là khó, vì trí tuệ đi vắng là tà tín bước vào ngay. Đã tà tín rồi còn mong chi thấy rõ chánh tà, chân ngụy.
DN: -- Tôn giáo đúng là thuốc phiện của nhân loại thật! Xưa kia, Trọng Thủy phải ngụy trá làm con rể của An Dương Vương mới tước được nỏ thần thật, tráo bằng nỏ thần giả để rồi giúp Triệu Đà phá tan thành trì Cổ Loa. Nhưng liền sau đó An Dương Vương đã biết ngay bộ mặt thật của kẻ làm hại mình, chiếm đất nước mình là ai. Thế mà…
TT: --Thế mà trong khi đó, Phật giáo cũng có những “Bồ-tát Triệu Đà - Trọng Thủy” tráo đổi pháp giả, phủ nhận pháp thật, nhưng qua hằng ngàn năm vẫn không bị phát hiện, lật tẩy. Đã vậy chúng còn khiến cho không ít người mê muội chạy theo, hết lời tán dương pháp giả, ca tụng thánh giả; quay lại khinh chê Pháp thật, coi thường Thánh thật.
DN: -- Mê ơi là mê, tội ơi là tội! Nhưng tại sao người ta lại dễ dàng bị chích “thuốc phiện tà giáo” thế nhỉ?
TT: --Thật dễ hiểu! Do Thân không tu tập, Giới không tu tập, Tâmkhông tu tập, Tuệ không tu tập nên không còn tỉnh táo để phân biệt thực - hư, chánh - tà chứ sao. Thực tế đã xảy ra hoàn toàn đúng với lời tiên tri của Đức Thế Tôn.
DN: -- Ngài tiên tri thế nào?
TT: -- Ông hãy lóng tai nghe tôi đọc nguyên văn: “Lại nữa, này các Tỷ-kheo, sẽ có những Tỷ-kheo trong tương lai Thân không tu tập, Giới không tu tập, Tâm không tu tập, Tuệ không tu tập.
Do Thân không tu tập, Giới không tu tập, Tâm không tu tập, Tuệ không tu tập, khi họ thuyết về Thắng pháp hay về Quảng thuyết (Trí giải luận), họ rơi vào hắc pháp, không có thể giác ngộ rõ ràng
đối với các kinh tạng do Như Lai tuyên thuyết, thâm sâu, ý nghĩa sâu kín, siêu thế, liên hệ đến Không (1), khi các kinh ấy được thuyết giảng, họ không có nghe, họ không có lắng tai, họ không an trú tâm liễu giải, họ không nghĩ rằng các kinh ấy cần phải học tập, cần phải học thuộc lòng.
Còn những kinh điển do các thi sĩ làm, những bài thi, với những chữ văn hoa, với những câu văn hoa, thuộc ngoại điển do các đệ tử thuyết, trong khi các kinh ấy được thuyết giảng, họ sẽ lắng nghe, họ sẽ lóng tai, họ an trú tâm liễu giải. Các pháp ấy, họ sẽ nghĩ cần phải học tập, cần phải học thuộc lòng.
Này các Tỷ-kheo, đây là do Pháp ô nhiễm, nên Luật ô nhiễm; do Luật ô nhiễm, nên Pháp ô nhiễm. Này các Tỷ-kheo, đây là sợ hãi thứ tư… thứ năm về tương lai, nay chưa sanh khởi, nhưng sẽ sanh khởi trong tương lai, các Thầy cần phải hoàn toàn rõ biết chúng. Sau khi hoàn toàn rõ biết, các Thầy cần phải tinh tấn để đoạn tận sợ hãi ấy (Kinh Tăng Chi 2, Chương 5, trang 480).
DN: -- Đúng là Đấng Chánh Biến Tri! Ngài nói không sai một chút nào“Khi nào các người ngu có mặt, chính họ làm Diệu pháp biến mất”(Tương Ưng 2, trang 386). Vì ngu nên mới dựng ác phá thiện, mới lấy tà huỷ chánh. Vì ngu mới tin càn ác nhân, mới tín bừa tà đạo. Hai cái ngu này hợp lại, Diệu pháp sống làm sao nổi!
TT: -- Ông chớ coi thường, phải cảnh giác với “cái ngu” của kẻ ác hiểm. Hầu hết các kinh văn Đại Thừa được kết tập xiển dương bởi các tu sĩ gốc Bà-la-môn như Long Thọ, Thế Thân, Vô Trước đều có chung một đặc điểm: đó là thường ở ngay phần đầu, các tác giả của chúng sau khi cũng biết “Như vầy tôi nghe” liền ra sức tán dương, ca tụng, tôn vinh Đức Phật và “pháp cải biên” hết lời, hết chữ…
DN: -- À! Tôi biết rồi, có như vậy Phật tử mới dễ dàng tin ngay nó là kinh Phật, lời Phật, pháp Phật.
TT: -- Đúng thế! Ngay từ hai ngàn năm trăm năm trước, trong bài kinh Phạm Võng, Trường Bộ 1, Đức Thế Tôn đã cảnh giác về điều này.
DN: -- Ngài cảnh giác thế nào?
TT: -- Ngài dạy: “Này các Tỷ-kheo, nếu có người tán thán Ta, tán thán Pháp, hay tán thán Tăng, thời các ngươi không nên hoan hỷ, vui mừng, tâm không nên thích thú.
Này các Tỷ-kheo, nếu có người tán thán Ta, tán thán Pháp hay tán thán Tăng, mà nếu các ngươi hoan hỷ, vui mừng và thích thú thời sẽ có hại cho các ngươi.
Này các Tỷ-kheo, nếu có người tán thán Ta, tán thán Pháp hay tán thán Tăng, thời các ngươi hãy công nhận những gì đúng sự thật là đúng sự thật: "Như thế này, điểm này đúng sự thật, như thế này, điểm này chính xác, việc này có giữa chúng tôi, việc này đã xảy ra giữa chúng tôi".
DN: -- Đúng là Đấng Chánh Biến Tri có khác. Cho nên các kinh văn Đại Thừa xuất hiện sau này, do các luận sư Bà-la-môn giới thiệu, càng tán thán Phật và pháp cải biến bao nhiêu càng phải cảnh giác bấy nhiêu.
TT: -- Có vậy mới không chuốc hoạ vào thân. Ông nên nhớ kỹ, ngay sau những lời tán thán ấy là tới phần ngụy biện khéo léo, hý luận dông dài nhằm phân hoá biến chất Đạo Phật, xúi dại con Phật, phản lại lời Phật (trong kinh gốc), khinh thường Thánh Tăng A-la-hán. Những lời nguyện của Phổ Hiền chỉ là một trong hàng ngàn đòn phản công phá ngầm Đạo Phật một cách rất thâm hiểm của các tu sĩ gián điệp gốc ngoại học.
DN: -- Mánh khóe đó chẳng khác nào cung cách của những tên lừa đảo láu cá: “Lạy bố chí thánh, chí thiện, chí cao cả anh minh, bao trùm thiên hạ. Bố là vĩ đại, oai hùng, hiển hách, nhất thống, siêu nhân. Con xin gieo năm vóc, quỳ mọp dưới chân bố để con cái bố mất cảnh giác, để con được dễ dàng vào nhà của bố... làm hại con gái bố!”. Tôi nói như vậy có đúng không?
TT: -- Không sai! Nhưng dĩ nhiên, đã là đạo đức giả, ngụy quân tử và lưu manh hơn cả Nhạc Bất Quần thì chúng không nói huỵch tẹc như ông, trái lại chúng phải che dấu kỹ lưỡng tà ý của mình.
DN: -- Giống như “Con ngựa thành Troy” che dấu kỹ lưỡng các chiến binh sát thủ trong bụng của nó?
TT: -- Đúng vậy! Nhưng khốn nỗi, người ta đã bị làm cho mờ mắt đến độ chỉ thấy có “con ngựa vĩ đại” trên cỗ xe to lớn, chứ không thể thấy được các lưỡi kiếm nguy hiểm chết người trong ruột gan của nó. Vì sao ông có biết không?
DN: -- Vì “Thân không tu tập, Giới không tu tập, Tâm không tu tập, Tuệ không tu tập” nên “rơi vào hắc pháp” dễ dàng tin theo tên sứ giả vào trong thành trì của mình chứ sao.
TT: -- Và cũng vì mọi người đã bị mê mẩn quay cuồng trước những lời của tên sứ giả đã hết lời tán dương ca ngợi sự vĩ đại, cao siêu của đức vua và nhân dân thành Troy. Để rồi kế đó…
DN: -- Hắn vừa tròng vào cổ mỗi người những vòng nguyệt quế kiêu hãnh, vừa ngân nga những kệ tụng đầy âm vang say sưa của chuông và mõ:
“Thưa các ngài Đại Nhân,
Thượng căn và thượng trí,
Dũng mãnh Bồ-đề tâm,
Phước to, đức đầy đủ,
Chỉ có sự vĩ đại
Của chính các quý ngài,
Mới xứng đáng nhận lãnh,
Món quà con ngựa gỗ,
Vĩ đại của chúng tôi,
Bởi vì rằng thì là...
Tiểu Thiên:
Chỉ có dại vĩ đại
Mới thực sự tương xứng
Với cú lừa vĩ đại
Của đại trá mà thôi.”
DN: -- Ông làm thơ con cóc cũng không tệ lắm!
TT: -- Nhưng còn thua xa miệng lưỡi rắn độc của tên sứ giả. Bởi, hắn sẵn sàng đóng cả vai Bồ-tát Thường Bất Khinh, quỳ mọp dưới chân mọi người mà xuýt xoa: “Lạy các ông, tôi không dám khinh thường các ông. Rồi các ông cũng sẽ là đức vua giống như vị vua vĩ đại của các ông mà chúng tôi đã hết lòng cúc cung tán thán”. Chúng tôi chỉ cầu xin…
DN: -- Xin các ông cứ việc sướng điên lên đến độ tê liệt cả nhận thức, xúc động ngẹn ngào đến độ đánh mất hoàn toàn ý thức cảnh giác để không còn tỉnh táo biết tự hỏi bọn ta là bạn hay thù, thực hay giả, tốt hay xấu.
TT: -- Thực ra chiêu thức cũ mèm này, ngay từ xa xưa, Ác ma đã biết sử dụng. Đúng như kinh Hàng Ma đã bắt tận tay, day tận trán: “Rồi này Ác ma, Thế Tôn Kakusamdha, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác gọi các Tỷ-kheo:
-- Này các Tỷ-kheo, các Bà-la-môn gia chủ bị Ác ma Dusi xâm nhập và nói như sau: "Các Ngươi hãy đến tán thán, tôn trọng, đảnh lễ, cúng dường các Tỷ-kheo có giới hạnh và thiện tánh. Những vị này được các Ngươi tán thán, tôn trọng, đảnh lễ, cúng dường có thể đổi tâm và như vậy Ác ma Dusi mới có dịp để chi phối họ” (Kinh Hàng Ma, số 50, Trung Bộ 1). Các Tỷ-kheo có giới hạnh và thiện tánh còn bị đổi tâm, huống hồ những kẻ phá giới, ác hạnh.
DN: -- Và một khi đã bị Ác ma chi phối che mờ lý trí, thời hết thảy các bậc “đại trí tuệ” đều ngạo nghễ hãnh tiến thoải mái kéo ôm con ngựa to lớn, vĩ đại, Đại Thừa vào thành trì mở ngỏ của mình.
TT: -- Để rồi khi màn đêm của tà tín buông xuống, lúc các vị “đại căn, đại phước” còn say sưa ngất ngưởng trong những ảo tưởng của “đại trí, đại tuệ, đại pháp”…
DN: -- Đó cũng chính là lúc các chiến binh từ trong bụng ngựa lao ra tung hoành, tha hồ múa lưỡi để bắt các ngài trở thành những nô lệ của Ác ma.
TT: -- Các ông phải tuân theo luật lệ mới, không được đọc những lời dạy của vị Chuyển Luân Vương trí tuệ để muôn đời các ông phải nằm trong cái đáy giếng của bọn ta.
DN: -- Nhưng lại cứ cao mạn tưởng rằng đang được ngự trị trên những cỗ xe to lớn cao quý chỉ dành cho các bậc đại nhân, đại huệ.
TT: -- Và rồi cùng lúc đó, một chiến binh của bọn ta mới có dịp lớn tiếng dạy cho các ông rằng đã có tới “tám trăm bốn ngàn vạn ức trăm triệu chư Phật như lai” (kinh đại… thừa Kim Cang, đoạn 28). Thật nực cười, nhiều như cát sông Hằng còn quý báu gì nữa kia chứ!
DN: -- Nhưng các ông vẫn vô tâm vô trí tin rằng “pháp nhĩ như thị” (pháp vốn là như vậy) (2)
TT: -- Chưa hết đâu! Một chiến hữu khác của chúng tôi đã dễ dàng xỏ mũi các ông bằng cách gom tới vô số ba đời vị vua của các ông lại so sánh không bằng một “vị” vô tâm đứng ngoài đồng vô tư, vô tu gặm cỏ: “Cho một ngàn ức vị Phật ba đời ăn không bằng cho một vị Vô niệm, Vô trụ, Vô tu, Vô chứng ăn (Chương thứ 11, kinh đại… thừa “Bốn Mươi Hai Chương”).
DN: -- Láo xược đến thế là cùng!
TT: -- Ngu dại đến thế thì thôi!
DN: -- Nhưng đã mất khả năng đề kháng thời chỉ còn có nước im lặng tin phục, xếp gối quy hàng chấp nhận, cho dù đó chính là “tà pháp nhĩ như thị” (tà pháp mới như vậy). 
TT: -- Chưa hết! Bọn ta đã bao lần phải ôm bụng cười nghiêng ngả mỗi khi được nghe chính các ông vâng theo lời dạy của Bà-la-âm chúng ta lớn tiếng kêu gào: “Này Xá Lợi tử - thằng con Xá lị...”; và phủ nhận tất cả chân lý của vị Thầy Trời Người, “vô Khổ, Tập, Diệt, Đạo” (Bát nhã tâm kinh).
DN: -- Các ông đã coi thường con đường Chân lý giải thoát duy nhất, thì chỉ còn con đường của tôn-giáo-mù-quáng để nương tựa mà thôi. 
TT: -- Không những thế, đến đứa con nít của các ông cũng được bọn ta dạy để biết lớn tiếng ngân nga: không có chứng, không có đắc, không có vô minh, cũng chẳng có minh diệt vô minh,
DN: -- Nhưng lại có cái Ba-la-mật mà đến ba đời vua Vô Thượng Sĩ của các ông còn phải nương theo.
TT: -- Xây thành trì trên cát, an trú pháp trên bọt nước, lần lượt đi vào địa ngục vì tà kiến, vì xúc phạm Thánh nhân
DN: -- Nhưng cứ ảo tưởng rằng mình đang đi trên thiên đường, luôn miệng lảm nhảm những câu bùa chú mê tín: “Yết đế, yết đế, ba la yết đế… Qua rồi qua rồi, qua bên kia rồi, tất cả qua bên kia rồi, giác ngộ rồi đó!”.
TT: -- Như một đám người mù ôm lưng nhau bước qua bến bờ ảo vọng. Các ông hãy “hồi đầu thị ngạn”, quay đầu lại nguồn cội mà nghe chính đức vua Thế Gian Giải của các ông dạy trong Kinh Nguyên Thủy, bài Kinh Canki, số 95, Trung Bộ 2 để khai tâm kiến tánh, tất sẽ biết xuất xứ và tổ tiên của các câu thần chú ấy, chính là từ các Bà-la-môn chúng ta chứ không ai khác  (3)
DN: -- Thế nhưng, cho dù là những lời chú vô nghĩa lý, những ảo tưởng vô căn cứ, nhưng đã được vẽ vời hý luận trên mây dưới gió để tạo ra một mê hồn trận dầy đặc, chúng vẫn khiến cho các ông mơ màng trong cái ảo giác “mờ mờ nhân ảnh như người đi đêm”.
TT: -- Và một khi không hiểu rõ, thời các ông sẽ phải tự đánh lừa mình, lý trí “ẩn náu” trong niềm an ủi với một đức tin an bài rằng nó vốn vĩ đại, siêu phàm, tối thượng, không thể hiểu nổi.
DN: -- Các ông phải mang ơn bọn ta, vì chỉ có được bố thí một đức tin, một niềm hy vọng dù là hão huyền như thế, thì con lừa cái ngu si mới chịu đi theo củ cà rốt trong bàn tay của kẻ khác, hiểu chưa?
TT: -- Vâng! Chúng con xin cúi đầu tuân phục, thưa các đấng siêu thánh Bồ-tát gián điệp vĩ đại.
DN: -- Thôi, Tiểu Thiên à, đến đây tôi không thể nói thêm một lời kịch nào nữa; cười đến chảy cả nước mắt.
TT: -- Tôi cũng vậy, chỉ xin lưu ý ông thêm một điều quan trọng: cuộc đấu tranh ý thức hệ tôn giáo luôn là một trong những cuộc chiến tranh ác liệt nhất và cũng triền miên nhất. Trong đó không thiếu những âm mưu, thủ đoạn, gian trá, lọc lừa. “Giang hồ hiểm ác” nhưng trong tôn giáo cũng không thiếu những dạ-xoa đội lốt thánh hiền. Thật không đơn giản!
DN: -- Cảm ơn ông đã nhắc nhở. Thiết nghĩ, Đạo Phật từ bi và người Phật tử vốn chân chất không muốn hại ai, nhưng nếu ngây thơ, suy bụng ta ra bụng người, sẽ có lúc chính họ lại trở thành nạn nhân cho kẻ khác, làm tay sai vô ý thức phản bội chính bậc Đạo sư và Chánh pháp của mình mà không biết.
TT: -- Giá hiểu được như thế đã đỡ khổ. Đằng này, như ông thấy đấy, ngót hai mươi thế kỷ, hết thế hệ này đến thế hệ khác thay nhau mang trong đầu những “mũi tên tẩm đường” được bắn đi từ nỏ thần giả nhưng vẫn cứ mê say tụng hát trong nguy hiểm.
DN: -- Đúng là một vở bi hài kịch dài nhất lịch sử nhân loại.
TT: -- Cũng kéo dài như sự tồn tại dai dẳng của thuốc phiện, xì ke, ma tuý.
DN: -- Nguy thật, những “Bồ-tát Triệu Đà - Trọng Thủy” vẫn còn đang tiếp tục tung hoành, dùng nỏ thần giả bắn đi những mũi tên thật để bố thí các “thuốc gây nghiện” ấy.
TT: -- Thật cũng phần nào hữu lý khi người Trung Quốc có câu “Kẻ thù nguy hiểm nhất là bạn của ta”. Tất nhiên là bạn giả, bạn ác.
DN: -- Khốn nỗi các nhà sư của họ đã không biết được điều đó.
TT: -- Không hẳn như thế. Vì trong lịch sử Phật giáo Trung Quốc đã có hàng trăm, nếu không muốn nói là hàng ngàn nhà sư quyết tâm tìm chân lý, vượt bao gian khổ, chấp nhận cả hy sinh thân mạng, sang tận Ấn Độ với mong ước tiếp cận được những lời dạy thực sự nguyên thủy của Đức Phật (4)
DN: -- Nhưng thật không may cho họ, vì mới hơn hai trăm năm sau khi Phật nhập Niết Bàn, bộ kinh khẩu truyền chính gốc đã được thái tử Mahinda, vâng lịnh vua cha Asoka, hộ trì xuôi về tận phương nam xa xôi, bảo lưu cất giữ tại tận Tích Lan.
TT: -- Nếu không như thế, bộ kinh Pāli vô giá ấy cũng giống như hiện trạng Phật giáo ngày nay ngay tại Ấn Độ, chẳng còn gì ngoài những phế tích đổ nát.
DN: -- Hẳn là vua Asoka đã thấy trước sự khốc liệt khi các thế lực ngoại đạo hồi sinh và phản công lại Phật giáo.
TT: -- Đúng vậy! Dù Đạo Phật là đạo từ bi và những người con Phật hiểu quy luật nhân quả và quy luật vô thường, mọi vật nay còn mai mất, nên người con Phật không muốn làm hại ai. Thế nhưng không phải tất cả đều có thiện chí với Đạo Phật.
Một khi Đạo Phật được sự ủng hộ của giai cấp vua chúa Sát-đế-lỵ cùng các thành phần tiến bộ trong xã hội và hệ thống Chánh Pháp như một bức thành trì kiên cố, thì các luận sư ngoại học muốn phá nó, họ phải dùng mọi mưu ma chước quỷ kể cả việc trộm tướng mạo Tỳ-kheo để phân hoá, cải biên, xuyên tạc Tam Bảo ngay từ bên trong.
Thậm chí, như trong Tạng Luật còn ghi lại, ngay trong thời Phật đã có sa-môn giả hiệu Migalandika chui vào Đạo Phật để lợi dụng thời cơ mỗi ngày giết chết hàng chục vị Tỳ-kheo.
DN: -- Thì ra trong Đại Bát Niết Bàn nguyên thủy, bài kinh quan trọng ghi lại những lời di giáo cuối cùng của Đức Phật trước lúc nhập diệt, cũng đã cảnh giác điều này. Ngay phần đầu đã nêu lên sự kiện Bà-la-môn Vassakāra bộc lộ thủ đoạn thâm hiểm, “ngoại giao và ly gián”, để đánh phá dân thành Vajji hùng mạnh.
TT: -- Chính vì thế, ngay sau khi Vassakāra cáo lui, Đức Phật đã tức khắc cho triệu tập toàn bộ Tỳ-kheo quanh Savatthi để dạy về “Bảy pháp không làm suy giảm”, trong đó nhấn mạnh đến sự đoàn kết giữa chúng Tỳ-kheo.
DN: -- Hẳn nhiên, Đức Chánh Biến Tri thừa biết, sau khi Ngài nhập Niết Bàn, con cháu của Bà-la-môn Vassakāra cũng sẽ dùng mánh khóe ngoại giao gián điệp để ly gián một kẻ thù dám đi ngược lại với quyền lợi giai cấp và tôn giáo của họ, dám hô hào quyền bình đẳng giai cấp và đặt vị Đại Phạm Thiên của họ dưới cả quy luật nhân quả nghiệp báo.
TT: -- Thế nên, chẳng có gì khó hiểu vì sao sau này một loạt các luận sư hàng đầu của Bà-la-môn đã “quy y” theo Phật giáo dễ dàng và nỗ lực xiển dương cho tám mươi bốn ngàn pháp mới.
DN: -- Và đương nhiên muốn phá chánh kinh thì chỉ có tà kinh.
TT: -- Đó chính là lý do vì sao sau này Phật giáo đã có hàng loạt các kinh văn Đại Thừa ngụy tạo; còn Tăng bảo thì bị “phanh thây” phân hoá thành lắm tông nhiều phái đến như vậy. Chỉ có điều, sự chống phá trong thời nào cũng có và hình thức chống phá cũng thật đa dạng. Như nhiều người cũng đã chứng kiến, hơn hai ngàn năm trăm năm sau vẫn còn có kẻ ôm súng bắn vào tượng của Phật.
DN: -- Nhưng nham hiểm và hèn hạ hơn khi chúng nấp đằng sau Ngài và bắn vào con Ngài bằng những “viên đạn bọc đường” (5)
Tiểu Thiên: -- Ông có chánh tư duy như vậy là đã tránh được địa ngục vì tà pháp rồi đó! Hơn nữa, với những câu hỏi của ông lúc nãy, chứng tỏ ông đã có trí tuệ để so sánh chánh-tà, thực-giả, nhờ biết nghiên cứu chánh Kinh Nguyên Thủy thực sự của Đức Phật. Vì thế, ông đáng được tặng thêm một gạch ngang để từ nay tôi phải gọi ông là Đại Nhân rồi đấy! (6)
Đại Nhân: -- Xin đa tạ Tiểu Thiên. Tôi cũng xin phát đại nguyện: “Từ nay tôi sẽ không ngu dại tái sanh nhiều bằng số lượng cực vi của tất cả thế giới như Phổ Hiền, mà nỗ lực giải thoát ngay trong kiếp sống này. Còn sống ngày nào tôi còn sách tấn mình và mọi người tích cực tụng đọc và phổ biến những lời dạy đích thực của Đức Phật trong Kinh Nguyên Thủy Nikāya để lấy lại công đạo cho Chánh Pháp. Thêm nữa, thường xuyên và nhất là vào hai ngày 21 tháng Giêng và tháng Hai, tức là hai ngày vía của ông Thánh-nổ-phổ-giả-hiền-gián-điệp, tôi kêu gọi mọi người hãy giới thiệu pháp thoại này và lời dạy về năm đại tội vô gián của Đức Thế Tôn, nhằm nhắc nhở nhau chớ có tin bậy, để giúp nhau không bị rơi vào đọa xứ, bàng sanh, địa ngục vì tà kiến” 
Tiểu Thiên: -- Thiện lai! Thiện lai! Thế ra phải gọi ông là Phổ Thiện Đại Nhân mới đúng. Ông và mọi người có hộ trì đúng Chánh Pháp thì Chánh Pháp mới hộ trì cho quý vị được. Ngược lại, thân cận pháp tà thì pháp tà đẩy đưa quý vị vào khổ cảnh muôn đời.
Nhân dân thành Troy, dù sao vẫn còn may mắn, vì chết dưới lưỡi kiếm của kẻ thù cũng không vì thế mà bị đọa vào địa ngục. Chết ôm tà kiến, như Đức Phật đã tuyên bố, chỉ có hai sanh thú: địa ngục hoặc súc sanh.
Tích cực phổ biến đúng Phật Pháp để cứu mọi người cũng là tự cứu mình, vì công đức bố thí đúng Chánh pháp thật vô lượng, và nhờ thế dòng Pháp sẽ đẩy ông lên phía trước.
Đến đây đã vừa đủ để Tiểu Thiên tôi xin chào tạm biệt Phổ Thiện Đại Nhân. Hẹn gặp lại.
Phổ Thiện Đại Nhân: -- Tạm biệt. À quên! Trước khi chia tay, tôi xin lấy bớt đi một dấu hỏi và tặng ông thêm một dấu sắc để từ nay tôi phải gọi ông là Tiếu Thiên Phổ Lành nữa đấy.

________________
Ghi chú:
(1) Tiểu Không và Đại Không
(2) Trong KINH ĐA GIỚI, Số 115, Trung Bộ 3Đức Thế Tôn dạy: “Vị ấy biết rõ rằng: "Sự kiện này không có xảy ra, không có hiện hữu: Khi cùng trong một thế giới (lokadhatu), hai A-la-hán, Chánh Đẳng Giác có thể xuất hiện (một lần) không trước không sau. Sự kiện như vậy không có xảy ra’. Và vị ấy biết rõ rằng : "Sự kiện này có xảy ra : Khi cùng trong một thế giới, một A-la-hán, Chánh Đẳng Giác có thể xuất hiện. Sự kiện như vậy có xảy ra”.

Cũng vậy “PHẨM MỘT NGƯỜI”, Kinh Tăng Chi 1, Chương 1, Phẩm 13, trang 47, xác định rõ: “Một người, này các Tỷ-kheo, khi xuất hiện ở đời là xuất hiện một người, không hai, không có đồng bạn, không có so sánh, không có tương tợ, không có đối phần, không có người ngang hàng, không có ngang bằng, không có đặt ngang bằng, bậc Tối thượng giữa các loài hai chân. Một người ấy là ai? Chính là Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác”.


Chính vì thế kinh Đại Bát Niết-bàn, Trường bộ 1, kết thúc bằng bốn câu kệ:

Khó thay sự chiêm ngưỡng. 
Tôn nhan bậc Như Lai. 
Trải nhiều nhiều trăm kiếp, 
May lắm được một lần. 


Cho nên, người Phật tử thực sự hiểu rõ mười danh hiệu “A-la-hán Chánh Đẳng Giác, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn” và tôn kính Bậc Như Lai Ứng Cúng Thích Ca Mâu Ni, chỉ có thể nói như sau: “Như Lai là Phật đã thành. Các Phật tử là bốn Thánh Chúng sẽ thành”.
Xin đừng quá mê tín tin vào chiếc đũa thần kinh văn của các phù thủy để rồi mê muội quay lưng tầm thường hóa danh vị Phật theo kiểu “chúng sanh đồng Phật tánh”, coi thường Chánh Pháp Nguyên Thủy theo kiểu khinh chê Tiểu Thừa và các Thánh Tăng A La Hán; khiến mang đại tội xúc phạm Tam Bảo, phá hòa hợp Tăng, phải đọa vào địa ngục mà không biết.

(3) Đức Thế Tôn dạy cho Bà-la-môn Kapathika Bharadvaja: “Thuở xưa những vị ẩn sĩ, giữa các Bà-la-môn, những tác giả các chú thuậtnhững nhà tụng tán các chú thuật, đã hát, đã nói lên, đã sưu tầm những Thánh cú; và nay, những Bà-la-môn hiện tại cũng đã hát lên, nói lên giống như các vị trước đã làm

Ví như này, Bharadvaja, một chuỗi người mù ôm lưng nhau, người trước không thấy, người giữa cũng không thấy, người cuối cùng cũng không thấy. Cũng vậy, này Bharadvaja, Ta nghĩ rằng, lời nói của các Bà-la-môn cũng giống như chuỗi người mù: người trước không thấy, người giữa cũng không thấy, người cuối cùng cũng không thấy. Này Bharadvaja, Ông nghĩ thế nào? Sự kiện là như vậy, có phải lòng tin của các vị Bà-la-môn trở thành không có căn cứ?”

Thêm nữa, trong Tăng Chi tập 3, Chương 6, Đại Phẩm, bài kinh “Một Pháp Môn Quyết Trạch” trang 220, Đức Thế Tôn cũng giải thích rõ lý do phát sinh và tồn tại các câu thần chú: “Do bị khổ chinh phục, tâm bị trói buộc nên đi tìm phía bên ngoài xem có ai biết được một câu, hai câu thần chú để đoạn diệt khổ này”.     
        
Trong Kinh Tương Ưng I, trang 365, Đức Thế Tôn đã khẳng định, 
“Đối vị có tri kiến, Chư Phật đã loại bỏ, tụng hát các kệ chú. Chân thật niệm Chánh Pháp”. Cũng trong Kinh Phạm Võng, Trường bộ 1, Đức Thế Tôn tái khẳng định từ bỏ tụng chú vì xem nó như những trò “du hí không chơn chánh”. 

Lại nữa, trong Kinh Tăng Chi tập 3, Chương 6, Phẩm Dhamika, trang 138, Đức Phật đã chỉ rõ chú thuật là điểm tựa của Bà-la-môn: 
“Ðối với Bà-la-môn, này Bà-la-môn, tài sản là mong muốn, trí tuệ là cận hành, chú thuật là điểm tựa, tế tự là xu hướng, cứu cánh là Phạm thiên giới”. 

Cũng trong Tăng Chi tập 3, Chương 7, Đại Phẩm, bài kinh Araka, trang 473, Đức Thế Tôn đã phân định sự khác biệt trong việc sử dụng phương tiện đi tới giác ngộ giữa ngoại đạo và Đạo Phật
:

“Thuở xưa, này các Tỷ-kheo, có Ðạo sư tên là Araka thuộc ngoại đạođã ly tham đối với các dục. Này các Tỷ-kheo, Ðạo sư Araka có đến hàng trăm đệ tử. Ðạo sư Araka thuyết pháp cho các đệ tử như sau: "Này Bà-la-môn, ít oi là đời sống của loài Người, nhỏ bé, không đáng kể, nhiều khổ đau, nhiều ưu não. Với bùa chú, hãy giác ngộ! Hãy làm điều lành, sống đời Phạm hạnh! Với người đã sanh, không có bất tử.

Ví như, này Bà-la-môn, giọt sương trên đầu ngọn cỏ, khi mặt trời mọc, mau chóng biến mất, không tồn tại lâu dài…  Ví như, này Bà-la-môn, khi trời mưa nặng hạt, bong bóng nước trên nước mau chóng biến mất, không tồn tại lâu dài. Cũng vậy, này Bà-la-môn, như bong bóng nước là đời sống của loài Người, nhỏ bé, không đáng kể, nhiều khổ đau, nhiều ưu não. Với bùa chú, hãy giác ngộ! Hãy làm điều lành, sống đời Phạm hạnh! Với người đã sanh, không có bất tử…
Nay, này các Tỷ-kheo, ai nói một cách chơn chánh, phải nói như sau: "Ít oi, là đời sống loài Người, nhỏ bé, không đáng kể, nhiều khổ đau, nhiều ưu não. Với trí tuệ, hãy giác ngộ! Hãy làm điều lành, hãy sống Phạm hạnh! Với người đã sanh, không có bất tử”.

Do đó, thật dễ hiểu vì sao trong toàn bộ kinh tạng Nikaya với hàng ngàn bài kinh, hàng vạn trang giấy nhưng không hề có bất kỳ một câu thần chú nào.
(4) Xem “Những đóng góp của người Trung Hoa đối với Phật giáo”  của HT.  Thích Minh Châu, Thích Nữ Liên Hiếu dịch (Nguyên tác bằng Anh ngữ: "Chinese Contributions to Buddhism"  đăng trong Tạp ChíThe Maha Bodhi, Vol. 69. No 5. Nov. Dec. CE. 1961)
(5) Trích “Lời Giới Thiệu Kinh Trung Bộ” của HT Thích Minh Châu (trong bản in 1986): “Càng dịch, chúng tôi càng thấy rõ ác ý của các nhà Bà-la-môn đã dùng danh từ Tiểu Thừa để gán vào những lời dạy thực sự nguyên thủy của Đức Phật và khiến cho các Phật tử không dám đọc, không dám học, không dám tu những pháp môn ấy.
Càng dịch, càng thấy rõ dụng tâm hiểm độc của các vị Bà-la-môn, đã khôn khéo xuyên tạc đạo Phật, khiến cho những giáo lý căn bản, những tinh hoa cao đẹp nhất của tư tưởng nhân loại, đã bị những tư tưởng tà giáo xen lẫn, bị ruồng bỏ, bị che dấu, không được biết đến, không được học hỏi tu hành.
Nhưng chân lý bao giờ cũng là chân lý, mặt trời bao giờ cũng là mặt trời. Những lời ba hoa của Ma Vương, các cuộc đo tài của những ngọn đèn lẻ tẻ mù mờ, lời lẽ bập bẹ của những kẻ mới tập tểnh đi vào con đường Triết lý, tất cả cũng chỉ là cuồng vọng đen tối, được ánh sáng rực rỡ của chân lý quét sạch.”

(6) Trong Kinh Tăng Chi tập 1, Chương 2, phẩm Tâm Thăng Bằng, trang 132, Đức Phật dạy:

“Những Tỷ-kheo nào, này các Tỷ-kheo, chặn đứng cả văn và nghĩa, bằng cách nắm giữ sai lạc các kinh điển và những văn tự thích ứng,thì những Tỷ-kheo ấy, này các Tỷ-kheo, chịu trách nhiệm về bất hạnh cho đa số, không an lạc cho đa số, không lợi ích cho đa số, bất hạnh, đau khổ cho chư Thiên và loài Người. Ngoài ra, các Tỷ-kheo ấy, này các Tỷ-kheo, chất chứa nhiều vô phước làm cho diệu pháp biến mất.

Những Tỷ-kheo nào, này các Tỷ-kheo, tùy thuận cả văn và nghĩa, bằng cách nắm giữ đúng đắn các kinh điển và những văn tự thích ứng, thì những Tỷ-kheo ấy, này các Tỷ-kheo, chịu trách nhiệm về hạnh phúc cho đa số, an lạc cho đa số, lợi ích cho đa số, hạnh phúc, và an lạc cho chư Thiên và loài Người. Ngoài ra, các Tỷ-kheo ấy, này các Tỷ-kheo, chất chứa nhiều phước đức, làm cho diệu pháp an trú”