Một giới tử hỏi vị đồng đạo:
_ Này huynh, có phải Thánh tăng Đại Ca Diếp đã xin đổi tấm y còn lành của mình lấy tấm y phấn tảo lượm từ nghĩa địa mà Đức Phật đang mặc, và vị Tổ sư Thiền này cũng ôm bình bát khất thực như Đức Phật?
_ Đúng thế!
_ Vậy, tại sao các Hòa thượng, Thiền sư luôn nhận ngài Ca Diếp là sơ tổ và họ tự nhận mình là chánh truyền, thế nhưng mấy ổng lại mặc y áo như vua chúa, và chẳng ai làm khất sĩ nuôi thân?
_ Vì các ngài biết lượm các y áo từ “nghĩa địa” nhà giầu, và quẳng bát vào nghĩa địa nhà nghèo, để dễ dàng “thỏng tay vào chợ” nhà lồng chứ sao.
Thừa Tự Pháp
----------------------
Ghi chú
Dưới đây là trích đoạn đối thoại giữa Đức Thế Tôn và ngài Đại Ca Diếp trong bài kinh “Y Áo” (S.ii,217)
"-- Bạch Thế Tôn, mong rằng Thế Tôn nhận lấy tấm y làm bằng vải cắt này từ nơi con, vì lòng từ mẫn đối với con".
"-- Này Kassapa, Ông có dùng tấm y phấn tảo làm bằng vải gai thô, đáng được quăng bỏ của Ta không?"
" -- Con sẽ dùng, bạch Thế Tôn, tấm y phấn tảo làm bằng vải gai thô,đáng được quăng bỏ của Thế Tôn".
Ý kiến:
Thế đấy, Đức Thế Tôn phước báu vô lượng vô biên như vậy, nhưng Ngài nêu gương thiểu dục tri túc cao thượng với ‘tấm y lượm làm bằng vải gai thô từ vải cũ trong nghĩa địa, đáng được quăng bỏ’.
Và ngài Đại Ca Diếp cũng xuất thân gia đình trưởng giả, nhưng theo gương Phật, ngài cũng xin được nhận lãnh ‘tấm y phấn tảo, đáng được quăng bỏ’ từ bậc Đạo Sư Minh Hạnh Túc.
Còn các vị mang danh con Phật đời nay, quý vị phước báu công hạnh tới đâu? Quý vị noi gương ai? Quý vị nêu gương thiểu dục tri túc cho đời chỗ nào, khi các vị đua nhau vênh váo trong những áo mão xênh xang lòe loẹt như vua chúa, như diễn tuồng, như kép hát…?
Các vị có thấy mình xứng đáng là con của Đức Thế Tôn, là hậu duệ của Thánh Tăng Đại Ca Diếp, là ‘thầy tổ’ cho đệ tử?
Kinh sợ thay, tất cả đã hoàn toàn đúng như lời tiên tri của Đức Chánh Biến Tri dưới đây:
“1. - Có năm sợ hãi về tương lai này, hiện chưa sanh khởi, nhưng sẽ sanh khởi trong tương lai, các Thầy cần phải hoàn toàn rõ biết chúng. Sau khi hoàn toàn rõ biết, các Thầy cần phải tinh tấn để đoạn tận sợ hãi ấy.
2. Này các Tỷ-kheo, các Tỷ-kheo trong tương lai sẽ tham muốn các y tốt đẹp. Do họ tham muốn các y tốt đẹp, họ sẽ từ bỏ các y nhặt nơi đống rác, họ sẽ từ bỏ các khu rừng, các vùng cao nguyên, các trú xứ xa vắng, họ sẽ đi đến các làng, thị trấn, kinh đô vua chúa và sống tại các chỗ ấy. vì nhân y áo, họ sẽ rơi vào những hành vi tầm cầu không thích hợp.
Này các Tỷ-kheo, đây là sợ hãi thứ nhất về tương lai, hiện nay chưa sanh khởi, nhưng sẽ sanh khởi trong tương lai. Các Thầy cần phải hoàn toàn rõ biết chúng. Sau khi hoàn toàn rõ biết, cần phải tinh tấn để đoạn trừ sợ hãi ấy.”
(Xem thêm các sợ hãi thứ 2, 3, 4 và 5 trong kinh “Sự Sợ Hãi Trong Tương Lai” (4), Tăng Chi tập 2, Chương 5, Phẩm Chiến Sĩ).
Ý kiến:
Phải sợ hãi với thói ‘tham muốn các y tốt đẹp’, bởi vì từ đây chúng sẽ lôi kéo con Phật vào các tầm cầu không thích hợp khác, các tham dục phi pháp khác. Chỉ có những Phật tử không biết Pháp, không theo Luật của Phật, mới chạy theo hoặc vênh váo trong những tấm y như vậy.
Còn với người hiểu biết, một tu sĩ xoe xua trong những tấm y lòe loẹt chẳng khác nào như những diễn viên nghiệp dư, hoặc những kép hát thế vai trong vở diễn hài nhảm của mình. Nghiệp thích vẻ bề ngoài tốt đẹp chẳng khác nào như những con chim két thích thú khoe khoang bộ lông vũ lòe loẹt của mình.
Con Phật hãy theo lời Phật, hãy mang y như Phật, chứ đừng bắt chước người đời, mang y áo diễn tuồng, xấu hổ lắm người ơi!
---------------
Xem thêm
http://phatgiaodoinay.blogspot.com/2016/02/kich-ngan-chung-ai-thua.html
http://buthayma.blogspot.com/2016/02/thien-mon-cai-huan.html
http://buthayma.blogspot.com/2016/02/thien-mon-cai-huan.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét