Hỏi: Theo “Lời Giới Thiệu Kinh Trung Bộ” bản in 1986, HT Thích Minh Châu đã phải bộc bạch như sau: “Càng dịch, chúng tôi càng thấy rõ ác ý của các nhà Bà-la-môn đã dùng danh từ Tiểu Thừa để gán vào những lời dạy thực sự nguyên thủy của đức Phật và khiến cho các Phật tử không dám đọc, không dám học, không dám tu những pháp môn ấy. Càng dịch, càng thấy rõ dụng tâm hiểm độc của các vị Bà-la-môn, đã khôn khéo xuyên tạc Đạo Phật, khiến cho những giáo lý căn bản, những tinh hoa cao đẹp nhất của tư tưởng nhân loại, đã bị những tư tưởng tà giáo xen lẫn, bị ruồng bỏ, bị che dấu, không được biết đến, không được học hỏi tu hành. Nhưng chân lý bao giờ cũng là chân lý, mặt trời bao giờ cũng là mặt trời. Những lời ba hoa của Ma Vương, các cuộc đo tài của những ngọn đèn lẻ tẻ mù mờ, lời lẽ bập bẹ của những kẻ mới tập tểnh đi vào con đường Triết lý, tất cả cũng chỉ là cuồng vọng đen tối, được ánh sáng rực rỡ của chân lý quét sạch”.
HT Thích Minh Châu đã biết như thế, thấy như thế nhưng tại sao sau đó ngài lại “im lặng”, không tiếp tục nêu rõ những ác ý, những dụng tâm hiểm độc của các tổ sư gốc Bà-la-môn để cho ánh sáng chân lý quét sạch những cuồng vọng đen tối?
Thích Đại Xa trả lời: Dù HT Thích Minh Châu có công rất lớn dịch mấy bộ kinh Pāli Tiểu… Nguyên Thuỷ, thế nhưng không phải vì thế rồi ổng muốn nói gì thì nói, muốn viết gì thì viết. HT cũng phải biết tuân thủ “luật im lặng” của “xã hội vàng” chứ. Nếu mọi người cứ nói năng lung tung như vậy dẫn đến loạn tám mươi bốn ngàn xứ quân thì khốn.
Cho nên mấy lần tái bản sau này có “Như Lai sứ giả” nào dám in lại lời giới thiệu dễ gây đụng chạm, xúc phạm của HT đâu. Bây giờ thời đại xa lộ thông tin với cái in-tờ-nét lộng hành nên ai đó mới lôi nó ra, chêm vào bản in vi tính cho thiên hạ dòm, đúng là vạch áo cho người xem lưng, chẳng biết tế nhị gì cả; đã thế lại còn đem ra hỏi nhau cho thêm phần rắc rối. Quả thực nhàn cư vi bất thiện, ở không sinh lắm chuyện.
Những kẻ thích vạch lá tìm sâu nên biết thêm điều này để răn mình, đó là tương truyền ngay sau khi “Lời Giới Thiệu Kinh Trung Bộ” được phát hành đã có hai vị Hòa Thượng đầu đàn đến tận văn phòng của Tiến sĩ Thích Minh Châu để “hỏi thăm sức khoẻ và làm việc”.
Nội dung câu chuyện chỉ có ba người biết, nhưng sau đó Tỳ-kheo Thích Minh Châu đã phải “im lặng” như nai. Chỉ cần một phần mười sáu trí tuệ của thám tử Xê-lốc-hôm (Sherlock Holmes) cũng có thể phán đoán vài mẫu đối thoại đại loại như sau:
“Hòa Thượng A: -- Này chú em Minh Châu! Tiểu đệ đừng ỷ mình là tu sĩ có bằng Tiến sĩ Phật học đầu tiên của Phật Giáo Việt Nam rồi muốn giới thiệu như thế nào thì giới thiệu đấy nhá!
Tiểu đệ muốn ngồi yên với cái chức Viện trưởng Viện Vạn Hạnh, hay muốn được xây tháp xá lợi sớm, hay làm du tăng khất sĩ rồi “vắng bóng" một đi không trở lại như ai đó thì cứ việc nói. Chuyện đó đối với các sư huynh không khó giải quyết đâu.
Các sư huynh đây có kinh nghiệm đầy mình trong giai đoạn “pháp nạn” cơ mà, đương đầu với cả một chế độ độc tài gia đình trị với bao nhiêu quân đội, vũ khí các huynh còn không ngán, nhằm nhò gì một ngòi bút với vài giọt mực của tiểu đệ.
Hòa Thượng B: -- Hay tiểu đệ muốn an dưỡng ngoài tuyết giá rồi tự chặt tay sám hối như tổ Huệ Khả cũng được, việc “thượng minh” rồi “hạ châu” như vậy, các huynh đây đều lo liệu được cả.
Chắc tiểu đệ còn nhớ tích truyện trong “Hán Sở Tranh Hùng”, kẻ đưa Hàn Tín lên làm tể tướng là Tiêu Hà thì kẻ chém đầu Hàn Tín được cũng là Tiêu Hà, đúng không?
Vả lại “nan hổ địch quần hồ”…, à không “một con én không làm nổi mùa xuân”…, à quên “một hạt cát chẳng làm nên sa mạc, một hạt tuyết chẳng thể tạo mùa đông”. Tiểu đệ à! Suy tính cho kỹ đi chú em!”
Tôi nhắc nhở chuyện này để những kẻ theo sau cứ liệu hồn mà hỏi!
Thích Chánh Pháp trả lời: Thực ra ngay trong bản luận án tiến sĩ “So sánh Kinh Trung A Hàm chữ Hán và Kinh Trung Bộ chữ Pāli”, HT Thích Minh Châu đã tốn thêm nhiều công sức nhằm giúp mọi người thấy rõ hơn thâm ý của các tổ sư gốc Bà-la-môn.
Hơn thế nữa, trong những dịp thích đáng, HT đều có nhã ý tặng cho mỗi vị chức sắc trong giáo hội một quyển để tham khảo, nhưng khốn nỗi các ngài mải lo những chuyện đại sự khác như: thi đua xây dựng chùa to, Phật lớn; tạo thùng phước sương vĩ đại, lấy bằng cấp học vị… cho nên họ đã bỏ qua một bên những ý kiến “lung tung” của HT.
Vả lại, có lẽ HT Thích Minh Châu “muốn” thực hiện đúng theo lời dạy của Đức Thế Tôn trong Kinh Tăng Chi tập 1, Chương 2, phẩm Tâm Thăng Bằng (IV), trang 130-131:
“…Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, khi các ác Tỷ-kheo cường mạnh, trong khi ấy, các thuần tịnh Tỷ-kheo yếu đuối.
Trong khi ấy, này các Tỷ-kheo, các Tỷ-kheo thuần tịnh giữ thái độ im lặng, hoặc ẩn mình giữa chúng Tỷ-kheo, hoặc đi đến các quốc độ biên địa.
Và như vậy, này các Tỷ-kheo, là bất hạnh cho đa số, là không an lạc cho đa số, là không lợi ích cho đa số, là bất hạnh, đau khổ cho chư Thiên và loài Người.”
Nhưng giờ đây, thời đại mới sẽ phải đúng như điều chánh biến tri của Đức Phật:
“…Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, khi các thuần tịnh Tỷ-kheo cường mạnh, trong khi ấy, các ác Tỷ-kheo yếu đuối.
Trong khi ấy, này các Tỷ-kheo, các ác Tỷ-kheo giữ thái độ im lặng, hoặc ẩn mình giữa chúng Tỷ-kheo, hoặc đi các chỗ khác.
Và như vậy, này các Tỷ-kheo, là hạnh phúc cho đa số, là an lạc cho đa số, là lợi ích cho đa số, là hạnh phúc, an lạc cho chư Thiên và loài Người.”
Mỗi người con Phật hãy là các thuần tịnh Phật tử cường mạnh, tích cực phổ biến lõi cây Chánh Pháp Nikāya và Pātimokkha, hộ trì đúng Phật Pháp Chánh tông để gieo duyên lành, tạo phước báu cứu mình cứu người thoát khỏi mê lầm của tà kiến, tà pháp nguy hiểm.
Có vậy chúng ta mới đem lại hạnh phúc cho đa số, an lạc cho đa số, lợi ích cho đa số; đem lại hỷ lạc, hạnh phúc cho chư Thiên và loài Người.
Theo đó những pháp nào mà những người con Phật cần thọ trì, tu tập, xương minh, quảng bá? Chính Đức Thế Tôn đã dạy rõ:
“Này Cunda, thế nào là những pháp do Ta tự chứng tri và tuyên bố cho các Ngươi, tất cả các Ngươi hãy hội họp lại và tụng đọc lại, chớ có cãi lộn nhau, nhưng hãy so sánh các nghĩa với nhau, các câu với nhau, để cho phạm hạnh này được tồn tại lâu dài, được an trú lâu dài, vì hạnh phúc cho muôn loài, vì an lạc cho muôn loài, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì an lạc cho chư Thiên và cho loài Người?
Những pháp ấy là Bốn Niệm Xứ, Bốn Chánh Cần, Bốn Như Ý Túc, Năm Căn, Năm Lực, Bảy Giác Chi, Tám Thánh Đạo.
Này Cunda, những pháp ấy do Ta tự chứng tri và tuyên bố cho các Ngươi, tất cả Ngươi hãy hội họp lại và tụng đọc lại, chớ có cãi lộn nhau, nhưng hãy so sánh các nghĩa với nhau, các câu với nhau, để cho phạm hạnh này được tồn tại lâu dài, được an trú lâu dài, vì hạnh phúc của muôn loài, vì an lạc cho muôn loài, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì an lạc cho chư Thiên và cho loài Người.”
Những ai nghĩ rằng mình đang tu theo Đạo Phật, hãy tự hỏi xem mình đã hiểu về 37 PHẨM TRỢ ĐẠO này như thế nào? Chúng hỗ trợ cho tu đạo và hành đạo như thế nào? Họ đã áp dụng chúng trong thực tế đến đâu?
Và những “Như Lai sứ giả” có giảng dạy về các Pháp này không? Có y cứ đúng những lời dạy của Đức Thế Tôn về các Pháp này không, hay lại theo đuôi các ông luận sư Bà-la-môn, luận giải dạy như thế này, chú giải nói như thế kia?
Xin đừng tự lừa dối mình, lừa dối mọi người, lừa dối Phật Thích Ca. Quý vị có thể qua mặt những người không tu, không biết; chứ không thể qua mặt Đức Như Lai cùng nghiệp báo khổ đau của đời mình.
Hãy tỉnh thức trả lời các câu hỏi trên, và tự mình nhận thức rõ, người Phật tử sẽ biết thật sự Phật Pháp có bị nhuộm màu hay không?
TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét