Thứ Năm, 22 tháng 2, 2018

MA GIỚI BỒ TÁT XÚI KẺ NGU LÀM BẬY


Thật vậy, đọc kỹ nguyên văn Bồ-tát giới khinh thứ 44 sẽ rõ
“44.- GIỚI KHÔNG CÚNG DƯỜNG KINH LUẬT 67
Nếu Phật tử, phải thường nhất tâm thọ trì đọc tụng kinh luật Đại thừa, dùng giấy, vải, hàng, lụa, thẻ tre, vỏ cây, cho đến lột da làm giấy, chích máu làm mực, lấy tủy làm nước, chẻ xương làm viết, để biên chép kinh luật, dùng vàng bạc cùng hương hoa vô giá và tất cả châu báu làm hộp, rương, đựng những quyển kinh luật. Nếu không y theo pháp mà cúng dường kinh luật, Phật tử nầy phạm “khinh cấu tội”.”
Chú thích 67 (trang 37 trong Bồ-tát giới):  “Theo văn, cúng dường kinh luật có 5 điều: (1) thọ trì, (2) đọc, (3) tụng (thuộc lòng), (4) biên chép, (5) hương hoa châu báu vàng bạc để đựng, để trang nghiêm. Lột da, chích máu, chẻ xương là cử trọng để lệ cho khinh. Như tiền thân của đức Bổn Sư đã thật hành để cầu Pháp.
Phân tích phản biện
Cần nói ngay, trong các Kinh Luật chánh gốc hoàn toàn không có một chứng tích nào cho thấy Đức Bồ-tát tự mình hay xúi người khác ‘lột da, chích máu, chẻ xương’. Những hành vi cuồng tín này chỉ có trong các tài liệu về sau hoặc của ngoại học, được các tổ sư gián điệp đưa vào trong Phật giáo nhằm làm hại những người con của Phật. Điều cần lưu ý thêm là chuyện tiền thân Đức Phật thí mạng cầu pháp chỉ có trong các tài liệu xuất hiện về sau này.
Trong Tiểu Kinh Mãn Nguyệt, Đức Phật đã dạy “Và này các Tỷ-kheo, như thế nào là người bất chánh suy tư như người bất chánh? Ở đây, này các Tỷ-kheo, người bất chánh suy nghĩ tự làm hại mình, suy nghĩ làm hại người khác, suy nghĩ làm hại cả hai. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là người bất chánh suy tư như người bất chánh” (MN 110)
Có lẽ nào một ngàn năm sau Phật lại dạy người khác suy tư như một người bất chánh hại mình, hại người theo kiểu ‘lột da làm giấy, chích máu làm mực, lấy tủy làm nước, chẻ xương làm viết, để biên chép kinh luật’?
Kinh luật nào được tạo ra từ việc ‘lột da làm giấy, chích máu làm mực, lấy tủy làm nước, chẻ xương làm viết’ ­là thứ kinh luật của quỷ ma, chứ kinh luật của bậc Thánh làm sao được. Có Bụt tử nào ngu muội thực hành theo điều này thì viết chưa xong một trang giấy đã chết không kịp ngáp, chứ làm sao sống nổi. Dù có sống cũng thành kẻ thương tật khổ mình, khổ người chứ có hơn gì những con thiêu thân.
Nếu tất cả Bụt tử đều dại dột y theo Bồ-tát giới, thử hỏi Đại Thừa giáo còn lại gì ngoài những đống thịt da, xương máu?
Đời đã quá khổ vì sanh già bệnh chết, sầu bi ưu não, giờ lại càng khổ thêm vì lột da, chích máu, lấy tuỷ, chẻ xương; thì đại pháp cao siêu cái nỗi gì? Phải góp vàng bạc châu báu vô giá làm hộp đựng, trong khi thế gian còn biết bao nhiêu kẻ khốn khó, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc thì từ bi thánh thiện chỗ nào? Lợi tha bác ái với ai mà lên mặt đại giáo?
Theo Chánh Kinh Nguyên Thuỷ Đại Bát Niết Bàn còn ghi lại:
Rồi Như Lai nói với tôn giả Ānanda:
-- Này Ānanda, các cây Sāla song thọ tự nhiên trổ hoa trái mùa tràn đầy cành lá, những đóa hoa này rơi lên, gieo khắp và tung vãi trên thân Như Lai để cúng dường. Những thiên hoa Mandārava từ trên hư không rơi xuống, rơi lên, gieo khắp và tung vãi trên thân Như Lai để cúng dường. Bột Trời Chiên đàn từ trên hư không rơi xuống, rơi lên, gieo khắp và tung vãi trên thân Như Lai để cúng dường. Nhạc Trời trên hư không trổi dậy để cúng dường Như Lai. Thiên ca trên hư không vang lên để cúng dường Như Lai.
Nhưng, này Ānanda, như vậy không phải kính trọng, tôn sùng, đảnh lễ, cúng dường hay lễ kính Như Lai. Này Ānanda, nếu có Tỷ-kheo, Tỷ-kheo-ni, cư sĩ nam hay cư sĩ nữ nào thành tựu Chánh pháp và Tùy pháp, sống chơn chánh trong Chánh pháp, hành trì đúng Chánh pháp, thời người ấy kính trọng, tôn sùng, đảnh lễ, cúng dường Như Lai với sự cúng dường tối thượng. Do vậy, này Ānanda, hãy thành tựu Chánh pháp và Tùy pháp, sống chơn chánh trong Chánh pháp và hành trì đúng Chánh pháp. Này Ānanda, các Người phải học tập như vậy.” (DN 16)
Còn đây là lời Phật dạy trong kinh “Các Uế Nhiễm”: Này các Tỷ-kheo, một số Sa-môn, Bà-la-môn chấp nhận vàng và bạc, không từ bỏ nhận lấy vàng và bạc. Này các Tỷ-kheo, đây là uế nhiễm thứ ba của Sa-môn, Bà-la-môn, do uế nhiễm này làm ô nhiễm, các Sa-môn, Bà-la-môn, không có cháy sáng, không có chói sáng, không có rực sáng. (AN IV:50)
Tương tự trong kinh “Manicùlam”, Đức Phật dạy: Này Thôn trưởng, các Sa-môn Thích tử không được phép dùng vàng bạc. Các Sa-môn Thích tử không được giữ vàng bạc. Các Sa-môn Thích tử không được nhận lấy vàng bạc. Các Sa-môn Thích tử đã từ bỏ châu báu và vàng bạc. Họ đã ly khai vàng và bạc.
Ðối với ai được dùng vàng bạc, người ấy cũng được phép dùng năm dục công đức. Ðối với ai được phép dùng năm dục công đức, người ấy hoàn toàn thọ trì phi Sa-môn pháp, phi Thích tử pháp.
Này Thôn trưởng, Ta nói như sau: Cỏ được đi tìm cầu bởi ai cần đến cỏ. Củi được đi tìm cầu bởi ai cần đến củi. Cỗ xe được đi tìm cầu bởi ai cần đến cỗ xe. Người được đi tìm cầu bởi ai cần đến người. Nhưng này Thôn trưởng, không bất cứ một lý do gì Ta nói rằng vàng, bạc được chấp nhận, được tìm cầu.(S.iv,325)
Một bậc Đạo Sư đã dạy như vậy có lẽ nào một ngàn năm sau bắt đệ tử “dùng vàng bạc cùng hương hoa vô giá và tất cả châu báu làm hộp, rương, đựng những quyển kinh luật. Nếu không y theo pháp mà cúng dường kinh luật, Phật tử nầy phạm “khinh cấu tội”.”??? 
Rõ ràng chỉ có những ai không biết thế nào là cúng dường tối thượng Phật, còn bị uế nhiễm bởi vàng bạc, bị năm dục trưởng dưỡng khiến thực hành theo phi sa-môn pháp, phi Thích tử pháp mới chấp nhận Bồ-tát giới 44 trên.
 Chính vì Bồ-tát giới tà vạy như vậy cho nên chú thích 67 phải khoả lấp theo kiểu Lột da, chích máu, chẻ xương là cử trọng để lệ cho khinh’. Chữa chạy kiểu này chẳng khác nào tố cáo Bồ-tát giới nói khoác, khoa trương, vọng ngữ. Xin nhắc lại Luật của Phật, của bậc Thánh không phải là thứ luật vỉa hè mà nói chuyện ‘để lệ cho khinh’.
Do vậy các con Phật cần nhận thức rõ ‘giới đần thì dân khổ, tu theo giới đần là tu khổ’!
NGHIÊN CỨU LUẬT HỌC

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét