Thứ Năm, 19 tháng 4, 2018

TƯỞNG CHỨNG MÀ KHÔNG CHỨNG! TƯỞNG HAY MÀ HÓA RỒ!


Đức Phật dạy cho sadi Cunda trong bài kinh Thanh Tịnh, số 29, Trường Bộ 2:

17. Nếu có ai, khi tả một phạm hạnh, thành tựu hết thảy tướng, không thiếu sót, không quá đáng, được khéo tuyên bố một cách viên mãn, vị ấy nếu tuyên bố đúng đắn sẽ tuyên bố như sau: "Phạm hạnh này thành tựu hết thảy tướng, cụ túc hết thảy tướng, không thiếu thốn, không quá đáng, được khéo tuyên bố một cách viên mãn, được khéo trình bày".

Này Cunda, Uddaka con của Rāma thường nói: "Thấy mà không thấy". Thấy cái gì mà không thấy? Với một con dao sắc bén, chỉ thấy lưỡi dao không thấy khía cạnh sắc bén của dao. Này Cunda, đấy là nghĩa của câu: "Thấy mà không thấy". Này Cunda, ở đây Uddaka con của Rāma đề cập đến một vật đê tiện, hạ liệt, thuộc về phàm phu, không xứng bậc Thánh, không có lợi ích, nói về con dao.

Này Cunda, nếu nói đúng đắn câu "Thấy mà không thấy", thời phải nói như sau: "Thấy mà không thấy". Vị ấy thấy cái gì mà không thấy? Một phạm hạnh, thành tựu hết thảy tướng, đầy đủ hết thảy tướng, không thiếu sót, không quá đáng, được khéo tuyên bố một cách viên mãn, được khéo trình bày. Chính vị ấy thấy phạm hạnh này.

Nếu vị ấy trừ bớt một phương diện nào tại một chỗ nào, nghĩ rằng làm vậy sẽ được rõ ràng hơn, vị ấy sẽ không thấy gì. Nếu vị ấy thêm vào một phương diện nào tại chỗ nào, nghĩ rằng làm vậy sẽ được rõ ràng hơn, vị ấy sẽ không thấy gì. Nếu vị ấy thêm vào một phương diện nào tại chỗ nào, nghĩ rằng làm vậy được viên mãn hơn, vị ấy sẽ không thấy gì. Như vậy gọi là "Thấy mà không thấy".

Này Cunda, nếu có ai khi tả một phạm hạnh thành tựu hết thảy tướng, không thiếu sót, không quá đáng, được khéo tuyên bố một cách viên mãn, vị ấy nếu tuyên bố đúng đắn sẽ tuyên bố như sau: "Phạm hạnh này thành tựu hết thảy tướng, cụ túc hết thảy tướng, không thiếu thốn, không quá đáng, được khéo tuyên bố một cách viên mãn, được khéo trình bày".

18. Do vậy, này Cunda, những pháp do Ta tự chứng tri và tuyên bố cho các Ngươi, tất cả các Ngươi hãy hội họp lại và tụng đọc lại, chớ có cãi lộn nhau, nhưng hãy so sánh các nghĩa với nhau, các câu với nhau để cho phạm hạnh này được tồn tại lâu dài, được an trú lâu dài, vì hạnh phúc cho muôn loài, vì an lạc cho muôn loài, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì an lạc cho chư Thiên và cho loài Người.

Này Cunda, thế nào là những pháp do Ta tự chứng tri và tuyên bố cho các Ngươi, tất cả các Ngươi hãy hội họp lại và tụng đọc lại, chớ có cãi lộn nhau, nhưng hãy so sánh các nghĩa với nhau, các câu với nhau, để cho phạm hạnh này được tồn tại lâu dài, được an trú lâu dài, vì hạnh phúc cho muôn loài, vì an lạc cho muôn loài, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì an lạc cho chư Thiên và cho loài Người?

Những pháp ấy là Bốn Niệm Xứ, Bốn Chánh Cần, Bốn Như Ý Túc, Năm Căn, Năm Lực, Bảy Giác Chi, Tám Thánh Đạo.

Này Cunda, những pháp ấy do Ta tự chứng tri và tuyên bố cho các Ngươi, tất cả các Ngươi hãy hội họp lại và tụng đọc lại, chớ có cãi lộn nhau, nhưng hãy so sánh các nghĩa với nhau, các câu với nhau, để cho phạm hạnh này được tồn tại lâu dài, được an trú lâu dài, vì hạnh phúc của muôn loài, vì an lạc cho muôn loài, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì an lạc cho chư Thiên và cho loài Người.” (Hết trích)

@ Thừa tự Pháp trích lục:

Một giáo pháp đã được Đức Như Lai Chánh Đẳng Chánh Giác tuyên thuyết với đầy đủ thành tựu hết thảy tướng, cụ túc hết thảy tướng, không thiếu thốn, không quá đáng, được khéo tuyên bố một cách viên mãn, được khéo trình bày’, thì những ai nghĩ rằng phải thêm phải bớt một chút gì thực ra họ chẳng hiểu một chút gì.

Chính vì không hiểu gì cho nên có kẻ đời sau bắt chước Uddaka rêu rao ‘chứng mà không chứng, đắc mà không đắc’. Thực ra họ chỉ ‘tưởng chứng mà không chứng, tưởng thấy mà không thấy’ chứ chẳng chứng chẳng đắc cái gì cả. Và cũng chính vì ‘tưởng chứng mà không chứng, tưởng  đắc mà không đắc’ cho nên lắm kẻ mới vẽ thêm pháp này luận kia cho thêm rối rắm.

Đủ tám mươi bốn ngàn tông phái rắm rối trong đạo khiến những người đời sau chẳng biết pháp nào đúng pháp nào sai. Cuối cùng mọi người chỉ còn biết ai nói sao tin làm vậy, nhắm mắt tín bừa tu đại. 

Nào là chỉ cần niệm một tên thôi dù tội ác đến đâu cũng được lên thiên đàng giải thoát, thế là tất cả hè nhau ra rả ‘á mi tù phù, á mi tù mù’. 

Nào là giáo pháp thượng thừa từ bên ngoài truyền dạy riêng (cho kẻ liều mình chặt tay), thế là thi nhau chạy theo giáo ngoại biệt truyền để rồi quay lưng với Chánh Thiền Thánh Định của Đức Thế Tôn.

Chưa hết, ngay cả những người tự xưng là con Phật chính thống, thế nhưng họ lại không theo đúng đạo lộ của Đức Thế Tôn. Tất cả chỉ biết qua loa ngoài miệng Ba Mươi Bẩy Phẩm Trợ Đạo, mỗi phái tu mỗi kiểu theo tưởng giải riêng của ông thầy. 

Nào là mười sáu tầng tuệ sát minh, trong đó có ‘tầng tuệ thứ chín - tuệ cuốn chiếu’ có nghĩa là tu hoài không thấy chứng chỉ thấy phiền não, nếu có cuốn chiếu bỏ về thì đó là đã đạt ‘tầng tuệ thứ chín’ (sic)

Có người nói rất đúng, nếu 16 tầng tuệ sát minh siêu việt giúp đi tới giải thoát thì Bậc Thầy Trời Người đã dạy rồi, cần gì đến cuốn chiếu, cần chi phải để đệ tử đời sau chỉ ‘dại’ các con Phật mới giác ngộ? Không lẽ ông đệ tử này giỏi hơn Đấng Vô Thượng Sư? Hẳn chỉ có si mê cuồng tín mới tu theo.

Chưa hết, lại còn lắm ôn tin theo các gián điệp đời sau, cuồng mạn chê Kinh Phật chỉ là thường pháp, là tục đế, không phải chân nghĩa đế; chỉ có luận vi diệu pháp được giới thiệu sau này mới thật cao siêu vi diệu. Thế là cả một truyền thống suốt hàng ngàn năm theo đây chỉ ‘dại’.

Không một ai biết cẩn trọng đặt vấn đề: nó có thực là pháp của Phật không? Chuyện từ trên trời đưa xuống, một đứa con nít cũng bịa được, cần gì các luận sư?

Tại sao xuyên suốt hai tạng Kinh Nikāya và Luật Pātimokkha, Đức Thế Tôn không dạy ba thứ tâm hổ lốn này? Nếu nó thực sự vi diệu thì Ngài đã dạy trong Kinh và Luật rồi, cần chi đến Ba Mươi Bẩy Phẩm Trợ Đạo?

Các thứ tâm sở, tâm vương, tâm hiệp thế, tâm đáo đại v.v.. và v.v.. giúp diệt tham, diệt sân, diệt phiền não khổ đau cụ thể như thế nào? Hay tất cả mớ khái niệm mơ hồ ấy chỉ khiến người tin theo phải khổ sở thêm vì học thuộc lòng để rồi lên mặt với nhau và chê bai coi thường cả Chánh Pháp trong Thánh điển Nikāya và Thánh Luật trong Pātimokkha?

Thật ra không phải chỉ có ngoại học Uddaka ‘tưởng thấy mà không thấy’ mà chính những vị mang danh là con Phật nhưng không tu theo đúng Pháp của Phật, lại tu theo tám vạn bốn ngàn pháp vớ vẩn, để rồi tưởng chứng mà không chứng, tưởng đắc mà không đắc, vẽ vời thêm bớt đủ thứ, cứ tưởng như vậy là hay nhưng thật ra lại hóa rồ!

KINH LUẬT SƯ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét