Thứ Năm, 10 tháng 3, 2016

Xúi dại


Một nhóm cư sĩ đang ngồi thảo luận với nhau trong sân chùa. Vị áo trắng thắc mắc:
_ Này các ông, trong truyền thuyết của Phật giáo có chuyện Bồ Tát hy sinh thân mạng mình cho hổ đói, ngạ quỷ. Chuyện này thực hư thế nào?
Vị ngồi cạnh góp ý:
_ Vấn đề không phải thực hay hư mà là đúng hay sai, có đáng tin hay không? Chúng ta nên phân tích ý nghĩa của nó.
Cư sĩ áo nâu nhanh miệng:
_ À, có người giải thích đó là hạnh bố thí từ bi cao cả nhất.
Cư sĩ áo vàng vẻ sành sõi:
_ Trong kinh văn chính gốc chỉ có hai loại bố thí, bố thí tài vật và bố thí chánh pháp, không có chuyện bố thí thân mạng mình cho thú vật. Vả lại bố thí nằm trong Bốn Nhiếp Pháp (Bố thí, ái ngữ, lợi hành, đồng sự); chứ không thuộc Bốn Vô Lượng Tâm Từ-Bi-Hỷ-Xả.
Vị khác triết lý:
_ Đúng thế, người có từ tâm sẽ biết bố thí, nhưng đâu phải cứ bố thí là có từ tâm. Các ông không thấy sao, có nhiều kẻ bố thí cho người thân thoải mái nhưng cũng giết người như ngoé, chẳng chút từ bi. Bố thí và từ bi không hẳn là một, không biết phân biệt coi chừng bị lợi dụng.
Một giọng chất vấn:
_ Thực vậy! Nếu mọi người Phật tử đều bắt chước bố thí sinh mạng, thử hỏi Phật giáo còn gì?
Vị bên cạnh cười khẩy:
_ Còn… một đống xương khô chứ còn gì nữa! Không đúng sao, trên thế gian này hổ đói, cá sấu đói lúc nào chẳng có, tha hồ cho những kẻ tin theo thể hiện “dại từ, dại bi”. Xin đừng hô hào nói chuyện suông. Ai còn nói kiểu đó, cứ giỏi thực hành xem nào!
Có tiếng cười phì:
_ Ông lại xúi dại người khác rồi. Vấn đề không phải là dám hay không dám, mà là nên hay không nên làm. Ở đời có bốn hạng người: một là hại mình, hại người / hai là hại mình, lợi người / ba là lợi mình, hại người / bốn là không hại mình - không hại người, lợi mình - lợi người, lợi cả hai, lợi toàn thế giới. Trong bốn loại người này, hạng nào là hiền trí nhất, đạo đức nhất? 
_ Đương nhiên hạng người thứ tư rồi. Hạng sẵn sàng làm hại mình - lợi người có hơn gì mấy con cá cắn câu, có hơn chi mấy con nai mắc bẫy? Huống hồ ở đây làm hại mình để lợi cho thú vật.
Vị áo lam lớn tiếng:
_ Thân người khó được, phải biết trân trọng. Còn con hổ nào thích ăn thịt người, có chết cũng vừa. Nó càng ăn thịt người sống, càng bị đọa cõi dữ chứ sao, cứu làm gì. Hy sinh cũng phải có trí tuệ chứ.
Giọng khác nữa:
_ Rõ ràng đó là câu chuyện của mấy kẻ quỷ quái thêm vào làm hại người tin theo. Thử hỏi, sao ông “Bồ Tát” dại thí ấy không biết tìm cách khác vẹn toàn hơn, vừa không mất mạng mình vừa cứu cho hổ đói, có phải hay hơn không? Như vậy mới thực sự hiền trí, mới thực sự từ bi, đúng không?
Vị trưởng nhóm và cũng là giáo sư khoa học lên tiếng:
_ Các vị nên lưu ý, “Tam sao còn thất bản”, huống hồ những truyền thuyết truyền khẩu. Câu chuyện không đúng tinh thần chánh pháp này có cả trong Đại thừa lẫn Nguyên Thủy. Chúng ta phải đề phòng mấy kẻ ngoại học muốn phá đạo Phật, cài vào những chuyện tào lao, xúi dại mấy kẻ tin càn, ngu xuẩn.
Mọi người cùng hoan hỷ tán đồng vị trưởng nhóm. Ngay lúc ấy tiếng chuông chùa ngân vang báo hiệu giờ hành thiền. Cả nhóm vui vẻ bước vào chánh điện. Chẳng ai thèm nhớ đến câu chuyện bịa đặt nham hiểm nhảm nhí của những kẻ ngoại học thâm độc.
Chánh Bố Thí

__________________
Ghi chú

Trong chánh kinh Phật dạy:

“-- Này các Tỷ-kheo, có bốn hạng người có mặt, hiện hữu ở đời. Thế nào là bốn?
- Hướng đến lợi mình, không lợi người;
- hướng đến lợi người, không lợi mình;
- không hướng đến lợi mình, lợi người;
- hướng đến lợi mình, lợi người.
Này các Tỷ-kheo, có bốn hạng người này có mặt, hiện hữu ở đời.” (Kinh Lợi Mình (3), AN IV:98)

Ý kiến:

Kẻ bố thí thân mạng mình cho súc sanh, ngạ quỷ có làm lợi cho mình không? - Không.

Có là lợi cho người không? - Không, chỉ lợi cho súc sanh, ngạ quỷ.

Kẻ không biết làm lợi cho mình, cho người có trí tuệ không? - Không.

Không có trí tuệ có thuộc Đạo Phật thật sự không? - Không, đó là tà kiến phi pháp phi luật bị ngộ nhận.

Trong chánh kinh Phật dạy:

“Ở đây, này Tỷ-kheo, Bậc Hiền trí, Ðại tuệ, không có nghĩ tự làm hại mình, không có nghĩ tự làm hại người, không có nghĩ tự mình làm hại cả hai, có suy nghĩ điều gì thời suy nghĩ lợi mình, lợi người, lợi cả hai, lợi toàn thể thế giới. Như vậy, này Tỷ-kheo, là Bậc Hiền trí, Ðại tuệ” (Kinh Tăng Chi II, trang 159)

Ý kiến:

Kẻ bố thí thân mạng mình cho súc sanh, ngạ quỷ có tự làm hại mình không? - Có.

Kẻ tuyên truyền ‘bố thí thân mạng là tối thượng’ có làm hại người tin theo không? - Có.

Cả hai có làm lợi mình, lợi người không? - Không.

Kẻ làm hại mình, hại người, không lợi mình, lợi người có phải là Hiền trí, Đại tuệ không? - Không, chỉ có ác trí, tà tuệ mà thôi.

Một Đức Thế Tôn đã biết như thế, đã dạy như thế, có lẽ nào Ngài lại xúi dại các đệ tử bố thí thân mạng một cách cuồng tín? Chắc chắn không. Chỉ có ác ma giả Phật để xúi dại con Phật.

Rõ ràng những ai không căn cứ vào chánh Kinh chánh Pháp, không suy xét cẩn trọng, tin bừa mọi tà kinh, tà luận mới rơi vào bẫy của Ác ma.

Đã đến lúc những gì của Đạo Phật phải trả về cho Đạo Phật, những gì của ngoại lai phải trả về cho ngoại lai.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét