Thứ Bảy, 3 tháng 8, 2019

CÓ ĐÁNG TỘI KHÔNG???

DẪN: Tam tạng Đại Thừa bịa chuyện Tôn giả A Nan bị nữ nhân quyến rũ đến độ phải đi vào dâm phòng (!?) Đúng là ác ma phá Tam Bảo. Nhưng ngay cả các kinh A Hàm mà Đại Thừa giáo xem là nguyên thủy nhất cũng đã bị cải biên, biến chất. Cho nên các ác ma đã tiêu hủy cả một tạng Sanskrit sau khi chúng đã dựa vào đây tạo ra A Hàm Trung Hoa.
Một bản “kinh” với đầy dẫy phi lý, mâu thuẫn, xuyên tạc Tam Bảo ngớ ngẩn khôi hài đến như thế đã tồn tại và lưu truyền hàng ngàn năm qua biết bao thế hệ nhưng vẫn không có một lời cảnh giác, không có một ai cảnh báo. Chẳng lẽ, các dịch giả và những người thọ trì kinh A Hàm ở phương Bắc có trí tuệ đi vắng cả rồi hay sao?
Bài sau đây là một trong hàng trăm chứng minh điển hình
Lật giải “kinh Thị Giả”


Bài kinh số 33, Phẩm Vị Tằng Hữu Pháp, Trung A Hàm
Hán dịch: Phật Ðà Da Xá & Trúc Phật Niệm
Việt dịch & hiệu chú: Thích Tuệ Sỹ

 Thích Giải Lật

Kinh “Thị giả” A Hàm nguyên văn thế này: “Tôi nghe như vầy: Một thời Phật du hóa tại thành Vương xá… Bấy giờ Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo rằng: “Hiện nay tuổi của Ta đã già; thân thể ngày càng suy yếu, tuổi thọ đã quá già rồi, nên Ta cần có thị giả. Các thầy hãy cử cho Ta một thị giả, làm sao để chăm sóc Ta, xứng ý chớ không phải không xứng ý, ghi nhớ lời Ta nói mà không quên mất ý nghĩa”
Lật giải: Bài kinh này kể lại một thời “Bụt A Hàm” tuy đã “quá già rồi, thân thể ngày càng suy yếu”, thế nhưng còn tới hơn hai mươi lăm năm nữa Ngài… mới nhập Niết Bàn, lúc này Ngài đang có ý tìm vị thị giả đặc biệt. Theo Trưởng Lão Tăng Kệ của Nguyên Thuỷ còn ghi: “Trong hai mươi năm đầu, Thế Tôn không có thị giả riêng, khi thì Nāgasamāla, khi thì Nāgita, khi thì Upavāna, Sunakkhatta, Sa-di Cunda, Sāgata, Meghiya. Thế Tôn không có lựa chọn ai làm thị giả đặc biệt. Sau Thế Tôn khi đã năm mươi sáu tuổi, gợi ý muốn có một thị giả thường trực…” (Thag. 1018-1050)
Căn cứ theo Trưởng Lão Tăng Kệ, “bấy giờ” là lúc Bụt A Hàm được năm mươi sáu tuổi. Bụt không buông lung, phóng túng mà mới năm mươi sáu tuổi đã thấy tuổi của Ta đã già; thân thể ngày càng suy yếu, tuổi thọ đã quá già rồi” thì e Ngài hom hem quá, thua cả nhiều người đời đương thời cùng tuổi như vua Pasenadi chẳng hạn! 
Những ai tin vào các kinh A Hàm của phương Bắc hãy đọc Đại Bát Niết Bàn trong Trường Bộ của phương Nam để biết trong ba tháng cuối cùng, Đức Thế Tôn đã an nhiên tự tại như thế nào, ngay cho dù có lúc Ngài bị kịch bệnh đến gần như chết. Đến tận cuối đời Ngài vẫn tự bộ hành cùng Tăng chúng từ Cāpāla đến Kūtagāra, rồi tuần tự qua  các nơi Bhandagāma, Hatthigam, Ambagama, Jambugama, Bhoganagara…, tại Pāvā Ngài thọ thực tại nhà Cunda và bị cảm thọ khốc liệt, thế nhưng Ngài đã điều phục cả kịch bệnh, vượt sông Kakutthā, rồi sông Hirannavati, cuối cùng đến ở Kusinārā và tự tại nhập Niết Bàn tại đây.
Dõi theo cuộc hành trình đi bộ suốt ba tháng cuối của Đức Thế Tôn, lúc Ngài đã trên 80 tuổi, có khi lâm trọng bệnh gần như chết, thế nhưng Ngài vẫn an nhiên giảng dạy cho đồ chúng, ngay cả những giờ phút cuối cùng Ngài vẫn tỉnh táo gieo duyên tiếp độ chúng sanh và tự tại nhập Niết Bàn. Qua đây một người sáng suốt cũng đủ biết A Hàm phóng tác kinh… dị đến như thế nào!
Kinh thật A Hàm: “…Tôn giả A-nan lại bạch: “Thưa Tôn giả Đại Mục-kiền-liên, nếu Đức Thế Tôn chấp thuận ba điều nguyện của tôi thì tôi mới có thể làm thị giả…”
Lật giải: Theo A Hàm, ông A-nan đưa ra ba điều nguyện nếu được chấp nhận mới dám làm thị giả cho Bụt A Hàm (so với Trưởng Lão Tăng Kệ gốc nêu trên, ông A-nan ở đây đã bỏ bớt năm điều nguyện, đây là điều hy hữu chưa từng có thứ nhất). Lưu ý: Ngữ cảnh của kinh chứng tỏ lúc này tôn giả A-nan vẫn chưa hầu hạ Phật ngày nào. Thế nhưng chỉ vài dòng sau đó, Bụt A Hàm bất chấp thời gian liền phán…
Kinh thật A Hàm: “…Khi Tôn giả A-nan nói như vầy: ‘Thưa chư Hiền, tôi đã hầu Đức Thế Tôn đã hai mươi lăm năm, nếu do đó mà khởi tâm cống cao, không thể có sự kiện như vậy. Nếu Tôn giả A-nan nói như thế, thì đó là pháp vị tằng hữu của Tỳ-kheo A-nan.
Lật giải: Pháp vị tằng hữu thật sự chứ còn gì nữa! Vì sao? Vì “Vị tằng hữu của Tỳ-kheo A-nan” nghĩa là điều hy hữu chưa từng có nơi ngài A-nan. Không hy hữu sao được, bởi lẽ bài kinh này đang thuyết “một thời” “bấy giờ” “hiện nay” ông A-nan A Hàm chưa làm thị giả một ngày nào, vậy mà đùng một cái không một lời giải thích rõ, ổng lại hầu hạ Bụt A Hàm đã hai mươi lăm năm không hề khởi tâm cống cao ngã mạn. Quả là điều hy hữu như thế này chỉ có trong các câu chuyện giả tưởng rẻ tiền, chứ chưa từng có trong lịch sử chánh Kinh, chánh Pháp! Gọi kinh văn kiểu này là kinh (dị) thật, đúng hay sai?
Chưa hết…
Kinh (dị) thật: “Tôn giả A-nan lại nói như vầy: “Thưa chư Hiền, tôi đã hầu hạ Đức Thế Tôn trong hai mươi lăm năm, chưa từng một lần bị Phật khiển trách, trừ có một lỗi, lỗi đó cũng vì người khác” Nếu Tôn giả A-nan nói như vậy thì đó là pháp vị tằng hữu của Tỳ-kheo A-nan”.
Lật giải: Cần nhắc lại “Một thời… Bấy giờ… Hiện nay” như trong kinh là lúc này Phật đang tìm thị giả và ngài A-nan chưa chính thức hầu hạ Đức Thế Tôn ngày nào, thế nhưng liền ngay đó Bụt A Hàm đã biết trước điều hy hữu suốt hai mươi lăm năm làm thị giả không phạm lỗi của ông A-nan. Điều này cũng hy hữu chưa từng có luôn! Đúng là kinh… (sợ) thật rồi còn gì!
À, hay tác giả A Hàm muốn người đọc ngầm hiểu rằng “vị tằng hữu của Tỳ-kheo A-nan” có nghĩa là kiểu nói dối chưa từng thấy của vị thị giả này? Có thể lắm! Xem tiếp đoạn sau sẽ rõ…
Kinh (sợ) thật: “Lại nữa, có một thời, Tôn giả Xá-lê Tử, Tôn giả Đại Mục-kiền-liên, Tôn giả A-nan trú tại nước Xá-vệ, trong núi Bà-la-la… Tôn giả Xá-lê Tử ba lần lặp lại câu hỏi: “Này Hiền giả A-nan, hai mươi lăm năm qua thầy hầu hạ Đức Thế Tôn, thầy nhớ có lần nào khởi dục tâm không?”
Tôn giả A-nan cũng ba lần lặp lại câu trả lời rằng: “Thưa Tôn giả Xá-lê Tử, tôi còn là hàng hữu học chưa ly dục.”
Tôn giả Xá-lê Tử lại hỏi rằng: “Này Hiền giả A-nan, tôi không hỏi thầy là bậc hữu học hay vô học. Tôi chỉ hỏi, trong hai mươi lăm năm qua hầu hạ Đức Thế Tôn, thầy nhớ có lần nào khởi dục tâm không?”
Bấy giờ Tôn giả Đại Mục-kiền-liên nói rằng: “Này Hiền giả A-nan, đáp nhanh đi, đáp nhanh đi, này A-nan, thầy đừng xúc nhiễu đến bậc thượng tôn trưởng lão.”
Lúc đó Tôn giả A-nan trả lời rằng: “Thưa Tôn giả Xá-lê Tử, hai mươi lăm năm qua, tôi đã hầu hạ Đức Phật, tôi nhớ lại chưa hề có lần nào phát khởi dục tâm. Vì sao vậy? Vì tôi thường hướng đến Thế Tôn và các vị đồng phạm hạnh với tâm niệm hổ thẹn.” Nếu Tôn giả A-nan nói như thế, thì đó là pháp vị tằng hữu của Tôn giả A-nan.
Lật giải: Đoạn kinh nhiều người chưa từng biết này có bốn điều “hy hữu” chưa từng thấy. Nhưng muốn hiểu rõ những “tằng hữu” của A Hàm như thế nào, trước hết, phải nhận thức rõ về một vị Thánh Thanh Văn “hữu học” của đạo Phật Nguyên thủy. Hãy nghe chính lời Ngài Ananda trong Trưởng Lão Tăng Kệ:
“Trải hai mươi lăm năm
Ta chỉ là hữu học,
Dục tưởng không khởi lên,
Hãy xem pháp, pháp tánh”
 (Thera 91, kệ số 1040).
Rõ ràng ngài Ananda muốn sách tấn mọi người “hãy xem pháp, pháp tánh” Nguyên thủy cao siêu vi diệu như thế nào, bởi lẽ nhờ tu theo giáo pháp này mà một vị Tỳ-kheo dù còn là hữu học như ngài vẫn không hề khởi dục tưởng suốt 25 năm. Vì sao như vậy? Bởi vì ngay từ Sơ thiền, vị Tỳ-kheo hữu học Thanh Văn đã “ly dục, ly bất thiện phápchứng và trú Thiền thứ nhất một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh có tầm, có tứ”. Tâm các ngài đã ly dục, ly bất thiện pháp thì làm sao khởi lên dục tưởng cho được?
Thế nhưng trong khi đó, “kinh Thị giả” của A Hàm chỉ cần bịa thêm vào ba chữ “chưa ly dục” thì ngay tức khắc vấn đề đã hoàn toàn khác. Thật vậy, một vị Tỳ-kheo hữu học “chưa ly dục” có nghĩa là vị này vẫn còn dục. Một Tỳ-kheo “chưa ly dục” mà suốt hai mươi lăm năm chưa hề khởi dục tâm là một điều hy hữu đến độ phi thực (!) Sự chần chừ của ông A Nan A Hàm càng chứng tỏ sự ‘tằng hữu phi thực” này của ổng. Tôn giả Ananda từ một Thánh Tăng thanh tịnh cao quý trong Pali đã bị biến thành kẻ vọng ngữ trong A Hàm. Đây là điều hy hữu thứ nhất của đoạn kinh (khủng) nêu trên.
Hy hữu thứ hai: Tôn giả Xá-lê-Tử-A-hàm biết vận thần thông vượt trước thời gian, cho nên đang lúc ông A-nan chưa làm thị giả ngày nào, nhưng vẫn hỏi đi hỏi lại việc ông ấy trong hai mươi lăm năm qua hầu hạ Đức Thế Tôn thế nào (?) Thật hết chỗ nói!
Hy hữu thứ ba: Ông A-nan A Hàm đã ba lần trả lời mình còn là hàng hữu học chưa ly dục, điều này có nghĩa ổng vẫn còn dục. Vậy mà vị Tướng Quân Chánh Pháp vốn được khen là đại trí tuệ vẫn không hiểu, cứ hỏi tới hỏi lui. Đã thế ngài Đại Mục-kiền-liên-A-hàm cũng không hiểu nốt, lại còn hối thúc xúc nhiễu ông A-nan khiến vị thị giả phải nhanh miệng “hổ thẹn tằng hữu”. Cả ba ông Thánh Thanh văn đều có vấn đề hy hữu (!?) Các Bồ-tát Đại Thừa tin vào các kinh A Hàm kiểu này, chê mấy ông “Tiểu Thừa” là phải.
Hy hữu thứ tư: Ông A-nan-A-hàm nghĩ đến Đức Phật và các vị đồng phạm hạnh mà cảm thấy hổ thẹn là điều chưa từng có trong Phật giáo. Vì sao? Vì các ngài có gì xấu xa, đáng phải hổ thẹn đâu! Còn nếu ông A-nan A Hàm làm điều xấu xa thầm kín, tự hổ thẹn chính mình, thì hóa ra ông ta “dấu đầu hở đuôi”, tự tố cáo chính mình đang nói dối. Đây thật là điều “hy hữu” đến độ quá ư vô lý!
Xin lưu ý, trong kinh Pali chánh truyền, tôn giả A-nan không bao giờ có kiểu nói lấp lửng hoặc chơi chữ ma mãnh như thế! Chắc chắn ông A-nan trong kinh A Hàm này là thị-giả-giả rồi, chứ không phải thị-giả-thật.
Kinh (hãi) thật: “Lại nữa, có thời Đức Thế Tôn du hóa Câu-thi-na-kiệt, trụ trong rừng Sa-la của Hòa-bạt-đan lực sĩ. Bấy giờ là lúc tối hậu, Thế Tôn sắp nhập Bát-niết-bàn. Ngài bảo rằng: “Này A-nan, ngươi hãy đi đến giữa hai cây Song thọ, trải giường đầu quay về hướng Bắc, cho Như Lai. Nửa khuya đêm nay Như Lai sẽ Bát-niết-bàn…”
Lật giải: Lại một điều hy hữu chưa từng có nữa. Có lẽ các dịch giả A Hàm tiếng Việt cũng thấy được điều hy hữu đến độ vô lý của bài “kinh Thị giả” nên đã chú thích thêm cho đoạn kinh (dị) trên thế này: “Lưu ý trong bản Hán, văn khí thay đổi từ lời ghi nhận của Phật chuyển sang lối thuật sự”.
Chỉ có điều, các dịch giả A Hàm tiếng Việt đã không biết lưu ý chú thích thêm cho thiên hạ hiểu: vì sao ông A-nan thị-giả-giả “thuật sự” kiểu gì mà đang lúc ổng nêu ra ba điều kiện để được làm thị giả cho Đức Thế Tôn, bỗng nhiên thẳng một lèo không báo trước tường thuật chuyện hai mươi lăm năm sau Phật nhập Niết-bàn (?) Chẳng lẽ các nhà biên dịch A Hàm muốn đánh đố trí tuệ thẩm sát của những người đọc bài kinh (sợ) này hay sao?
Đến đây, cần phải chú thích rõ thêm, trong tạng Pali nguyên thủy không có bài kinh nào tương đương với bài kinh (khủng) chưa từng có này, và chánh tạng Nikaya cấp I cũng chẳng có bài kinh nào mang “văn khí” dị thường như vậy!
Kinh (khiếp) thật: “Này A-nan, Ta, Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, trong đời hiện tại, nếu có người nào làm thị giả, cũng không thể hơn ngươi được. Vì sao vậy? A-nan khéo biết thời, khéo phân biệt được thời… biết thức ăn loại cứng hay loại mềm nào Đức Như Lai dùng rồi sẽ được biện tài thuyết pháp. Biết thức ăn loại cứng hay loại mềm nào Đức Như Lai dùng rồi sẽ không được biện tài thuyết pháp
Lật giải: Đến đây ông A-nan A Hàm lại có thêm một hiểu biết thật sự hy hữu: biết cả thức ăn nào giúp Bụt A Hàm được biện tài thuyết pháp hay không được biện tài thuyết pháp. Rõ ràng Bụt A Hàm được biện tài thuyết pháp là nhờ thức ăn, chứ không phải nhờ ngài là “bậc A La Hán, Chánh Ðẳng Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Ðiều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân sư, Phật, Thế Tôn”. Những ai tin vào kinh A Hàm biết thức ăn này là gì, xin chỉ giúp!
Thế nhưng, chẳng lẽ Bậc Ứng Cúng, Minh Hạnh Túc lại ngớ ngẩn đến độ không biết rằng khen ông A-nan như vậy là tự “vạch áo cho người xem lưng” mình, tự tố cáo chính mình là kẻ “phồn thực” hay sao?
Chắc chắn là không rồi. Chỉ có chuyện một kẻ thâm độc nào đó đã chế ra câu thâm hiểm này để hủy báng Đức Phật mà thôi!
Kinh (hoàng) thật: “Lại nữa, một thời sau khi Thế Tôn Bát-niết-bàn không bao lâu, Tôn giả A-nan du hóa tại Kim, trú ở thôn Kim cang. Bấy giờ Tôn giả A-nan thuyết pháp cho vô lượng trăm ngàn đại chúng vây quanh trước sau. Bấy giờ, Tôn giả Kim Cang Tử cũng đang ở trong đại chúng ấy. Tôn giả Kim Cang Tử trong tâm suy nghĩ như vầy: ‘Tôn giả A-nan này vẫn còn là bậc hữu học chưa ly dục sao? Ta nên như vậy, và bằng định ấy mà quan sát tâm của Tôn giả A-nan’. Thế rồi Tôn giả Kim Cang Tử nhập định, và bằng định như vậy mà quan sát tâm của Tôn giả A-nan. Tôn giả Kim Cang Tử biết Tôn giả A-nan vẫn còn là hữu học nên chưa ly dục”. 
Lật giải: Lại thêm nhiều điều cực kỳ hy hữu nữa nơi ông A-nan-A-hàm. Không đúng sao? Này nhé, một thời bấy giờ chưa có mi-cờ-rô mà một người hữu học chưa ly dục tức chưa có thần thông lại “thuyết pháp cho vô lượng trăm ngàn đại chúng vây quanh trước sau” nghe được, thú thật, chú Cuội trên cung trăng cũng không dám “nổ” liều như vậy!
Hay ông A-nan A Hàm có bí pháp gì chăng? Có thể lắm, bởi lẽ bản kinh (hoảng) này do ông A-nan đang tường thuật, dù ngài chưa ly dục, còn là hữu học, vậy mà ngài vẫn có Tha Tâm Thông biết được Kim Cang Tử trong tâm suy nghĩ những gì. Đã thế ổng còn biết cả chuyện Kim Cang Tử nhập định quán sát tâm địa còn phàm phu của mình nữa chứ. Chú Cuội trên cung trăng đọc được đoạn kinh (khiếp) này, hẳn cũng phải đảnh lễ kẻ chế tác kinh A Hàm từ xa.
Đặt trường hợp khác, cho dù sau này Kim Cang Tử có thuật lại cho ông A-nan để ổng “như vầy tôi nghe” chăng nữa, thế nhưng vấn đề cần phải đặt ra là: Kim Cang Tử là ai? tu hành thế nào? ai ấn chứng cho ông ta? Ông ta đã sống và dạy như thế nào để chứng tỏ ông ta đáng tin cậy? Có đáng tin không một kẻ tự dưng nhảy vào kinh điển, dùng thần thông miệng lưỡi khéo léo tố cáo vị thị giả bên cạnh Phật suốt hơn hai mươi lăm năm trời vẫn chưa ly được dục? Không những thế, điều này còn có nghĩa Kim Cang Tử đã “vạch trần” cho thấy ông A-nan đã trả lời “ba sạo” câu hỏi của Tôn giả Xá-lê Tử trước đó, và tố cáo luôn Bụt A Hàm đã tán thán đến “bốn sạo” vị thị giả của mình (?) Sự kiện này cho thấy chắc chắn Kim Cang Tử là gián điệp của ngoại học, được các phù thủy cài vào trong kinh văn ngụy tạo nhằm thực hiện thủ đoạn gian xảo thâm độc của họ rồi.
Trong các kinh điển Đại Thừa khác cũng có rất nhiều các “Kim Cang Tử” lãng xẹt nhưng rất thâm độc kiểu này. Xin hỏi những ai đang thọ trì các kinh văn Đại Thừa, việc tạo dựng một “Tôn giả Kim Cang Tử”, hay một “Bồ-tát X”, thậm chí một “đức Phật Y” để xuyên tạc chánh pháp có quá khó khăn đối với những kẻ thâm hiểm thù ghét đạo Phật không?
Chỉ cần vận dụng tư duy một chút khi đọc các tiểu thuyết đại-thừa-thãi ấy, những “Bồ-tát” hậu sinh sẽ trả lời được ngay. Thế nhưng nếu các vị không có một chút tư duy, một chút cảnh giác, thì muôn đời cũng không phát hiện được những sự vô lý cùng cực của các kinh văn ngụy tạo như thế này. Không đúng ư? Bài kinh “Thị giả giả” này đã tồn tại bao lâu rồi, có ai báo động được một tiếng nào không?
Mong sao các vị chịu khó “động não” thêm một chút để thấy những điều cần phải thấy, để phân biệt chánh kinh và tà kinh, nhờ vậy mới không rơi vào thủ đoạn nham hiểm của những kẻ gián điệp phá hoại ngầm Phật Pháp.
Một lần nữa, chỉ cần một chút xíu sự cẩn trọng của tri thức, một chút xíu sự cảnh giác của lý trí khi đọc đoạn kết “kinh Thị Giả” dưới đây sẽ giúp quý vị hiểu ngay thế nào là tà kinh ngụy tạo.
Kinh (khủng) thật: “Tôn giả A-nan lại nói: “Này chư Hiền, tôi sẽ ngồi kiết già để Bát-niết-bàn.” Tôn giả A-nan liền ngồi kiết già mà Bát-niết-bàn. Nếu Tôn giả A-nan ngồi kiết già mà Bát-niết-bàn; thì đó là pháp vị tằng hữu của Tỳ-kheo A-nan.
Đức Phật thuyết như vậy. Các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật dạy xong, hoan hỷ phụng hành”.
Lật giải: Kinh khủng khiếp thật rồi! Vô lý cùng cực thật rồi! Chứ gì nữa, ông A-nan-A-hàm đang tường thuật “như vầy tôi nghe” lại ngon ơ “liền ngồi kiết già mà nhập Bát-niết bàn”? Chẳng lẽ ông A-nan đã tịch rồi liền hồi dương trở lại để “tôi nghe như vầy” cả bài kinh hy hữu này hay sao (???)
Đã thế, cuối cùng bài kinh còn “tằng hữu” hơn nữa bởi “Đức Phật thuyết như vậy”, trong khi thực tế ngài đã tịch trước cả ông A-nan hàng chục năm; và chính trong kinh này, ở đoạn trước đó, ngài cũng đã nhập diệt từ lâu rồi. Chẳng lẽ bây giờ Bụt A Hàm phục sinh trở lại để kết luận như vậy cho các Tỳ-kheo nghe xong hoan hỷ phụng hành (???)
Còn nếu hiểu “Bát-niết-bàn” theo nghĩa “Niết Bàn Hữu Dư Y” lại càng vô lý. Một Tỳ-kheo còn hữu học, chưa ly được dục như ông A-nan-A-hàm làm sao nhập được!
Hay bài kinh này là lời tiên tri của Bụt A Hàm ư? Nhưng tiên tri để làm gì? Để xuyên tạc phỉ báng Phật Thích Ca và các Thánh Tăng A La Hán chăng?
Rõ ràng bài kinh-khủng-hoảng kiểu này chỉ có con nít ba tuổi mới tin nổi. “Thần thông láo lếu” như thế chỉ có các Bồ-tát-gián-điệp mới làm nổi và cũng chỉ có những Bồ-tát-đại-thừa-thãi mới dám tin càn, in bậy!
Hẳn, kẻ ngụy tạo ra bài kinh vô lý cùng cực này muốn bắn một lúc cả ba con chim lớn: Phật – Pháp – Tăng và một loạt các con chim nhỏ tin theo. Còn những ai chưa tin Phật thì sao? Đương nhiên những người này sẽ quay lưng chán ghét, thậm chí còn muốn chống lại một tôn giáo quá ư vô lý. Xét theo kiểu nào cũng có hại cho Đạo Phật.
Có ai tìm thấy những “hy hữu” cùng tột kiểu này trong Chánh kinh Nikaya Nguyên thủy Pali cấp I, xin khai báo!
Một bản “kinh” với đầy dẫy phi lý, mâu thuẫn, xuyên tạc Tam Bảo ngớ ngẩn khôi hài đến như thế đã tồn tại và lưu truyền hàng ngàn năm qua biết bao thế hệ nhưng vẫn không có một lời cảnh giác, không có một ai cảnh báo.
Chẳng lẽ, các dịch giả và những người thọ trì kinh A Hàm ở phương Bắc có trí tuệ đi vắng cả rồi hay sao? Thật đáng thương và cũng đáng hổ thẹn lắm thay cho cái gọi là “truyền thống Đại Thừa”, nơi đã ôm giữ và phổ biến những tạng kinh-khủng-hoảng kiểu này qua biết bao thế hệ!
À, mà kinh A-hàm xuất hiện ở phương Bắc trước các kinh Đại Thừa khác nữa đấy! Nó “nguyên gốc” hơn cả các kinh Pháp Hoa, Lăng Già, Lăng Nghiêm, A Di Đà, Địa Tạng… nữa kia! Ấy thế mà người ta vẫn tin, vẫn in, vẫn tụng, vẫn hót tuốt tuồn tuột.
Kinh thật!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét