Thứ Sáu, 23 tháng 2, 2018

TÀ KINH A HÀM ĐÁNH LẬN CON ĐEN


DẪN: Sự ngụy tạo dễ thấy nhất của các tạng A Hàm là các bài kinh được thêm vào trong khi tạng Pali không có. Ví dụ như các kinh "Ô Điểu Dụ", kinh "Thị Giả", kinh "Giới"... (số 65, 33, 47 Trung A Hàm).
Bên cạnh đó, các đoạn kinh A Hàm thêm vào trong khi kinh Pali tương đương không có cũng bộc lộ rõ sự cải biên phá hoại. So sánh hai bài kinh tương đương sau đây cho thấy rõ sự tà vạy của ngụy kinh A Hàm.
PHÂN TÍCH SO SÁNH
"Đại Kinh Bốn Mươi" (số 117, Trung Bộ Pali) và kinh "Thánh Đạo" (số 189, Trung A Hàm)
Chánh kinh Pāli: (Không có những đoạn tương đương)
Tà kinh A Hàm: “… Nếu thấy rõ tà ngữ là tà ngữ, thì đó là chánh ngữ. Nếu thấy chánh ngữ là chánh ngữ, thì đó cũng chính là chánh ngữ”.
…“Nếu thấy tà nghiệp là tà nghiệp, thì đó là chánh nghiệp. Nếu thấy chánh nghiệp là chánh nghiệp, thì đó cũng chính là chánh nghiệp”.
…“Nếu thấy tà mạng là tà mạng, thì đó gọi là chánh mạng. Nếu thấy chánh mạng là chánh mạng, thì cũng gọi là chánh mạng”.
Phân tích: Theo A Hàm, nếu thấy rõ nói láo là nói láo (nhưng vẫn nói láo), thì đó là chánh ngữ? Nếu thấy (kẻ khác) chánh ngữ là chánh ngữ, (nhưng mình còn nói láo) thì đó cũng chính là chánh ngữ?
_ Nếu thấy buôn lậu là buôn lậu (nhưng vẫn buôn lậu), thì đó là chánh nghiệp? Nếu thấy (kẻ khác) chánh nghiệp là chánh nghiệp, (nhưng mình còn tà nghiệp) thì đó cũng chính là chánh nghiệp?
_ Nếu thấy lừa đảo là lừa đảo (nhưng vẫn lừa đảo), thì đó là chánh mạng? Nếu thấy (kẻ khác) chánh mạng là chánh mạng, (dù mình còn tà mạng) thì đó cũng chính là chánh mạng?
Thật không thể hiểu nổi vì sao những đoạn kinh quá vô lý của A Hàm đã tồn tại hàng ngàn năm qua biết bao thế hệ. Dường như những người thọ trì không đọc hoặc có đọc nhưng trí tuệ đi vắng cả nên không một ai biết phân vân thắc mắc.
Các bản kinh Đại Thừa khác cũng như thế mà thôi! Nếu không thấy rõ ngụy kinh là ngụy kinh, thì chúng cũng là “chánh kinh” ngay tức khắc.
***
Chánh kinh Pāli: “Như vậy, này các Tỷ-kheo, có hai mươi thiện phần, hai mươi bất thiện phần. Ðại pháp môn Bốn mươi đã được chuyển vận không bị chận đứng lại bởi một Sa-môn, Bà-la-môn, Thiên, Ma, Phạm thiên hay một ai ở đời.”  
Tà kinh A Hàm: “Đó là hai mươi phẩm thiện và hai mươi phẩm bất thiện. Tức là tuyên thuyết bốn mươi đại pháp phẩm được chuyển vận nơi Phạm luân mà không một ai có thể chế ngự mà bài xích, dù là Sa-môn, Phạm chí, chư Thiên, Ma, Phạm, và các loại thế gian khác.
“Đối với bốn mươi đại pháp phẩm mà Ta tuyên thuyết được chuyển vận nơi Phạm luân ấy, không một ai có thể chận đứng, dù là Sa-môn, Phạm chí, chư Thiên và Ma, Phạm, và các loại thế gian khác; mà nếu có Sa-môn, Phạm chí nào phi bác, người ấy đối với như pháp có mười trường hợp đáng bị chỉ trích.”
Phân tích: Ai đó dù có đọc bài kinh Thánh Đạo” trong A Hàm này đến một ngàn lần trong một trăm năm cũng không kiếm đâu ra có đủ bốn mươi pháp. Nếu muốn biết đầy đủ, xin mời đọc Chánh kinh Pāli.
- Trong  Chánh kinh Pāli, Đại pháp Bốn mươi bao gồm hai mươi thiện phần và hai mươi bất thiện phần. Có thể khái quát theo lời tổng kết của Đức Phật như sau:
Như vậy, này các Tỷ-kheo, đạo lộ của vị hữu học gồm có tám chi phần, và đạo lộ của vị A-la-hán gồm có mười chi phần...
Như vậy, này các Tỷ-kheo, có hai mươi thiện phần, hai mươi bất thiện phầnÐại pháp môn Bốn mươi đã được chuyển vận không bị chận đứng lại bởi một Sa-môn, Bà-la-môn, Thiên, Ma, Phạm thiên hay một ai ở đời.”.
Mười thiện phần là Chánh Kiến, Chánh Tư Duy, Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, Chánh Mạng, Chánh Tinh Tấn, Chánh Niệm, Chánh Định, Chánh Trí Tuệ, Chánh Giải Thoát. Có mười thiện phần của Tỳ-kheo Hữu học (hữu lậu) và mười thiện phần của bậc Thánh. Tất cả có hai mươi thiện phần.
Tương tự cũng có mười bất thiện phần là tà kiến, tà tư duy, tà ngữ, tà nghiệp, tà mạng, tà tinh tấn, tà niệm, tà định, tà tuệ, tà giải thoát. Có mười bất thiện phần của hàng phàm phu, và mười bất thiện phần của sa-môn theo tà pháp (phi thánh). Tổng cộng có bốn mươi phần (Xem chánh kinh Pali)
Như vậy các pháp thiện và bất thiện theo nhau vận chuyển trong tự bản thân mỗi người chứ không phải được Phạm luân (?) vận chuyển, và càng không có chuyện Đức Thế Tôn tuyên thuyết theo sự “chuyển vận nơi Phạm luân ấy” như A Hàm cải biên vừa rối rắm lại vừa lập lờ đánh lận con đen.
Nói A Hàm đánh lận con đen vì người đọc phải  lưu ý kỹ kẻo bị đánh lừa. Các nhà cải biên gắn vào miệng Bụt A Hàm nói “Phạm luân” chứ không phải “Pháp luân”. Theo Hán ngữ, Phạm chí là Bà-la-môn, như vậy Phạm luân chính là bánh xe pháp của mấy ông Bà-la-môn chứ còn thứ gì vào đây. Điều này có nghĩa Bụt A Hàm chỉ vận chuyển đại pháp bốn mươi của Phạm thiên Bà-la-môn thôi, chứ chẳng có gì là của Bụt.
Đúng là “cháy nhà ra mặt chuột”, sáng tà kinh mới rõ tà sư.
TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét