Thứ Hai, 19 tháng 3, 2018

ĐẠO PHẬT VÀ CHÍNH TRỊ


Một chính trị gia vào tận trong rừng sâu để “lên lớp” cho vị tu sĩ ẩn lâm:
_ Ngài không làm chính trị - đó cũng là một thái độ chính trị.
Tu sĩ mỉm cười:
_ Vô lý! Chẳng lẽ không làm vệ sinh, đó cũng là một thái độ vệ sinh? Không làm tướng cướp, đó cũng là một thái độ tướng cướp? Không làm vũ nữ, đó cũng là thái độ vũ nữ? Xin đừng gắp lửa bỏ tay người.
Vị chính khách bẻ sang hướng khác:
_ Nhưng lịch sử cho thấy tôn giáo và chính trị luôn gắn liền nhau, không thể tách rời.
_ Nếu có như thế thì đó là chuyện của tôn giáo và chính trị. Đạo Phật không phải là tôn giáo, lại càng không phải là chính trị. Đạo Phật là con đường, là nếp sống giải thoát khỏi những điều đó.
Chính trị gia vẫn chưa chịu ngưng:
_ Thế sao có nhiều nhà sư được ca ngợi vì đã tham gia việc quân, việc nước, việc triều chính?
_ Nếu trước đó họ đã trả lại y áo cho Tam Bảo rồi trở ra đời lo thế sự, đây là nghiệp duyên của mỗi người, không nên lạm bàn. Và nếu họ có công đức thuộc “Bốn trọng ân”, người Phật tử cũng phải nhớ ơn họ. Nhưng cần xác định cho rõ: nếu họ còn đắp y mà làm thế sự, thì họ không phải là những tu sĩ đạo Phật làm chính trị, mà là những nhà chính trị mượn áo của đạo Phật. Trong Bát Chánh Đạo không có chánh chính trị, không có chánh quân sự.
_ Nhưng ngài cứ độc trú biệt cư thế này, có lợi ích gì cho ai?
_ Bản thân cuộc sống không màng danh lợi cũng là một bài pháp rồi! Ông không thấy lợi ích cũng phải!
_ Ngài sống ẩn cư trong rừng, có ai biết đến để hỏi pháp?
_ Đừng sợ không ai biết, chỉ sợ hạnh không tròn. Hương của giới thanh tịnh còn ngược gió tung bay nữa kia! Ngược lại, giới hạnh giữ không tròn, ham mê giữa chợ đời, càng dễ bị cuốn trôi. Riêng đối với tôi, có ai đến hỏi đạo thì được, chứ tranh luận thì... xin lỗi, tôi không có thời gian.
Nhà chính trị lại một lần nữa lái đề tài:
_ Giặc ngoại xâm đến đây, ngài có còn thời gian để tu hành?
_ Câu hỏi ấy ông nên dành cho vua quan, cho quân đội. Nhưng ông nên nhớ, tàn ác đến như vua Asoka, khi đã giác ngộ Phật pháp, lại trở thành lương thiện không ai bằng. Chúng tôi tu hành cũng là để duy trì những giá trị hướng thiện tuyệt vời này, để biến thù thành bạn, đổi giặc thành anh em. Tuy vậy, đối với những người đi tìm sự yên tĩnh để chiến đấu với chính bản thân mình, chống bốn lũ giặc sanh-già-bệnh-chết, đôi khi họ xem miệng lưỡi của kẻ khác cũng không thua gì giặc cướp. Trong những trường hợp như vậy, cách tốt nhất là… “tam thập lục kế, tẩu vi thượng sách”. 
Vừa nói xong, vị tu sĩ ẩn lâm vội vàng chắp tay xoay người hướng về phía thất liêu, chạy vắt giò lên cổ cứ như bị ma đuổi.  
Vẫn chưa chịu thôi, lần thứ hai vị chính khách rủ thêm người bạn làm luật sư, cả hai cùng tìm đến tận thất của tu sĩ ẩn lâm để nói chuyện cho ra lẽ. Vừa đến nơi, cả hai đã thấy ngay trước cửa thất một tấm bảng lớn với dòng chữ rõ ràng“TA KHÔNG TRANH LUẬN VỚI ĐỜI vì Ta tôn trọng nhận thức và cuộc sống của người đời, và Ta không bắt người đời theo ý của Ta. CHỈ CÓ ĐỜI TRANH LUẬN VỚI TA vì người đời không tôn trọng nhận thức và cuộc sống của Ta, và còn muốn bắt Ta theo ý của họ. Thật bất công!”.
Cả hai vị khách không mời mà đến nhìn nhau rồi quay lui. Khu rừng lại trở về sự bình yên vốn có của nó.
_________________
Ghi Chú:
Trích Kinh Kosambiya, số 48, Trung bộ 1:
“… Này các Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo có tâm bị thế sự đời này ràng buộc, cho đến như vậy, tâm (của vị này) bị triền phược. Này các Tỷ-kheo, nếu vị Tỷ-kheo có tâm bị thế sự đời sau ràng buộc, cho đến như vậy, tâm (của vị này) bị triền phược. Tỷ-kheo sống cạnh tranh, luận tranh, đấu tranh, đả thương nhau với những binh khí miệng lưỡi, cho đến như vậy, tâm (của vị này) bị triền phược… ”
Kinh Tăng Chi tập 3, Chương 7, III. Phẩm Vajjì (Bạt Kỳ)
(IV) (22) Công Việc
1. - Này các Tỷ-kheo, có bảy pháp không làm suy giảm này... Ta sẽ giảng...
2. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là bảy pháp không làm suy giảm?
Này các Tỷ-kheo, khi nào chúng Tỷ-kheo không ưa thích làm thế sự, không hoan hỷ làm thế sự, không đam mê làm thế sự, thời này các Tỷ-kheo, chúng Tỷ-kheo sẽ được lớn mạnh, không bị suy giảm.
Này các Tỷ-kheo, khi nào chúng Tỷ-kheo không ưa thích phiếm luận, không hoan hỷ phiếm luận, không đam mê phiếm luận, thời này các Tỷ-kheo, chúng Tỷ-kheo sẽ được lớn mạnh, không bị suy giảm.
Này các Tỷ-kheo, khi nào chúng Tỷ-kheo không ưa thích ngủ nghỉ, không hoan hỷ ngủ nghỉ, không đam mê ngủ nghỉ, thời này các Tỷ-kheo, chúng Tỷ-kheo sẽ được lớn mạnh, không bị suy giảm.
Này các Tỷ-kheo, khi nào chúng Tỷ-kheo không ưa thích quần tụ, không hoan hỷ quần tụ, không đam mê quần tụ, thời này các Tỷ-kheo, chúng Tỷ-kheo sẽ được lớn mạnh, không bị suy giảm.
Này các Tỷ-kheo, khi nào chúng Tỷ-kheo không có ác dục vọng, không bị chi phối bởi ác dục vọng, thời này các Tỷ-kheo, chúng Tỷ-kheo sẽ được lớn mạnh, không bị suy giảm.
Này các Tỷ-kheo, khi nào chúng Tỷ-kheo không bè bạn ác dục vọng, không thân tín ác dục vọng, không cộng hành với ác dục vọng, thời này các Tỷ-kheo, chúng Tỷ-kheo sẽ được lớn mạnh, không bị suy giảm.
Này các Tỷ-kheo, khi nào chúng Tỷ-kheo không dừng ở nửa chừng giữa sự đạt đến những quả vị thấp kém và những quả vị thù thắng, thời này các Tỷ-kheo, chúng Tỷ-kheo sẽ được lớn mạnh, không bị suy giảm.
Này các Tỷ-kheo, khi nào bảy pháp không làm suy giảm này được duy trì giữa các Tỷ-kheo, khi nào các Tỷ-kheo được dạy bảy pháp không làm suy giảm này, thời này các Tỷ-kheo, chúng Tỷ-kheo sẽ được lớn mạnh, không bị suy giảm.
Kinh Tăng Chi tập 5, Chương 10, VII. Phẩm Song Đôi
(XI) (69) Những Ðề Tài Câu Chuyện (1)
1. Một thời, Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetavana trong khu vườn của ông Anàthapindika. Lúc bấy giờ, rất nhiều Tỷ-kheo, sau buổi ăn, sau khi đi khất thực trở về, ngồi tụ họp tại hội trường. Các vị này đang chú tâm trong nhiều câu chuyện phù phiếm sai khác sau đây: Câu chuyện về vua, câu chuyện về ăn trộm, câu chuyện về đại thần, câu chuyện về quân đội, câu chuyện về sợ hãi, câu chuyện về chiến trận, câu chuyện về đồ ăn, câu chuyện về đồ uống, câu chuyện về vải mặc, câu chuyện về đồ nằm, câu chuyện về vòng hoa, câu chuyện về hương, câu chuyện về bà con, câu chuyện về xe cộ, câu chuyện về làng, câu chuyện về thị trấn, câu chuyện về thành phố, câu chuyện về quốc độ, câu chuyện về đàn bà, câu chuyện về anh hùng, câu chuyện bên lề đường, câu chuyện tại chỗ lấy nước, câu chuyện về ma quỷ, các câu chuyện sai khác về thế giới, về biển lớn, các câu chuyện về hữu và phi hữu.
2. Rồi Thế Tôn vào buổi chiều từ Thiền tịnh đứng dậy, đi đến hội trường, sau khi đến, ngồi xuống trên chỗ đã soạn sẵn. Sau khi ngồi xuống, Thế Tôn bảo các Tỷ-kheo:
- Này các Tỷ-kheo, các Thầy nay ngồi hội họp ở đây, nói chuyện về vấn đề gì? Câu chuyện gì đang bàn giữa các Thầy bàn xong?
- Bạch Thế Tôn, ở đây, chúng con sau buổi ăn, sau khi đi khất trở về, chúng con ngồi hội họp tại hội trường, và chúng con đang chú tâm trong nhiều câu chuyện phù phiếm sai khác sau đây: Câu chuyện về vua, câu chuyện về ăn trộm... các câu chuyện về hữu và phi hữu.
- Này các Tỷ-kheo, thật không xứng đáng cho các Thầy, là những thiện nam tử, vì lòng tin xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, lại có thể sống chú tâm trong nhiều câu chuyện sai khác, như câu chuyện về vua... câu chuyện về hữu và phi hữu. Này các Tỷ-kheo, có mười đề tài để nói chuyện này. Thế nào là mười?
3. Câu chuyện về ít dục, câu chuyện về biết đủ, câu chuyện về viễn ly, câu chuyện về không tụ hội, câu chuyện về tinh tấn, câu chuyện về giới, câu chuyện về định, câu chuyện về tuệ, câu chuyện về giải thoát, câu chuyện về giải thoát tri kiến.
Này các Tỷ-kheo, có mười đề tài để nói chuyện này.
4. Này các Tỷ-kheo, nếu các Thầy tiếp tục nói những câu chuyện liên hệ đến mười đề tài để nói chuyện này, thời các Thầy có thể với ánh sáng (của mình) đánh bạt ánh sáng của mặt trăng, mặt trời, những vật có đại thần lực, có uy lực, còn nói gì của các du sĩ ngoại đạo.
______________
Trích lục kinh theo bản dịch của HT Minh Châu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét