TẬP KHẢO LUẬN
Sư già mất dạy
và
Con ngựa thành Troy
trong Phật giáo Nam Tông
Nhị Tạng Vương
(Phần 1)
Thần Hộ Pháp Dhammapāla quán sát hai cõi Trời - Người, thấy cơ duyên đã hội đủ liền như người lực sĩ duỗi cánh tay đang co lại, hay co lại cánh tay đang duỗi ra, biến mất ở Thánh Pháp Xứ và hiện ra tại giữa cung trời Abhibhū.
Đại Phạm Thiên Sahampati, vị cai quản cung trời, mừng vui kính cẩn chào đón Thần Hộ Pháp với lễ nghi cao nhất. Thấy dáng vẻ trang nghiêm đặc biệt của Thần Hộ Pháp, Đại Phạm Thiên Sahampati biết ngay có việc rất hệ trọng nên càng cẩn thận tiếp rước hơn nữa.
Vừa an vị xong, sau vài câu thăm hỏi xã giao, Thần Hộ Pháp đặt ngay vấn đề:
_ Xin hỏi Đại Phạm Thiên Sahampati, hiền giả có biết các câu kệ sau đây của Đức Thế Tôn được ghi lại trong cuốn kinh nào không:
"...3. Nó mắng tôi, đánh tôi!
Nó hại tôi, cướp tôi!"
Ai ôm oán niệm ấy,
Hận thù không thể nguôi.
4. "Nó mắng tôi, đánh tôi!
Nó hại tôi, cướp tôi!"
Không ôm oán niệm ấy,
Hận thù sẽ tự nguôi.
5. Hận thù diệt hận thù,
Không đời nào diệt được,
Từ bi diệt hận thù,
Là định luật ngàn thu.
6. "Người khác không hiểu biết,
Ở đây ta bị diệt",
Những ai hiểu điều này,
Nhờ vậy, tranh luận tiêu”?
Thần Hộ Pháp vừa dứt lời, Đại Phạm Thiên Sahampati kính cẩn trả lời ngay:
_ Dạ thưa, đó là các bài kệ số 3, 4, 5 và 6 trong Phẩm Song Yếu của kinh Pháp Cú.
Thần Hộ Pháp Dhammapāla gật đầu xác nhận, giọng càng trịnh trọng hơn:
_ Dám hỏi hiền giả, các câu kệ trên chính thức được Đức Phật thuyết trong bài Kinh nào? ở đâu? trong hoàn cảnh nào? và nhân sự kiện gì?
Đại Phạm Thiên Sahampati cũng nghiêm chỉnh trả lời với vẻ rất tự tin:
_ Bạch ngài Dhammapāla, cả bài kệ đầy đủ nằm trong kinh Tùy Phiền Não, số 128, Trung Bộ 3, được Đức Phật tuyên thuyết giữa hội chúng ở Kosambī tại tịnh xá Ghosita. Chính xác vào lúc “Sau khi đi khất thực ở Kosambī, ăn xong, trên con đường khi khất thực trở về, sau khi dọn dẹp chỗ nằm, lấy y bát, Ngài đứng và nói bài kệ”. Nhân sự kiện trước đó ba lần, Ngài đã răn dạy các Tỳ-kheo ở Kosambī, nhưng họ vẫn “cố chấp, cạnh tranh, luận tranh, đấu tranh nhau, đả thương nhau bằng những binh khí miệng lưỡi”!
Thần Hộ Pháp Dhammapāla hoan hỷ tán thán vị “Kinh Sư” rồi đột nhiên hỏi lớn:
_ Thực tế là như thế, nhưng tại sao luận sư Bà-la-môn Phật Âm lại chú giải rằng Đức Thế Tôn dạy các câu kệ trên tại Kỳ Viên Tự, nhân chuyện về trưởng lão Tissa “vốn dòng hoàng tộc, xuất gia nhập đạo lúc tuổi đã cao niên, nhằm thời kỳ Phật giáo hưng thịnh, được nhiều lợi lộc, Trưởng lão thọ dụng đầy đủ, thân thể phì mỹ đẫy đà. Trưởng lão ưa đắp y giặt giũ dằn nếp thật sạch sẽ thẳng thớm, lại thích ngồi chễm chệ trong phòng nhóm Tăng hội ngay giữa chánh điện”? (1)
Đại Phạm Thiên Sahampati tiu ngỉu như cờ gặp mưa:
_ Dạ… việc này phải hỏi lại những ai đã tin tưởng Phật Âm.
Thần Hộ Pháp Dhammapāla xua tay:
_ Không cần, khi người ta đã tin các luận giải như thánh điển, có hỏi cũng bằng thừa.
Thần Hộ Pháp Dhammapāla nói lớn giọng hơn nữa:
_ Thế nhưng còn điều này mới đáng nói. Cũng theo chú giải của Bà-la-môn Phật Âm, trưởng lão Tissa thường im lặng khi được các Tỳ-kheo nơi khác cung kính lễ lạy vì họ tưởng ông ta hạ lớn. Chỉ có “tội” như vậy mà một Tỳ-kheo trẻ, khi biết được, đã dám mắng chửi vị trưởng lão lớn tuổi hơn mình thế này (nguyên văn): “Này ông sư già mất dạy, cống cao ngã mạn, không biết tự lượng, ông trông thấy các Ngài Đại đức trong nhóm đây mà không chào hỏi theo pháp” (2). Xin hỏi hiền giả, điều này có thích đáng với truyền thống của Tăng Bảo hòa hợp nhau như “nước hòa với sữa” không?
Vị Tỳ-kheo trẻ đã không hỏi kĩ trước khi lễ lạy, dù có nhiều tuổi hạ hơn nhưng hỗn láo, lỗ mãng với người đồng đạo già, liệu có đủ tư cách xứng đáng bắt người khác phải chào hỏi? Pháp nào dạy như thế? Luật Pātimokkha nào quy định như vậy? Một hội chúng kính trọng đạo đức và trí tuệ là thế ư? Trong Chánh Kinh có đoạn nào dạy Tỳ-kheo hồ đồ như thế không? Có phải ngôn phong ấy chỉ có ở một kẻ ác ngữ, muốn nêu gương xấu cho những kẻ tà tín noi theo?
Nếu tất cả các Tỳ-kheo trẻ đều bắt chước “ngài đại đức” trong “thánh luận giải” của Phật Âm Bà-la-môn, thì Tăng đoàn sẽ như thế nào? Liệu có nên tin tưởng một chiều vào chú-thích-tự-giải với những câu như vậy của một ông Bà-la-môn vốn khét tiếng trong việc chống các phái ly khai khỏi Bà-la-môn giáo?
Đại Phạm Thiên Sahampati nghe hỏi liền một hơi liền giật mình choáng váng, chép miệng thở dài:
_ Thưa Thần Hộ Pháp Dhammapāla! Chư Thiên chúng tôi từ hồi nào đến giờ có thèm đọc các luận giải ấy đâu. Trước lúc nhập Niết Bàn, Đức Thế Tôn đã di giáo rõ ràng chỉ có hai tạng Kinh và tạng Luật, chứ có tạng Luận bao giờ.
_ Đã thế, nhiều người còn xem các luận giải của mấy ông luận sư Bà-la-môn ngang hàng Thánh Kinh - Thánh Luật nữa chớ! Họ có điên rồ không?
_ Vô minh đến thế là cùng! Còn ai luận hay hơn Đức Phật, thưa Ngài!
_ Luận hay bằng móng chân Ngài cũng không có, chứ đừng nói ngang bằng! Các Tỳ-kheo nào giới luật không thanh tịnh nên tri kiến không thanh tịnh, họ mới không hiểu được chánh Kinh chánh Luật của ĐứcPhật.
_ Cho nên họ phải dựa vào Luận giải. Và khi mọi người nhắm mắt tin theo đây, họ sẽ không thể phát hiện được những luận giải khác biệt chết người của các ông luận sư Bà-la-môn sống sau Phật cả ngàn năm.
_ Đúng vậy. Đương thời Phật, cũng có những bài kinh do các Thánh Tăng thuyết, nhưng tất cả đều đã được Đức Phật ấn chứng: “Nếu có hỏi Như Lai, Như Lai cũng nói như thế”.
_ Còn với các luận giải sau này, mọi người phải thận trọng, chớ có tin bừa. Nhất là của các luận sư Bà-la-môn ngoại học đời sau.
_ Đã không hiểu rành Kinh - Luật thì chớ, đàng này lại còn bắt chước kẻ xấu quay lại coi thường chánh Kinh thánh Luật của Phật mới nguy chứ!
_ Cho nên địa ngục lúc nào cũng đông hơn cõi người, thưa Thần Hộ Pháp Dhammapāla.
_ Thêm nữa, hàng ngàn năm sau khi Phật đã nhập Niết Bàn, thử hỏi ai là người có đủ tư cách ấn chứng cho các ông luận sư Bà-la-môn là Thánh tăng, là Bồ-tát?
_ Thưa, chỉ có ba hạng người: một là kẻ lộng ngôn, hai là kẻ lộng hành, ba là kẻ lộng ý mới dám lộng quyền như thế! Nếu Phật Âm hoặc thầy của ông ta tự xưng, thì họ đã phạm tội Ba-la-di thứ tư, bị “rơi đầu” từ lâu rồi. Còn nếu dựa vào mớ chú giải đồ sộ của ông ta, thì trời ơi, Tần Thủy Hoàng với Vạn Lý Trường Thành còn vĩ đại hơn gấp nhiều lần!
Thần Hộ Pháp Dhammapāla mạnh giọng:
_ Ấy vậy mà cả ngàn năm qua dưới dương trần nhiều thế hệ cứ vô tư tin tưởng luận sư Bà-la-môn Phật Âm sống sau Phật cả ngàn năm là “Thánh tăng”. Đã thế còn hè nhau tôn thờ cả cái giỏ “Thánh điển chú giải” của ông ta nữa chứ. Thật là tai họa!
Im lặng hồi lâu, Đại Phạm Thiên Sahampati chắp tay cung kính:
_ Thưa, nhưng tại sao đến bây giờ Ngài mới lên tiếng?
Thần Hộ Pháp Dhammapāla trầm tĩnh:
_ Kinh văn đã dạy: “Biết pháp, biết nghĩa, biết lượng, biết mình, biết thời, biết chúng, biết người” (3). Cơ duyên bây giờ mới hội đủ! Đã đến lúc nói những điều cần phải nói!
Đại Phạm Thiên Sahampati chấp tay hô to:
_ Sadhu! Lành Thay! Lành thay! Cung thỉnh ngài giá lâm xuống dương trần cất tiếng rống sư tử! Từ xưa đến nay chư Thiên chúng tôi chỉ ủng hộ những ai biết tin theo chánh Kinh – chánh Luật mà thôi!
Thần Hộ Pháp Dhammapāla im lặng nhận lời, xoay mình biến mất tại cung trời Abhibhù.
_________________________________
Ghi chú
(1) “Chú giải kinh Pháp Cú tập 1”, tác giả Phật Âm - Buddhaghosa, dịch giả Pháp Minh, trang 67.
Về trường hợp Tỳ-khưu Tissa, trong Tương Ưng Bộ, bài kinh Tissa (S.ii,281) có ghi rõ Tissa là ‘cháu của phụ vương Thế Tôn’. Còn trong (S.iii,106), ghi Tissa là ‘cháu trai Thế Tôn’. Còn trong Trưởng Lão Tăng Kệ có ba vị Tissa: Vị Tissa thứ nhất, trong Thera 6, là con bà dì của Đức Phật, vị Tissa thứ hai (Thera 14) cũng thuộc gia đình vua chúa nhưng không liên hệ dòng họ với Phật, và vị Tissa thứ ba (Thera 21) có gốc là Bà-la-môn.
Như vậy trong kinh văn, tôn giả Tissa là vai em hoặc cháu chứ không phải chú của Thế Tôn như chú giải của Phật Âm Bà-la-môn. Còn trong Tăng Chi có nói đến vị Tỳ-khưu Tissa sau khi mất tái sanh lên Thiên giới và làm Phạm Thiên Tissa (AN VI:34 & AN VII:53). Tất nhiên Phật Âm Bà-la-môn bỏ qua các sự kiện này, nhưng lại thêm vào những chi tiết bịa đặt vu khống hạ bệ tôn giả Tissa, hoàn toàn không có trong tất cả các kinh văn gốc nêu trên.
(2) “Chú giải kinh Pháp Cú tập 1”, tác giả Phật Âm - Buddhaghosa, dịch giả Pháp Minh, trang 68
(3) Kinh Thập Thượng, số 34, Trường bộ 2.
Các trích dẫn trong bài viết từ tạng Kinh, theo bản dịch của HT Thích Minh Châu; từ tạng Luật theo bản dịch của TK Nguyệt Thiên.
************
Nhận diện “con ngựa thành Troy”
trong Phật giáo Nam Tông
(Phần 1)
MỤC LỤC
Phần 1
1) Quỷ dạ xoa ăn thịt con nít chứng liền thánh quả!
2) Đi tìm nguyên nhân phân hóa tại Kosambī và kẻ phá hòa hợp tăng
3) Luận giải phải y kinh, chú giải phải y chứng
Phần 2
4) Thủ đoạn dùng vũ khí người để giết người
5) Cài thêm tay sai và truyền thống phỉ báng thấu cáy
6) Tuệ tri chúng sanh là chúng sanh
9) Kế sách gián điệp trong cuộc đấu tranh ý thức hệ tôn giáo
Phần 3
11) Bình thuốc cũ, rượu độc mới
12) Vi diệu pháp hay Duy thức Bà-la-môn?
13) Luận tạng - “Con ngựa thành Troy” trong Theravada
14) Trở về nguồn với chánh kinh Nikaya và chánh luật Pātimokkha
16) Bảo vệ đúng chánh pháp là tự cứu mình
|
1) Quỷ dạ xoa ăn thịt con nít chứng liền thánh quả!
-- Cần nhắc lại, hai đoạn in nghiêng trong bài “Sư Già Mất Dạy” ở trên là hai trích đoạn nguyên văn trong “Chú giải Kinh Pháp Cú tập 1”, tác giả Phật Âm – Buddhaghosa, dịch giả Pháp Minh, Thành hội Phật Giáo TPHCM xb 1997, kệ ngôn số 3 và 4, trang 67-68.
Cũng trong quyển sách này, từ trang 81 đến trang 125, tác giả Phật Âm đã chú giải các kệ ngôn 5 và 6 kế tiếp, bằng các “tương truyền” khác với một số chi tiết đáng lưu ý.
Trang 90: “Bài kệ vừa dứt, nữ Dạ Xoa chứng được quả Tu Đà Hoàn” (?) Xin hỏi những ai biết thận trọng trong nhận thức, không vội cả tin vì truyền thuyết, vì truyền thống, vì nghe lời đồn, vì kinh điển, vì lý luận siêu hình, vì lập luận một chiều, vì đánh giá hời hợt các dữ kiện, vì hợp với chủ kiến, vì uy quyền và vì nghe đồn... Phật Âm là “thánh tăng”:
➽Tại sao trong hàng ngàn bài kinh thuộc Trung Bộ, Trường Bộ, Tăng Chi, Tương Ưng và trong cả ngàn trang của tạng Luật Pātimokkha không có bất kỳ một sự kiện nào cho Dạ Xoa đầy oan trái hận thù được chứng liền thánh quả giống như chú giải của luận sư Bà-la-môn Phật Âm?
➽ Có một giáo lý chân chánh và nghiêm túc nào lại dễ duôi đến độ để cho một con quỷ Dạ Xoa, mới trước đó còn ăn thịt con nít ngoen ngoẻn lại được thành ngay bậc Thánh tức thì? Một người hiền trí có muốn chấp nhận và tin tưởng nơi một “Thánh vị” của một giáo phái như vậy không?
➽ Đã có một Phật tử chân chánh nào thấy một con quỷ Dạ Xoa chứng liền được Thánh quả Tu Đà Hoàn? Chứng minh? Nếu có, hẳn chỉ có quỷ Dạ Xoa bênh quỷ Dạ Xoa mới dám phong “thánh” kiểu này!
➽ Theo bài kinh Thanh Tịnh, số 29, Trường Bộ 2, Đức Thế Tôn đã nói rõ Pháp của Ngài được khéo trình bày cho loài Người: “Này Cunda, nay Ta hiện tại là bậc Ðạo sư xuất hiện ở đời, là bậc A la hán, Chánh Ðẳng Giác, và pháp được khéo tuyên bố, khéo trình bày, có hiệu năng hướng dẫn, hướng đến an tịnh, được vị Chánh Ðẳng Giác trình bày, và các vị đệ tử của Ta tinh thông diệu pháp, và phạm hạnh hoàn toàn viên mãn được tỏ lộ với tất cả thứ bậc vị trí liên hệ, được trở thành diệu dụng, được khéo trình bày cho loài Người.”
Do vậy, trong tạng Luật, Đại Phẩm, đoạn [126], Đức Phật đã dạy cho một con rồng giả dạng làm Tỳ-khưu: “- Các ngươi là loài rồng không có được pháp tiến bộ trong Pháp và Luật này. Này rồng, ngươi hãy đi đi. Và hãy tiến hành Uposatha vào ngày mười bốn, ngày mười lăm và ngày thứ tám của mỗi nửa tháng ở ngay nơi ấy, như thế ngươi sẽ hoàn toàn thoát khỏi sự xuất thân là loài rồng và sẽ thành tựu bản thể của loài người một cách nhanh chóng.”
Theo bậc thang tiến hoá, loài rồng còn xếp cao hơn cả loài ngạ quỷ Dạ Xoa, ấy thế mà còn chưa đủ phước duyên để được tu theo giáo pháp này. Chúng còn phải giữ giới nhiều hơn nữa mới mong được làm người. Trong khi đó, Phật Âm lại phong ngay cho con quỷ Dạ Xoa chứng liền thánh quả Tu Đà Hoàn là có ý gì (?) Một kẻ ác miệng dựa theo đây rêu rao pháp của “Thánh Tăng” Phật Âm chỉ dành cho bọn quỷ sứ thì sao? Sự xỏ xiên này thua kém gì kiểu thấu cáy “chúng sanh đồng Phật tánh” như ở phương Bắc?
➽ Thánh quả Tu Đà Hoàn của Đạo Phật như thế nào mà một ngạ quỷ Dạ Xoa chỉ cần nghe một câu kệ cũng chứng được? Phải chăng khi đưa ra sự kiện này Phật Âm Bà-la-môn muốn “giúp” người đọc hiểu rằng, Thánh quả Dự Lưu của Đạo Phật thực ra cũng chẳng có gì cao quý cao siêu, cho nên đến loài quỷ dữ ăn thịt người rất hung bạo cũng “đắc” được dễ dàng?
➽ Cũng lưu ý thêm, ngay sau đó, dù Dạ Xoa đã “buông đao lập địa” thành “Thánh Tu Đà Hoàn”, nhưng khi ở trong nhà người khác đã đòi hỏi gia chủ hết chỗ ở này đến chỗ chỗ ở khác chỉ vì sợ... đòn xóc đánh trúng đầu. Phải chăng Bà-la-môn Phật Âm muốn “chú giải” để mọi người hiểu rằng, tuy đã thành Thánh của Đạo Phật rồi nhưng vẫn còn phải sợ những điều nhảm nhí và gây nhiều phiền nhiễu cho người cư sĩ?
➽ Những ai tin tưởng vào Phật Âm và cũng tin rằng một con quỷ ăn thịt người chỉ cần nghe một câu kệ cũng đắc ngay thành Thánh; thì khi họ tâm đắc thấm thía một kệ ngôn của Đức Phật, chắc hẳn họ cũng sẽ được ông luận sư Bà-la-môn này phong cho liền quả vị nhập lưu để được chung dòng với các… ngạ quỷ Dạ Xoa cũng nên? Cứ theo chú giải của Phật Âm Bà-la-môn, các Thánh Tu Đà Hoàn khác của Đạo Phật cũng là Dạ Xoa chăng?
2) Đi tìm nguyên nhân phân hóa tại Kosambī và kẻ phá hòa hợp Tăng
Riêng trong phần chú giải Pháp Cú số 6, luận sư Bà-la-môn Phật Âm cũng có nêu lên tích các Tỳ-kheo ở Kosambī. Thế nhưng, một người đọc kỹ các tài liệu trong chánh Kinh và chánh Luật liên quan đến sự kiện này, có thể thấy ngay chú giải của Phật Âm không những không giải chú được điều gì hay hơn, trái lại đã lược bỏ rất nhiều các sự kiện quan trọng có ý nghĩa giáo dục sâu sắc, bên cạnh đó còn thêm vào những chi tiết không trung thực với đầy những thâm ý nguy hiểm.
Để xác chứng cho nhận định nêu trên có thể căn cứ vào sáu nguồn tài liệu gốc liên quan trực tiếp đến sự kiện nổi cộm này, bao gồm:
(1) Bài kinh “Tùy Phiền Não”, Trung Bộ 3, số 128
(2) Kinh “Kosambīya”, Trung Bộ 1, số 48
(3) Kinh Phật Tự Thuyết (Ud.41)
(4) Chương X “Kosambī” thuộc Đại Phẩm - Luật Tạng
(5) Chương VII “Chia Rẽ Hội Chúng”, Tiểu Phẩm, Luật Tạng; và
(6) “Chuyện Giáo Hội Ở Kosambī” số 428 thuộc Chuyện Tiền Thân Đức Phật, Tiểu Bộ tập 1.
Trong các tài liệu trên, riêng Đại Phẩm của tạng Luật đã dành cả một Chương thứ mười phản ảnh biến cố này một cách rất cụ thể với nhiều ý nghĩa thiết thực. Ngay phần đầu của chương này đã nêu rõ sự phân hoá Tăng đoàn tại Kosambī là do có sự bất đồng ý kiến về việc phạt án treo một vị Tỳ-kheo.
Sự kiện được ghi lại nguyên văn trong chánh Luật như sau: ““[238] Lúc bấy giờ, đức Phật Thế Tôn ngự tại Kosambī, tu viện Ghosita. Vào lúc bấy giờ, có vị tỳ khưu nọ phạm tội. Vị ấy có quan điểm về tội ấy là có tội còn các tỳ khưu khác có quan điểm về tội ấy là vô tội. Vào một lúc khác, vị ấy có quan điểm về tội ấy là vô tội còn các tỳ khưu khác có quan điểm về tội ấy là có tội. Khi ấy, các vị tỳ khưu ấy đã nói với vị tỳ khưu ấy điều này:
- Này đại đức, đại đức đã phạm tội, đại đức có thấy tội ấy không?
- Này các đại đức, không có tội gì ở tôi để tôi có thể thấy.
Sau đó, các vị tỳ khưu ấy đã đạt được sự hợp nhất và phạt án treo vị tỳ khưu ấy trong việc không nhìn nhận tội. Và vị tỳ khưu ấy là vị nghe nhiều, kinh điển được truyền thừa, rành rẽ về Pháp, rành rẽ về Luật, rành rẽ về các đầu đề, là bậc trí tuệ, có khả năng, thông minh, khiêm nhường, có hối hận, ưa thích sự học tập. Khi ấy, vị tỳ khưu ấy đã đi đến gặp các tỳ khưu thân thiết đồng quan điểm và đã nói điều này:
- Này các đại đức, điều ấy là vô tội, điều ấy không phải là tội. Tôi là không phạm (tội), tôi không phải là phạm (tội). Tôi là không bị án treo, tôi không phải là bị án treo, tôi đã bị án treo bởi hành sự sai Pháp, có thể sửa đổi, không đáng duy trì. Vì Pháp vì Luật, các đại đức hãy về phe của tôi...”
Chuyện bắt đầu chỉ có thế, nhưng sau đó Tăng chúng tại Kosambī bị phân hoá thành hai nhóm tranh chấp nhau kịch liệt!
Trước khi đi sâu tìm hiểu vấn đề cần lưu ý thêm, theo chánh Luật, vị Tỳ-kheo phạm tội chỉ lôi kéo các Tỳ-kheo thân thiết đồng quan điểm với mình, chứ không phải vị này là Pháp sư lôi kéo các học trò của mình. Và vị ấy “vì Pháp vì Luật” tranh chấp chứ không phải nhân danh nhóm Pháp sư mâu thuẫn với nhóm Luật sư như tài liệu sau này mô tả.
Tuy nhiên vấn đề cần đặt ra là vì sao chỉ từ một án phạt treo bình thường lại có thể dẫn đến sự tranh chấp rộng lớn trong Tăng đoàn? Đằng sau sự kiện này còn có một nguyên nhân sâu xa nào khác?
Như đoạn chánh Luật đã nêu rõ, vị Tỳ-kheo nọ đã phạm tội (về sau, chính vị này đã thừa nhận và cả Đức Thế Tôn cũng đã xác định là phạm tội, đoạn [258]), thế nhưng chính bản thân vị này lại có những ý kiến trái ngược nhau vào những lúc khác nhau, không những thế, các Tỳ-kheo khác cũng mâu thuẫn y như vậy. Tại sao có sự bất thường này?
Để giải nghi tường tận các thắc mắc trên, cần tham khảo thêm bài kinh Phạm Tội (Tăng Chi tập 2, chương 4, phẩm 25 “Sợ Hãi Phạm Tội”, trang 272-274) với nhiều chi tiết rất phù hợp với sự kiện tranh chấp ở Kosambī (Xem phần Tham khảo)
Trong bài kinh này Đức Thế Tôn, khi ấy cũng ở tại Kosambī, đã chỉ rõ nguyên nhân của sự phân hóa Tăng đoàn là “do thấy bốn lợi ích này, kẻ ác Tỷ-kheo thích thú với phá hòa hợp Tăng”: do theo ác giới, do có ác kiến, do nuôi sống bằng tà mạng và do tham muốn lợi dưỡng, tham muốn cung kính, tham muốn không bị khinh miệt nên gây sự phá hoại chúng Tăng; và vì kẻ ác Tỳ-kheo nghĩ rằng “nếu họ hòa hợp, họ sẽ làm hại ta; nếu họ chia rẽ, họ sẽ không làm hại được ta”.
Đến đây một câu hỏi đặt ra: Vậy ai là kẻ ác Tỳ-kheo thích thú với việc phá hòa hợp Tăng ở Kosambī mà Đức Phật đã nói đến? Phải chăng chính là vị Tỳ-kheo phạm tội trong chương “Kosambī”? Hoàn toàn không đúng, vì chính tạng Luật đã nói rõ “vị tỳ khưu ấy là vị nghe nhiều, kinh điển được truyền thừa, rành rẽ về Pháp, rành rẽ về Luật, rành rẽ về các đầu đề, là bậc trí tuệ, có khả năng, thông minh, khiêm nhường, có hối hận, ưa thích sự học tập”. Một vị như vậy không thể nào vì một án treo lại đi phá hoà hợp tăng để phải mang tội vô gián. Vậy, còn người nào khác nữa?
Căn cứ vào bài kinh “Kakudha”, Tăng Chi tập 2, chương 5, phẩm Kakudha, tr. 507-513, có thể giúp xác định được nghi phạm. Trong bài kinh này đã ghi lại lời dạy của Đức Thế Tôn lúc Ngài cũng ở tại Kosambī về năm bậc Đạo sư ở đời, nhân sự kiện Tôn giả Mục Kiền Liên thông báo về ý muốn lãnh đạo chúng Tăng của Đề Bà Đạt Đa. Như nhiều người đều biết, chính từ tham vọng này đã khiến Đề Bà Đạt Đa trở thành kẻ phá hòa hợp Tăng tiêu biểu đầu tiên trong Phật giáo.
Rõ ràng hơn nữa, trong Tiểu Phẩm, chương 7 “Chia Rẽ Hội Chúng”, lúc Đức Thế Tôn cũng ở tại Kosambī trong tu viện Ghosita, Tạng Luật này đã phản ảnh đầy đủ dã tâm và hành vi phá hoà hợp Tăng của Devadatta. Cụ thể như hai đoạn nguyên văn dưới đây:
“[348] Sau đó, đức Thế Tôn khi đã ngự ở Anupiyā theo như ý thích đã lên đường đi về phía thành Kosambī. Trong khi tuần tự du hành Ngài đã ngự đến thành Kosambī. Tại nơi đó, trong thành Kosambī, đức Thế Tôn ngự ở tu viện Ghosita.
[349] Khi ấy, Devadatta trong lúc độc cư thiền tịnh đã có ý nghĩ suy tầm như vầy sanh khởi: ‘Ta nên làm cho ai tin tưởng để khi người ấy đã đặt niềm tin nơi ta rồi thì nhiều lợi lộc và vinh hiển có thể phát sanh?” Sau đó, điều này đã khởi lên cho Devadatta: “Hoàng tử Ajātasattu này còn trẻ và có tương lai rạng rỡ. Hay là ta nên làm cho hoàng tử Ajātasattu tin tưởng để khi vị ấy đã đặt niềm tin nơi ta rồi thì nhiều lợi lộc và vinh hiển sẽ phát sanh?’”
Sau đó, chánh Luật đã ghi lại những sự kiện giống như bài kinh “Kakudha” trong Tăng Chi.
(Ghi chú: Theo tài liệu về “45 mùa hạ của Đức Phật” được lưu hành trên Internet (tài liệu này không ghi rõ căn cứ theo Kinh và Luật nào, NTV) cho thấy: chỉ có ba lần hạ Đức Phật ở tại Kosambī: hạ thứ sáu (523 TCN), hạ thứ chín (520 TCN) và hạ thứ mười (519 TCN). Trong lần thứ nhất, Đức Phật ở tại đồi Mankula thuộc Kosambī, xứ Vamsa để thu phục và giáo hóa các ngoại đạo. Lần thứ hai, nhân khi bà thứ hậu Magandhiya của vua Udena oán hận và vu cáo Đức Phật, Ngài đã dạy tôn giả A-nan về hạnh kham nhẫn. Chỉ trong lần thứ ba, kỳ hạ thứ mười ở Kosambī, mới có sự kiện xảy ra tranh chấp chia rẽ chúng Tăng và Đức Phật vào rừng Pārileyyaka sống một mình).
Kết hợp các tài liệu trong chánh Kinh và chánh Luật cho thấy: sự kiện “Chia Rẽ Hội Chúng” tại Kosambī hoàn toàn có khả năng do Đề Bà Đạt Đa gây ra. Chính Đề Bà Đạt Đa đã nhân sự kiện vị Tỳ-kheo phạm tội để kích động gây chia rẽ trong Tăng chúng nhằm đạt được lợi ích riêng tư của ông ta đúng như trong bài kinh Phạm Tội đã nêu. Chỉ có sự thâm độc và nham hiểm của Đề Bà Đạt Đa mới có thể khiến cho một vị Tỳ-kheo rành rẽ về Pháp, về Luật, hạnh kiểm tốt đẹp và cả chúng Tăng cũng phải mâu thuẫn với chính mình để rồi chống báng lẫn nhau.
Thiết nghĩ đây là nhận định có cơ sở với những chứng cứ thuyết phục. Tuy vậy, vấn đề này xin dành cho các sử gia, những người biết đặt chứng cứ lên trên đức tin. Bài viết này không nhằm mục đích xác định rõ vị ác Tỳ-kheo phá hòa hợp tăng ở Kosambī là ai, mà chỉ nêu lên những vấn đề liên quan đến chú giải của luận sư Bà-la-môn Phật Âm.
Nhưng trước hết, muốn hiểu rõ sự chú giải của Phật Âm xuyên tạc Phật Pháp như thế nào, phải tham khảo thêm “Chuyện giáo hội ở Kosambī” thuộc Tiểu Bộ Kinh (tạng Kinh này được kết tập về sau). Theo câu chuyện trong tài liệu này, sự kiện phân hóa trầm trọng tại Kosambī là do từ một sự việc rất ư nhỏ nhặt không đáng, có nhiều chi tiết không phù hợp với Chương “Kosambī” và Chương “Chia Rẽ Hội Chúng” của tạng Luật; và hoàn toàn khác với bốn điều Đức Phật đã nêu trong bài kinh Phạm Tội thuộc Tăng Chi Bộ được kết tập trong lần đầu tiên.
Theo tài liệu trong Tiểu Bộ, nguyên nhân tranh chấp ở Kosambī là do hai nhóm Luật sư và Pháp sư tại đây tranh chấp nhau đến độ trục xuất nhau chỉ vì... vị Pháp sư vô tình sau khi rửa mặt đã để sót lại chút nước dư trong ghè múc nước (sic) và vị Luật sư dựa vào đây khép tội vị Pháp sư (sic) Sau đó cả hai vị Pháp sư và Luật sư lôi kéo hội chúng của mình tranh chấp với phe của vị kia.
Để thẩm định tính khả thi của sự việc này, hãy thử đặt vài câu hỏi:
Ø Không lẽ ngay thời Phật, hai vị Pháp sư và Luật sư đã là thầy của nhiều người lại còn đi chấp nhất nhau chuyện nhỏ nhặt như vậy?
Ø Không lẽ tất cả giáo đoàn ở Kosambī gồm toàn những Tỳ-kheo nhỏ mọn chấp thủ vào những chuyện quá vụn vặt tầm thường đến như thế hay sao?
Ø Chẳng lẽ cả một Giáo hội ở Kosambī lại không có đến một vị Tỳ-kheo nào sáng suốt để chỉ rõ cho hai bên thấy nguyên nhân tranh chấp quá nhỏ mọn như vậy?
Ø Chẳng lẽ không còn một ai biết nhắc lại lời dạy chí lý của Bậc Đạo Sư: “Các Tôn giả chớ có cãi lộn với nhau, vì một vấn đề nhỏ nhặt" (Trung Bộ, 103)? Các Tỳ-kheo ở Kosambī không còn việc nào khác để làm, để tu hay sao lại cùng rơi vào chuyện không đáng như thế?
Ø Lý do gây ra tranh chấp nghiêm trọng ở Kosambī được kết tập về sau có phù hợp với bốn lý do nêu lên trong bài kinh “Phạm Tội” không?
Ø Các tình tiết có phù hợp với Chương “Kosambī” và Chương “Chia Rẽ Hội Chúng” của tạng Luật không? Các tình tiết có phù hợp với nội dung giảng dạy trong Kinh Kosambīya (TB1, 48) không? Nếu không thì vì sao?
Ø Các Kinh - Luật được kết tập ngay sau khi Đức Thế Tôn vừa nhập Niết Bàn có đáng tin cậy hơn các tài liệu được kết tập về sau này? Như chánh Kinh và chánh Luật có ghi rõ, ngay khi Phật còn tại tiền đã có biết bao các Bà-la-môn giả lời Phật xuyên tạc Phật Pháp, thử hỏi các Bà-la-môn sau này sợ gì không dám dựng thêm kinh giả để phá hoại chúng Tăng?
Cũng cần lưu ý thêm, ngay sau khi Đức Thế Tôn vừa mới nhập Niết Bàn, ngay lúc 500 vị Thánh Tăng A-la-hán đang kết tập Kinh-Luật lần thứ nhất tại Rajagaha, tôn giả Purāṇa đã tuyên bố: “- Này các đại đức, Pháp và Luật đã được các vị trưởng lão trùng tụng một cách tốt đẹp. Tuy nhiên, tôi chỉ ghi nhận chính những gì tôi đã được nghe từ miệng và đã được thọ lãnh từ miệng của đức Thế Tôn thôi” (Tiểu Phẩm, Chương 11, Liên quan năm trăm vị, đoạn [623]).
Đối với chánh Kinh và chánh Luật được chính 500 vị Thánh Tăng A-la-hán đương thời Phật “trùng tụng một cách tốt đẹp”, ấy thế mà tôn giả Purāṇa còn phải căn cứ vào những gì chính mình nghe từ kim khẩu của Đức Thế Tôn. Theo đó, các Tỳ-kheo có nên dễ dãi tin tưởng một chiều vào tất cả các tài liệu xuất hiện sau này?
Lại nữa, mới một trăm năm sau khi Phật nhập diệt, các Tỳ-kheo tại Vajji đã ngang nhiên chế ra mười điều luật mới phi pháp, phi luật. Thử hỏi, một ngàn năm sau những chú thích, chú giải, những pháp và luật mới thêm vào của một ông Bà-la-môn như Phật Âm có đáng tin tưởng ngay liền? Những ai còn phân vân về điều này hãy tỉnh giác đọc kỹ các chuyện Tiền Thân Đức Phật về cuối và các chứng minh dưới đây sẽ thấy rõ hơn.
3) Luận giải phải y kinh, chú giải phải y chứng
Trước hết, việc xác định tính chân thực của lý do tranh chấp trong Tăng chúng tại Kosambī hãy để hạ hồi phân giải. Ở đây tạm chấp nhận sự kiện phân hóa ở Kosambī đúng theo câu chuyện trong Tiểu Bộ đã phản ảnh và lấy đó so sánh với sự mô tả trong chú giải của Phật Âm, được nhiều người xem ngang hàng Thánh điển, có thể thấy rõ vị luận sư Bà-la-môn đã phóng tay đi quá xa trong việc bôi đen thêm sự kiện này.
Trong chú giải của Phật Âm không những đã có nhiều khác biệt vô căn cứ mà còn trần trụi thô kệch theo kiểu phàm phu tục đế: “vị Pháp sư đi đại tiện trong cầu xí, rửa ráy xong đi ra,... Kế đó, vị Luật sư đi cầu...”(Sđd, trang 107). Nếu một sự kiện nhỏ cũng dẫn đến một tranh chấp lớn, thì ở đây một chi tiết nhỏ cũng có thể khắc họa một sự việc không nhỏ, qua đó đã chứng tỏ kiểu “tam sao thất bổn”, phù phép cải biên một cách thô lậu của một tác giả sống sau Phật cả ngàn năm. Xin nhắc lại, một chú giải được nhiều người xem ngang hàng Thánh điển không cho phép tác giả và người đọc được dễ dãi tùy tiện như vậy.
Không chỉ có thế, nếu người học Phật cẩn trọng đi sâu vào phân tích và so sánh cụ thể, sẽ thấy câu chuyện tranh cãi ở Kosambī được tác giả Phật Âm Bà-la-môn khai thác với nhiều dụng ý thâm độc khác nữa.
Một đàng qua sự mô tả trong chánh Kinh và chánh Luật, người đọc dễ dàng nhận ra sự cố chấp, ương ngạnh của các Tỳ-kheo ở Kosambī trước những lời phân tích chỉ dạy thấu lý đạt tình của Đức Thế Tôn. Nhưng ngược lại, trong chú giải của Phật Âm, sự kiện này đã được mô tả theo chiều hướng bất lực của Đức Phật trước sự việc tranh chấp, đến độ Bậc Thầy Trời Người đành phải “tự nghĩ” một cách tiêu cực như sau: “Các Tỳ-kheo không vâng lời ta giáo hóa, tình trạng chia rẽ này chỉ làm ta bận rộn hay là ta lánh xa nơi đô hội, một mình ra đi tìm chỗ tịnh cư” (Sđd, trang 111).
Với kiểu chú giải “tự nghĩ” như trên, Phật Âm đã khiến người đọc chưa tin Phật dễ có cái nhìn ngộ nhận về bậc Thiên Nhân Sư. Những ai tin vào ông Bà-la-môn này hoàn toàn có cơ sở để nghĩ rằng đấng Điều Ngự Trượng Phu thực ra cũng chỉ là một người ích kỷ chỉ nghĩ đến an lạc cho riêng mình khi đã bó tay trước các đệ tử (?)
Nhưng thực hư sự ra đi này thế nào? Lý do chính yếu nào đã khiến Đức Thế Tôn rời bỏ Kosambī? Đức Phật thực sự đã nghĩ gì? Đọc kỹ đoạn chánh kinh trong Phật Tự Thuyết sau đây sẽ rõ:
“Như vầy tôi nghe: Một thời Thế Tôn trú ở Kosambī, tại khu vườn Ghosita.
Lúc bấy giờ Thế Tôn sống bị các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo-ni, nam cư sĩ, nữ cư sĩ, các vua, các đại thần của vua, các ngoại đạo, các đệ tử ngoại đạo quấy rầy, bị quấy rầy nên phiền toái, không có thoải mái an ổn. Rồi Thế Tôn suy nghĩ như sau: "Nay Ta sống bị các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo-ni, nam cư sĩ, nữ cư sĩ, các vua, các đại thần của vua, các ngoại đạo, các đệ tử ngoại đạo quấy rầy, vì bị quấy rầy nên phiền toái, không có thoải mái an ổn. Vậy Ta hãy sống một mình, xa rời đại chúng".
Rồi Thế Tôn vào buổi sáng đắp y, cầm bát đi vào Kosambī để khất thực. Khất thực ở Kosambī xong, sau buổi ăn, khi đi khất thực trở về, liền dọn dẹp sàng tọa của mình, cầm y bát, không nói cho thị giả biết, không báo cho chúng Tỷ-kheo biết, một mình không có người thứ hai ra đi, bộ hành hướng đến Pàlileyyaka, tiếp tục bộ hành và đi đến Pàlileyyaka. Tại đây, Thế Tôn sống ở Pàlileyyaka, khóm rừng Rakkhita, dưới gốc cây Sàla Bhadda.” (Ud. 41)
Và ngay trong chánh Luật, Đại Phẩm, đoạn [249], Đức Thế Tôn chỉ so sánh và tán thán đời sống an tịnh một mình trong rừng Pārileyyaka với đời sống bị phiền nhiễu bởi các Tỳ-kheo “thường gây nên các sự xung đột, cãi cọ, tranh luận, nói chuyện nhảm nhí, và tranh tụng trong hội chúng”, chứ không hề có ý nghĩ tiêu cực vì sự bất lực như chú giải của Phật Âm.
Đoạn chánh Kinh và chánh Luật trên cho thấy lời chú giải của Phật Âm là hoàn toàn không chính xác, không những thế nó còn tố cáo sự xuyên tạc của ông luận sư Bà-la-môn là có ý đồ không tốt đối với Đức Thế Tôn, vị đã dành trọn cuộc đời đi bộ khắp miền bắc Ấn Độ để thực hiện hạnh độ tha cao cả của mình.
Cũng căn cứ theo chánh Kinh và chánh Luật đã dẫn chứng ở trên, ngay sau khi dạy bài kệ ngôn trước hội chúng xong, Đức Phật liền đi đến làng Balakalonakara ân cần thăm hỏi, giáo giới, khích lệ cho Tôn giả Bhagu. Sau đó Ngài lại tiếp tục du hành đến Pacinavamsadaya quan tâm sách tấn và tận tình chỉ dạy cho nhóm Tôn giả Anuruddha, Nandiya và Kimbila đang sống an vui hòa thuận nhau như “nước hòa với sữa”.
Tiếp đó, Đức Phật mới du hành đến rừng Pārileyyaka, cư trú tại đó ba tháng với sự ca ngợi đời sống an lạc nhờ độc cư thanh tịnh, và đi thẳng đến Sāvatthi chứ không trở lại Kosambī. Xin khẳng định rõ hơn, trong các tài liệu liên hệ trực tiếp đến sự kiện này, cũng như trong toàn bộ kinh tạng Nikaya, hoàn toàn không có một chi tiết nào chứng tỏ bậc Thế Gian Giải có những suy nghĩ tiêu cực, yếm thế, ích kỷ như trong chú giải của Phật Âm.
Rõ ràng chính Phật Âm Bà-la-môn đã “tự nghĩ” như vậy để rồi gán cho Phật Thích Ca nhằm mục đích khiến những người tin theo ông ta có cái nhìn lệch lạc về vị Bổn Sư Minh Hạnh Túc.
Không còn nghi ngờ gì nữa vì ngay nơi trang 113, Phật Âm Bà-la-môn đã bộc lộ rõ thâm ý của mình khi mỉa mai “chú giải”: “Lúc ấy vì chưa mãn hạ, không thể đi sám hối với Đức Bổn Sư nên các Tỳ-kheo phải ráng sống lây lất khổ cực lắm. Trái lại, Đức Bổn Sư nhập hạ một mình trong rừng được an vui nhờ có Tượng chúa Palileyyyaka hộ độ”.
Theo chú giải của Bà-la-môn Phật Âm, vị tự xưng “Thầy Trời Người và Điều Ngự Trượng Phu” thế nhưng lại trở thành tiêu cực, bất lực và thất bại trước đệ tử như thế đó; và vị ân sư có lòng từ bi thương yêu chúng sanh và các đệ tử như chính mình, thực ra đã nghĩ và sống ích kỷ đến như vậy!
Hẳn, những ai đã tin vào Phật Âm và nhắm mắt dùng những chú giải của ông luận sư Bà-la-môn này rao giảng đã không thể ngờ rằng chính mình đã mang tội phỉ báng Đức Thế Tôn đến như thế nào!
Với những ai chưa tin Phật, nếu chỉ đọc những chú giải trên của Phật Âm sẽ dễ dàng nhận thức sai lầm về một ông Đạo sư bất lực và ích kỷ, vẫn nghiễm nhiên hưởng an vui sung sướng một mình trong khi các đệ tử “phải ráng sống lây lất khổ cực lắm”.
Những ai còn hoài nghi về điều này, họ hãy đọc kỹ lại Chánh Kinh và Chánh Luật để thấy rõ Bậc Đạo Sư yêu thương chia sẻ với các đệ tử của Ngài như thế nào. Một Đấng Giáo Chủ không nỡ bước lên tấm vải trắng vì còn nghĩ đến biết bao người nghèo khó, cơm không đủ ăn, áo chưa đủ mặc (Kinh Vương Tử Bồ-Đề, số 85, Trung Bộ 2).
Một bậc Đạo Sư dạy vị thí chủ hãy dâng cặp y mới cúng dường riêng Ngài cho chúng Tăng (Kinh Phân Biệt Cúng Dường, số 142, Trung Bộ 3).
Một bậc Ân Sư cùng với thị giả tự tay tắm cho người đệ tử suy kiệt không tự chăm sóc (Tạng Luật, Đại Phẩm VIII.166).
Một vị Thầy Trời Người không nỡ để chúng sanh bị xáo trộn, thương các đệ tử không có thần thông biến hóa đi nơi khác, sẵn sàng ở lại vùng đói kém ăn lúa mạch thô y như chúng đệ tử để gieo duyên hóa độ các chúng sanh đói khổ (Tạng Luật, Đại Phẩm, Chương Verañjā).
Một Đức Phật từ bi tối thượng như vậy, làm gì có chuyện một mình hưởng thụ ích kỷ trong khi các đệ tử phải lây lất khổ sở như luận sư gốc Bà-la-môn Phật Âm vu cáo! Kẻ vu khống phải mang tội vu khống, ai tin vào kẻ vu khống cũng không tránh khỏi nghiệp báo do tin lầm tín bậy.
Bức tranh mô tả cảnh Phật Âm Bà La Môn đang trao các bài luận của mình cho chư Tăng Phật giáo Tích Lan
(Theo wikipedia)
|
Ghi chú của Nhị Tạng Vương:
Rõ ràng Phật Âm Bà-la-môn đã đóng tròn vai gián điệp, cho nên các vị ‘Tỳ-khưu từ trong bụng mẹ’ đã không hề mảy may nghi ngờ. Ngay khi Đức Phật còn hiện tiền, các ông Bà-la-môn như Verañja, Sonakāyana, Lohicca, Paccaniikasāta, Pancasālā, Vassakāra, Sangarava, Assalayana, Uttara, Sanjaya, Vekhanassa, Magandiya, Niganthaputta Saccaka, Ambattha, Subha Todeyyaputta, Bà-la-môn ở Thūna... đều có ‘chủ tâm dẹp bỏ Phật giáo’. Họ bất chấp mọi thủ đoạn, dùng mọi phương tiện kể cả việc trộm tướng mạo Tỳ-khưu để thực hiện dã tâm của mình.
Do vậy, người thận trọng có nên một chiều tin theo mọi luận giải “vẽ vời” của một ông Bà-la-môn ngoại đạo sống sau Phật một ngàn năm?
________________________
XEM TIẾP