Thứ Ba, 13 tháng 3, 2018

ĐÂY MỚI THỰC LÀ CHÁNH KINH "DUY MA CẬT"



Như vầy tôi tự biết.
Một thời bấy giờ, sau khi Đức Thế Tôn và nhiều vị Thánh Tăng đã nhập Niết-bàn khá lâu, tại phía đông bắc kinh thành Phệ-xá-ly có vị  tân Tỳ-khưu tên gọi Tiểu Ưu-ba-ly. Vị Tỳ-khưu tuy còn trẻ tuổi nhưng dáng vẻ rất uy nghiêm chững chạc, và dù chỉ mới xuất gia vừa tròn một ngày, nhưng vị tân Tỳ-khưu đã tỏ ra rất tinh thông giới luật, thuộc làu kinh điển.
Tương truyền, lúc vừa đắp y xong, Tỳ-khưu Tiểu Ưu-ba-ly liền thực hành mật hạnh, ung dung ôm bình bát đến trước nhà một gia chủ khất thực, nghe đâu hình như vị này là một trưởng giả gì đó.
Vị gia chủ đang ở trong nhà nhác thấy Tỳ-khưu Tiểu Ưu-ba-ly đi đến, liền chạy ùa ra nhanh không thua gì một con cáo muốn bắt sống chú nai tơ. Chủ nhà tự xưng mình cũng là một đệ tử Phật nên biết thông lệ rước bát, một mực nài kéo vị Tỳ-khưu trẻ vào nhà bố thí trai Tăng. Tỳ-khưu Tiểu Ưu-ba-ly im lặng nhận lời.
Đúng như lời đồn, chỉ cần chú tâm quán sát một chút, Tỳ-khưu Tiểu Ưu-ba-ly đã thấy rõ ông gia chủ này vốn là một kẻ đại ngã mạn, rất kiêu căng tự phụ. Tuy ngoài miệng nói xin cúng dường trai Tăng, nhưng thái độ của vị gia chủ đầy vẻ khinh thường người khất sĩ.
Thấy vậy, Tiểu Ưu-ba-ly trước sau chỉ ngồi thản nhiên bất động, không thọ dụng dù chỉ một miếng thức ăn. Vốn có tánh linh báo động, ngay tức khắc chủ nhà biết vị Tỳ-khưu trẻ này không dễ dụ dỗ như mấy ông tu sĩ ngu si tham đắm vật thực khác. Chỉ một lát sau, chủ nhà liền trổ móng vuốt, liếc cặp mắt sắc như dao cạo về phía vị Tỳ-khưu trẻ, cất giọng kẻ cả:
_ Này, ăn đi chớ, để còn kịp về nghe những kẻ tiểu trí tiểu tuệ của chú giảng dạy. Hứ, mới làm được “Thanh Văn” đã tưởng oai lắm sao. Ăn mau đi kẻo ta mà xưng danh tánh thì đến giáo thọ sư của chú em còn phải run sợ chứ đừng nói gì chú em. Chắc chú mới xuất gia nên không biết ta là ai, đúng không?
Tỳ-khưu Tiểu Ưu-ba-ly điềm nhiên trả lời:
_ Đúng nhưng lại sai!
Gia chủ nhíu mày khiến cặp mắt ti hí càng ti hí thêm:
_ Chú nói thế là sao?
Vị tân Tỳ-khưu vẫn giữ vẻ bình thản:
_ Ông nói tôi mới xuất gia là đúng. Nhưng nói tôi không biết ông là sai, vì tôi không những biết ông mà còn biết rất rõ. Ông thường tự xưng mình là nam cư sĩ Duy Ma Quái chứ ai.
Vị gia chủ ưỡn ngực xoa bụng cười lớn:
_ Ha... ha... ha… Hóa ra thành Phệ-xá tuy to lớn nhưng vẫn còn nhỏ bé so với danh tiếng của ta. Đến một tên oắt con vừa mới xuất gia cũng còn phải biết đến.
Tiểu Ưu-ba-ly nhanh nhẹn tiếp lời:
_ Danh tiếng hay tai tiếng? Người Phệ-xá tuy bận rộn nhưng vẫn còn nhiều thời gian để nói về sự giả dối ngụy trá của ông.
Gia chủ Duy Ma Quái xẵng giọng:
_ Hừ, tên tiểu tăng thiểu trí này láo thật! Một kẻ hỷ mũi chưa sạch như ngươi cũng dám xúc phạm ta ư?
_ Sao lại không dám với một kẻ đã bịa chuyện nói láo, xúc phạm cả các Thánh Tăng A-la-hán như ông. Xin hỏi ông, có phải ông đã tung tin đồn thất thiệt nói rằng các Thánh Tăng A-la-hán hàng đầu của Phật giáo đều phải ngán sợ ông, không một ai dám đến thăm bệnh ông?
_ Chuyện đó chính ông A-nan cũng biết và ông ấy đã tường thuật trong cuốn kinh mang tên ta. Ngươi về đọc lại, nếu không hiểu, đến đây ta dạy cho.
_ Này, trước hết phải xác định cho rõ, cuốn kinh văn ngụy tạo mang tên ông là chuyện sau này hàng trăm năm do con cháu đích tông của ông viết ra. Còn chuyện ông nói láo rồi gắn vào miệng người khác, thủ đoạn ấy mấy kẻ gian ngoa vẫn thường áp dụng, chỉ có những kẻ nhẹ dạ mới tin ngay mà thôi.
Ngừng giây lát, Tiểu Ưu-ba-ly mạnh giọng phán tiếp:
_ Ông hãy thành thật trả lời tôi: nếu Đức Phật biết, ngài A-nan biết, các Thánh Tăng A-la-hán biết và bao nhiêu người khác cũng biết như ông đã dựng chuyện; vậy tại sao trong hàng ngàn bài kinh Nguyên thủy, với hàng triệu câu trong đó không có một từ nào, không một chỗ nào, không một người nào nhắc đến tên ông cùng với sự kiện quái dị ấy?
_ Ơ... thì… là… do họ xấu hổ, không dám nói thật.
_ Ông đã nói láo, giờ còn thêm tật lươn lẹo. Được, nếu vậy ta cho ông một ví dụ mà mọi người có thể hiểu, để những kẻ vô trí không còn bắt chước ông nói càn. Giả sử, mai này có một tên tiểu yêu láu cá xông vào nhà ông, y nói với con cháu ông rằng hắn là kẻ hầu hạ gia đình ông nên hắn biết rõ ông và họ hàng của ông vốn là những kẻ ngậm máu phun người, ăn dơ nói bậy, loạn luân vô đạo, em mắng anh, cháu chửi cậu... Mặc dù bố của ông đã khẳng định rằng trong gia phả nhà ông và những người thân tín không ai như thế, nhưng tên tiểu yêu bèn la lên rằng những người trong gia đình ông xấu hổ nên không dám nói ra. Ấy thế là thằng cháu của ông tin ngay tên tiểu yêu và quay lại khinh thường ông cùng mọi người thân. Nó cũng khinh thường mắng chửi luôn cả những người đạo đức chân chính khác. Thử hỏi thằng cháu của ông là đứa ngu hay kẻ dại?
Gia chủ Ma Duy Quái hậm hực:
_ Nó vừa ngu lại vừa dại, chứ khôn ngoan chỗ nào!
Tỳ-khưu Tiểu Ưu-ba-ly gật đầu tán đồng:
_ Đúng vậy, ông và những người tin ông cũng thế. Tôi còn biết rõ và tiên tri rằng: sau khi Phật đã nhập Niết-bàn hàng trăm năm, những tin đồn thất thiệt của ông rất phù hợp với những kẻ nham hiểm muốn phá hoại đạo Phật, nên họ sẽ rỉ tai nhau loan truyền sang tận Trung Quốc cho những người mang danh là đệ tử Phật, nhưng lại muốn làm con cháu đích tôn của ông thọ trì bắt chước.
Ông chủ nhà khuôn mặt rạng rỡ hẳn lên:
_ Hà... hà... xem ra chú em mày cũng thông minh lắm đó, biết tất cả kế hoạch chiến lược lâu dài của bọn ta. Nhưng này, nói phải có sách, mách phải có chứng. Con cháu ta dù ngu muội nhưng chúng cũng biết dựa vào kinh của ta, còn ngươi căn cứ vào đâu nói rằng chuyện ta khinh thường tất cả các Thánh Tăng hàng đầu của Phật giáo là bịa đặt? Có giỏi hãy nêu bằng chứng khác xem nào?
_ Dễ thôi! Hãy kham nhẫn trả lời câu hỏi của tôi: ông có biết điều thứ tám trong chín mươi hai tội ưng đối trị của luật Patimokkha là gì không?
_ À... ừ... hừ mà ta là cư sĩ cần gì phải biết tới giới luật của các Tỳ-khưu Thanh Văn như ngươi.
_ Chính vì không biết nên ông đã tự phơi bày sự ngụy tạo của mình. Thôi được, vì phải lật mặt nạ một kẻ phá hoại ngầm Phật giáo nên tôi đành phải tiết lộ một chút. Trong điều luật này, Đức Phật đã cấm các Tỳ-khưu không được tuyên dạy pháp cao nhân đến người chưa thọ cụ túc giới như ông, nếu vi phạm, họ sẽ bị tội ưng đối trị. Ông đã không được chỉ dạy pháp cao nhân thì còn biết cái gì là pháp cao thượng, hiểu được gì là lý thượng nhân?
Chủ nhà Duy Ma Quái mặt đỏ bừng bừng. Tiểu Ưu-ba-ly thản nhiên dạy tiếp:
_ Ông còn mít đặc như thế đã không đủ tư cách dạy cho một giới tử mới xuất gia, chứ đừng nói gì tôi, chứ đừng nói gì tới các Thánh Tăng A-la-hán Thanh văn hàng đầu. Nếu khác chăng, chỉ có trường hợp ông là một kẻ ăn cắp pháp, hoặc một kẻ học mót nói càn, hoặc là Ma-ba-tuần làm gián điệp xâm nhập vào mấy con trùng trong lông sư tử cố tình dựng chuyện phi lý để nêu gương xấu cho những kẻ ngu dốt muốn phá hoại kỷ cương trong đạo Phật. Chính vì cả tin bắt chước ông nên đã có không ít các cư sĩ ngạo mạn tỏ ra xấc xược xem thường cả Thánh Tăng, coi khinh tất cả chúng Tăng, chạy theo tà pháp hý luận, quay lưng cả với chánh Tam Bảo.
Duy Ma Quái nhếch mép cười gằn:
_ Này chú em, chú em mới chỉ biết một chứ không biết hai. Pháp thượng nhân của chú em chỉ dành cho hạng tiểu nhân. Sau này con cháu của ta đều tin rằng “…giáo pháp Đại Thừa, nói cho những người đi theo giáo pháp Đại Thừa tối thượng… bởi vì những ai ưa pháp Tiểu thừa, vẫn còn ngã, nhân, chúng sinh, thọ” (1)
Tỳ-kheo Tiểu Ưu-ba-ly nghiêm giọng:

_ Ông mới chính là kẻ chưa biết một mà đã khoác lác tới ba bốn. Đã không biết chánh Luật, giờ còn lòi thêm tội không rành chánh Kinh. Đúng là chỉ đáng làm gương cho những kẻ muốn “ngưu tầm ngưu, mã tầm mã”; quỷ tìm ma, ma tìm quỷ mà thôi. Đức Phật đã ban giới cấm như thế, chẳng lẽ chính Ngài lại làm ngược lại? Chẳng lẽ, Ngài lại dạy một pháp luật khác để bắc cầu cho những kẻ giả danh như ông quay lại xem thường các Thánh Tăng và pháp Nguyên thủy? Hơn nữa, trong chánh Luật đã định nghĩa rõ ràng thế nào là Pháp: Pháp nghĩa là được giảng bởi Đức Phật, được giảng bởi các vị Thinh Văn, được giảng bởi các vị ẩn sĩ, được giảng bởi chư Thiên có liên quan đến mục đích có liên  quan đến Pháp bảo”  (2)Ông chẳng phải Phật, chẳng phải Thinh Văn, chẳng phải ẩn sĩ, cũng chẳng phải chư Thiên mà chỉ là một cư sĩ giả danh còn ở nhà với vợ, dục ái ầm ầm, thử hỏi lời nói của ông làm sao thanh tịnh như của các Bậc ly dục được? Đã thế nó còn gây chia rẽ, miệt thị Thánh Tăng, dứt khoát nó chỉ là tà pháp chứ chánh pháp chỗ nào?

Duy Ma Quái thộn mặt lặng im. Tiểu Ưu-ba-ly dõng dạc:

_ Hỡi những kẻ gián điệp gian tà, hãy dỏng cả hai tai mà nghe tôi dạy thêm vài điều để khỏi nói láo nữa. Hẳn Đức Thế Tôn thừa biết sau này sẽ có những ác ma thâm độc dám giả giọng Ngài, giả giọng Thánh nhân dạy tà pháp cho mấy kẻ cả tin, nên Ngài đã tuyên bố: “Từ đêm, này các Tỷ-kheo, Như Lai được chánh đẳng giác, đến đêm Như Lai nhập Niết-bàn, trong thời gian ấy, điều gì Như Lai nói, nói lên, tuyên bố, tất cả là như vậy, không có khác được. Do vậy, được gọi là Như Lai” (3) Vì thế, nếu hàng trăm năm sau có những kẻ mạo danh Đức Phật sáng tạo kinh luật giả, nói khác với những điều trong kinh luật Nguyên thủy, nặn thêm Đại Thừa - Tiểu thừa, chắc chắn bọn chúng chỉ là những Dạ xoa chui vào đạo Phật để phá hoại ngầm mà thôi! Ông chỉ lừa được kẻ ngu khờ chứ đừng hòng qua mắt những người khôn ngoan thận trọng, hiểu Kinh nhớ Luật, phạm hạnh thanh tịnh.
Gia chủ Ma Duy Quái thở mạnh phì phò, cố gượng cười nham nhở:
_ Khà.. khà… hạng “thanh văn” quèn như ngươi, con cháu ta đâu thèm nghe. Ta chỉ cần lạm xưng hai chữ “Bồ-tát” là chúng lật đật cong lưng lạy ta như tế sao. Ngươi nói gì thì nói, lũ chúng nó vẫn một lòng tin tưởng các “Bồ-tát” bọn ta, cho dù có bị bố tát vào mặt.
Tiểu Ưu-ba-ly nghiêm mặt nhấn giọng:
_ Đúng thế, cho nên dân gian mới có câu “con nhà tông không giống lông cũng giống cánh” là vậy. Những hạng chỉ có cánh với lông thì làm sao biết được trong Kinh điển Nguyên thủy, Đức Phật đã dạy rành rành thế này: khi còn là Bồ-tát vẫn còn các niệm ác bất thiện trong tâm (Kinh Song Tầm, Trung Bộ 1); còn là Bồ-tát vẫn còn bị khổ não, sầu bi vì còn ô nhiễm (Kinh Thánh Cầu, Trung Bộ 1); còn là Bồ-tát chưa có chứng đắc dù là Sơ thiền hoặc các pháp cao hơn nên chưa thoát khỏi bị dục ái chi phối (Tiểu Kinh Khổ Uẩn, Trung Bộ 1); còn là Bồ-tát vẫn còn nhiều những nghi hoặc, hôn trầm - thùy miên, sợ hãi, bị các tưởng sai biệt, thậm chí vẫn còn dâm ý (dutthullam) và ái dục… (Kinh Tùy Phiền Não, số 138, Trung Bộ 3). Nói tóm lại, Bồ-tát vẫn còn là kẻ phàm phu, mới chỉ biết hướng tâm tìm giải thoát chứ chưa có chứng đắc gì cả.
Quy Ma Quái  như bị điểm trúng huyệt, rúng động toàn thân. Tiểu Ưu-ba-ly điềm nhiên phán tiếp:
_ Dĩ nhiên Bồ-tát của kinh điển Nguyên thủy cũng không phải là những kẻ còn ôm váy của dục ái hạ liệt, của năm dục trưởng dưỡng, theo thói “cả vú lấp miệng em”, bày đặt dựng chuyện dạy đạo cho những Thánh Nhân đã ly dục, diệt dục. Thủ đoạn của những tên gian manh chui vào hàng ngũ kẻ khác, dùng “dao người để giết người” đã bị lật tẩy. Thời kỳ đen tối đã qua rồi! Những kẻ như ông không mau cải tà quy chánh, cứ tiếp tục nói láo, xúc phạm Thánh nhân, chắc chắn ngày phán xét sẽ không còn xa đâu!
Ma Duy Quái ngồi im cứng miệng, thụt cổ so vai cúi đầu run rẩy, mồ hôi toát ra như tắm.
Ngay lúc ấy, từ trên hư không một luồng sét cực mạnh phóng xuống trúng ngay đầu Ma Duy Quái khiến cho kẻ Bố-tát giả danh phải rùng mình cuống cuồng sợ hãi, thoáng chốc hiện nguyên hình thành một trái cật của con ma tám lưỡi tu luyện ngàn năm.
Cùng lúc đó, một con đại bàng to lớn từ trên hư không sà xuống, cắp lấy trái cật to lớn của yêu tinh bay đi. Tỳ-khưu Tiểu Ưu-ba-ly nhìn theo chép miệng:
_ Mô Phật! Mong sao những người đời sau không còn bị miệng lưỡi độc hại của những kẻ ác hiểm xúi dại, để không phải đọa vào cõi dữ địa ngục vì tội tà kiến coi thường Tam Bảo, xúc phạm Thánh Nhân.
Đến đây những người có trí dù biết rõ vị tân Tỳ-khưu trẻ tuổi Tiểu Ưu-ba-ly và “Bồ-tát” Ma Duy Quái chỉ là những nhân vật tưởng tượng, thế nhưng tất cả đều hoan hỷ tín thọ lời vị Tỳ-khưu Tiểu Ưu-ba-ly trẻ tuổi.
Đồng thời họ phải luôn biết chánh tri kiến ghi nhớ kỹ “Như vầy tôi tự biết” chứ không được tin càn “Như vầy tôi nghe” của những tên gián điệp bịa đặt các kinh văn ngụy tạo.
______________________________
(1) Kinh Kim Cang đại thừa, đoạn 25.
(2) Tạng Luật, phần Ưng đối trị, điều học thứ 4, mục 286, bản dịch của TK Nguyệt Thiên  
(3) Tăng Chi 1, chương 4, trang 592.
***

TRÍCH LỤC
Những lời Phật dạy về kinh thật, kinh giả
Kinh Tăng Chi tập 1, Chương 2, tr.132
“Những Tỷ-kheo nào, này các Tỷ-kheo, chặn đứng cả văn và nghĩa, bằng cách nắm giữ sai lạc các kinh điển và những văn tự thích ứng, thì những Tỷ-kheo ấy, này các Tỷ-kheo, chịu trách nhiệm về bất hạnh cho đa số, không an lạc cho đa số, không lợi ích cho đa số, bất hạnh, đau khổ cho chư Thiên và loài Người. Ngoài ra, các Tỷ-kheo ấy, này các Tỷ-kheo, chất chứa nhiều vô phước làm cho Diệu pháp biến mất. 
Những Tỷ-kheo nào, này các Tỷ-kheo, tùy thuận cả văn và nghĩa, bằng cách nắm giữ đúng đắn các kinh điển và những văn tự thích ứng, thì những Tỷ-kheo ấy, này các Tỷ-kheo, chịu trách nhiệm về hạnh phúc cho đa số, an lạc cho đa số, lợi ích cho đa số, hạnh phúc, và an lạc cho chư Thiên và loài Người. Ngoài ra, các Tỷ-kheo ấy, này các Tỷ-kheo, chất chứa nhiều phước đức, làm cho Diệu pháp an trú”
Thừa tự Pháp trích lục
Những tu sĩ  hoặc cư sĩ nào, này các Phật tử, chặn đứng cả văn và nghĩa của Chánh Phật Pháp, bằng cách nắm giữ sai lạc các kinh điển ngụy tạo và những luận văn thích ứng của các luận sư tổ sư gốc Bà-la-môn gián điệp, thì những hoại tử ấy, này các Phật tử, chịu trách nhiệm về bất hạnh cho đa số, không an lạc cho đa số, không lợi ích cho đa số, bất hạnh, đau khổ cho chư Thiên và loài Người. Ngoài ra, các Hoại tử ấy, chất chứa nhiều vô phước làm cho Diệu pháp biến mất.
Những tu sĩ  hoặc cư sĩ nào, này các Phật tử, tùy thuận cả văn và nghĩa, bằng cách nắm giữ đúng đắn các kinh điển chánh gốc và những văn tự thích ứng, thì những Chánh đệ tử ấy, này các Phật tử, chịu trách nhiệm về hạnh phúc cho đa số, an lạc cho đa số, lợi ích cho đa số, hạnh phúc, và an lạc cho chư Thiên và loài Người. Ngoài ra, các Chánh đệ tử ấy, này các Phật tử, chất chứa nhiều phước đức, làm cho Diệu pháp an trú
Kinh Tăng Chi tập 2, Chương 5, tr.480
“Lại nữa, này các Tỷ-kheo, sẽ có những Tỷ-kheo trong tương lai thân không tu tập, giới không tu tập, tâm không tu tập, tuệ không tu tập.
Do thân không tu tập, giới không tu tập, tâm không tu tập, tuệ không tu tập, khi họ thuyết về Thắng pháp hay về Quảng thuyết (Trí giải luận), họ rơi vào hắc pháp, không có thể giác ngộ rõ ràng… đối với các kinh tạng do Như Lai tuyên thuyết, thâm sâu, ý nghĩa sâu kín, siêu thế, liên hệ đến không, khi các kinh ấy được thuyết giảng, họ không có nghe, họ không có lắng tai, họ không an trú tâm liễu giải, họ không nghĩ rằng các kinh ấy cần phải học tập, cần phải học thuộc lòng.
Còn những kinh điển do các thi sĩ làm, những bài thi, với những chữ văn hoa, với những câu văn hoa, thuộc ngoại điển do các đệ tử thuyết, trong khi các kinh ấy được thuyết giảng, họ sẽ lắng nghe, họ sẽ lóng tai, họ an trú tâm liễu giải. Các pháp ấy, họ sẽ nghĩ cần phải học tập, cần phải học thuộc lòng.
Này các Tỷ-kheo, đây là do Pháp ô nhiễm, nên Luật ô nhiễm; do Luật ô nhiễm, nên Pháp ô nhiễm.
Này các Tỷ-kheo, đây là sợ hãi thứ tư… thứ năm về tương lai, nay chưa sanh khởi, nhưng sẽ sanh khởi trong tương lai, các Thầy cần phải hoàn toàn rõ biết chúng. Sau khi hoàn toàn rõ biết, các Thầy cần phải tinh tấn để đoạn tận sợ hãi ấy”
Thừa tự Pháp trích lục
Cũng vậy, này các Phật tử, đang có những đệ tử Bụt trong hiện tại thân không tu tập, giới không tu tập, tâm không tu tập, tuệ không tu tập.
Do thân không tu tập, giới không tu tập, tâm không tu tập, tuệ không tu tập, khi họ thuyết về Chánh pháp hay về các luận giải, họ rơi vào hắc pháp, không có thể giác ngộ rõ ràng… đối với các kinh tạng Chánh gốc do Như Lai tuyên thuyết, thâm sâu, ý nghĩa sâu kín, siêu thế, liên hệ đến Tiểu Không và Đại Không, khi các kinh ấy được thuyết giảng, họ không có nghe, họ không có lắng tai, họ không an trú tâm liễu giải, họ không nghĩ rằng các kinh Nguyên Thủy ấy cần phải học tập, cần phải học thuộc lòng.
Còn những kinh điển ngụy tạo do các thi sĩ gián điệp làm, những bài thi, với những chữ văn hoa, với những câu văn hoa, thuộc ngoại điển do các đệ tử giả danh thuyết, trong khi các kinh ngụy tạo ấy được thuyết giảng, họ sẽ lắng nghe, họ sẽ lóng tai, họ an trú tâm liễu giải. Các pháp ấy, họ sẽ nghĩ cần phải học tập, cần phải học thuộc lòng.
Này các Phật tử, đây là do Pháp ô nhiễm, nên Luật ô nhiễm; do Luật ô nhiễm, nên Pháp ô nhiễm.
Này các Phật tử, đây là sợ hãi thứ tư… thứ năm trong hiện tại, nay đang sanh khởi, nhưng sẽ còn tồn tại trong tương lai, nếu các Người không hoàn toàn rõ biết chúng. Nhưng nếu hoàn toàn rõ biết chúng, các Người cần phải tinh tấn để đoạn tận sợ hãi ấy.
Kinh Tăng Chi tập 2, Chương 8, tr.557 Người có Chánh Tri Kiến sẽ hiểu vì sao đoạn chánh kinh gốc này không nói đến Bồ-tát:
“Ví như, này Pahàràda, biển lớn là trú xứ các loại chúng sanh lớn, tại đấy, có những chúng sanh như các con Timi, Timingalà, Timiramingalà, những loại Asurà (A-tu-la), các loại Nàgà, các loại Gandhabbà. Trong biển có những loài hữu tình với tự ngã dài một trăm do tuần, hai trăm, ba trăm, bốn trăm, năm trăm do tuần.
Cũng vậy, này Pahàràda, Pháp và Luật là trú xứ của các loài chúng sanh lớn. Ở đấy có những loại chúng sanh này: bậc Dự Lưu, bậc đã hướng đến chứng ngộ Dự Lưu quả, bậc Nhất Lai, bậc đã hướng đến chứng ngộ Nhất Lai quả, bậc Bất Lai, bậc đã hướng đến chứng ngộ Bất Lai quả, bậc A-la-hán, bậc đã hướng đến chứng ngộ quả A-la-hán.
Này Pahàràda, vì rằng Pháp và Luật này là trú xứ của các loại chúng sanh lớn. Ở đấy có những chúng sanh này: bậc Dự Lưu, bậc đã hướng đến chứng ngộ Dự Lưu quả, bậc Nhất Lai, bậc đã hướng đến chứng ngộ Nhất Lai quả, bậc Bất Lai, bậc đã hướng đến chứng ngộ Bất Lai quả, bậc A-la-hán, bậc đã hướng đến chứng ngộ quả A-la-hán. Này Pahàràda, trong Pháp và Luật này, đây là pháp vi diệu chưa từng có thứ tám mà do thấy vậy, thấy vậy, các Tỷ-kheo thích thú trong Pháp và Luật này”
Thừa tự Pháp trích lục
Phật Thích Ca Mâu Ni dạy như thế, nhưng khốn thay những người con Phật lại tin theo những gián điệp giả danh, kính ngưỡng những đạo danh, đạo vị giả danh; quay lại khinh chê các đạo quả do chính Đức Thế Tôn xác chứng.
Dưới đây là bài kinh chỉ rõ sanh thú của những kẻ gián điệp. Đương nhiên đối với các luận sư gián điệp phá hoại Đạo Phật hậu quả sẽ phải khốc liệt hơn gấp nhiều lần, và những ai tin theo họ sẽ phải chịu trách nhiệm do sự cả tin mê tín của mình
IX. Người Do Thám (Tương Ưng tập 2, trang 451)
1) Ở đây, thưa Hiền giả, khi tôi từ núi Gijjhakùta bước xuống, tôi thấy một người với lông bằng mũi tên đang đi giữa hư không.
2) Các mũi tên ấy đâm vào đầu và ra khỏi miệng người ấy. Chúng đâm vào miệng và ra khỏi ngực người ấy, chúng đâm vào ngực và ra khỏi bụng người ấy, chúng đâm vào bụng và ra khỏi bắp vế của người ấy, chúng đâm vào bắp vế và ra khỏi cổ chân của người ấy, chúng đâm vào cổ chân và ra khỏi bàn chân của người ấy và người ấy kêu lên những tiếng kêu đau đớn.
3) Chúng sanh ấy, này các Tỷ-kheo, là một gián điệp ở tại Rājagaha này.
Trích Kinh Dạy Vacchagotta về Tam Minh, số 71, Trung Bộ 2
“Khi được nói vậy, du sĩ Vacchagotta bạch Thế Tôn:
-- Tôn giả Gotama, có thể có vị tại gia nào không đoạn trừ kiết sử tại gia mà khi thân hoại mạng chung lại có thể đoạn tận khổ đau?
-- Này Vaccha, không có người tại gia nào không đoạn trừ kiết sử tại gia mà khi thân hoại mạng chung lại có thể đoạn tận khổ đau.”
Thừa tự Pháp trích lục
Đức Phật thì dạy như thế, nhưng hằng trăm năm sau trong Phật giáo biến thái xuất hiện một cuốn “kinh Duy Ma Cật” với một ông tại gia cư sĩ Duy Ma có vợ con ái luyến đùm đề, ấy thế nhưng ông “Bồ-tát” này vẫn to mồm “dạy” cả cho các Thánh Tăng  A La Hán đã diệt được ái dục, đã đoạn tận được sanh y.
Chưa hết, cũng trong bản “kinh” mới này, phẩm “Đường đi của Phật”, Văn Thù Sư Lợi Bồ-tát của Đại Giáo còn phán nguyên văn thế này: “vô minh với ái là giống của Phật, tham sân si là giống của Phật, bốn thứ thác loạn là giống của Phật, năm sự che phủ là giống của Phật, sáu nhập là giống của Phật, bảy thức xứ là giống của Phật, tám tà là giống của Phật, chín não là giống của Phật, mười ác nghiệp là giống của Phật. Nói tổng quát thì sáu mươi hai kiến chấp và hết thảy phiền não là giống của Phật” (Nguồn Internet)
Lời Bình: Nếu giống của Phật như thế, thì hạt giống của những kẻ nói và tin vào những điều trên còn “bất nhị” tệ hại hơn gấp ngàn vạn lần. Hạt giống kiểu như vậy là của ác ma, của dạ xoa, hay của ngạ quỷ?
Đáp: của cả ba!
Cho nên rằng thì là đoạn tà kinh của Duy Ma Quái phải hiệu chỉnh như thế này mới thật bất nhị, không hai: “vô minh với ái là giống của Duy Ma Cật, tham sân si là giống của Duy Ma Cật, bốn thứ thác loạn là giống của Duy Ma Cật, năm sự che phủ là giống của Duy Ma Cật, sáu nhập là giống của Duy Ma Cật, bảy thức xứ là giống của Duy Ma Cật, tám tà là giống của Duy Ma Cật, chín não là giống của Duy Ma Cật, mười ác nghiệp là giống của Duy Ma Cật. Nói tổng quát thì sáu mươi hai kiến chấp và hết thảy phiền não là giống của Duy Ma Cật
--------------

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét