Thật vậy, những ai muốn biết ngụy kinh A Hàm đã dụ những người tin theo như thế nào, hãy đọc bài phân tích so sánh hai bản kinh tương đương trong Pali và A Hàm dưới đây sẽ rõ.
Phân tích so sánh
* Kinh Mật Hoàn, số 18, Trung Bộ 1 (HT Minh Châu dịch từ Pali) và
* Kinh Mật Hoàn Dụ, số 115, Trung A Hàm (TT Tuệ Sỹ dịch từ Hán văn)
Chánh kinh Pāli: “Gậy cầm tay Sakka nói với Thế Tôn: "Sa-môn có quan điểm thế nào, giảng thuyết những gì?"
-- Này Hiền giả, theo lời dạy của Ta, trong thế giới với chư Thiên, Mara và Phạm thiên, với các chúng Sa-môn, Bà-la-môn, chư Thiên và loài Người, không có tranh luận một ai ở đời; các tưởng sẽ không ám ảnh vị Bà-la-môn sống không bị dục triền phược, không có nghi ngờ do dự, với mọi hối quá đoạn diệt, không có tham ái đối với hữu và phi hữu. Này Hiền giả, như vậy là quan điểm của Ta, như vậy là lời Ta giảng dạy”.
Tà kinh A Hàm: “Này người họ Thích, nếu tất cả chư Thiên, Ma, Phạm, Sa-môn, Phạm chí, từ người đến trời trên thế gian này đều không đấu tranh, tu tập ly dục, thanh tịnh phạm hạnh, lìa bỏ siểm khúc, dứt trừ hối, không đắm trước nơi hữu, phi hữu, cũng không có tưởng. Đó là tông chỉ của Ta. Pháp Ta thuyết giảng cũng như vậy”.
Phân tích: Trong Chánh kinh Mật Hoàn, Đức Thế Tôn có quan điểm rất rõ ràng cụ thể thiết thực: không tranh luận với một ai ở đời, vì đây không phải là cách giúp đi tới giải thoát an vui Niết Bàn.
Còn trong tà kinh A Hàm Mật Hoàn Dụ, ông Bụt A Hàm có quan điểm hoàn toàn ảo tưởng, tông chỉ không thực tế với câu điều kiện không thể xảy ra (unreal condition). Đúng là “Pháp” Bụt A Hàm thuyết giảng cũng... ảo tưởng, phi thực tế như vậy, cho nên các ông dịch giả Bà-la-môn mới gọi nó là “mật hoàn dụ” tức là “bánh mật dụ khị”.
Rõ ràng điều cải biên nêu trên đã cho thêm một minh chứng về thâm ý phá hoại Phật pháp của những kẻ gian hiểm.
***
Chánh kinh Pāli: “-- Này Tỷ-kheo, do bất cứ nhân duyên gì, một số hý luận vọng tưởng ám ảnh một người. Nếu ở đây không có gì đáng tùy hỷ, đáng đón mừng, đáng chấp thủ, thời như vậy là sự đoạn tận tham tùy miên, sự đoạn tận sân tùy miên, sự đoạn tận kiến tùy miên, sự đoạn tận nghi tùy miên, sự đoạn tận mạn tùy miên, sự đoạn tận hữu tham tùy miên, sự đoạn tận vô minh tùy miên, sự đoạn tận chấp trượng, chấp kiếm, đấu tranh, tránh tranh, luận tranh, kháng tranh, ly gián ngữ, vọng ngữ. Chính ở đây, những ác, bất thiện pháp này đều được tiêu diệt, không còn dư tàn”.
Tà kinh A Hàm: “Tỳ-kheo, nếu người đối với tư niệm nhân đó mà xuất gia học đạo, tu tập tư tưởng, và đối với pháp hiện tại, quá khứ và vị lai, mà không ái, không lạc, không đắm trước, không trụ, đó gọi là tận cùng sự khổ. Dục sử, nhuế sử, hữu sử, mạn sử, vô minh sử, kiến sử, nghi sử, đấu tranh, tắng tat, siểm nịnh, lừa bịp, nói dối, nói hai lưỡi và vô lượng pháp ác bất thiện khác, đó gọi là tận cùng sự khổ”.
Phân tích: Kinh nguyên thủy Pháp cú số 341 có câu tiêu biểu “Người đời nhớ ái dục, Ưa thích các hỷ lạc. Tuy mong cầu an lạc, Chúng vẫn phải sanh già”, thế nhưng ở đây trong đoạn kinh A Hàm cải biên lại hoàn toàn khác với chánh kinh Pāli.
Tại sao Bụt A Hàm lại phán hoàn toàn khác với Phật Thích Ca, xem việc “xuất gia học đạo... không ái, không lạc, không đắm trước” là “tận cùng sự khổ”? Chiếu theo đây thì không xuất gia, và tu tập tưởng, ái, lạc, đắm trước, trụ được gọi là tận cùng sự sướng ư? Rõ ràng Bụt trong A Hàm nói không khác gì người trần phàm tục, trái ngược hoàn toàn với Đức Thế Tôn Thích Ca Mâu Ni của Nguyên Thuỷ. Chưa hết, mời đọc tiếp...
***
Chánh kinh Pāli: “Khi nghe nói vậy, Tôn giả Ānanda bạch Thế Tôn:
-- Bạch Thế Tôn, như một người bị đói lả và mệt mỏi, tìm được một bánh mật, cứ mỗi miếng vị ấy được nếm, cứ mỗi miếng vị ấy được thưởng thức vị ngọt thuần nhất. Bạch Thế Tôn, cũng vậy, Tỷ-kheo có tri thức biệt tài, cứ mỗi phần suy tư đến ý nghĩa pháp môn này với trí tuệ, cứ mỗi phần vị ấy được thưởng thức sự hoan hỷ, được thưởng thức sự thoải mái tâm trí. Bạch Thế Tôn, pháp môn này tên gọi là gì?
-- Do vậy, này Ānanda, pháp môn này được gọi là pháp môn bánh mật (Mật hoàn). Hãy như vậy thọ trì!”
Tà kinh A Hàm: “Này các Tỳ-kheo, ví như có người do đi đến chỗ rừng vắng, trong rừng sâu, giữa những cây cối, bỗng nhiên gặp được bánh mật, vị ấy ăn, thưởng thức vị ngọt; thiện nam tử cũng giống như vậy, ở trong Pháp Luật chân chánh này của Ta, tùy theo những gì được quán sát, vị ấy thưởng thức được vị ngọt của nó. Quán sát con mắt, thưởng thức được vị ngọt. Quán sát tai, mũi, lưỡi, thân, quán sát ý thưởng thức được vị ngọt”.
Bấy giờ Tôn giả A-nan đang cầm quạt hầu Đức Thế Tôn, Tôn giả A-nan liền chắp tay hướng Phật mà bạch rằng:
-- “Bạch Thế Tôn, Pháp này tên gọi là gì? Chúng con phải phụng trì như thế nào?”
Đức Thế Tôn nói:
-- “Này A-nan, Pháp này tên là ‘Mật hoàn dụ’, ông hãy nên nhận lãnh và ghi nhớ…”
Phân tích: Đoạn chánh kinh Pali kết thúc bằng lời tán thán của ngài Ananda khi hiểu được ý nghĩa lời dạy của Đức Phật. Với ngài bài pháp của Đức Phật giống như bánh mật ngon lành cho những người đang đói lả. Nhân đó Đức Thế Tôn đặt tên cho bài kinh này là Mật Hoàn, bánh mật.
Thế nhưng kinh A Hàm với đoạn tương đương có nhiều phi lý phi pháp. Thật vậy, giữa rừng vắng, trong rừng sâu lại gặp được bánh mật, ví dụ này có thực tế không? - Vô lý!
Bánh của ai lại tự tiện ăn, có phạm giới không? - Có. Có phạm giới lấy của không cho.
Tại sao quán sát bằng con mắt, lỗ tai, mũi, thân, ý lại thưởng thức được vị ngọt như với lưỡi? Lời dạy này có vô lý không? - Có. Các căn và các trần có các đối tượng hoàn toàn khác nhau: mắt thưởng thức sắc đẹp, tai với âm thanh, mũi với mùi hương, lưỡi với vị ngọt, thân với xúc êm ái, ý căn (bộ não) với các pháp trần. Các giác quan nào phải có các đối tượng tương ứng, không thể lẫn lộn.
Trong Chánh kinh Pāli có bao giờ lời Phật dạy lại lố lăng hồ đồ như thế không? - Hoàn toàn không. Chỉ có tà kinh mới như thế.
Hẳn là kẻ cải biên A Hàm đã cố tình chế biến bánh mật của ngài A-nan Pāli thành “mật hoàn dụ” của ông Bụt A Hàm để dụ dỗ những kẻ cả tin ngây thơ rồi.
Thích Chánh Kinh
---------------------------
Bài liên quan
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét