Thiện Tài Đồng Tử sau một thời gian dài vắng bóng, bỗng dưng tìm đến Chử Đồng Tử than thở:
_ Khổ quá huynh ơi, tôi đi càng nhiều, học càng lắm, tâm tư càng rối như tơ vò!
_ Huynh đi mô? học gì? rối chi?
_ Tui đi học đạo Đại Thừa! Huynh xem, tất cả các chùa Đại Thừa tôi đi qua đều không đồng một tư tưởng, không cùng một chí hướng, không cùng một pháp môn. Thày Tịnh độ chỉ biết niệm A Di Đà mong cầu Tây phương cứu rỗi. Thầy Mật tông chỉ một lòng thú hướng “Úm ma ni bát mệ hồng”. Thày Pháp hoa chuyên trì ngộ nhập tri kiến Phật. Thày Thiền tông chỉ nhất tâm thấy vọng liền buông. Thầy nào cũng khoe pháp mình đệ nhất, hay nhất, bao trùm nhất. Riết rồi tui không biết đường nào mà mò!
_ Đó là do huynh đi sai đường, học sai pháp; giống mấy ông Sa Môn, Bà-la-môn thời Phật chứ sao.
_ Tui học đạo Đại Thừa mà? Phật giáo có tám vạn bốn ngàn pháp môn thích hợp cho mọi người!
_ Nói cho đúng, đó là Đại Thừa Bà-la-môn giáo nên mới khác nhau như rứa, có vậy mới phù hợp cho tám mươi bốn ngàn loại Bà-la-môn như huynh. Huynh phải đọc bài Kinh “Đế Thích Sở Vấn”, số 21, Trường Bộ 2, để biết vì sao các Tổ sư Bà-la-môn Đại Thừa sau này bắt chước các Bà-la-môn thời Phật, tuyên truyền trong Phật giáo có đến tám mươi bốn ngàn giáo phái không đồng một tư tưởng, không đồng một giới hạnh, không đồng một mong cầu, không đồng một chí hướng và vì sao ai cũng khoe mình đệ nhất.
_ Thật vậy ư? Kính mong huynh thương tình chỉ giáo!
_ Vậy huynh hãy lắng nghe, nguyên văn đoạn kinh thế này:
“6. Như vậy sau khi hoan hỷ tín thọ lời dạy Thế Tôn, Thiên chủ Sakka lại hỏi câu hỏi tiếp:
- Bạch Thế Tôn, có phải tất cả vị Sa Môn, Bà La Môn đều đồng một tư tưởng, đồng một giới hạnh, đồng một mong cầu, đồng một chí hướng?
- Này Thiên chủ, tất cả Sa Môn, Bà La Môn không đồng một tư tưởng, không đồng một giới hạnh, không đồng một mong cầu, không đồng một chí hướng!
- Bạch Thế Tôn, vì sao cả Sa Môn, Bà La Môn không đồng một giới hạnh, không đồng một mong cầu, không đồng một chí hướng?
- Này Thiên chủ, thế giới này gồm có nhiều loại giới, nhiều giới sai biệt. Trong thế giới gồm có nhiều loại giới và nhiều giới sai biệt này, các loại hữu tình tự nhiên thiên chấp một loại giới nào, và khi đã thiên chấp, trở thành kiên trì, cố thủ, với định kiến: "Ðây là sự thật, ngoài ra toàn là si mê". Do vậy, tất cả Sa Môn, Bà La Môn không đồng một tư tưởng, không đồng một giới hạnh, không đồng một cứu cánh, không đồng một mong cầu, không đồng một chí hướng”.
Thiện Tài Đồng Tử tròn mắt:
_ Hóa ra các ông Bà-la-môn Đại Thừa tin bừa mấy ông tổ Bà-la-môn sau này tuyên truyền “tám vạn bốn ngàn pháp môn” nên họ không đồng một tư tưởng, không đồng một giới hạnh, không đồng một mong cầu, không đồng một chí hướng là phải.
_ Huynh đã tiến một bước rồi đó!
_ Nhưng còn các Tỳ-kheo đệ tử Phật thực sự đồng một tư tưởng gì? đồng một giới hạnh gì? đồng một mong cầu gì? đồng một chí hướng gì? Và vì sao họ không thiên chấp, không kiên trì cố thủ với định kiến trên.
_ Huynh hãy đọc trọn bài kinh “Đế Thích Sở Vấn” sẽ biết thêm vì sao các Tỳ-kheo đệ tử Phật đồng một giới luật Pātimokkha, đồng một chánh pháp Nikāya, đồng một Chánh Đạo Tám Ngành, trong đó có cùng Chánh Tinh Tấn tức Bốn Chánh Cần, cùng một Chánh Niệm tức Bốn Niệm Xứ, cùng một Chánh Định tức Bốn Thiền - Bốn Thánh Định, nhưng không cố chấp định kiến như các Bà-la-môn.
_ Thế ra các Bà-la-môn Đại Thừa đã không còn nhớ Tám Chánh Đạo là Đạo Đế tức Chân Lý Về Con Đường Diệt Khổ đúng cho mọi người, mọi lúc, mọi nơi!
_ Đúng vậy. Và chỉ có tà pháp, tà giới, tà đạo, tà tinh tấn, tà niệm, tà định mới có tám vạn bốn ngàn con đường khác nhau để thích hợp với tám vạn bốn ngàn tà nhân, tà kiến.
_ Nguy hiểm thật!
_ Huynh nên nhớ thêm, ngay thời Phật đã có rất nhiều các Bà-la-môn giả danh Phật, giả lời Phật để xuyên tạc pháp Phật, đánh lừa đệ tử Phật, kích động chia rẽ Tăng đoàn. Thế nhưng nhờ tất cả các Tỳ-kheo biết y chỉ vào đúng chánh Luật và chánh Pháp của Đức Thế Tôn cho nên các Bà-la-môn không làm gì được. Tất nhiên sau khi Phật nhập Niết Bàn, các kẻ ngoại học vẫn không từ bỏ ác tâm của họ, nhưng nguy hiểm hơn là họ chui vào đạo Phật, tự biến thành các “Tổ, Bồ-tát” để tuyên truyền các tà pháp khác biệt với Tám Chánh Đạo, và đó chính là lý do vì sao trong Đại Thừa lại có tám vạn bốn ngàn tông phái khác biệt.
_ Tôi đã hiểu rồi. Xin tri ân những lời chỉ dạy của hiền huynh. Huynh mới đúng là bậc thiện trí thức của tôi!
Nói xong, Thiện Tài Đồng Tử hoan hỷ chắp tay vái chào Chử Đồng Tử rồi vội vàng cỡi mây ngũ sắc bay về phương Nam tầm sư cứu rỗi!
Theo Phật Giáo Chính Thống
____________________
] Đoạn Kinh này dành tặng cho các cao thủ chùa Thiếu Lâm và Thiện Tài Đồng Tử trong kinh Hoa Nghiêm của Đại Thừa.
“…Còn học tập vô thượng là gì?
6. Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người học tập về voi, học tập về ngựa, học tập về xe, học tập về cung pháp, học tập về kiếm pháp, học tập về các nghề cao thấp sai biệt hay học tập theo các Sa-môn hay Bà-la-môn có tà kiến, tà hạnh.
Này các Tỷ-kheo, đây là có học tập hay không? Ta nói rằng: "Ðây là không học tập". Học tập ấy, này các Tỷ-kheo, là hạ liệt, là hèn hạ, là phàm phu, không xứng Thánh hạnh, không liên hệ đến mục đích, không đưa đến yếm ly, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn.
Này các Tỷ-kheo, ai học tập Tăng Thượng Giới, học tập Tăng Thượng Định, học tập Tăng Thượng Tuệ trong Pháp và Luật do Như Lai tuyên thuyết, với lòng tin an trú, với lòng ái mộ an trú, nhứt hướng thuần tín, này các Tỷ-kheo, đây là học tập vô thượng, đưa đến thanh tịnh cho các loài chúng sanh, vượt qua sầu bi, chấm dứt khổ ưu, đạt được chánh lý, chứng ngộ Niết-bàn, tức là học tập Tăng Thượng Giới, học tập Tăng Thượng Định, học tập Tăng Thượng Tuệ trong Pháp và Luật do Như Lai tuyên thuyết, với lòng tin an trú, với lòng ái mộ an trú, nhứt hướng thuần tín.
Này các Tỷ-kheo, đây gọi là học tập vô thượng, đây là thấy vô thượng, nghe vô thượng, lợi đắc vô thượng, học tập vô thượng” (Trích kinh “Trên Tất Cả”,Tăng Chi 3, chương 6, III. Phẩm Trên Tất Cả)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét