Thứ Tư, 5 tháng 9, 2018

SƯ GIÀ MẤT DẠY VÀ CON NGỰA THÀNH TROY TRONG PHẬT GIÁO NAM TÔNG (Phần 2)


Sư già mất dạy
Con ngựa thành Troy
trong Phật giáo Nam Tông
Nhị Tạng Vương
***

Nhận diện “con ngựa thành Troy”
trong Phật giáo Nam Tông
(Phần 2)

MỤC LỤC

Phần 1

1) Quỷ dạ xoa ăn thịt con nít chứng liền thánh quả!
2) Đi tìm nguyên nhân phân hóa tại Kosambī và kẻ phá hòa hợp tăng
3) Luận giải phải y kinh, chú giải phải y chứng

Phần 2

4) Thủ đoạn dùng vũ khí người để giết người
5) Cài thêm tay sai và truyền thống phỉ báng thấu cáy
6) Tuệ tri chúng sanh là chúng sanh
7) Phá hoại chân lý
8) Xuyên tạc thâm độc
9) Kế sách gián điệp trong cuộc đấu tranh ý thức hệ tôn giáo

Phần 3

10) Thủ tiêu kinh gốc
11) Bình thuốc cũ, rượu độc mới
12) Vi Diệu Pháp hay Duy thức Bà-la-môn?  
13) Luận tạng - “Con ngựa thành Troy” của Theravada
14) Trở về nguồn với chánh kinh Nikaya và chánh luật Pātimokkha
15) Tà kiến là địa ngục
16) Bảo vệ đúng chánh pháp là tự cứu mình
17) Lõi cây duy nhất

Tham khảo

4) Thủ đoạn dùng vũ khí người để giết người
Không dừng lại ở đó, hình ảnh tương phản về vị Thày Trời Người một mình an vui sung sướng còn các đệ tử “ráng sống lây lất cực khổ lắm” càng được ông luận sư Bà-la-môn tô đậm nét hơn bằng sự thần hoá một cách phi thực sự hầu hạ của voi chúa cùng những chủ đích bất thiện khác.
Thật vậy, nếu trong chánh tạng hình tượng voi chúa được Đức Thế Tôn nêu lên như một biểu tượng cao quý để ca ngợi đời sống độc cư thanh tịnh, ngược lại dưới ngòi bút của Phật Âm Bà-la-môn, nó đã trở thành một công cụ phục vụ cho nếp sống vương giả, đến độ nếu không có thì thà... sống một mình (?)
Hãy đọc kỹ đoạn đối thoại tự chế sau đây của luận sư Bà-la-môn giữa chư Tăng và Đức Phật để thấy rõ hơn dụng ý mỉa mai của tác giả:
“ - Bạch Thế Tôn! Ngài là một vị Phật Chí Tôn, một vị Vương tối thượng, lá ngọc cành vàng, mà ở rừng suốt ba tháng hạ, không người hộ độ, dâng nước hầu cơm khi ngồi, khi đứng, khuya sớm một mình chắc là cực khổ lắm!
Nghe vậy, Đức Bổn Sư đáp:
- Nầy các Tỳ khưu! Đã có tượng chúa Pàlileyyaka làm hết mọi việc cần thiết giúp Ta, nếu ai có được bạn đồng cư như Tượng chúa nầy, người ấy có thể vui sống chung, bằng không được vậy thì sống lẻ loi cô độc còn hơn” (trang 118).
Trong khi Luật Tạng chỉ ghi rõ voi chúa phục vụ Đức Thế Tôn “nước uống, nước rửa, và dọn sạch cây cỏ”, và cũng vậy, trong kinh Phật Tự Thuyết: Rồi con voi ấy, rời khỏi đàn voi, đi đến Pàlileyyaka, tại khóm rừng Rakkita, ở gốc cây sàla Bhadda. Tại đấy, con voi ấy tại chỗ nào Thế Tôn ở, tại chỗ ấy nó dọn sạch cỏ với cái vòi của mình, đem nước uống, đồ ăn để Thế Tôn dùng” (Ud.41). Thế nhưng trong chú giải của Phật Âm, voi chúa siêu đẳng hơn nhiều: nó biết đốt lửa, nấu nước cho Phật tắm hằng ngày, và sau khi Phật tắm xong, voi còn biết cúng dường trái cây rồi tới giờ Phật mới đi khất thực.
Phải chăng khi thêm vào sự kiện này Phật Âm Bà-la-môn muốn “chú giải” rằng thực ra một vị Minh Hạnh Túc dù chế giới cấm các đệ tử đốt lửa, nhưng khi không còn ai vẫn một mình an nhiên hưởng lạc thọ vương giả, cho dù kẻ khác có vi phạm giới luật để phục vụ cho mình? thậm chí có thể làm chết các chúng sanh trong đó? Phải chăng nhờ có ngòi bút chú giải của Bà-la-môn Phật Âm nên mọi người mới biết thêm rằng: vị Đạo Sư khi chỉ còn một mình cũng... lén ăn phi thời như người thường?

Không chỉ có thế, Bà-la-môn Phật Âm còn phóng tâm xa hơn về quá khứ,khéo léo bịa đặt thêm giới luật khi luận giải rằng: “Tượng chúa nghĩ thầm: “Nếu vị nầy thông hiểu Giới Luật...” để sau đó Phật Âm Bà-la-môn chú giải thêm một giới cấm thủ: “(những vị Tỳ khưu hiểu luật không bao giờ để đồ đạc của mình lên chỗ ngồi, chỗ nằm của các bậc Thầy Tổ)” (trang 117)

Xin hỏi: Chẳng lẽ luận sư Bà-la-môn Phật Âm có tha tâm thông như Đức Phật hay sao lại biết được tâm tư của một con thú rừng sống trước mình hàng ngàn năm và lại thông hiểu cả giới luật của Tăng đoàn? Phải chăng để đồ đạc lên chỗ nằm ngồi của Thầy Tổ là làm dục ái gia tăng trưởng, làm thiện pháp suy giảm, ác pháp tăng trưởng? 
Hay đây chính là hình thức bái vật một cách mê tín, không xem trọng phẩm hạnh và trí tuệ, của một số hội chúng ngoại học mà Phật Âm Bà-la-môn muốn đưa vào trong Đạo Phật? Trong Pātimokkha có điều khoản nào quy định như Phật Âm không? Hẳn nhiên là không! Vì sao? Vì mọi tỳ khưu đều phải hiểu rằng không nên để bừa bãi đồ đạc của mình nơi chỗ của người khác, chứ đừng nói gì chỗ của Thầy Tổ, và cho dù có vị nào sơ ý thì chỉ cần nhắc nhở là xong, chính vì thế đây không phải là vấn đề phổ biến trong Tăng chúng đến độ phải chế thành điều luật. 

5) Cài thêm tay sai và truyền thống phỉ báng thấu cáy
Như sợ rằng sự vẽ vời thêm cho hình tượng voi chúa vẫn chưa đủ sức mạnh xuyên tạc, vị luận sư Bà-la-môn còn chế tác thêm hẳn một tên tay sai khác nữa, đó là con khỉ chúa cũng khôn lanh không thua gì Tôn Ngộ Không trong Tây Du Ký của nhà văn Ngô Thừa Ân.
Với thủ thuật đạo diễn của Bà-la-môn Phật Âm, khỉ chúa cũng biết đem mật ong về cung phụng cho Đức Bổn Sư để nhân đó vị luận sư Bà-la-môn có dịp “dụ khị” và “xỏ mũi” những đọc giả nhẹ dạ:
“Khỉ chúa đứng chờ coi Đức Bổn Sư có thọ dụng ổ mật đó không. Nhưng nó chỉ thấy Ngài cầm lên và để xuống chứ không dùng. Khỉ ta tự hỏi: “Có cái gì đây?” nó bèn cầm lấy nhánh cây có tổ ong lên, lật qua lật lại xem thật kỹ, thì thấy còn sót trứng ong trong tổ, nó bèn cẩn thận gạt bỏ hết trứng ong, rồi dâng mật lại Đức Bổn Sư. Lần này Ngài thọ lãnh và thọ dụng” (trang 115).
Rõ ràng chỉ có loài vượn cổ “ăn lông ở lỗ” mới không biết rằng “gạt bỏ hết trứng ong” là không phải sát sanh, và để kẻ khác gánh lấy tội sát sanh trước mắt mình cho mình thọ hưởng, đó không phải là hành vi của bậc Chân Nhân chứ đừng nói gì của Đấng Như Lai Chánh Đẳng Giác. Và cũng chỉ có những kẻ xem thường giới luật về thọ thực ăn một ngày một bữa không ăn phi thời mới không phát hiện ra món “mật ngọt chết ruồi” của Bà-la-môn Phật Âm thực ra là phi pháp.
Bởi thế, theo bối cảnh của chú giải, người thọ dụng món mật ong của luận sư Bà-la-môn không những đã phạm luật “tam tịnh nhục” mà còn phạm giới ăn phi thời. Những ai nghiên cứu kỹ chánh Kinh, chánh Luật đều nhận thấy Đấng Thế Tôn Chánh Đẳng Giác luôn luôn thể hiện sự Minh Hạnh Túc, kỹ lưỡng, chuẩn mực đến từng chi tiết một cách hết sức vi tế; thế nhưng qua ngòi bút của Bà-la-môn Phật Âm, Ngài lại quá dễ duôi, phóng túng đến độ… không sao tin nổi!
Thế nhưng, khốn thay điều vu khống này đã dễ dàng được chấp nhận qua hàng ngàn năm. Nguyên nhân là do những người tin chú giải đã không chịu ghi nhớ kỹ Chánh Kinh – Chánh Luật và so sánh cẩn trọng với luận giải, để thấy rõ thế nào là từng hành vi, từng lời nói, từng ý nghĩ rất cặn kẽ, rất kỹ lưỡng, không một chút sơ hở của một Bậc Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc; cho nên họ mới dễ dàng tin có một “Đức Bổn Sư” của Phật Âm dễ duôi đến như vậy.
Hơn thế nữa, khi những tín đồ đã bị che mắt bởi “lá bùa Thánh Tăng Phật Âm”, thời họ còn trí tuệ đâu để thấy được sự lươn lẹo, thấu cáy của một ông luận sư ngoại học thâm hiểm. 
Thật vậy, một người am tường kinh điển Nikaya sẽ thấy ngay ngọn bút của Phật Âm Bà-la-môn chẳng khác gì ngọn lưỡi móc mỉa thấu cáy quen thuộc của các ông Bà-la-môn đương thời đức Phật. Kinh văn Nguyên thủy đã tinh tế nhắc nhở rất nhiều lần kiểu đòn xóc hai đầu này. Họ đang “ca ngợi” đấy nhưng hãy coi chừng, đằng sau nó là những cái móc!
Hãy suy nghĩ kỹ lời “tán thán” của họ được kinh văn gốc ghi lại thường xuyên như những lời nhắc nhở: “Thật vi diệu thay, Tôn giả Gotama! Tôn giả Gotama, như người dựng đứng lại những gì bị quăng ngã xuống, phơi bày ra những gì bị che kín…” Những gì đã bị quăng ngã xuống lại được dựng đứng lên? Chẳng lẽ là xác chết? Những gì bị che kín lại được phơi bày ra? Chẳng lẽ…
Hẳn nhiên trong kinh văn gốc cũng có nhiều người chân chánh vinh danh “Tôn giả Gotama” như vậy, nhưng không phải tất cả đều như vậy. Và đây chính là điều kinh văn gốc muốn lưu ý những người con Phật. Cuộc sống muôn vẻ và con người cũng muôn mặt, chê và khen cũng vậy. Có những lời chê bai do ganh ghét, tị hiềm; nhưng cũng có những lời phê bình thiện chí, xây dựng. Có những lời khen thật lòng tán thán, nhưng cũng có những lời khen do muốn lừa gạt hoặc mỉa mai thấu cáy.
Người con Phật nhận định rõ điều này sẽ dễ dàng phát hiện các kinh văn ngụy tạo với phần đầu ca ngợi Đức Phật khiến người đọc dễ tưởng lầm là kinh “Phật giáo”, nhưng sau đó mới khéo léo cài vào những hý luận phi pháp, phi luật. Chính vì thế việc suy xét kỹ lưỡng để phân biệt thật giả, tốt xấu, đúng sai phải được đặc biệt cẩn trọng, nhất là trong cuộc đấu tranh ý thức hệ tôn giáo.
Những người con Phật với sự cẩn trọng, không tin bừa, mới thấy được những giả trá thâm độc của ông luận sư Bà-la-môn Phật Âm. Xét kỹ những chú giải của Buddhaghosa sẽ thấy ông luận sư Bà-la-môn sống sau Phật một ngàn năm cũng không  chịu thua kém các tiền bối của mình trong việc ca ngợi Đức Phật giả tạo để đánh lừa con Phật, từ đó mới xỏ xiên xuyên tạc Tam Bảo một cách ác ý. Nếu đọc các tác phẩm của các luận sư gốc Bà-la-môn khác với sự cảnh giác cao độ, người đọc còn phát hiện thêm nhiều những đòn chống phá ngấm ngầm khác nữa.
Rõ ràng, qua những gì được mô tả trong chú giải, không phải vô ích khi vị luận sư Bà-la-môn đã mất công vẽ thêm hình ảnh voi chúa, khỉ chúa phục vụ Đức Bổn Sư. Chúng có vẻ “vinh danh” Đức Thế Tôn đấy, nhưng kỳ thực lại phơi bày tấm lòng vị tha đạo đức... giả của Ngài.
Đáng buồn thay, trong nhiều chùa, người ta vẫn cứ phô bày nhan nhản hình ảnh voi chúa, khỉ chúa phủ phục cúng dường Đức Thế Tôn. Thậm chí nhiều kẻ còn tự hào xem đấy như một biểu tượng của sự thần thánh hóa vinh danh Đức Bổn Sư.
Chỉ bấy nhiêu thôi cũng đủ biết các trụ trì chùa ấy cũng đã bị các tay sai của Phật Âm Bà-la-môn dụ dỗ xỏ mũi dắt đi xa tới đâu. Một khi mọi người cứ vô tư đua nhau in hình khỉ chúa, voi chúa hầu hạ Đức Thế Tôn là chính họ đã vô tình tiếp tay cho Phật Âm Bà-la-môn vu khống chính Bậc Đạo Sư đáng kính của mình mà không biết.
Nhưng… cũng biết đâu chừng nhờ các công trạng ấy mà những kẻ mê tín sẽ được giống như voi chúa và khỉ chúa của Phật Âm, cuối cùng cũng được ông Bà-la-môn này ban cho chết một cách thảm thương và bay lên chín tầng mây hưởng lạc thú như trong chú giải còn ghi rõ.

6) Tuệ tri chúng sanh là chúng sanh
Nếu trong tất cả các tài liệu chánh tạng không có các sự kiện nêu trên, người đọc cần phải hiểu rằng tác giả Phật Âm Bà-la-môn đã dùng “tưởng tượng thông” để viết ra các biến cố này với những dụng ý riêng của mình. Một khi đã ý thức được như vậy và không bị hớp hồn bởi sự thần thánh hóa “Thánh tăng” Phật Âm, người Phật tử mới có thể thấy rõ những thâm ý phá hoại ngầm của một luận sư Bà-la-môn.

Tất nhiên, trong kinh điển Nikaya cũng có rất nhiều sự thần hóa, nhân hóa các cõi Chư Thiên, bàng sanh, ngạ quỷ... Thế nhưng, người đọc phải tuân theo nguyên tắc quan trọng trong kinh Pháp Môn Căn Bản để “tuệ tri chư Thiên là chư Thiên, sanh vật là sanh vật”; chứ không thể tưởng tri các đối tượng này. Và khi đã biết dùng trí tuệ để nhận thức như vậy, người học Phật mới có thể lĩnh hội được những triết lý sâu sắc, các bài học luân lý thiết thực về giá trị của nhân quả, đạo đức, phạm hạnh thông qua các câu truyện nêu trên.
Và đương nhiên, trong tất cả các hình tượng này, không bao giờ có chuyện kẻ đốt rừng - người tắm nước nóng, hoặc được cung phụng ăn uống “khuya sớm” phi thời phá giới trong khi người khác phải khổ sở vì mình giống như trong chú giải của Phật Âm Bà-la-môn.
Dĩ nhiên chuyện thần hóa, nhân hóa voi chúa, khỉ chúa chỉ là một lối hư cấu của thần thoại hoặc cổ tích, là quyền sáng tác của tác giả. Nhưng xin lưu ý, một bản chú giải kinh điển, được nhiều người tin là Thánh tạng, hoàn toàn không phải là một cuốn tiểu thuyết bình thường.
Nếu không phân biệt đánh giá rõ ràng sự khác biệt này, để rồi sẽ đến lúc vì cả tin mê tín mà mọi người lầm tưởng một nhà văn tầm thường, chỉ với những tác phẩm tầm thường nhưng với những thâm ý phá hoại không tầm thường; nhờ vậy cũng có thể trở thành một Thánh tăng phi thường của Phật giáo. Một khi sự ấu trĩ này xảy ra thì sự suy vong là điều không sao tránh khỏi.

7) Phá hoại chân lý
Cũng theo chú giải của Phật Âm Bà-la-môn, khi ngài A-nan dẫn đồ chúng vào rừng thỉnh Phật trở về, sau đó Đức Thế Tôn có dạy ba câu kệ cho các Tỳ-kheo.
Gần một ngàn năm sau, Bà-la-môn Phật Âm đã vẽ thêm chi tiết này để rồi nhân đó bắt chước chú Cuội khoác lác “ấn chứng” hàng loạt cho các Tỳ-kheo đắc A La Hán và thổi bùng dân số Thánh Thinh văn:
Kệ ngôn vừa dứt, năm trăm vị Tỳ-khưu đều đắc quả A-la-hán. Kế đó Đại đức Ananda chuyển lời thỉnh cầu của ông Anāthapindika và các thiện tín khác, Đại đức nói: - Bạch Ngài! Năm mươi triệu Thánh Thinh Văn có ông Anāthapindika là người lãnh đạo, kính gởi lời xin cung thỉnh Đức Tôn Sư trở về Jetavana.” (trang 119).
Xin hỏi những ai tin Phật Âm, ông luận sư gốc Bà-la-môn sống sau Phật cả ngàn năm căn cứ vào đâu lại có con số khổng lồ “năm mươi triệu Thánh Thinh Văn”, trong khi sự kiện xảy ra tại Kosambī mới chỉ là hạ thứ mười trong số 45 năm thuyết pháp của Đức Thế Tôn? Trong khi với kinh văn gốc rất dễ dàng tìm thấy những con số khả tín, ví dụ như: Rồi Gia chủ Anāthapindika với khoảng năm trăm nam cư sĩ đi đến Thế Tôn(Kinh Hoan Hỷ (Tăng Chi 5 Pháp, Phẩm Nam Cư Sĩ)? Thậm chí ngay cả với Hoàng triều: “Rồi Cundì, con gái vua, với năm trăm thiếu nữ hộ tống trên năm trăm cỗ xe đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên” (Kinh Cundī, Con Gái Vua (Tăng Chi 5 Pháp, Phẩm Sumanà)?
Rõ ràng ông luận sư Bà-la-môn cố tình đặt con số khổng lồ này vào miệng của Ngài Ananda nhằm lắt léo tố cáo Thánh Tăng của Đạo Phật cũng chỉ là một kẻ nói khoác!
Lại nữa, Phật Âm dựa vào đâu để cho Thánh quả A-la-hán của Đạo Phật được chứng đắc tập thể quá dễ dàng như vậy?
Chỉ nghe một kệ ngôn đã có tới năm trăm A-la-hán chứng đắc, thử hỏi trong suốt các tập chú giải của Phật Âm có tổng số bao nhiêu các A-la-hán?
Phải chăng Phật Âm gắn con số “năm mươi triệu Thánh Thanh Văn” đi kèm với con số “năm trăm vị Tỳ-khưu đều đắc quả A-la-hán” nhằm “giúp” người đọc chưa tin Phật có thể nghĩ ngay rằng Kinh Luận của Phật giáo chỉ là loại “kinh bịa”.
Để biết kiểu phong thánh bừa bãi của Phật Âm Bà-la-môn đã xuyên tạc chánh pháp như thế nào, trước hết cũng phải căn cứ vào chánh Kinh. Ngoài các tài liệu gốc như đã nêu ở trước, trong Tương Ưng còn có bài kinh Pārileyya với nhiều chi tiết liên quan trùng khớp với sự kiện tại Kosambī.
Theo bài kinh này, tôn giả A-nan cùng các Tỳ-kheo có đến Pārileyya hỏi pháp Đức Thế Tôn, thế nhưng nội dung bài kinh này không quá đơn giản như sự chú giải xuyên tạc của Phật Âm. Do khuôn khổ của bài viết này không thể giải thích hết được ý nghĩa đầy đủ của bài kinh, ở đây chỉ nêu một trích đoạn để gợi ý:
“Lúc bấy giờ, một Tỷ-kheo sanh khởi suy nghĩ như sau: "Biết như thế nào, thấy như thế nào, các lậu hoặc được đoạn tận lập tức?"
Thế Tôn với tâm của mình biết được suy nghĩ của Tỷ-kheo ấy, liền nói với các Tỷ-kheo:
-- Này các Tỷ-kheo, Pháp đã được giải thích, thuyết giảng. Bốn Niệm Xứđã được giải thích, thuyết giảng. Bốn Chánh Cần đã được giải thích, thuyết giảng. Bốn Như Ý Túc đã được giải thích, thuyết giảng. Năm Cănđã được giải thích, thuyết giảng. Năm Lực đã được giải thích, thuyết giảng. Bảy Bồ Đề Phần đã được giải thích, thuyết giảng. Thánh Đạo Tám Ngành đã được giải thích, thuyết giảng. Như vậy, này các Tỷ-kheo, pháp được Ta giải thích, thuyết giảng…” (S.iii,94)
Một hệ thống giáo pháp vĩ mô với các hệ thống Bốn Niệm Xứ, Bốn Chánh Cần, Bốn Như Ý Túc, Năm Căn, Năm Lực, Bảy Bồ Đề Phần, Tám Chánh Đạo đã bị Phật Âm Bà-la-môn bỏ lờ trong chú giải của mình. Thay vào đó ‘ngài’ đã cho một lúc ‘năm trăm’ Tỳ-kheo chứng đắc A-la-hán dễ dàng chỉ vì nghe một câu kệ! Những ai đã biết hệ thống thánh pháp 37 Phẩm Trợ Đạo này đều hiểu chúng có hiệu lực đặc biệt để đoạn diệt phiền não lậu hoặc tức thời, thế nhưng việc chứng quả A-la-hán hoàn toàn không phải như thế!
Thật vậy, mặc dù với các Diệu pháp này “các lậu hoặc được đoạn tận lập tức” và chúng có thể giúp mọi tranh cãi (như tại Kosambī) chấm dứt ngay tức khắc, nhưng điều này không có nghĩa là vị Tỳ-kheo chỉ cần nghe xong chúng là sẽ đắc quả Thánh A-la-hán ngay tức thời, nhất là chỉ nghe một câu kệ!
Bởi lẽ, nhờ pháp sơ thiện các lậu hoặc có thể được đoạn tận ngay tức khắc nhưng tương lai chúng còn sanh khởi hay không lại là chuyện khác. Do vậy mới cần phải có “pháp sơ thiện, trung thiện, hậu thiện có nghĩa có văn hoàn toàn đầy đủ”. 
Lại nữa, bên cạnh 37 Phẩm Trợ Đạo còn cần phải có Thánh Giới Luật Pātimokkha, cần phải có Định Niệm Hơi Thở, cần phải có Thân Hành Niệm, cần phải có Vô Tướng Tâm Định, cần phải có Chỉ Quán song hành, cần phải có Tâm Giải Thoát, Tuệ Giải Thoát v..v… và v..v...
Chính vì lẽ đó, trong chánh kinh Pārileyya và toàn bộ kinh tạng Nikaya hoàn toàn không có chuyện chỉ cần “Kệ ngôn vừa dứt, năm trăm vị Tỳ-khưu đều đắc quả A-la-hán” như chú giải của ông luận sư Bà-la-môn Phật Âm.
Thêm nữa, hẳn Phật Âm và những ai tin theo vị luận sư Bà-la-môn này không biết hoặc cố tình quên lời dạy của Đức Phật trong chánh kinh Canki, Trung Bộ 2, số 95: “Này Bharadvaja, chính nhờ luyện tập, tu tập và hành tập nhiều lần, chân lý mới được chứng đạt. Cho đến như vậy, này Bharadvaja, là chứng đạt chân lý, cho đến như vậy, chân lý được chứng đạt, cho đến như vậy, chúng tôi chủ trương sự chứng đạt chân lý”?
Như một sự nhất quán, trước sau không thay đổi, trong Kinh Phật Tự Thuyết còn xác định rõ hơn: “Cũng vậy này các Tỷ-kheo, trong Pháp và Luật này, các học pháp là tuần tự, các quả dị thục là tuần tự, các con đường là tuần tự, không có sự thể nhập chánh trí thình lình.
Này Paharada, vì rằng trong Pháp và Luật này, các học pháp là tuần tự, các quả dị thục là tuần tự, các con đường là tuần tự, không có sự thể nhập chánh trí thình lình. Này các Tỷ-kheo, đây là vi diệu chưa từng có thứ nhứt. Do thấy vậy, thấy vậy, Tỷ-kheo thích thú trong Pháp và Luật này (Ud 51).
Lại nữa, chắc chắn Phật Âm Bà-la-môn hoàn toàn bị thiếu vắng chánh trí tuệ và không biết trí tuệ được hình thành như thế nào mới sáng tác kiểu “hoát nhiên đại ngộ” như vậy. Bởi lẽ chính Đức Thế Tôn đã dạy rõ trong Kinh Kìtàgiri, Trung bộ 2:
“Này các Tỷ-kheo, Ta không nói rằng trí tuệ được hoàn thành lập tức. Nhưng này các Tỷ-kheo, trí tuệ được hoàn thành nhờ học từ từ, hành từ từ, thực tập từ từ.
Nếu ai đó còn phân vân giữa A-la-hán đạo và A-la-hán quả, hãy đọc kỹ bài kinh Canki để thấy rằng dù Giác ngộ chân lý (chứng đạo) hay Chứng đạt chân lý (chứng quả) đều đòi hỏi phải có những quá trình tương ứng nhất định.
Và vì thế, nếu có sự chứng đắc thù thắng thì cũng phải theo trình tự như sau: “nếu được giảng dạy buổi chiều thời chứng được sự thù thắng buổi sáng, nếu được giảng dạy buổi sáng, thời sẽ chứng được sự thù thắng buổi chiều” (Kinh Vương Tử Bồ-Đề, số 85, Trung Bộ 2). Chứng đắc “sự thù thắng” còn phải như thế, huống hồ đối với Thánh đạo quả A-la-hán lại càng không có sự “thể nhập chánh trí thình lình”.
Trong những chuyện Tiền Thân Đức Phật đáng tin cậy thuộc Tiểu Bộ, có rất nhiều bài kinh với phần kết luận giống nhau khi cho các tu sĩ hoặc cư sĩ chứng đạt Thánh quả tùy theo nhân quả của họ.
Tuy mọi trường hợp thành tựu đều được ghi nhận là sau khi được nghe Đức Phật thuyết pháp, nhưng tất cả đều phải tuân theo một nguyên tắc chung đó là: sau khi Tứ Diệu Đế được Phật giảng dạy và được thực thi nghiêm chỉnh. Những ai hiểu Bốn Chân Lý của bậc Thánh đều hiểu rằng nó không phải là chuyện thần thoại, chỉ cần vung tay phù phép là có ngay tất cả.
Chính vì lẽ đó, nếu các chuyện Tiền Thân có những câu kết luận theo kiểu “Cuối bài giảng ấy, vị Tỷ-kheo chứng quả tối cao A-la-hán”, thì chúng cần phải được nhận thức rõ ràng rằng: để đi tới “cuối bài giảng Tứ Diệu Đế” vị Tỳ-kheo ấy mới chứng được quả tối cao A-la-hán, và vì vậy chắc chắn nó không phải là chuyện hoát nhiên đại ngộ trong một “sát-na tâm”.
Một người tu Phật hiểu rõ quá trình này sẽ thấy không có gì mâu thuẫn khi trong phần kết bài kinh Sáu Sáu (Trung Bộ 3) đã ghi rõ:
“Thế Tôn thuyết giảng như vậy. Các Tỷ-kheo ấy hoan hỷ tín thọ lời Thế Tôn dạy. Trong khi sự thuyết giảng này được nói lên, tâm của sáu mươi Tỷ-kheo ấy được giải thoát khỏi các lậu hoặc, không có chấp thủ”.
Trong khi nghe pháp mà hoan hỷ tín thọ lời Phật dạy và nhờ thế đạt được giải thoát lậu hoặc, không có chấp thủ (ngay trong lúc ấy) là chuyện hoàn toàn dễ hiểu.
Hơn nữa giải thoát các lậu hoặc, không chấp thủ trong khi nghe pháp không có nghĩa là chứng đắc A-la-hán. Thật vậy, một người trong lúc đặt cả thân tâm chăm chú nghe nhạc, dù ngay lúc đó họ không sát sanh, không trộm cướp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu nhưng không có nghĩa là người ấy đã thanh tịnh được năm giới.
Cũng trong Chánh kinh Nguyên thủy Nikaya, chỉ có chuyện một Tỳ-kheo sau khi đã giữ giới hạnh thanh tịnh, thực hành đúng theo lời dạy của Phật, một mình an tịnh, không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần. Và không bao lâu, Tôn giả chứng được mục đích tối cao mà các Thiện nam tử đã xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình hướng đến”.
Giữa “một mình an tịnh... không bao lâu” và “hoát nhiên đại ngộ tập thể” là cả một khoảng cách xa xôi mà những ai không am tường lời dạy của Phật sẽ dễ dàng rơi vào cạm bẫy của các tay tổ gián điệp ngoại học, để rồi không nhận thức rõ sự vi diệu chưa từng có thứ nhất của Chánh Pháp và từ đó thiếu vắng sự thích thú chân chính trong Pháp và Luật của Đấng Như Lai.
Hơn thế, dù các Tỳ-kheo có cao siêu đến đâu chăng nữa, dù “Ba-la-mật” của họ có viên mãn đầy đủ như thế nào chăng nữa, chắc chắn họ cũng không thể vượt qua Đức Phật, trong khi bản thân Ngài cũng phải mất ba canh để chứng đạt đạo quả viên thành.
Ngay cả trường hợp chứng đắc đặc biệt của ngài A-nan cũng cần nhận định rõ. Vị Thị giả có trí nhớ siêu việt luôn cận kề và được trực tiếp nghe biết bao nhiêu lần “kệ ngôn vừa dứt”, nhưng cũng phải mất trọn một đêm với tất cả sự nỗ lực tinh tấn cuối cùng mới thành đạt đạo quả nhằm thực hiện trọn vẹn thánh vụ trùng tuyên Kinh điển trong kỳ kết tập lần thứ nhất.
Cũng cần nói rõ thêm, trong Trưởng Lão Tăng Kệ, chính ngài Ananda đã bộc bạch:
“Trải hai mươi lăm năm
Ta chỉ là hữu học,
Dục tưởng không khởi lên,
Hãy xem pháp, pháp tánh”
(Thera 91, kệ số 1040).
Một Thánh Tăng dù còn là hữu học nhưng suốt hai mươi lăm năm không còn khởi dục tưởng, tâm thanh tịnh diệu hạnh, do vậy việc Ngài A Nan có chứng A-la-hán sau một đêm nỗ lực, xét cho cùng cũng không phải đơn giản theo kiểu “nghe xong chứng liền” như của chú giải. 
Chỉ có những ai tâm chưa thanh tịnh, vì giới chưa thanh tịnh, nên tri kiến không thanh tịnh mới tin theo các tổ sư gốc Bà-la-môn, để rồi tin luôn kiểu tà chứng “hoát nhiên đại ngộ” của họ. Kết quả của tà tín ấy khiến tu hành mới chỉ được vài năm, nhưng ngóng mãi vẫn không thấy bỗng nhiên giác ngộ, tất phải đi đến tình trạng chán nản buông lung “Nhất niên Phật tại tiền. Nhị niên Phật thăng thiên. Tam niên bất kiến Phật”.
Tóm lại, với bất cứ lý do nghiêm túc nào cũng không thể biện hộ cho Phật Âm khi vị luận sư Bà-la-môn đã cố tình bỏ qua những lời dạy đích thực của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, không hiểu rõ quá trình chứng đắc A-la-hán như thế nào mới tự ý phong thánh tràn lan cho các Tỳ-kheo như vậy.
Chỉ có một giải thích duy nhất thích ứng cho sự kiện trên, đó là ông luận sư Bà-la-môn Phật Âm muốn chú giải rằng: Thánh quả A-la-hán của Đạo Phật thực ra không có gì cao siêu kỳ diệu, việc chứng đắc dễ như trở bàn tay, các Tỳ-kheo cứ việc nằm mà “há miệng chờ sung”, cứ thản nhiên ngồi đợi phép lạ xảy ra, chẳng cần tinh tấn làm gì cho mệt.
Và nếu như các đệ tử Phật Thích Ca có tin theo luận sư Bà-la-môn Phật Âm để rồi an nhàn thụ động ngóng trông chờ đợi cái giây phút “kệ ngôn vừa dứt” để rồi dễ rơi vào chán nản thất vọng, thì xem như sứ mạng của “ngài” Phật Âm đã thành công một nửa trong việc kéo lui con Phật xa rời những lời dạy thiết thực của vị Đạo sư cũng là nhà cách mạng đã dám cả gan hạ bệ tôn giáo và giai cấp của “ngài luận sư Bà-la-môn” xuống hàng bình đẳng với cả những “bọn sinh ra từ gót Phạm thiên”.

8) Xuyên tạc thâm độc
Cũng cần nhắc thêm, trong chú giải Phật Âm Bà-la-môn còn cố tình lược bỏ hoặc xuyên tạc rất nhiều các sự kiện, các mẫu chuyện mang ý nghĩa giáo dục rất có giá trị của Chánh Pháp, điển hình là câu chuyện về tấm lòng từ bi để diệt hận thù của Thái tử Trường Sanh (Dīghāvu) như trong Tạng Luật còn ghi rõ.
Trong câu chuyện này, câu nói hàm ý hận thù diệt hận thù, không đời nào có được, chỉ có từ bi diệt hận thù là định luật ngàn thu, nguyên gốc do chính đức vua Dīghīti xứ Kosala dạy cho Hoàng tử Dīghāvu nhằm khuyên dạy Hoàng tử Dīghāvu chớ ôm lòng hận thù trả oán vua Brahmadatta xứ Kāsī, cho dù vua Brahmadatta đã ra lệnh giết chết đức vua và hoàng hậu Dīghīti xứ Kosala là cha mẹ của Hoàng tử Dīghāvu.
Nguyên văn trong chánh Luật còn ghi rõ lời Phật kể lại chuyện vua Dīghīti nói với Hoàng tử Dīghāvu trên đường đến pháp trường:
“[244] … Này các Tỳ-khưu, đức vua Dīghīti xứ Kosala đã nhìn thấy hoàng tử Dīghāvu từ đàng xa đang đi lại, sau khi thấy đã nói với hoàng tử Dīghāvu điều này: “Này Dīghāvu thương, con hãy nhìn chớ có xa, chớ có gần. Này Dīghāvu thươngbởi vì các sự thù hận không được làm lắng dịu bởi thù hận. Này Dīghāvu thương, chính vì không thù hận mà các sự thù hận được lắng dịu.””
Và ngay trong những đoạn Luật kế tiếp Đức Phật đã đọc kệ ngôn giữa Tăng chúng. Sự kiện này cùng bài kệ ngôn hoàn toàn trùng khớp với nội dung bài kinh Tùy Phiền Não; và đã được truyền tụng thành các kệ ngôn 3, 4, 5 và 6 của Kinh Pháp Cú như đã giới thiệu ở trước.
Tóm lại cả hai tạng Kinh và Luật gốc đã giải chú rõ ràng, chi tiết và chính xác gốc tích kệ ngôn của Kinh Pháp Cú.
Thế nhưng, một ngàn năm sau trong chú giải của Bà-la-môn Phật Âm, câu kệ này lại được gắn vào chuyện oan trái giữa hai nữ nhân. Một trong hai oan gia này đến thời Đức Phật trở thành một nữ Dạ Xoa. Sau một lần nữ Dạ Xoa này vừa ăn thịt hai đứa con của kẻ thù xong, nghe câu kệ trên liền chứng ngay thành “Thánh quả Tu-đà-hoàn” của Đạo Phật (trang 92) (?!)
Thế mới biết tài năng chú giải của Phật Âm Bà-la-môn như thế nào, và những kẻ tin theo chú giải đã dễ dãi ngây thơ đến như thế nào!!!
Lại nữa, trong chánh Luật lời kết luận của Đức Thế Tôn về câu chuyện của hoàng tử Dīghāvu thật chí tình chí nghĩa, mang đầy tính nhân bản vị tha: Này các Tỳ-khưu, ngay chính những người ấy là các vị vua đã cầm lấy gậy, đã cầm lấy gươm mà còn có sự kham nhẫn và khoan dung như thế ấy. Này các Tỳ-khưu, ở đây các ngươi hãy làm rạng rỡ việc các ngươi đang được xuất gia trong Pháp và Luật được khéo thuyết giảng như vầy, các ngươi hãy nên bày tỏ sự kham nhẫn và lòng khoan dung”.
Trái lại, Phật Âm Bà-la-môn lại gian hiểm “gắn” vào miệng Phật những lời kết luận mơ hồ, vừa không đúng với cốt truyện lại vừa rất dễ gây nhiều ngộ nhận: “Nầy các Tỳ-khưu, dầu cho Phụ vương và Mẫu hậu đã bị hành quyết rồi, Thái tử Trường Sanh cũng không trái lời di chúc của Tiên Vương. Về sau được vua Brahmadatta phong làm phò mã và nhường cả ngai vàng, thành ra một mình thống lãnh cả hai lãnh thổ là xứ Kàsi và Kosala. Còn các ông bây giờ lại cãi, không nghe lời Ta. Tội lỗi của các ông nặng nề biết mấy” (trang 122-123).
Theo chú giải của Bà-la-môn Phật Âm người đọc phải hiểu rằng: Đức Bổn Sư muốn nhắc các ông Tỳ-kheo phải biết vâng lời Phật, dù cho cha mẹ có bị hành quyết cũng không màng, nhờ vậy cũng được làm phò mã, làm vua cũng nên?        
Không chỉ có thế, thâm ý nhất là đoạn cuối khi Bà-la-môn Phật Âm trắng trợn xuyên tạc sự kiện các Tỳ-kheo ở Kosambī đến xin Đức Phật tha thứ.
Theo chú giải của ông luận sư Bà-la-môn, chính bản thân Đức Bổn Sư đã ra lệnh bắt họ ở riêng không cho các Tỳ-kheo khác tiếp xúc để đến lúc nhiều người nghe tiếng đồn, tìm tới hỏi Đức Phật ai là những Tỳ-kheo tranh chấp ở Kosambī thì “Đức Bổn Sư chỉ ngay họ cho thiện tín thấy. Rồi hết người nọ đến người kia, họ lấy tay chỉ truyền nhau: “Nghe nói là mấy ông Sư đó đó”. Thét rồi, chư Tỳ-kheo ấy hổ thẹn chẳng dám ngó lên đến quỳ mọp dưới chân Đức Bổn Sư và xin xám hối với Ngài” (trang 122).
Xin hỏi:
- Phải chăng Bà-la-môn Phật Âm muốn chú giải rằng Đấng Điều Ngự Trượng Phu thực ra vẫn còn nhỏ mọn, cố chấp nên tìm cách trả đũa đệ tử dù họ đã biết hồi tâm quay lại?
- Phải chăng Bà-la-môn Phật Âm muốn chú giải rằng các Tỳ-kheo quỳ mọp dưới chân Đức Phật sám hối chỉ vì họ bị áp lực bởi người khác chứ không phải vì họ kính phục trí tuệ và phẩm hạnh của Ngài?
Để thấy rõ hơn thâm ý ngụy trá của vị luận sư Bà-la-môn, mời mọi người trở về nguồn đọc kỹ phần trích dẫn sau đây trong Chánh Luật Tạng, Chương Kosambī:
“... Sau đó, theo tuần tự các Tỳ-khưu ở Kosambī đã đến được thành Sāvatthi. Khi ấy, đại đức Sāriputta đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống ở một bên. Khi đã ngồi xuống một bên, đại đức Sāriputta đã nói với đức Thế Tôn điều này:
- Bạch ngài, nghe nói các Tỳ-khưu ở Kosambī ấy là những vị thường gây nên các sự xung đột, cãi cọ, tranh luận, nói chuyện nhảm nhí, và tranh tụng trong hội chúng đã đến thành Sāvatthi. Bạch ngài, con nên tiến hành chỗ trú ngụ cho các Tỳ-khưu ấy như thế nào?
- Này Sāriputta, như thế thì ngươi nên cho chỗ trú ngụ cách biệt.
- Bạch ngài, nếu không được cách biệt thì nên thực hành như thế nào?
- Này Sāriputta, như thế thì nên làm thành cách biệt rồi giao cho. Này Sāriputta, nhưng không vì bất cứ lý do gì mà Ta nói rằng: “Được xâm phạm chỗ trú ngụ của vị Tỳ-khưu thâm niên hơn”, vị nào xâm phạm thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).
- Bạch ngài, nên thực hành như thế nào về tài vật?
- Này Sāriputta, tài vật nên được chia phần đồng đều cho tất cả”.
Trước đó, khi được mọi người hỏi cần phải có thái độ như thế nào đối với “các vị thường gây nên các sự xung đột, cãi cọ, tranh luận, nói chuyện nhảm nhí, và tranh tụng trong hội chúng”, Đức Phật đã chỉ dạy rất rõ ràng cụ thể, hợp tình hợp lý cho từng đối tượng một.
_ Với ngài Xá-lợi-phất và các Thánh Tăng A-la-hán: “- Này Sāriputta, như thế thì ngươi hãy hỗ trợ (các vị nào) đúng Pháp (Trong tạng Luật, Đức Phật còn chỉ dạy rất rõ ràng thế nào là đúng Pháp và sai Pháp).
_ Với bà Gotami: “- Này Gotamī, như thế thì bà hãy nghe Pháp ở cả hai bên; sau khi nghe Pháp ở cả hai bên, các Tỳ-khưu bên nào là các vị nói đúng Pháp thì bà hãy thuận theo quan điểm, niềm tin, khuynh hướng, và lập luận của các vị ấy. Và bất cứ điều gì hội chúng Tỳ-khưu ni cần mong mỏi từ hội chúng Tỳ-khưu thì nên mong mỏi tất cả các điều ấy từ các vị nói đúng Pháp”.
_ Với các gia chủ như ông Anāthapindika và bà Visākhā: “- Này gia chủ, như thế thì ngươi hãy nên dâng vật cúng dường cả hai bên; sau khi dâng vật cúng dường rồi hãy nghe Pháp cả hai bên; sau khi nghe Pháp cả hai bên, các Tỳ-khưu bên nào là các vị nói đúng Pháp thì hãy thuận theo quan điểm, niềm tin, khuynh hướng, và lập luận của các vị ấy”.
(Qua những lời dạy trên càng chứng tỏ hai nhóm tranh chấp tại Kosambī không phải là hai nhóm Luật sư và Pháp sư như chú giải của Phật Âm. Nếu mọi người “nghe Pháp ở cả hai bên” thì nhóm Luật sư làm sao bằng được nhóm Pháp sư?)
Đương nhiên với sự hành xử đúng Pháp và cao thượng của Đức Thế Tôn, cuối cùng cuộc tranh chấp đã được giải quyết một cách tốt đẹp nhất cho tất cả mọi phía. Và cũng tất nhiên, kết cuộc trọn lành này đã không được nêu lên trong chú giải của Phật Âm Bà-la-môn.
Rõ ràng chỉ có những đầu óc mê mờ mù quáng tin càn, không còn muốn ghi nhớ lời Phật trong chánh Kinh - chánh Luật, không còn nhận thức rõ danh xưng cao quý Minh Hạnh Túc của Phật mới có thể chấp nhận và xem những luận giải thâm độc như trên của Bà-la-môn Phật Âm ngang hàng Thánh điển.
Đến đây lại xin sám hối với Đức Thế Tôn vì phải dùng chính những lời dạy cao quý của Ngài để chú thích cho những điều tự giải ngụy tạo của Bà-la-môn Phật Âm nhằm thấy rõ ý đồ phá hoại Phật pháp ngầm của ông ta:
“Ở đây, này Upāli, các Tỷ-kheo
1.  thuyết phi pháp là pháp;
2.  thuyết Pháp là phi pháp;
3.  thuyết phi luật là luật;
4.  thuyết Luật là phi luật;
5.  thuyết điều Như Lai không nói, không thuyết, là điều Như Lai nói, Như Lai thuyết;
6.  thuyết điều Như Lai có nói, có thuyết, là điều Như Lai không nói, không thuyết;
7.  thuyết điều Như Lai thường không sở hành là điều Như Lai thường sở hành;
8.  thuyết điều Như Lai thường sở hành là điều Như Lai không thường sở hành;
9.  thuyết điều Như Lai không chế đặt là điều Như Lai chế đặt;
10.       thuyết điều Như Lai có chế đặt là điều Như Lai không có chế đặt.
Chính do mười sự này, họ phá hoại, họ chia rẽ, họ hành bất động yết-ma, họ tuyên đọc giới bổn Pātimokkha khác biệt. Cho đến như vậy, này Upāli, là chúng Tăng bị phá hoại (Tăng Chi 4, chương 10, kinh số 35)
Vâng, kính bạch Đức Thế Tôn, đúng như điều Ngài đã cảnh báo, chính các Tỳ-kheo xuyên tạc Pháp, xuyên tạc Luật, xuyên tạc Đức Thế Tôn. Các Tỳ-kheo ấy là ai?
Họ chính là các “Tỳ-kheo” giả dạng, họ chính là các gián điệp ngoại học đội lốt Phật tử.
Họ cũng là các Tỳ-kheo tin bừa các “Tỳ-kheo” gián điệp.
Họ cũng là các Tỳ-kheo thối đọa không còn đủ trí tuệ nhận biết đâu là chánh, đâu là tà; đâu là thật, đâu là giả.
Chính họ phá hoại chúng Tăng, chính họ chia rẽ chúng Tăng, chính họ là những con trùng thực sư tử nhục.
Đáng sợ thay, với họ địa ngục Vô gián cho tội phá hòa hợp Tăng không sao tránh khỏi!
Ở đây, ông “Tỳ-kheo” gián điệp phá hoại chúng Tăng, không ai khác hơn chính là Phật Âm - Buddhaghosa. Và những “Tỳ-kheo” thuyết phi pháp, phi luật chính là những ai đã nhắm mắt tin theo ông luận sư gốc Bà-la-môn này.
Như đã nhận định ở phần đầu, nếu đọc kỹ lưỡng cẩn trọng các tài liệu trong chánh tạng sẽ thấy rõ ngay phần luận giải của luận sư Bà-la-môn không những đã không giải chú được một điều gì hay hơn, trái lại đã lược bỏ rất nhiều các sự kiện quan trọng có ý nghĩa tích cực và còn thêm vào nhiều chi tiết mang tính chất vu khống, xuyên tạc thâm hiểm.
Chỉ trong một bài “chú thích tự giải” dài vài chục trang nhưng đã có biết bao những bất cập đáng nghi ngờ với nhiều thâm ý hiểm độc như vậy, thử hỏi cả một bộ chú giải Kinh Pháp Cú, Kinh Trung Bộ, Trường Bộ, Tăng Chi, Tương Ưng, Tiểu Bộ, Luật Tạng, Thánh Pháp Tạng, Thanh Tịnh Đạo... vị luận sư gốc Bà-la-môn Phật Âm còn dẫn những người tin theo ông ta đi xa tới đâu?

9) Kế sách gián điệp trong cuộc đấu tranh ý thức hệ tôn giáo
Những ai tin tưởng Phật Âm Bà-la-môn không thể bỏ qua bản tường trình Dhammakitti viết về Buddhaghosa. Nguyên văn còn ghi rõ: Trong khi tường trình về triều đại nhà vua Mahānāma trị vì tại đảo quốc Tích Lan vào những năm đầu thế kỷ thứ V sau CN, cuốn biên niên sử Mahāvaṃsa đã kể lại cuộc đời và sự nghiệp của Buddhaghosa như sau:
"Ông là một thanh niên thuộc đẳng cấp Bà-la-môn, sinh tại vùng phụ cận thị trấn Magadha, là nơi trồng cây Đại Bồ-đề, ông đã hoàn tất việc huấn luyện theo phái "vijja" và "sippa”,  và có kiến thức rất sâu rộng về ba phái "Phệ-đà”,  và ông cũng là người có được nhiều tài năng uyên bác, đã hoạt động không biết mỏi mệt chống lại các phái ly giáo, đã tự coi mình là người chống lại ly giáo khắp vùng Jumbudīpa…” (Nguyên tác: The Life and work of Buddhaghosa. Tác giả: Bimala Charan Law, M.A., B.L; Dịch giả: Tỳ-khưu Thiện Minh)
Đương nhiên, trong lúc này, dù thanh niên Phật Âm đã hoàn tất việc huấn luyện theo phái "vijja" và "sippa”, nhưng “ngài” vẫn chưa xâm nhập vào Phật giáo, và khi “ngài” tích cực chống các phái ly khai khỏi Bà-la-môn giáo cũng có nghĩa là “ngài” nỗ lực chống phá cả Đạo Phật.
Những ai còn muốn bênh vực Phật Âm, cho rằng thanh niên Bà-la-môn này nỗ lực ‘chống các phái ly giáo’ là chống các phái ly giáo khỏi Đạo Phật, các vị này cần phải nêu các chứng minh cụ thể Buddhaghosa có ý thức giúp đoàn kết hoà hợp Tăng như thế nào, hay ngược lại chỉ toàn chú giải vô căn cứ, phá hoại Phật Pháp như cuốn sách này đang chứng minh. 

Vả lại Đạo Phật là đạo của trí tuệ, chỉ có người trí tự mình giác hiểu, tự thực hành, tự giác ngộ, chính vì thế Đức Thế Tôn chỉ tích cực khuyến giáo, nêu rõ Chánh Pháp, tà pháp giúp Tăng chúng cường mạnh; chứ Ngài chẳng bao giờ mất công dụ dỗ hoặc chống phá một ai đã không muốn theo mình. Bên cạnh đó, bản án cho tội ly giáo, phá hoà hợp Tăng là phải đọa địa ngục trọn kiếp đã quá đủ, các Phật tử còn cần gì phải chống lại ai để rơi vào bẫy của ác ma?

Do vậy Phật Âm với một “kiến thức sâu rộng” thừa biết muốn phá hoại đối thủ có ảnh hưởng nguy hại cho Bà-la-môn, chỉ có một cách hiệu quả nhất là chui vào chính hàng ngũ của đối phương để lũng đoạn.

Và nếu như một người có tài năng uyên bác, đã hoạt động không biết mỏi mệt chống lại các phái ly giáo như “ngài” có lẹ làng chạy vào nằm trong các phái ly giáo và không mệt mỏi viết cả một pho chú giải đồ sộ nhằm thực hiện kế sách gián điệp, phá hoại đối thủ ngay từ bên trong, đây cũng là điều hết sức dễ hiểu.
Hãy trở lại vấn đề phong thánh bừa bãi của Phật Âm để hình dung. Có thể thấy rõ tà kiến này không những đã gây nên những ngộ nhận nguy hiểm về sự chứng đắc thánh quả A-la-hán đối với những đệ tử Phật, mà còn tạo ra những hiểu lầm tai hại đối với những người ngoài Phật giáo.
Nhìn từ bên ngoài, với một người ngoại cuộc không có đức tin nơi Tam Bảo, nhưng họ cũng nghĩ rằng danh từ “Thánh” là một khái niệm cao quý khó đạt được, chỉ dành cho các bậc cao nhân phi phàm hiếm có, và nếu họ không xem thường Thánh quả A-la-hán của Đạo Phật (vì ngay cả một em học sinh còn phải mất một năm để học và thi mới có thể tốt nghiệp lớp... một); thì khi họ đọc chú-giải-phong-thánh bừa bãi của Phật Âm, hẳn nhiên họ có quyền khách quan nghĩ rằng tác giả Phật Âm là một kẻ phóng lưỡi bạt mạng, vung bút ba sạo, hứa nhăng hơn Cuội.
Mà Phật Âm là ai? Tất cả các đĩa, băng, sách của Phật giáo Nam Tông đều xưng “ngài” là “Thánh Tăng”. Vì thế người ấy có quyền nghĩ khác đi: “Các Thánh Tăng của Phật giáo thực ra cũng chỉ là những ông... dóc Tổ”. Và khi ấy tiếng xấu thuộc về ai: Phật Âm hay Phật giáo? Đương nhiên là cả hai. Nhưng Phật Âm mất mát gì ở đây khi ông ta vốn thuộc đẳng cấp Bà-la-môn và đã luân hồi theo nghiệp của mình từ lâu rồi.
Chỉ có điều với mớ chú giải mà Phật Âm Bà-la-môn để lại cho Phật giáo, liệu có ai ngoại cuộc còn muốn tìm hiểu một Đạo Phật có một ông Tổ nói dóc như vậy? Hoặc nếu có, thì cũng như một số học giả phương Tây đã phải chán nản thốt lên về tạng luận Vi Diệu Pháp “của” Phật giáo, với họ nó chẳng khác nào “Thung lũng của các đống xương khô” (The valley of dry bones).
Xét về nhiều mặt, rút cuộc chỉ có Đạo Phật do ly khai với Bà-la-môn giáo của Phật Âm là lãnh đủ.
Thế mới biết kế sách gián điệp luôn là một thủ đoạn nguy hiểm và một tay gián điệp tầm cỡ có khi còn tác hại hơn cả một binh đoàn là vậy. Cho nên không phải vô cớ mà ngay phần đầu của bài kinh quan trọng Đại Bát Niết-Bàn (Trường Bộ 1), ghi lại những lời di giáo cuối cùng của Đức Thế Tôn, đã nêu lên âm mưu thâm độc của Bà-la-môn Vassakara trong việc dùng kế sách duy nhất “ngoại giao và ly gián” để tiêu diệt dân thành Vajji hùng mạnh.
Và những ai còn ghi nhớ Tạng Luật, hẳn không được quyền quên cái tên Migalaṇḍika, một sa môn giả hiệu bị xúi giục đến độ lợi dụng thời cơ, hằng ngày xách cây gươm đẫm máu giết chết hàng chục vị Tỳ-kheo.
Bên cạnh đó, thanh niên Bà-la-môn Uttara đã theo sát Đức Thế Tôn suốt bảy tháng liền để dò xét (Kinh Brahmàyu, số 91, Trung Bộ 2); còn trong bài kinh số 122, Tương Ưng tập 1 đã nhắc nhở tế nhị hơn: “Ác ma đi theo Thế Tôn trong suốt bảy năm, với hy vọng tìm cho được lỗi lầm, nhưng tìm không được”...
Đáng tiếc thay, những cảnh giác báo động về sự hiểm ác khốc liệt của cuộc chiến tranh ý thức hệ tôn giáo dù được nói đến rất nhiều trong kinh tạng Nikaya, thế nhưng chúng đã không được các đệ tử chánh truyền của Đức Phật lưu tâm thọ giáo.
Ngược lại, một khi họ đã tin lời các luận sư xem chánh Kinh chỉ là thường pháp, là tục đế; ngay tức khắc họ đã bị rơi vào chính gian kế “ngoại giao và ly gián” của con cháu Bà-la-môn Vassakara, để rồi cứ nhắm mắt ôm lấy “thanh gươm tạng luận” chặt bỏ cả chánh Kinh và tự giết chết chính mình.
Chính vì không trân trọng đúng mức những lời dạy đích thực đầy trí tuệ của Đức Phật trong kinh điển Nikaya nên các tu sĩ Phật giáo, cả Bắc Tông lẫn Nam Tông, đều không còn cảnh giác thận trọng, một chiều nhắm mắt tin theo các nhà ngoại giáo giả kết giao xâm nhập vào nằm trong chính Phật giáo để phá hoại.
Các đệ tử Phật cả tin đã không hề ý thức rằng chỉ có như thế các tổ sư gốc Bà-la-môn mới đóng trọn vai “Trọng Thủy”, mới có thể đưa vào những “nỏ thần giả” với những kinh-luật-luận trái với tinh thần Kinh Luật gốc, mới có thể phá hoại bức thành trì Đạo Phật ngay từ bên trong.
Có vậy họ mới thực hiện thành công thâm kế ly gián Đại Thừa, Tiểu Thừa, Theravada - không Theravada, Mật Tông, Thiền Tông, Pháp Hoa Tông, Luận Tông, Tịnh Độ Tông... mới đẩy được người Phật tử vào giữa chốn rừng ngụy kinh hoang vu mù mịt.
Nếu các tu sĩ Phật giáo không quá tin vào các luận sư gốc Bà-la-môn, không chia chẻ Phật giáo đến “tám muôn bốn ngàn” giáo lý, trước sau vẫn chỉ là một khối thống nhất như trong thời Đức Phật Thích Ca Mâu Ni hoặc sau đó vài trăm năm; thì những người con Phật đã không lâm vào cảnh “nhất niên Phật tại tiền, nhị niên Phật thăng thiên, tam niên bất kiến Phật”.
Nhưng cũng lạ một điều, Phật giáo kể từ thế kỷ thứ 5 sau CN đã có một bề dày lịch sử hàng ngàn năm, với biết bao trưởng lão “nguyên thủy từ trong bụng mẹ”, vậy mà những tu sĩ Nam Tông đã không tìm hiểu, không tham khảo những vị này.
Để rồi cũng chẳng khác gì các tu sĩ Bắc Tông tin ngay vào các ông luận sư gốc Bà-la-môn như Long Thọ, Thế Thân, Vô Trước...; các Tỳ-kheo “chánh tông” cũng hùa nhau tin tưởng một chiều vào mớ chú giải “vĩ đại” của vị luận sư Bà-la-môn đằng mình. Đến độ họ không còn ý thức cảnh giác rằng, dù Bà-la-môn ở phương Bắc hay phương Nam, thì đều có khả năng ôm giữ một truyền thống chống phá Đạo Phật ngay từ những lúc Đức Thế Tôn còn hiện tiền cũng như cho đến tận ngày nay.
Rõ ràng điều khó hiểu này, ngoài sự ngây thơ, cả tin, mê tín thì không còn một nguyên nhân nào để có thể giải thích cho thỏa đáng.
Tất nhiên, ngay trong thời Đức Phật cũng đã có một số Bà-la-môn chân chính quy y thật sự nơi Tam Bảo. Nhưng xin thưa, một điểm khác biệt quan trọng là các vị này có duyên may được chính Đức Thế Tôn trực tiếp giáo hóa.
Và dù thực tế cũng đã có rất nhiều những người ngoại học có thiện tâm quy y Tam Bảo; thế nhưng bên cạnh đó, như trong chánh tạng còn ghi lại, cũng đã có rất nhiều các sa môn, Bà-la-môn vẫn kiên trì cố chấp ôm giữ ác tà kiến của mình, đã thực hiện biết bao những hành vi chống phá, xuyên tạc, vu khống, thậm chí giết chết cả đệ tử Phật.
Nhìn vào lịch sử nhân loại cũng thấy rõ, cuộc đấu tranh ý thức hệ tôn giáo luôn là một trong những cuộc chiến tranh dai dẳng nhất và cũng khốc liệt nhất. Trong đó cũng không thiếu những âm mưu, thủ đoạn, gian trá, lọc lừa.
Tất nhiên Đạo Phật đứng ngoài những tranh chấp ấy và người Phật tử thấm nhuần tinh thần từ bi, năm giới, và tin vào luật nhân quả nên không bao giờ có ý muốn hay hành động ám hại một ai. Thế nhưng cũng đừng vì thế mà ngây thơ cho rằng không có một ai muốn phá hoại Phật Pháp, không có một âm mưu nào muốn tiêu diệt Phật giáo.
Chính vì lẽ đó, mặc dù những Phật tử chân chính không được đa nghi vô cớ, nhưng cũng xin chớ quá ngây thơ cả tín vội vàng.
Một người đệ tử Phật có trí tuệ, không vội mê tín và có sự suy tư cân nhắc theo tinh thần bài kinh dạy cho dân Kalama, sẽ phải thận trọng cảnh giác trước các luận giải của một luận sư Bà-la-môn “đã hoàn tất việc huấn luyện theo phái "vijja" và "sippa” và “tự coi mình là người chống lại ly giáo khắp vùng Jumbudipa”.
Nếu được như vậy, cơ đồ của Phật giáo mới không bị tiêu diệt như thực trạng ngày nay ngay tại chính thánh địa của Đạo Phật và cũng là lãnh địa của cả Bà-la-môn giáo.
___________________________________

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét