Phật dạy trong Tăng Chi Bộ Kinh, Chương 5 Pháp, Phẩm Bệnh, Bài kinh “Người Bệnh”, số 121
"1. Một thời, Thế Tôn trú ở Vesālī, tại Ðại Lâm, giảng đường có nóc nhọn. Rồi Thế Tôn vào buổi chiều, từ Thiền tịnh đứng dậy, đi đến hành lang người bệnh. Thế Tôn thấy một Tỷ-kheo ốm yếu bệnh hoạn, thấy vậy Ngài ngồi xuống trên chỗ đã soạn sẵn. Sau khi ngồi, Thế Tôn bảo các Tỷ-kheo:
2. - Này các Tỷ-kheo, nếu năm pháp này không rời bỏ một kẻ ốm yếu bệnh hoạn, thời người ấy được chờ đợi như sau: Không bao lâu, do đoạn diệt các lậu hoặc, ngay trong hiện tại, với thắng trí sẽ chứng ngộ, chứng đạt và an trú Vô lậu Tâm giải thoát, Tuệ giải thoát.
Thế nào là năm? Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo
* sống quán bất tịnh trên thân,
* với tưởng ghê gớm đối với các món ăn,
* với tưởng không thích thú đối với tất cả thế giới,
* quán vô thường trong tất cả hành,
* và nội tâm khéo an trú trong tưởng về chết.
- Này các Tỷ-kheo, nếu năm pháp này không rời bỏ một kẻ ốm yếu bệnh hoạn, thời người ấy được chờ đợi như sau: Không bao lâu, do đoạn diệt các lậu hoặc, ngay trong hiện tại, với thắng trí sẽ chứng ngộ, chứng đạt và an trú Vô lậu Tâm giải thoát, Tuệ giải thoát."
** Thừa tự Pháp trích lục:
Quán bất tịnh trên thân để không tham luyến sắc thân. Không tham luyến sắc thân nên không khổ vì thân. Thân có bệnh nhưng tâm không bệnh, thân có khổ nhưng tâm không khổ.
Cũng vậy, tưởng ghê gớm các món ăn để không tham ái thức ăn, chứ không phải để nhịn ăn tuyệt thực. Không tham ái thức ăn nên không thèm khát thức ăn. Không thèm khát thức ăn nên không hệ lụy vì thức ăn. Ăn để sống, để chữa bệnh chứ không phải ăn để thỏa mãn dục cầu.
Chính vì thích thú với các thế giới khác nên khi bệnh, ở trong thế giới bệnh hoạn, càng thấy khổ thêm, càng thèm khát thế giới khác nhiều hơn. Do vậy thân bệnh, tâm cũng bệnh theo thân. Thân khổ, tâm cũng khổ theo thân.
Nhờ thấy tất cả đều vô thường nên kham nhẫn các cảm thọ tốt hơn. Khổ thọ cũng vô thường đoạn diệt, bệnh cũng thế, không bệnh cũng thế. Tất cả đều vô thường biến toái hoại diệt, không có gì đáng để chấp thủ sầu bi.
Khéo an trú tưởng về chết là khi bệnh đến có thể chết bất cứ lúc nào vì vậy phải nỗ lực tu tập để dù có chết cũng chết không bị điều phục bởi tham sân si, thậm chí nhờ tinh tấn đúng pháp có khi lại vượt qua được bệnh tật. Trái lại khi bệnh mà nghĩ đến chết để rồi buồn khổ sầu bi là không khéo an trú tưởng về chết.
Với năm pháp tu tập đúng hướng có thể chuyển bệnh nặng thành bệnh nhẹ, bệnh nhẹ thành không bệnh; khổ nhiều thành khổ ít, khổ ít thành không khổ, từng bước đạt tới giải thoát an vui Niết Bàn. Đây mới chính là Diệu Pháp diệt khổ!
Tuệ Tĩnh
(Ảnh Internet)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét