Thứ Bảy, 16 tháng 4, 2016

Chuyện lạ: hàng ngàn Tăng Ni biến mất


Nam Tào và Bắc Đẩu vừa công du dưới dương trần xong. Cả hai mới quay trở lại Thiên đình, chưa kịp nghỉ ngơi đã vội vàng vào triều kiến Đại Phạm Thiên Sahampati. Nam Tào quỳ tấu:
_ Muôn tâu Đại Phạm Thiên Sahampati, chúng tôi thấy ở cõi Ta Bà có một điều rất bất thường, kính xin Ngài chỉ giáo. 
Đại Phạm Thiên Sahampati vuốt râu:
_ Chuyện gì? Các ông hãy trình rõ.
_ Nhưng trước khi thưa chuyện, xin ngài cho phép hỏi một câu.
_ Được, ông hãy nêu điều thắc mắc.
_ Thưa ngài, thế nào là một vị Tỳ-khưu, Tỳ-khưu-ni đệ tử Phật?
Đại Phạm Thiên Sahampati hơi nhíu mày:
_ Câu hỏi này đúng ra ông nên dành cho các vị đệ tử Phật, bản thân ta không thể tự tiện định nghĩa được. Tuy vậy, căn cứ vào tạng Luật Patimokkha, Đức Phật cũng đã nói rõ vấn đề này.
_ Lành thay, kính mong ngài từ bi chỉ dạy. Nam Tào, Bắc Đẩu đồng thanh trịnh trọng.
_ Vậy, các ông hãy lắng nghe cho kỹ, ta sẽ nói. Trong Chương thứ nhất Pārājika, phần Phân tích giới Tỳ-khưu, mục 26, đã định nghĩa rõ nguyên văn thế này: Tỳ-khưu: “VỊ ĐI KHẤT THỰC” là Tỳ-khưu. “Vị chấp nhận việc đi khất thực” là Tỳ-khưu. “Vị mặc y đã được cắt rời” là Tỳ-khưu.
Là Tỳ-khưu do sự thừa nhận. Là Tỳ-khưu do tự mình xác nhận. Là Tỳ-khưu khi được (Đức Phật) nói rằng: “Này Tỳ-khưu, hãy đi đến (ehi bhikkhu).”
Vị đã tu lên bậc trên bằng Tam Quy” là Tỳ-khưu. “Vị hiền thiện” là Tỳ-khưu. “Vị có thực chất” là Tỳ-khưu. “Vị Thánh Hữu Học” là Tỳ-khưu. “Vị Thánh Vô Học” là Tỳ-khưu.
Vị đã được tu lên bậc trên với hội chúng hợp nhất bằng hành sự có lời thông báo đến lần thứ tư, không sai sót, đáng được duy trì” là Tỳ-khưu.
Ở đây, vị Tỳ-khưu đã được tu lên bậc trên với hội chúng hợp nhất, bằng hành sự có lời thông báo đến lần thứ tư, không sai sót, đáng được duy trì, vị này là “vị Tỳ-khưu” được đề cập trong ý nghĩa này”.Trong phần Phân tích giới Tỳ-khưu-ni, định nghĩa về một Tỳ-khưu-ni cũng tương tự.
Nam Tào vẻ bức xúc:
_ Thưa ngài, hẳn việc ôm bình bát khất thực nuôi thân là chánh nghiệp, chánh mạng rất quan trọng đối với tất cả Tăng và Ni, cho nên Đức Thế Tôn mới nêu lên đầu tiên như vậy. Thế nhưng, hiện nay nhiều nơi dưới dương trần, các Tăng Ni đệ tử Phật đã không còn duy trì truyền thống khất thực, thậm chí không chấp nhận việc đi khất thực. Dân chúng kháo nhau: “TĂNG NI BIẾN MẤT” là vì vậy!
Phạm thiên Sahampati:
_ Đó cũng là một biểu hiện đáng sợ hãi của thời mạt pháp, đúng như bậc Chánh Đẳng Giác đã tiên tri.
Cả Nam Tào và Bắc Đẩu cùng chắp tay:
_ Thưa, Đức Phật tiên tri như thế nào?
_ Trong kinh Tăng Chi, đức Chánh Biến Tri đã dạy rõ: “3. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, những Tỷ-kheo trong tương lai sẽ tham muốn các đồ ăn khất thực ngon lành. Do họ tham muốn các đồ ăn khất thực ngon lành, HỌ SẼ TỪ BỎ NẾP SỐNG KHẤT THỰC, từ bỏ các khu rừng, các vùng cao nguyên, các trú xứ xa vắng.
Họ sẽ đi vào các làng, thị trấn, kinh đô của vua và sinh sống tại đấy, tìm cầu các món ăn thượng vị, như với đầu lưỡi. Do nhân đồ ăn khất thực, họ sẽ rơi vào nhiều hành động tầm cầu không thích hợp.
Này các Tỷ-kheo, đây là sợ hãi thứ hai về tương lai, hiện nay chưa sanh khởi, NHƯNG SẼ SANH KHỞI TRONG TƯƠNG LAI. Các Thầy cần phải hoàn toàn rõ biết chúng. Sau khi hoàn toàn rõ biết, cần phải tinh tấn để đoạn trừ sợ hãi ấy” (bài kinh “Sự Sợ Hãi Trong Tương Lai (4)”, số 80, Tăng Chi tập 2, chương 5, Phẩm Chiến Sĩ)
Cả hai vị tiên đều chắp tay thán phục:
_ Quả là Như Lai! Ngài nói không sai một chút nào! Thưa Đại Phạm Thiên, chúng tôi đi nhiều nơi thấy đúng y như vậy!
Nam Tào tiếp lời:
_ Thưa Đại Phạm Thiên, chúng tôi được biết có nhiều vị Tỳ-khưu, Tỳ-khưu-ni vẫn biết sợ hãi điều trên. Họ sẵn sàng duy trì truyền thống khất thực. Thế nhưng nhiều vị cấp trên lại ngăn cấm với lý do hình thức khất thực bị nhiều kẻ xấu lợi dụng, đi xin ăn làm ảnh hưởng tới hình ảnh Tăng đoàn.
Đại Phạm Thiên Sahampati mỉm cười:
_ Họ nói thế thôi, nếu họ là người tài giỏi thật sự, tại sao họ không ngăn trừ kẻ xấu lợi dụng việc khất thực, mà lại đi xoá bỏ truyền thống cao đẹp của Đạo Phật? Họ chỉ cần khôn ngoan một chút sẽ nghĩ ra một ngàn lẻ một cách để chặn đứng kẻ xấu. Hai ông có biết nguyên nhân chính phát sinh tệ nạn “sư giả” là gì không?
Bắc Đẩu cung tay:
_ Thưa, vì Tăng Ni phá giới nhận tiền, vì Phật tử cúng dường tiền, vì người ta ham tiền, và vì kiếm tiền dễ dàng nên mới vậy!
Nam Tào đắc ý:
_ Đúng thế! Tôi thấy ở nhiều nơi khác, dù còn nghèo khó, nhưng Tăng Ni chỉ xin ăn chứ không xin tiền, cho nên không thấy tệ nạn “sư giả, ni dỏm”.
Bắc Đẩu gật đầu:
_ Bởi thế, một mặt chúng ta phải nói rõ cho dân chúng biết để họ không nên cúng dường tiền bạc, vừa làm hư Tăng Ni vừa tạo cơ hội cho kẻ xấu lợi dụng. Mặt khác các Tăng Ni cũng phải kiên quyết giữ giới không nhận tiền, nếu cần, họ đeo tấm bảng có ba chữ “KHÔNG NHẬN TIỀN” cho mọi người thấy rõ.
Đại Phạm Thiên Sahampati tiếp lời:
_ Nếu ai đó cố ý xúc phạm cho tiền, Tăng Ni cứ kiên quyết từ chối. Nếu ai không làm như vậy, chính họ là kẻ giả dạng tu sĩ, gây hại cho Phật giáo, mọi người phải báo ngay cho chính quyền để xử trị. Cứ như vậy, thử hỏi còn kẻ xấu nào muốn giả dạng các Tăng Ni nữa? Ôm bình bát xin ăn một ngày một bữa còn khổ hơn cả ăn mày, ai còn muốn làm theo? ai còn nỡ tâm xúc phạm?
Nam Tào hoan hỷ:
_ Tôi rất tâm đắc với ý của quý ngài, duy chỉ có hình thức đeo tấm bảng, tôi thấy hơi kỳ kỳ...
Bắc Đẩu cắt ngang:
_ Nhận tiền mới kỳ, không nhận tiền là phẩm hạnh của Tăng Ni, nói rõ cho mọi người biết, họ càng quý chứ sao? Vả lại chỉ sau một thời gian mọi người hiểu rõ không cúng tiền nữa, không còn ai giả danh nữa, thì Tăng Ni vẫn trở lại như cũ, có mất mát gì đâu?
Đại Phạm Thiên Sahampati tham gia:
_ Bắc Đẩu nói rất đúng. Lại nữa, trong tạng Luật cũng nêu rõ các đàn na, tín thí có thể gửi tiền, tứ vật dụng cho một cư sĩ hộ độ được chính người tu sĩ tin cậy chỉ định giữ dùm, để khi cần thiết họ lo cho tu sĩ.
Nam Tào, Bắc Đẩu đồng thanh:
_ Như vậy là vẹn toàn cho mọi người. Mong sao mọi người hiểu rõ để cùng nhau giữ gìn đạo Pháp.
Đại Phạm Thiên Sahampati lớn giọng ra lệnh:
_ Bắc Đẩu nói rất đúng. Này Nam Tào, Bắc Đẩu, cả hai hãy nghe đây, hai ông phải qua ngay cung điện In-tờ-nét, thảo liền một bức điện thư, gửi gấp xuống dương trần cho mọi người biết để cứu lấy các Tăng Ni, mau lên!
_ Dạ, xin vâng!
Hai vị Tiên Nhân liền chắp tay bái lạy, rồi cấp tốc ba chân bốn cẳng chạy vù đi thực hành nhiệm vụ.
Nam Phương
______________
Ghi chú: Các trích dẫn từ Kinh Nikaya theo bản dịch của HT Thích Minh Châu, từ Luật Patimokkha theo bản dịch của TK Nguyệt Thiên.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét