Thứ Hai, 12 tháng 2, 2018

ĐÁNG SỢ THAY LỜI TIÊN TRI CỦA ĐỨC PHẬT VỀ NHỮNG SỢ HÃI TRONG TƯƠNG LAI ĐÃ TRỞ THÀNH SỰ THẬT


Kinh “Sự Sợ Hãi Trong Tương Lai” (4), Tăng Chi tập 2, Chương 5, Phẩm Chiến Sĩ, trang 484:
1. - Có năm sợ hãi về tương lai này, hiện chưa sanh khởi, nhưng sẽ sanh khởi trong tương lai, các Thầy cần phải hoàn toàn rõ biết chúng. Sau khi hoàn toàn rõ biết, các Thầy cần phải tinh tấn để đoạn tận sợ hãi ấy.
2. Này các Tỷ-kheo, các Tỷ-kheo trong tương lai sẽ tham muốn các y tốt đẹpDo họ tham muốn các y tốt đẹp, họ sẽ từ bỏ các y nhặt nơi đống rác, họ sẽ từ bỏ các khu rừng, các vùng cao nguyên, các trú xứ xa vắng, họ sẽ đi đến các làng, thị trấn, kinh đô vua chúa và sống tại các chỗ ấy. Vì nhân y áo, họ sẽ rơi vào những hành vi tầm cầu không thích hợp.
Này các Tỷ-kheo, đây là sợ hãi thứ nhất về tương lai, hiện nay chưa sanh khởi, nhưng sẽ sanh khởi trong tương lai. Các Thầy cần phải hoàn toàn rõ biết chúng. Sau khi hoàn toàn rõ biết, cần phải tinh tấn để đoạn trừ sợ hãi ấy.
3. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, những Tỷ-kheo trong tương lai sẽ tham muốn các đồ ăn khất thực ngon lànhDo họ tham muốn các đồ ăn khất thực ngon lành, họ sẽ từ bỏ nếp sống khất thực, từ bỏ các khu rừng, các vùng cao nguyên, các trú xứ xa vắng. Họ sẽ đi vào các làng, thị trấn, kinh đô của vua và sinh sống tại đấy, tìm cầu các món ăn thượng vị, như với đầu lưỡi. Do nhân đồ ăn khất thực, họ sẽ rơi vào nhiều hành động tầm cầu không thích hợp.
Này các Tỷ-kheo, đây là sợ hãi thứ hai về tương lai, hiện nay chưa sanh khởi, nhưng sẽ sanh khởi trong tương lai. Các Thầy cần phải hoàn toàn rõ biết chúng. Sau khi hoàn toàn rõ biết, cần phải tinh tấn để đoạn trừ sợ hãi ấy.
4. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, những Tỷ-kheo trong tương lai sẽ tham muốn sàng tọa tốt đẹp. Do họ tham muốn các sàng tọa tốt đẹp, họ sẽ từ bỏ nếp sống dưới gốc cây, họ sẽ từ bỏ các khu rừng, các vùng cao nguyên, các trú xứ xa vắng. Họ sẽ đi vào các làng, thị trấn, kinh đô của vua và sinh sống tại đấy. Vì nhân sàng tọa, họ sẽ rơi vào nhiều hành động tầm cầu không thích hợp.
Này các Tỷ-kheo, đây là sợ hãi thứ ba về tương lai, hiện nay chưa sanh khởi, nhưng sẽ sanh khởi trong tương lai. Các Thầy cần phải hoàn toàn rõ biết chúng. Sau khi hoàn toàn rõ biết, cần phải tinh tấn để đoạn trừ sợ hãi ấy.
5. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, sẽ có những Tỷ-kheo trong tương lai sẽ sống liên hệ với Tỷ-kheo-ni, các chánh học nữ, các Sa-di-niKhi sống liên hệ với Tỷ-kheo-ni, chánh học nữ, Sa-di-ni, này các Tỷ-kheo, được chờ đợi là: Họ sẽ không thích thú sống Phạm hạnh, hay họ sẽ rơi vào một trong những tội lỗi ô nhiễm, sẽ từ bỏ học pháp và trở lui lại đời sống thế tục.
Này các Tỷ-kheo, đây là sợ hãi thứ tư về tương lai, hiện nay chưa sanh khởi, nhưng sẽ sanh khởi trong tương lai. Các Thầy cần phải hoàn toàn rõ biết chúng. Sau khi hoàn toàn rõ biết, cần phải tinh tấn để đoạn trừ sợ hãi ấy.
6. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, sẽ có những Tỷ-kheo trong tương lai sống liên hệ với các người có hệ lụy đến khu vườn, với các Sa-diKhi sống liên hệ với các người có hệ lụy đến khu vườn và với các Sa-di, này các Tỷ-kheo, được chờ đợi là họ sẽ sống và tận hưởng các vật liệu cất chứa, và họ sẽ làm các thô tướng đối với đất đai và đối với các sản phẩm trồng trọt.
Này các Tỷ-kheo, đây là sợ hãi thứ năm về tương lai, hiện nay chưa sanh khởi, nhưng sẽ sanh khởi trong tương lai. Các Thầy cần phải hoàn toàn rõ biết chúng. Sau khi hoàn toàn rõ biết, các Thầy cần phải tinh tấn để đoạn tận sự sợ hãi ấy.
Năm sự sợ hãi về tương lai này, này các Tỷ-kheo, hiện nay chưa sanh khởi, nhưng sẽ sanh khởi trong tương lai. Các Thầy cần phải hoàn toàn rõ biết chúng. Sau khi hoàn toàn rõ biết, các Thầy cần phải tinh tấn để đoạn tận những sợ hãi ấy.
³
Ý kiến Phật tử: Không còn gì rõ ràng hơn, minh triết hơn, xác đáng hơn lời Phật dạy. Không có gì khó khăn để thấy rõ các tiên tri của Đức Thế Tôn hoàn toàn ứng nghiệm trong thời đại ngày nay.
Mọi người chỉ cần tham dự các buổi lễ nghi của Phật giáo hoặc xem qua các hình ảnh nhan nhản trên các trang web cũng đủ thấy các Hòa thượng, Thượng tọa Thích Hoại Pháp ngày nay họ “oai nghi” như thế nào, “bệ vệ” như thế nào trong các bộ trang phục không thua gì vua chúa, quan lại, diễn viên, người mẫu.
Trong khi Bậc Đạo Sư Minh Hạnh Túc công đức vô lượng vô biên như vậy còn không nỡ bước lên tấm vải trắng do Vương Tử Bồ Đề cung thỉnh cúng dường bước chân Ngài, vì Bậc Đạo Sư còn nghĩ đến những chúng sanh nghèo đói khác.
Thậm chí Ngài còn nêu gương “thiểu dục tri túc” mặc y phấn tảo lượm từ nghĩa địa, rồi có lúc Ngài ăn ngày một bữa chỉ có lúa mạch thô vì không nỡ từ bỏ các chúng sanh trong vùng thiếu đói để tiếp tục gieo duyên cứu độ họ.
Thế nhưng các người con của Ngài ngày nay, giới hạnh chưa tới đâu, tu tập chưa đạt được gì, ấy thế mà các vị cứ như các vương tôn công tử, với những áo mão cân đai, ung dung trong các tự viện không thua gì hoàng cung bảo điện.
Các vị thoải mái ăn uống phi thời đầy đủ, đã thế còn đua nhau phòng lạnh, xe hơi, ca múa vui chơi du lịch… trong khi xung quanh mình còn biết bao chúng sanh đang đói rách, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc.
Đã vậy khi các vị đăng đàn thuyết pháp, hoặc viết sách giảng đạo, ai nấy đều lên giọng giảng dạy mọi người phải biết sống từ bi nhân ái, phải có lòng yêu quý chúng sanh (?!) Hình ảnh này là gì nếu không phải là “đạo đức giả”?
Đạo Phật không chủ trương khổ hạnh ép xác, nhưng cũng không cho phép người tu sĩ thụ hưởng vật dục như người phàm tục, nhất là khi chung quanh mình còn biết bao người đói rách
Trong kinh tạng, vì là lời tiên tri cho nên các sự kiện dùng thì tương lai. Chỉ cần thay đổi từ “sẽ” bằng từ “đã”, mọi người sẽ thấy rõ ngay lời Đấng Chánh Biến Tri từ hơn hai ngàn sáu trăm năm qua đã linh ứng như thế nào. Xin mời mọi người đọc bản “tin tức” mang đầy tính thời sự sau đây sẽ rõ:
“Các Tỷ-kheo hiện nay tham muốn các y tốt đẹp. Do họ tham muốn các y tốt đẹp, họ đã từ bỏ các y nhặt nơi đống rác, họ đã từ bỏ các khu rừng, các vùng cao nguyên, các trú xứ xa vắng. Họ đã đi đến các làng, thị trấn, kinh đô vua chúa và sống tại các chỗ ấy. Vì nhân y áo, họ đã rơi vào những hành vi tầm cầu không thích hợp”.
“Những Tỷ-kheo hiện nay tham muốn các đồ ăn khất thực ngon lành. Do họ tham muốn các đồ ăn khất thực ngon lành, họ đã từ bỏ nếp sống khất thực, đã từ bỏ các khu rừng, các vùng cao nguyên, các trú xứ xa vắng. Họ đã đi vào các làng, thị trấn, kinh đô của vua và sinh sống tại đấy, tìm cầu các món ăn thượng vị, như với đầu lưỡi. Do nhân đồ ăn khất thực, họ đã rơi vào nhiều hành động tầm cầu không thích hợp”.
Đúng vậy, tất cả sự kiện của “bản tin thời sự” đang diễn ra như thực!
Còn về sự liên hệ của các Tăng sĩ thời nay với các Tỳ-kheo-ni, với nữ nhân thì ôi thôi lại càng sợ hãi hơn nữa. Chỉ cần để ý quán sát một chút cũng đủ thấy nhiều vị ngang nhiên tiếp nữ nhân trong phòng riêng kín đáo lúc vắng người.
Hoặc một nam một nữ trò chuyện vô tư với nhau chỗ khuất vắng khi trời tối; hoặc rủ nhau tự do thăm thú du ngoạn riêng, tắm biển, xem phim, xem văn nghệ, múa hát, đóng kịch… Thậm chí họ còn ngang nhiên thực hành ‘thiền ôm, thiền ấp’ trước mắt mọi người nữa chứ! Thật không sao tưởng nổi!
Bên cạnh đó, có không ít vị tu sĩ còn vênh váo tự hào là nhà kinh doanh Phật giáo, là giám đốc công ty buôn bán Phật giáo, chủ trại vườn, đốc công, giám xưởng… Các vị hoàn toàn giống như người đời, chỉ khác ở hình thức đầu trọc, y áo vàng và danh xưng “Thích”… đủ thứ mà thôi.
Có vị nghĩ rằng mình cũng đang thực hiện “Phật sự”, kiếm tiền lo cho Giáo hội, cho Tăng chúng mà quên rằng nó là chức năng phước báu của người cư sĩ, không phải của người tu sĩ; lại càng không phải là lý tưởng mục đích của người xuất gia chân chánh.
Chẳng thế mà Đức Thế Tôn đã phải nghiêm khắc khuyến cáo “Năm sự sợ hãi về tương lai này, này các Tỷ-kheo, hiện nay chưa sanh khởi, nhưng sẽ sanh khởi trong tương lai. Các Thầy cần phải hoàn toàn rõ biết chúng. Sau khi hoàn toàn rõ biết, các Thầy cần phải tinh tấn để đoạn tận những sợ hãi ấy”.
Vì sao phải sợ hãi? Vì những biểu hiện sa đọa nêu trên không những kéo lui người tu sĩ trở về với tham dục, mà còn kéo họ xuống đọa xứ, địa ngục do nếp sống phi pháp, phi luật. Không những thế, những hình ảnh tha hóa của người tu sĩ sẽ khiến những người chưa tin không có đức tin, những người đã tin sẽ đánh mất tin tưởng. Chánh Pháp vì thế đi đến hỗn loạn và biến mất.
Mỗi người con Phật phải tinh tấn đoạn tận các sợ hãi ấy; nếu không, họ phải chấp nhận sự thối lui đọa xứ. Mỗi người phải tự ý thức và xác lập nghiệp quả cho chính mình!
TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét