Phật dạy: "Lành thay, lành thay, này Gia chủ. Như vậy, này Gia chủ, những kẻ ngu si ấy thường cần phải được bác bỏ với sự khéo bác bỏ nhờ Chánh pháp… Tỷ-kheo nào dầu đã được đầy đủ 100 năm an cư mùa mưa trong Pháp và Luật này, vị ấy cần phải như vậy, thường thường bác bỏ các du sĩ ngoại đạo, với sự khéo bác bỏ nhờ Chánh pháp, như Gia chủ Anāthapiṇḍika đã khéo bác bỏ” (Kinh ‘Kiến’, AN X:93)
Ý kiến:
Như bài kinh “Kiến” ghi lại, gia chủ Anāthapiṇḍika (Cấp Cô Độc) muốn đến yết kiến Thế Tôn nhưng vì còn quá sớm nên ông ghé qua khu vườn của các du sĩ ngoại đạo. Tại đây các du sĩ ngoại đạo đã nêu các kiến chấp sai lầm của mình về thế giới cũng như về Như Lai, và họ đã bị cư sĩ Cấp Cô Độc phản bác một cách xác đáng.
Sau đó ông Cấp Cô Độc trình lại Đức Thế Tôn và được Ngài tán dương, không những thế ông còn được nêu gương trước Tăng chúng. Ngay cả với các vị trưởng lão Tỷ-kheo có đầy đủ 100 năm công đức tu hành, những vị này vẫn cần phải thường thường bác bỏ các ngoại đạo sư với sự ‘khéo bác bỏ nhờ Chánh pháp’ để xương minh bảo vệ Đạo Pháp.
Bởi, 100 năm tu hành nghiêm túc cho riêng mình là rất đáng quý, nhưng việc bác bỏ các tà kiến xuyên tạc Chánh Đạo nhằm bảo vệ Chánh Pháp cũng rất quan trọng và cao quý không kém. Đây vừa là trách nhiệm vừa là công đức của người con Phật.
Các Phật tử chân chánh phải biết ‘khéo bác bỏ nhờ Chánh pháp’, điều này có nghĩa phải dựa vào những lời dạy đích thực của Đức Thế Tôn làm cơ sở, chứ không nói chung chung, vô căn cứ. Bởi những kẻ ngu si thường rất cuồng tín với đức tin của mình, một khi đã tin vào điều gì họ sẽ bám chặt lấy tín ngưỡng ấy cho dù có được nghe lời ngay ý phải.
Thế gian thường mỉa mai ‘đàn gảy tai trâu’ hay ‘nước đổ đầu vịt’ và bảo nhau ‘nói chuyện với đầu gối’ cũng trong ý nghĩa này. Do vậy nếu ‘khéo bác bỏ’ bằng chính lời Phật dạy, người trí sẽ nhận thức được ngay và sẽ ủng hộ, còn người mê tín cũng bớt cãi ngang cãi bướng, tranh luận vô ích. Riêng đối với hạng cuồng tín cố chấp hoặc vô tâm thì… miễn bàn.
Trích kinh ‘Vajjiyamāhita’ kế tiếp. Phật dạy: "- Lành thay, lành thay, này Gia chủ. Như vậy, này Gia chủ, những kẻ ngu si ấy thường cần phải được bác bỏ với sự khéo bác bỏ nhờ Chánh Pháp… Phàm Tỷ-kheo nào, đã lâu ngày với trần cấu ít trong Pháp và Luật này, vị ấy hãy như vậy bài bác các du sĩ ngoại đạo với sự khéo bài bác nhờ Chánh Pháp, như Gia chủ Vajjiyamāhita đã làm” (AN X:94)
Ý kiến:
Gia chủ Vajjiyamāhita cũng như gia chủ Anāthapiṇḍika đều thực hành công đức hộ pháp, bác bỏ tà pháp, bảo vệ chánh pháp nên được Đức Thế Tôn khen ngợi và nêu gương.
Cần nói ngay, người Phật tử chân chính rất tôn trọng đức tin và tín ngưỡng của người khác, không gây gổ đả kích vô cớ để gây thù chuốc oán với bất cứ ai. Thế nhưng trước các tà kiến, tà pháp phá hoại Đạo Phật, xuyên tạc Tam Bảo thì mỗi người con Phật phải có trách nhiệm nêu rõ phải trái, trắng đen, chánh tà để gạn đục khơi trong, vàng thau phân định.
Ngay thời Phật các ngoại học luôn tìm đủ mọi cách, mọi thủ đoạn để phá hoại Đạo Phật, kể cả việc họ giả danh lời Phật hoặc giả dạng Tăng Ni để lũng đoạn từ bên trong. Cho nên sau khi Đức Phật nhập diệt, một chiều tin tưởng tất cả các luận sư Bà-la-môn cùng các ‘tam tạng’ do họ giới thiệu là một sự cả tin ngây thơ đến độ mù quáng.
Qua hàng ngàn năm ‘bóng ma’ của các tổ sư gián điệp gốc Bà-la-môn đã bao trùm và phong tỏa tâm linh của biết bao thế hệ Phật tử. Nhận thức Phật pháp trải qua hàng thế kỷ cũng đã bị các giả sư gốc Bà-la-môn biến thái cải biên quá nhiều. Do vậy việc nhận chân và chỉ rõ ‘bộ mặt thật nham hiểm’ của các tổ sư gián điệp cùng các tà kinh ngụy trá hoàn toàn không đơn giản.
Muốn có tri kiến đúng đắn biết rõ đâu là Chánh đạo, đâu là ngụy đạo giả danh, tức ‘đạo phi đạo tri kiến thanh tịnh’, phải có ‘đoạn nghi thanh tịnh’. Muốn có đoạn nghi thanh tịnh, phải có ‘tri kiến thanh tịnh’. Muốn có tri kiến thanh tịnh, phải có ‘tâm thanh tịnh’. Muốn có ‘tâm thanh tịnh’, phải có ‘giới thanh tịnh’ (Kinh Trạm Xe, MN24)
Do vậy, chỉ có các Tỷ-kheo ‘đã lâu ngày trần cấu ít’, có giới hạnh thanh tịnh mới có ‘đạo phi đạo tri kiến thanh tịnh’, mới có đủ tuệ lực để thấy rõ đâu là chánh kinh, đâu là tà kinh, đâu là chân Tăng, đâu là ngụy tổ. Chính các vị này mới đủ sức vượt qua ‘bóng ma’ của các tổ sư gián điệp để nêu rõ phải trái, trắng đen, thắng liệt, chánh tà.
Hơn bao giờ hết các Tăng Ni Phật tử phải trau dồi giới hạnh thanh tịnh, để có tâm thanh tịnh, tri kiến thanh tịnh, đoạn nghi thanh tịnh, đạo phi đạo tri kiến thanh tịnh, nhờ vậy mới có thể phân biệt rõ chánh đạo Phật pháp và tà pháp giả danh, mới tu đúng đường, mới mong giải thoát thực sự.
Đồng thời các Phật tử còn phải khéo dựa vào Chánh Pháp để bác bỏ tà pháp giả danh, bảo vệ xương minh đúng Phật pháp, tạo lập công đức hộ pháp. Trách nhiệm và công đức cao quý này đến cả những vị Trưởng lão có ‘đầy đủ 100 năm an cư mùa mưa trong Pháp và Luật này’ còn phải thường xuyên thực hiện, huống hồ với những Thánh cư sĩ như Anāthapiṇḍika, Vajjiyamāhita; huống hồ với tất cả con Phật.
Mỗi Phật tử hãy theo lời Phật dạy, tích cực bác bỏ tà pháp, bảo vệ đúng Chánh Phật Pháp để tự cứu chính mình và cứu cho những người thân của mình! Đây là công đức Từ Bi!
Có cứu lấy Chánh Pháp, mới được Chánh Pháp soi đường cứu thoát; giao duyên với pháp tà, tất sẽ bị pháp tà cuốn trôi. Đây là luật nhân quả!
Cula Dhammapala
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét