Chủ Nhật, 11 tháng 8, 2019

HIỆU THUỐC TỬ THẦN


NHIỆT TÌNH + NGU DỐT = ĐỊA NGỤC
NHIỆT TÌNH + TRÍ TUỆ = THIÊN ĐƯỜNG 

Hiu thuc t thn!!!
Trích t trang nhà địa ngc A-t
wwww.@mphu.com@ (*)
NNN
Không một bút mực nào có thể tả hết những khổ đau trong chín tầng địa ngục. Không một bộ nhớ máy tính nào có thể ghi nhận hết những tiếng kêu gào thảm thiết của các tội nhân bị trừng phạt tại đây. Một khi đã đọa vào âm phủ, mọi ngục nhân phải liên tục chịu đựng những cực hình tàn khốc cho đến khi nhân quả trả nợ sòng phẳng mới thôi.
Giá những người trên dương trần có thể mua vé tham quan địa ngục một lượt, được tận mắt chứng kiến những cảnh nghiệp báo hãi hùng sờ sờ trước mắt, chắc chắn họ đã cố công tu tập đúng chánh kiến, bớt tạo nghiệp vô minh hại người để rồi hại cả bản thân mình.
Mặc dù địa ngục lúc nào cũng kinh hoàng khủng khiếp, thế nhưng tại đây vẫn có một khu vực đặc biệt tứ bề im lặng, khắp nơi bao trùm một bầu không khí lạnh tanh đến rợn cả người, thỉnh thoảng mới có vài tiếng rên rỉ nấc ngẹn của một oan hồn nào đó đang run rẩy trong bóng tối.
Dù tại đây không có những cảnh tra tấn rùng rợn hãi hùng, thế nhưng một khi các oan gia đã vào đây, ai nấy cũng đều phải kinh hồn nát tánh. Họ hoảng vía là phải, vì đây chính là phòng chuyển tiếp dành cho các ngục nhân mới bị đọa địa ngục hoặc đang chờ tái xét xử để đưa đi đúng nơi cần phải thọ án. 
Thế nhưng khác với thường lệ, dạo này phòng quá cảnh có hơi nhốn nháo một chút. Chẳng là địa ngục vừa có thêm các tội nhân mới. Cả đám oan gia này cứ luôn miệng khóc than nói mình oan ức. Kẻ đấm ngực, người vò tai, hết thảy nhất mực kêu gào rằng mình vô tội.
Thật ra họ khóc than cũng phải, vì chẳng có ai trong số họ làm các nghiệp ác, đến ngay cả cố tâm muốn hãm hại người khác cũng không hề. Họ chỉ là các chủ trang Web, blogger, facebooker, chủ hiệu sách, nhà văn, nhà thơ, nhà báo, nhà giáo, nhà tu v.v… Tất cả đều một lòng tích cực phổ biến cho chánh pháp. Thậm chí có người còn làm không công, tự bỏ tiền túi phát biếu kinh sách miễn phí. Vậy mà giờ đây bọn họ đã không được hưởng một tí ti phước báu, trái lại còn bị đọa vào địa ngục thì quả là một điều vô lý.
Nhóm ngục nhân sau bao lần đệ đơn kháng cáo lên Tòa Án Tối Sâu, mãi tới hôm nay họ mới được chính Diêm Vương cầm cân nẩy mực, phán quyết cho phiên tòa chung thẩm cuối cùng.
Chẳng mấy chốc đã đến đêm phán xử. Cả đám oan gia tức tưởi ngẹn ngào, kẻ trước người sau nối gót nhau bước theo bọn ngục tốt. Cả lũ lần mò dò dẫm băng qua những đường hầm tối tăm thâm u mù mịt với đầy khói sương mờ ảo.
Đó đây vài ngọn đèn leo lét không đủ làm tan cái giá lạnh đến thấu xương. Chốc chốc cả bọn lại giật bắn người vì những tiếng hét thất thanh phát ra từ đâu đó. Mỗi đêm chỉ cần quanh quẩn vài vòng ú tim như thế này cũng đủ trả nợ cho quỷ thần, còn nói gì đến cực hình trừng phạt.
Mới chỉ lượn qua vài ngõ ngách của địa phủ mà tên nào tên nấy đã hồn xiêu phách lạc, tâm thần tán loạn, tứ chi rã rời. Điệu này, kẻ nào vô phúc bị kết án thường trú dài hạn tại đây thì coi như tàn mạt cuộc đời. Mới nghĩ tới viễn cảnh kinh hoàng đó cả đám ngục nhân đã hớt ha hớt hải, tay chân bủn rủn, lê lết bước vào phòng xử án như một đám tàn binh tiều tụy.
Vài ngục nhân dại dột liếc mắt lén nhìn đám đầu trâu mặt ngựa, họ lại một phen lên cơn động kinh giật mình thon thót. Giời ạ, khủng khiếp làm sao, ngay cả những phim kinh dị nhất trên dương trần cũng còn thua xa lũ ngục tốt ở đây. Mặt đứa nào đứa nấy cũng đằng đằng sát khí. Hết thằng nọ nhe nanh, đến tên này ngoác miệng, cả lũ cứ như muốn ăn tươi nuốt sống kẻ khác.
Đã thế đứa nào cũng lăm lăm trong tay mấy món đồ chơi của bọn đồ tể với đầy đủ kềm, kéo, cưa, đục như sẵn sàng xẻ thịt bất cứ một ai. Lũ tiểu quái thật lười biếng, mọi thứ trong tay chúng đều rỉ sét chẳng được chùi rửa tiệt trùng cẩn thận, đứng xa cả thước vẫn còn ngửi thấy mùi tiết canh tanh nồng. Mới nghĩ tới đó thôi đã thấy rùng mình ớn lạnh! 
Đám lâu la hạ cấp còn dữ dằn như vậy, nói gì tới chúa ngục, chắc phải khủng khiếp hơn nhiều lần. Cả đám tội nhân chẳng tên nào dám ngước mặt lên, tất cả cùng rét run vì sợ, khép nép chia nhau đứng trước hai vành móng lợn. Tên này nhìn gót chân tên kia, nhất loạt chỉ còn biết cúi gằm mặt thút tha thút thít.
Mãi một lúc sau một đại diện tội nhân cố gắng thu hết can đảm, cất giọng ngẹn ngào:
_ Thưa Diêm Vương… híc… Dạ bẩm ngài… híc… tất cả chúng con đây chỉ một lòng phổ biến cho chánh pháp, từ bi tạo lập công đức… híc...  chí tâm hồi hướng, không vì lợi nhuận riêng tư… híc híc… nhưng tại sao lại bị đọa vào địa ngục thế này? Híc… Kính mong đèn ngục gia ơn soi xét cho chúng con được nhờ…híc híc híc...
Chỉ hào hển được bấy nhiêu, kẻ oan gia dũng cảm nhất cũng phải lăn đùng té xỉu. Mấy tên tiểu yêu đứng gần đó vội vàng nhảy tránh sang một bên. Có đứa còn lấy tay bịt mũi, lấm lét nhìn vũng nước ngay dưới chân người anh hùng (được xưng tụng như vậy vì trên dương trần vị này từng bắt chước Bồ-tát nghịch hạnh Đề-bà-đạt-đa, lớn tiếng đòi dộng toang cửa ngục).
Diêm Vương làm như không nhìn thấy gì. Khuôn mặt đen kịt của ngài vẫn không hề đổi sắc. Vị chúa ngục im lặng thản nhiên đưa tay vuốt hàm râu dài rậm rạp như bụi tre già ngàn tuổi. Bầu không khí căng thẳng đến nghẹt thở. Bỗng dưng, ngay lúc ấy, một luồng ánh hào quang tám vạn bốn ngàn sắc màu rực rỡ chiếu sáng khắp cả chín tầng địa ngục khiến ai nấy đều phải vội vàng lấy tay che mắt.
Định thần một lát, mọi người mới nhìn rõ một vị Thần Tăng hiện ra giữa ánh sáng diệu kỳ. Chao ôi, Thánh Tăng có khác! Khuôn mặt ngài đẹp tuyệt vời, miệng cười như hoa tươi, mắt sáng như trăng rằm. Làn da ngài vàng chói lấp lánh hơn cả mọi thứ lưu ly bảo châu của thế gian. Dưới mỗi bước chân khoan thai của đức Thánh Tăng lại có thêm một đóa hoa sen báu ngàn cánh hiện ra đỡ lấy. Khắp án phòng lan tỏa một hương thơm ngào ngạt đến ngất ngây.
Đã thế Diêm Vương còn phải vội vàng bước nhanh xuống điện, kính cẩn cung nghinh mời vị khách Tăng an tọa trên ngai cao, còn vị chúa ngục phải chắp tay đứng hầu bên cạnh. Thấy chuyện hy hữu chưa từng có, bọn ngục tốt xôn xao:
_ Đức Thế Tôn giáng lâm!
_ Như Lai thị hiện!
Đứa khác cãi:
_ Tầm bậy! Đức Phật chẳng bao giờ vào đây.
Đợi cho đám tiểu yêu bớt nhốn nháo, Diêm Vương liền tằng hắng giọng, cất tiếng như sấm rền:
_ Các ngươi không biết vị này là phải. Nghe đây, ngài chính là thị giả của Đức Phật Thích Ca, đức Thánh giả A-nan.
Cả đám đông tròn xoe mắt ồ lên kinh ngạc. Riêng đám tội nhân vừa ngạc nhiên vừa thích thú đến tột cùng. Trong tâm trí mọi người một nguồn sống hồi sinh trổi dậy. Ôi, Thánh Tăng đến giải cứu cho những kẻ hàm oan đây rồi! Nhân quả công bằng đây rồi!
Niềm hy vọng hiện rõ trên từng khuôn mặt khổ đau. Mọi con mắt đều dồn về vị Thị giả của Đấng Thế Tôn, chiêm ngưỡng ngài không sót một chi tiết. Theo kinh văn mô tả, ngài A-nan rất đẹp trai, được nhiều người ái mộ, ấy vậy mà giờ đây được tận mắt chứng kiến, mọi người vẫn không ngờ ngài lại thanh tú rực rỡ cực kỳ đến như thế. Cả đám đang mải mê ngắm nhìn vị cứu tinh, bỗng giật thót mình bởi tiếng gầm thét của Diêm Vương:
_ Gặp được Đại Thánh Thần Tăng còn không mau quỳ xuống! Bọn bay muốn chết hay sao?   
Cả đám oan gia hốt hoảng, vội vàng phủ phục quỳ lạy như tế sao đến quên cả mình đã chết từ lâu. Có kẻ còn bái luôn một lèo tám mươi mốt lạy khắp bốn phương tám hướng cho chắc ăn. Thấy cảnh bi hài khốn khổ, ngài A-nan quay sang Diêm Vương mỉm cười hỉ xả. Vị chúa ngục chắp tay cung kính:
_ Bạch Đại Thánh Thần Tăng, hẳn là Ngài đã thấu rõ mọi việc nên hôm nay quang lâm xuống tận đây, tất có điều chi dạy bảo.
Ngài A-nan khẽ gật đầu, từ tốn nhìn đám ngục nhân:
_ Đúng vậy, chẳng có gì mà ta không biết. Này các tội nhân, các ngươi phải hiểu rõ giữa chánh và tà, thiện và ác, phước và tội thực ra chỉ cách nhau có một dòng tư tưởng. Do vậy nếu các ngươi không nắm vững kinh điển gốc, không biết đúng Chánh Pháp; nhiều khi các ngươi làm càn nói bậy, gây tai họa cho biết bao người khác nhưng lại cứ tưởng rằng mình đang tạo công lập đức, xương minh Chánh Pháp. Ta nói có sách, mách có chứng. Trong chuyện Tiền Thân Đức Phật, số sáu trăm bốn mươi tám, tập bảy của Kinh Tiểu Bộ Pāli Nguyên Thủy đã nói rõ điều này. Ở đây có ai còn nhớ bài kinh ấy, hãy kể lại cho mọi người cùng nghe?
Đám ngục nhân trợn tròn mắt, há hốc mồm ngọng ngịu. Trời đất, Đấng Cứu Tinh nói gì thế? Cái gì là Tiểu Bộ? Cái gì là Tiền Thân?
Các Bồ-tát Đại Thừa đều nói nó là kinh Tiểu Thừa thấp kém, xếp ngang hàng với ngoại điển kia mà? Sao ngài A-nan lại còn đem ra hỏi nhau ở đây?
Có tên nào thèm đọc ba cuốn kinh nhị thừa tiểu phái ấy đâu mà biết. Hỏi khó nhau kiểu này có chết cả lũ không cơ chứ? Cứ tưởng ngài từ bi thanh minh cứu giúp, nào dè...
Cả bọn nhìn nhau rùng mình chưng hửng. Tên này tựa vào vai tên kia như linh cảm thấy một trận động đất kinh hoàng sắp sửa xảy ra. Khắp án phòng im lặng như tờ.
Ngài A-nan lắc đầu, giọng trầm tĩnh:
_ Đó, thấy chưa, cái gốc không biết thời làm sao biết được ngọn. Không chịu ôn cố, làm sao biết tri tân. Không biết điều đáng biết thời làm sao có chánh kiến để hiểu rõ sự việc, có trí tuệ phân định được chánh tà.
Quay sang Diêm Vương, Thánh Tăng nói như ra lệnh:
_ Này Diêm Vương, ông hãy đem cuốn Thánh Kinh Tiểu Bộ Pāli Nguyên Thủy tập bảy tới đây cho tôi. Hãy mở đúng bài kinh Tiền Thân số sáu trăm bốn mươi tám để tôi mở mắt khai tâm cho bọn họ.
_ Thưa, đây ạ!
Ngay tức khắc vị chúa ngục dâng lên ngài A-nan cuốn kinh đã chuẩn bị sẵn. Vị Thánh Tăng kính cẩn hai tay đỡ lấy Pháp Bảo rồi quay sang lũ tội nhân nghiêm giọng:
_ Tất cả các ngươi hãy lóng tai lắng nghe ta thuật lại đúng nguyên văn bài kinh số sáu trăm bốn mươi tám thuộc Kinh Tiểu Bộ Pāli Nguyên thủy, tập bảy, truyện Tiền Thân Đức Phật mà chính ta được nghe từ chính kim khẩu của Đức Thế Tôn.
Vị Thánh Tăng mắt vẫn không rời trang kinh nhưng giữ im lặng hồi lâu khiến cho bầu không khí càng thêm nghẹn thở. Một lúc sau, Đức Thị Giả mới chậm rãi cất giọng trịnh trọng:
_ Namo Tassa Bhagavato Arahato Sammāsam Buddhassa. Kinh số sáu trăm bốn mươi tám, tập bảy, trang 376 bản chánh gốc tiếng Pāli: “Như vầy tôi nghe. Một thuở nọ, khi vua Brahmadatta trị vì tại xứ Ba-la-nại, Bồ-tát sanh làm vị Đại Phạm Thiên trú nơi cung trời Đâu Xuất quán sát thế gian.
Đức Bồ-tát thấy cũng tại Ba-la-nại có hai anh em nhà nọ nối nghiệp người cha, mở hiệu bán thuốc, cứu thế độ nhân. Người anh tên là Anagita, lúc nào cũng cẩn trọng xem xét kỹ lưỡng các thứ thuốc, chỉ bán đúng các thuốc chữa bệnh của gia tộc chánh truyền, nhờ vậy nên cứu được cho rất nhiều người.
Trong khi đó, người em là Yamagita, tuy cũng rất từ bi muốn cứu giúp mọi người nhưng vì cẩu thả, tin bừa tín bậy nên bán luôn cả những thứ thuốc giả, thuốc độc của bọn lậu thương, buôn thần bán thánh tuồn vào. Chính vì thế nhiều người dùng lầm thuốc của người em, bệnh đã không hết lại còn bị tiền mất tật mang, khổ đau ngất trời khôn xiết, những kẻ chết oan thì nhiều vô số kể.
Đến cuối đời, cả hai chết và đi theo nghiệp của mình. Người anh nhờ bán đúng thuốc, cứu giúp cho nhiều người nên được tái sanh lên cõi trời Ba Mươi Ba, hưởng Thiên lạc đến sáu mươi hai đại kiếp.
Trái lại người em vì tội vô minh ngu si bán cả thuốc giả, cho luôn thuốc độc làm hại biết bao nhiêu người nên phải bị đọa vào địa ngục, chịu cực hình tàn khốc suốt tám mươi mốt A-tăng-kỳ.
Sau khi kể xong câu chuyện, Đức Bổn Sư nhận diện tiền thân: Vị Đại Phạm Thiên chứng kiến mọi sự việc là Đức Bồ-tát; người anh Anagita chính là A-nan ta, còn người em Yamagita chính là vua Dạ Ma Diêm Vương đây”.
Ngưng một lát cho câu chuyện thấm vào từng tế bào vía của đám ngục nhân dại dột, ngài A-nan liền quay sang Diêm Vương:
_ Này Dạ Ma Diêm Vương, sau khi ông đã phải chịu biết bao quả báo khổ đau trong chín tầng âm phủ để trả nợ nghiệp vô minh hại người, sau đấy ông mới được làm chúa ngục. Từ đó đến nay ông có kêu oan nghĩ ức gì không?
Diêm Vương chắp tay cung kính:
_ Dạ thưa, kính bẩm Ngài, nhân quả nghiệp báo quá rõ ràng, dù một niệm oan ức tôi cũng không dám nghĩ.
Ngài A-nan nhìn đám ngục nhân thở dài:
_ Thế đấy! Vậy mà có nhiều kẻ xấu lợi dụng danh nghĩa ta, ngụy tạo biết bao kinh giả, luật giả; tuyên truyền tà kiến phản lại lời Phật, trái với pháp Phật trong Kinh Luật gốc. Chúng chỉ cần gắn vào miệng ta mấy chữ “như vầy tôi nghe” là các ngươi đã vội vàng tin ngay đó là kinh của Phật, luật của Phật. Bọn yêu quái phải giả dạng thành chính “Tăng giả”, thì chúng mới phổ biến được các “Pháp giả”, mới khiến mọi người tin vào những “Phật giả”, hiểu không!
Các ngươi đã không suy xét cẩn thận để loại trừ thì chớ, trái lại còn nhắm mắt nối giáo cho giặc, giới thiệu phổ biến tràn lan, gây tai họa cho biết bao nhiêu người khác. Các ngươi khác nào người em Yamagita ngây thơ ngu muội tiếp tay cho bọn quỷ ma, bán luôn thuốc giả, tặng luôn thuốc độc, gieo rắc tràn lan tai họa cho biết bao nhiêu người.
Chính Đức Thế Tôn đã phải nhiều lần khuyến cáo: “kẻ ôm tà kiến chỉ có hai sanh thú: địa ngục hoặc súc sanh”. Giờ đây vô số nạn nhân của các ngươi vẫn còn đang phải trả nợ nghiệp báo tà kiến của họ do chính các ngươi đã gieo rắc. Thử hỏi các ngươi làm sao tránh khỏi trách nhiệm của mình?
Quay sang Diêm Vương, ngài A-nan đề nghị:
_ Mong Diêm Vương nể tình tôi, cho bọn họ xem qua một lát tai họa do chính bọn họ đã gây ra.
Vị chúa ngục chắp tay tuân lời. Với vẻ mặt đầy thần bí, Diêm Vương vươn cao tay bắt ấn long xà, miệng lâm râm niệm thần chú “ốm ma ni bát mệ hồng yết đế yết đế bút sa gà chết”.
Ngay tức khắc bức tường phía trước mặt mọi người biến thành màn ảnh 8D rộng lớn tới cả cây số vuông cùng với hàng ngàn khung hình nhỏ. Mỗi khung hình ghi cảnh xử phạt tại các phòng trong địa ngục. Phòng nào cũng chất ních tội nhân, nhưng kỳ lạ thay, chỉ cần lướt mắt xem qua cũng biết ngay được tội lỗi của mỗi người.
Trong đó có rất nhiều người do tà tín tin cuồng tà nhân, chấp thủ tà giới, theo lầm tà kinh đến nỗi trở thành tà đạo. Nhiều kẻ còn quay lại phỉ báng Thánh Nhân, coi khinh cả Chánh Kinh Chánh Pháp để rồi tạo ra biết bao tội lỗi nghìn trùng.
Vừa nhìn lên màn hình, nhiều oan gia đã nhận ra ngay những người quen cũ trước đây vốn là các đồng đạo, các fan ‘like’ facebook, hoặc các đọc giả cũ của mình. Giờ đây đám người kia vừa phải chịu những cực hình đớn đau cùng cực, vừa réo tên cúng cơm của các vị “ân nhân tà pháp thí” chửi rủa liên tục.
Cả đám oan gia nhìn nhau hoảng kinh té ngửa. Chẳng cần nói gì thêm, ai nấy đều hiểu ngay cớ sự. Chết thật rồi, tiêu cả lũ thật rồi! Phước chẳng đến tay, họa đây gánh lấy quá rõ ràng rồi. Bản thân mình đã ôm tà kiến lại còn gieo rắc tà kiến cho người khác, hẳn tội lỗi phải chất chồng gấp bội. Quả báo ấy làm súc sanh cũng không được thì phải vào đây chứ còn đâu nữa.
Vậy mà bấy lâu nay bọn họ không thèm lưu ý, không cần xem xét cân nhắc đúng sai thật giả, cứ tin bừa tín ẩu. Họ chỉ cần thấy mấy chữ “Tam tạng: kinh - luật - luận” là vội vàng tin ngay. Đã thế còn đua nhau tụng tán, tranh nhau phổ biến giới thiệu tùm lum, chẳng khác nào vung vãi thuốc độc hại biết bao nhiêu người.
Không còn nói chi được nữa, cả đám ngục nhân biết rõ tội lỗi, một chiều cúi đầu sợ hãi. Ngay lúc ấy Diêm Vương nạt lớn:
_ Chánh Kinh đã dạy rành rành như thế, còn tên nào dám lải nhải nữa thôi? Chúng bay muốn lãnh thêm tội “phản động” nữa phải không?
Nghe tiếng thét gầm rú của Diêm Vương, cả đám tội nhân đã chưa nguôi sợ hãi, giờ lại càng rúng động linh hồn. Ai nấy đều run lẩy bẩy, mặt mũi tái xanh tái xám cứ như thể hồn lìa khỏi vía. Không hẹn mà nên cả đám đổ xụp xuống, mồ hôi cha, mồ hôi con vã ra tuôn xuống như mưa.
Còn nói gì được nữa? Vô minh là nguyên nhân gây ra đau khổ nhưng tà kiến, tà tín cũng là cội nguồn của tội ác khổ đau. Hẳn nhiên, kẻ gieo rắc tà kiến cũng phải chịu chung trách nhiệm. Nhân quả rành rành, nghiệp báo trắng đen quá rõ. Dù tất cả các luận sư danh tiếng nhất thế giới có vào đây tác nghiệp, chắc hẳn họ cũng đành phải bó tay lắc đầu im lặng (mà không chừng cũng dám té xỉu, “vãi” cả ra quần)
Chẳng còn một ai dám mở miệng kêu oan, tất cả đều tâm phục khẩu phục. Cả đám tội nhân nhất loạt quỳ lạy như tế sao khóc than thảm thiết. Nức nở ngẹn ngào thêm một lúc, tất cả cúi đầu lủi thủi nối gót nhau lui ra nhận lấy hình phạt của mình. Phút chốc án phòng lại trở về sự vắng lặng âm u của nó, không khí lạnh lẽo lại bao trùm khắp nơi.
Đợi cho đám ngục nhân mất hút sau dãy hành lang, ngài A-nan quay sang Diêm Vương, mỉm cười ý nhị. Vị chúa ngục cũng gục gặc đầu đáp lễ rồi đưa tay vuốt ve hàm râu dài rậm rịt. Bỗng nhiên, nhanh như chớp, vị Thần Tăng rùng mình biến thành làn khói trắng bay tọt vào miệng Diêm Vương. Tất cả bọn ngục tốt trợn tròn mắt, há hốc mồm kêu la chí chóe:
_ Úi cha mẹ ôi, ngài A-nan giả! Thánh Tăng giả tụi bây ơi!
Vị chúa ngục lại gục gặc đầu ra chiều tự mãn. Bất giác ngài lại vung bàn tay vuốt ve hàm râu dài lần nữa. Ngay tức khắc khắp án phòng có đến tám vạn bốn ngàn ông A-nan hiện ra rồi biến mất trong ánh sáng báu chói lòa trước mắt bọn tiểu yêu. Lũ ngục tốt khoái chí nhảy nhót như bầy khỉ con. Diêm Vương cười khì:
_ Hừ, đó chỉ là ngón thần thông hạng bét của ta thôi. Chúng bay nên nhớ, ta đã dám giả ông A-nan thì bọn yêu quái muốn phá đạo Phật cũng sợ gì mà không dám. Chỉ có điều ông A-nan giả của ta còn giúp cho bọn kia giải nghi giải độc, chứ biết bao ông A-nan giả do lũ yêu quái tạo ra phá hoại Phật Pháp, bọn kia đã không chịu suy xét cho kỹ lại còn tin bừa, in bậy, phổ biến tràn lan, gây tai họa cho biết bao người khác. Chúng bị đọa địa ngục là đúng, còn la lối gì nữa!
Rồi như sợ có ai nghe thấy, Diêm Vương chồm hẳn người ra phía trước, ngoắc tay làm dấu cho lũ ngục tốt tới gần, kề tai chúng nói nhỏ:
_ Này, cả chuyện hai anh em bán thuốc cũng do ta bịa ra. Lũ chúng bay có tìm đến mòn kiếp cũng không thấy trong Tiền Thân Đức Phật có tập 7 và bài kinh số 648. Bọn cả tin kia không biết, chết xuống dưới đây vẫn còn bị lừa. Ha... ha... ha...
Cười chưa dứt tiếng Diêm Vương đã phải lật đật bước nhanh xuống điện, chắp tay quỳ gối lâm râm sám hối với Đức Phật và ngài A-nan. Còn lũ ngục tốt khốn kiếp thì vẫn cứ vô tư, đứa nào đứa nấy đều bò lăn ra đất ôm bụng cười ngặt ngẽo. Từ khi có địa ngục đến nay, có lẽ, đây là lần đầu tiên chúng mới dám cười to như vậy.

PHÁP TRÍCH LỤC
Những lời Phật dạy về kinh thật, kinh giả
-- Trích Kinh Tăng Chi 1, Chương 2, tr.132:
“Những Tỷ-kheo nào, này các Tỷ-kheo, chặn đứng cả văn và nghĩa, bằng cách nắm giữ sai lạc các kinh điển và những văn tự thích ứng, thì những Tỷ-kheo ấy, này các Tỷ-kheo, chịu trách nhiệm về bất hạnh cho đa số, không an lạc cho đa số, không lợi ích cho đa số, bất hạnh, đau khổ cho chư Thiên và loài Người. Ngoài ra, các Tỷ-kheo ấy, này các Tỷ-kheo, chất chứa nhiều vô phước làm cho Diệu pháp biến mất. 
Những Tỷ-kheo nào, này các Tỷ-kheo, tùy thuận cả văn và nghĩa, bằng cách nắm giữ đúng đắn các kinh điển và những văn tự thích ứng, thì những Tỷ-kheo ấy, này các Tỷ-kheo, chịu trách nhiệm về hạnh phúc cho đa số, an lạc cho đa số, lợi ích cho đa số, hạnh phúc, và an lạc cho chư Thiên và loài Người. Ngoài ra, các Tỷ-kheo ấy, này các Tỷ-kheo,chất chứa nhiều phước đức, làm cho Diệu pháp an trú”
{ Thừa tự Pháp Trích lục:
Khi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã tiên tri có những Tỳ-kheo nắm giữ sai lạc các kinh điển”, điều này có nghĩa có những kinh điển tà vạy, sai đường bị ngộ nhận. Và khi Đức Phật chỉ rõ có “những văn tự thích ứng (với các kinh ngụy tạo), đây chính là các luận giải ngụy biện lươn lẹo của các tổ sư gián điệp sáng tác nhằm hợp thức hóa các kinh giả - luật giả của họ.
Những tam tạng kinh - luật - luận ngụy tạo này khiến những người tin theo phải mang lấy tà kiến, khiến họ phải đau khổ lâu dài trong đọa xứ địa ngục. Đã thế, kẻ nào mê lầm tin theo các ngụy pháp này nếu họ còn phổ biến khiến người khác bị ngộ độc theo, tất nhiên họ phải gánh lấy trách nhiệm quả báo nhiều hơn nữa.
Ngược lại, khi Đức Chánh Biến Tri khuyến cáo các Tỳ- kheo phải biết “nắm giữ đúng đắn các kinh điển”, điều này có nghĩa Chánh Kinh thực sự ghi lại những lời dạy đích thực của Đức Thế Tôn Thích Ca Mâu Ni cần phải được y chỉ cả văn và nghĩa, mỗi mỗi chữ, mỗi mỗi câu cần phải được nghiên cứu, thực hành thấu đáo, không được xem thường.
Những văn tự thích ứng (với Chánh Kinh Chánh Luật) chính là các giải mã, giải thích phải y theo chánh Kinh - chánh Luật, dùng chính những lời dạy của Đức Phật để giải thích chứng minh các pháp môn, các giới luật do chính Đức Phật tuyên dạy, chứ không phải những luận giải, chú giải chủ quan chung chung do người đời sau bịa đặt ra.
Chánh Kinh Nikāya và Chánh Luật Pātimokkha phải được xem xét, nghiên cứu, thọ trì cẩn trọng. Những lời dạy nào, những luật nghi nào đích thực của Đức Thế Tôn Thích Ca Mâu Ni giúp thiện pháp tăng trưởng, ác pháp suy giảm; giúp đoạn trừ tham - sân - si, đem lại an vui an lạc ngay trong hiện tại, chắc chắn những Pháp và Luật đó đem lại kết quả tốt lành cho người thọ trì và phổ biến. Đây chính là giá trị hiển nhiên của đạo luật Nhân Quả và của Chánh Tri Kiến.
]
-- Trích Kinh Tăng Chi 2, Chương 5, tr. 480:
“Lại nữa, này các Tỷ-kheo, sẽ có những Tỷ-kheo trong tương lai Thânkhông tu tập, Giới không tu tập, Tâm không tu tập, Tuệ không tu tập. Do Thân không tu tập, Giới không tu tập, Tâm không tu tập, Tuệ không tu tập, khi họ thuyết về Thắng Pháp hay về Quảng thuyết (Trí giải luận), họ rơi vào hắc pháp, không có thể giác ngộ rõ ràng… đối với các kinh tạng do Như Lai tuyên thuyết, thâm sâu, ý nghĩa sâu kín, siêu thế, liên hệ đến KHÔNG, khi các kinh ấy được thuyết giảng, họ không có nghe, họ không có lắng tai, họ không an trú tâm liễu giải, họ không nghĩ rằng các kinh ấy cần phải học tập, cần phải học thuộc lòng.
Còn những kinh điển do các thi sĩ làm, những bài thi, với những chữ văn hoa, với những câu văn hoa, thuộc ngoại điển do các đệ tử thuyết, trong khi các kinh ấy được thuyết giảng, họ sẽ lắng nghe, họ sẽ lóng tai, họ an trú tâm liễu giải. Các pháp ấy, họ sẽ nghĩ cần phải học tập, cần phải học thuộc lòng. Này các Tỷ-kheo, đây là do Pháp ô nhiễm, nên Luật ô nhiễm; do Luật ô nhiễm, nên Pháp ô nhiễm.
Này các Tỷ-kheo, đây là sợ hãi thứ tư… thứ năm về tương lai, nay chưa sanh khởi, nhưng sẽ sanh khởi trong tương lai, các Thầy cần phải hoàn toàn rõ biết chúng. Sau khi hoàn toàn rõ biết, các Thầy cần phải tinh tấn để đoạn tận sợ hãi ấy”
{ Thừa tự Pháp Trích lục:
Theo lời dạy trên, một người con Phật có bốn phương diện cần phải tu tập: tu tập về Thân, tu tập về Giới, tu tập về Tâm và tu tập về Tuệ.
Trong kinh điển Nikāya, Đức Thế Tôn giảng dạy rất rõ cả bốn phương diện tu tập này. Những ai mang danh con Phật, nhưng không biết thế nào là tu tập về Thân, tu tập về Giới, tu tập về Tâm, tu tập về Tuệ; hãy coi chừng! Bởi lẽ những người này vì không biết tu tập trọn vẹn nên không có hiểu biết trọn vẹn, chính vì thế họ sẽ dễ dàng tin lầm các tà kinh do các gián điệp ngoại học giả danh tổ sư kết tập và xiển dương. Từ tin lầm tà kinh nên mang lấy tà kiến mà không biết, đây gọi là vô minh.
Ví dụ khi Đức Thế Tôn nói đến Thắng Pháp tức là Abhidhamma, A-tỳ-đàm, Vi Diệu Pháp tức 37 Phẩm Trợ Đạo bao gồm hệ thống các siêu pháp Bốn Như Ý Túc, Bốn Niệm Xứ, Bốn Chánh Cần, Năm Căn, Năm Lực, Bảy Giác Chi, Tám Chánh Đạo.
Thế nhưng nhưng những người đời sau vì tu tập không trọn vẹn nên không nhận thức được trọn vẹn các giá trị siêu việt của 37 Phẩm Trợ Đạo để rồi họ rơi vào “hắc pháp Vi Diệu Pháp” ngụy tạo do kẻ đời sau vẽ ra, với những khái niệm mơ hồ, chung chung, không được kiểm chứng. 
Hoặc giả những kẻ đời sau vì không biết tu tập trọn vẹn về Thân, về Giới, về Tâm, về Tuệ nên không nhận thức giá trị cao siêu của kinh Tiểu Không và Đại Không, từ đây họ dễ dàng rơi vào ‘hắc pháp’ của kẻ gian hiểm với những khái niệm ‘tánh không’ ngụy tạo của ác ma.
Từ đây họ cũng rơi vào tà kiến phủ nhận tất cả như không Chánh Pháp Nguyên Thủy, không Bốn Thánh Đế Khổ - Tập - Diệt - Đạo, không chứng không đắc, không dơ không sạch v.v.. và v.v.. Thế nhưng lại có cái Bát-nhã-ba-la-mật mà ba đời chư Bụt còn phải tu theo???
Chính vì thế, tin lầm theo tà nhân và tà kinh dẫn đến tưởng lầm tà pháp là chánh pháp, tưởng lầm tà kiến là chánh kiến, tưởng lầm tà đạo là chánh đạo. Sự ngộ nhận này đem lại biết bao khổ đau và nguy hại trong hiện tại lẫn về tương lai lâu dài trong đọa xứ địa ngục. Rõ ràng đây là những sợ hãi cần phải nhận thức rõ để đoạn trừ, nhờ vậy mới an vui giải thoát ngay trong hiện tại và từng bước đi tới giác ngộ Niết Bàn, vĩnh viễn thoát khỏi khổ đau muôn kiếp.

]
-- Trích Kinh Diệu Pháp Hỗn Loạn (3), Tăng Chi 2, Chương 5, XVI. Phẩm Diệu Pháp
1. - Năm pháp này, này các Tỷ-kheo, đưa đến Diệu pháp hỗn loạn, và biến mất. Thế nào là năm?
2. Ở đây, này các Tỷ-kheo, các Tỷ-kheo học thuộc lòng kinh điển bị nắm giữ sai lạc, với những văn cú đặt sai lầm. Này các Tỷ-kheo, với văn cú đặt sai lầm, ý nghĩa bị hướng dẫn sai lạc. Ðây là pháp thứ nhất, này các Tỷ-kheo, đưa đến Diệu pháp hỗn loạn và biến mất
4. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, đối với các Tỷ-kheo nghe nhiều Thánh giáo được trao truyền, là bậc trì Pháp, trì Luật, trì Toát yếu, các vị ấy không cẩn trọng để cho các người khác nói pháp. Do duyên này của họ, Khế kinh như bị đứt gốckhông còn là chỗ nương tựa. Ðây là pháp thứ ba, này các Tỷ-kheo, đưa đến Diệu pháp hỗn loạn và biến mất…
Năm pháp này, này các Tỷ-kheo, đưa đến Diệu pháp an trú, không hỗn loạn, không biến mất. Thế nào là năm?
8. Ở đây, này các Tỷ-kheo, các Tỷ-kheo học thuộc lòng kinh điển được nắm giữ tốt đẹp, với những văn cú được phối trí chơn chánh và ý nghĩa được hướng dẫn chơn chánh. Ðây là pháp thứ nhất, này các Tỷ-kheo, đưa đến Diệu pháp an trú, không hỗn loạn, không biết mất
10. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, đối với các Tỷ-kheo nghe nhiều Thánh giáo được trao truyền, là bậc trì Pháp, trì Luật, trì Toát yếu, các vị ấy cẩn trọng để cho các người khác nói pháp. Do duyên này của họ, kinh điển không bị đứt gốc, là chỗ nương tựa. Ðây là pháp thứ ba, này các Tỷ-kheo, đưa đến Diệu pháp an trú, không hỗn loạn, không biến mất.
{ Thừa tự Pháp Trích lục:
Theo lời dạy trên, trong năm điều khiến Diệu pháp hỗn loạn biến mất hoặc không hỗn loạn, không biến mất, có hai điều liên hệ trực tiếp đến kinh điển. Phật giáo ngày nay có biết bao nhiêu kinh văn; cũng là có biết bao nhêu thật giả lẫn lộn, vàng thau hỗn độn. Vì sao? Vì nhiều người con Phật chỉ cần thấy bốn chữ “Như vầy tôi nghe” hoặc chỉ mới nghe người khác nói nó là kinh của Phật, họ tức khắc tin ngay không cần phán xét suy tư gì cả.
Tin lầm thầy thuốc dỏm khiến tiền mất tật mang đã khổ, đàng này tin lầm kinh giả của các ác ma khiến phải mang lấy tà kiến đọa vào địa ngục còn khổ đau gấp vạn lần. Chính vì thế, mong rằng mỗi người con Phật hãy thận trọng nhiều hơn, suy tư phán xét kỹ hơn trước khi đặt niềm tin vào bất kì kinh văn nào có câu “Như vầy tôi nghe”.
]
-- Bài kinh “Cái Chốt Trống”, Tương Ưng 1, phẩm XX, (Tạp 47.18, Cổ, Ðại 2, 315b) (S.ii,266)
Trú ở Sāvatthi.
-- Thuở xưa, này các Tỷ-kheo, dân chúng Dasārahā có một cái trống tên là Anaka. Khi cái trống Anaka bắt đầu nứt ra, dân chúng Dasārahā đóng vào một cái chốt khác. Cho đến một thời gian, này các Tỷ-kheo, cả cái thùng ván của trống Anaka biến mất và chỉ còn lại những cái chốt tụ tập lại.
Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, những Tỷ-kheo sẽ thành trong tương lai: Những bài kinh nào do Như Lai thuyết, thâm sâu, nghĩa lý thâm diệu, xuất thế gian, liên hệ đến không Tánh, họ sẽ không nghe khi các kinh ấy được thuyết giảng; họ sẽ không lóng tai; họ sẽ không an trú chánh tri tâm, và họ sẽ không nghĩ rằng các pháp ấy cần phải học thuộc lòng, cần phải thấu đáo.
Còn những bài kinh nào do các thi sĩ làm, những bài thơ với những danh từ hoa mỹ, với những câu văn hoa mỹ, thuộc ngoại điển, do các đệ tử thuyết giảng, họ sẽ nghe khi các kinh ấy được thuyết giảng; họ sẽ lóng tai; họ sẽ an trú chánh tri tâm và họ sẽ nghĩ rằng, các pháp ấy cần phải học thuộc lòng, cần phải học thấu đáo.
Như vậy, này các Tỷ-kheo, các kinh do Như Lai thuyết, thâm sâu, nghĩa lý thâm diệu, xuất thế gian, liên hệ đến không Tánh, sẽ đi đến tiêu diệt.
Do vậy, này các Tỷ-kheo, các Ông cần phải học tập như sau: "Những bài kinh nào do Như Lai thuyết giảng, thâm sâu, nghĩa lý thâm diệu, xuất thế gian, liên hệ đến không Tánh, chúng tôi sẽ nghe khi các kinh ấy được thuyết giảng; chúng tôi sẽ lóng tai; chúng tôi sẽ an trú chánh tri tâm. Và chúng tôi sẽ nghĩ rằng, các pháp ấy cần phải học thuộc lòng, cần phải học thấu đáo”.
Như vậy, này các Tỷ-kheo, các Ông cần phải học tập.
{ Thừa tự Pháp Trích lục:
“-- Thuở xưa, này các Phật tử, Đạo Phật có một tạng Kinh gốc duy nhất tên là Nikāya. Khi tạng Kinh gốc Nikāya bắt đầu bị đứt gốc, những người con Phật tin theo những kẻ không đáng tin, chạy theo các tà kinh ngụy tạo khác. Cho đến một thời gian, này các Phật tử, cả tạng Thánh Kinh Nikāya không còn được tôn trọng và người ta chỉ còn tin vào những tà kinh ngụy tạo hoặc các luận giải tà vạy.
Cũng vậy, này các Phật tử, những Phật tử trong hiện tại: Những bài kinh nào do Như Lai thuyết như kinh Nikāya, thâm sâu, nghĩa lý thâm diệu, xuất thế gian, liên hệ đến “không” như Tiểu Không, Đại Không…, họ sẽ không nghe khi các kinh Nikāya ấy được thuyết giảng; họ sẽ không lóng tai; họ sẽ không an trú chánh tri tâm, và họ sẽ không nghĩ rằng các pháp ấy cần phải học thuộc lòng, cần phải thấu đáo.
Còn những bài kinh ngụy tạo sau này do các thi sĩ làm, những bài thơvới những danh từ hoa mỹ, với những câu văn hoa mỹ, thuộc ngoại điển, do các đệ tử giả danh thuyết giảng, họ sẽ nghe khi các ngụy kinh ấy được thuyết giảng; họ sẽ lóng tai; họ sẽ an trú chánh tri tâm và họ sẽ nghĩ rằng, các pháp ấy cần phải học thuộc lòng, cần phải học thấu đáo.
Như vậy, này các Phật tử, các kinh Nikāya do Như Lai thuyết, thâm sâu, nghĩa lý thâm diệu, xuất thế gian, liên hệ đến không như Tiểu Không - Đại Không, sẽ đi đến tiêu diệt.
Do vậy, này các Phật tử, các Vị cần phải học tập như sau: "Những bài kinh Nikāya nào do Như Lai thuyết giảng, thâm sâu, nghĩa lý thâm diệu, xuất thế gian, liên hệ đến không như Tiểu Không - Đại Không, chúng tôi sẽ nghe khi các kinh ấy được thuyết giảng; chúng tôi sẽ lóng tai; chúng tôi sẽ an trú chánh tri tâm. Và chúng tôi sẽ nghĩ rằng, các pháp ấy cần phải học thuộc lòng, cần phải học thấu đáo”.
Như vậy, này các Phật tử, các Vị cần phải học tập.”
______________________
(*) Ghi chú: Vì lý do quá rùng rợn, trang web wwww.@mphu.com.@ này rất khó truy cập

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét