Thứ Năm, 19 tháng 4, 2018

TĂNG NI COI THƯỜNG GIỚI HẠNH LÀ ĐANG TỰ GIẾT MÌNH VÀ PHÁ HOẠI ĐẠO PHÁP

Có một dạo, báo chí “In-tờ-nét” tiếng Việt ở nước ngoài rỉ rả đăng tin về một nhà sư vốn thuộc truyền thống chính tông Trư Bát Giới, chánh pháp danh Thích… Kiều Nữ. Đêm đến, vị tu sĩ này thường cải trang thành phó thường dân, nón che trùm đầu, đi đến các khu vực của chị em Thuý Kiều để thực hành pháp môn gì đó không ai biết.
Đi đêm riết cũng có ngày gặp... phú-lít. Một lần nọ, sau khi ngã giá xong với một cô em xinh như hoa, vị Trư tăng sắp sửa móc bửu bối ra hành đạo thì nàng Thuý Kiều bỗng hoá thành cô nhân viên cảnh sát, giơ thẻ cớm và lập biên bản phạt cảnh cáo nhà tu hành giả danh.
Đúng là cô cảnh sát nước ngoài kia chẳng biết tí ti gì về pháp cao siêu, vĩ đại, thượng thừa mà nhà sư Thích Kiều Nữ đang dốc lòng kế thừa nương dựa. Cô ta còn quá “vô minh” nên làm sao hiểu nổi, xưa kia khi cô ta còn chưa ra đời, đã có một vị sơn tăng đại phái, sau mấy chục năm ẩn tu trên núi, vừa mới ra thất vị này bèn vào ngay chốn thanh lâu.
Vị sơn tăng vừa uống rượu vừa cho một tiểu muội bán rượu ôm ngồi trên đùi. Ngài làm như thế vì muốn để cho bàn dân thiên hạ thấy công phu miễn dịch được dục của mình. Đã thế vị sơn tăng còn tự ca ngợi công hạnh hành Bồ Tát đạo của mình vì đã dám vào chốn bùn nhơ để hoá độ chúng sanh.
Chỉ có điều, chẳng ai biết rõ vị sơn tăng có hoá độ được cho cô gái bán hoa hay không, hay cô gái lại hoá độ cho thầy. Lại nữa, chuyện rượu ôm vào rồi lời ra nói không ái dục có gì là khó, đâu phải ‘thầy tu’ mới làm được. Một kẻ phóng túng ưa nói láo cũng làm được. Thế nhưng rõ ràng câu chuyện trên đã là nguồn cổ vũ mạnh mẽ cho nhiều kẻ giả danh tu hành, tiếp tục làm bậy nhưng vẫn cứ luôn miệng ngụy biện cho lối tu hành tà hạnh của mình.
Đáng tiếc thay, câu chuyện của vị sơn tăng vẫn còn được rao giảng như một minh chứng cho tinh thần phá chấp độ tha cao diệu (?) Chính người viết bài này đã được nghe “huyền thoại" về vị sơn tăng “tửu ôm” nói trên từ một vị Thượng Tọa trong một buổi thuyết pháp có đến hàng trăm Phật tử.
Đọc xong bài báo điện tử ở nước ngoài, Phạm Thiên cũng đành phải chép miệng tự nhủ: chừng nào người ta còn ca tụng hình ảnh của vị sơn tăng, chừng đó hẳn còn nhiều các đệ tử sa-tăng đã, đang và sẽ thực hành đạo… tặc như ngài “Thích Kiều Nữ”.
Cho nên mới có thơ rằng:
Cà-sa chưa hẳn là tu.
Ngụy ngôn, tà hạnh công phu ích gì.
Nêu gương xấu, có lợi chi.
Mau giữ giới hạnh, kẻo đi A-tỳ
Những ai còn muốn khua môi múa lưỡi để bênh vực cho vị “sơn tăng miễn dục”, hãy đọc kỹ và ghi nhớ những đoạn chánh kinh sau đây của Đức Thế Tôn Thích Ca Mâu Ni:
“Thành tựu năm pháp, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo bị mất tin tưởng và bị nghi ngờ là "ác Tỷ-kheo”, dầu cho vị ấy đã đạt được bất động. Thế nào là năm? Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đi đến chỗ dâm nữ, đi đến nhà đàn bà góa, đi đến nhà có con gái già, hay đi đến nhà các hoạn quan, hay đi đến chỗ các Tỷ-kheo-ni. Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, một Tỷ-kheo bị mất tin tưởng và bị nghi ngờ là ác Tỷ-kheo, dầu cho vị ấy đã đạt được bất động  (Tăng Chi tập 2, chương 5, trang 515).  
{ Thừa tự Pháp trích lục
Cần nhắc lại, “dầu cho vị ấy đã đạt được bất động” chăng nữa, nhưng vi phạm các điều khoản có thể làm ảnh hưởng đến hạnh kiểm của cá nhân và uy tín của Tăng Đoàn, vị ấy vẫn bị mất tin tưởng và bị nghi ngờ là ác Tỳ-kheo.
] Còn đây là lời Phật dạy trong Tăng Chi chương 7, số 68, tr.458-69:
Ta tuyên bố cho các Thầy, này các Tỷ-kheo, Ta nói rõ cho các Thầy, này các Tỷ-kheo, với một người ác giới, theo ác pháp, sở hành bất tịnh, đáng nghi ngờ những hành vi che đậy, không phải Sa-môn, nhưng tự nhận là Sa-môn, không sống Phạm hạnh, nhưng tự nhận sống Phạm hạnh, nội tâm hôi hám, ứ đầy tham dục, tánh tình bất tịnh.
Thật là tốt hơn cho người ấy ôm ấp, ngồi gần hay nằm gần nhóm lửa lớn ấy đang cháy đỏ, cháy đỏ rực, cháy đỏ lửa ngọn. Vì cớ sao? Vì do nguyên nhân ấy, này các Tỷ-kheo, người ấy có thể đi đến chết, hay đi đến gần như chết, nhưng không vì nhân duyên ấy, sau khi thân hoại mạng chung, có thể sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục.
Nhưng này các Tỷ-kheo, khi một người ác giới theo ác pháp... tánh tình bất tịnh, ôm ấp, ngồi gần, hay nằm gần tay chân mềm mại non trẻ của người con gái Sát-đế-lỵ, hay người con gái Bà-la-môn, hay người con gái gia chủ; như vậy, này các Tỷ-kheo, khiến cho vị ấy bất hạnh đau khổ lâu dài, sau khi thân hoại mạng chung, sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục
{ Thừa tự Pháp trích lục:
Một khi Đức Thế Tôn, Đức Chánh Biến Tri thấu suốt nhiều đời kiếp, đã “tuyên bố” như vậy, đã “nói rõ” như vậy thì sự thật chắc chắn phải như vậy, không sai chạy, không thể khác được. Ngài không hù dọa, không nói quá. Chính vì thấy rõ như vậy nên bản thân Ngài và các hoàng thân quốc thích, các đệ tử giàu có chẳng ai thèm quay lại với dục lạc nguy hiểm mặc dù các ngài có thừa điều kiện hưởng thụ. Mỗi Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni cần phải ghi nhớ kỹ lời này để tránh rơi vào đọa xứ địa ngục vì nghe theo ác tuệ phá hạnh.
_ Thêm lời dạy này nữa:  “Ở đây, này Bà-la-môn, có Sa-môn hay Bà-la-môn, tự xem mình sống Phạm hạnh một cách chơn chánh, tuy không có hành dâm với nữ nhân, nhưng hưởng thụ được nữ nhân thoa, bóp, tắm, xức dầu. Vị ấy thích thú, ước muốn, bị kích thích bởi nữ nhân. Này Bà-la-môn, đây gọi là Phạm hạnh bị bể vụn, bị khuyết phạm, bị nhiễm ô, bị điểm chấm.
Này Bà-la-môn, đây gọi là hành Phạm hạnh không thanh tịnh, bị liên hệ, bị hệ lụy với dâm dục, không giải thoát khỏi sanh, già, chết, sầu bi, khổ, ưu, não. Ta nói rằng không thoát khỏi khổ.
Lại nữa, này Bà-la-môn, ở đây có Sa-môn hay Bà-la-môn, tự xem mình sống Phạm hạnh một cách chơn chánh, tuy không có hành dâm với nữ nhân, không có hưởng thụ được nữ nhân thoa, bóp, tắm, xức dầu, nhưng cười giỡn, chơi đùa, vui chơi với nữ nhân...
tuy không cười giỡn, chơi đùa, vui chơi với nữ nhân, nhưng lấy mắt nhìn mắt, trừng mắt nhìn theo nữ nhân... tuy không lấy mắt nhìn mắt, trừng mắt nhìn theo nữ nhân, nhưng nghe tiếng của nữ nhân, tiếng cười, tiếng nói, tiếng hát, tiếng khóc ngang qua vách, ngang qua hàng rào...
tuy không nghe tiếng của nữ nhân, tiếng cười, tiếng nói, tiếng hát, tiếng khóc ngang qua vách, ngang qua hàng rào, nhưng nhớ đến tiếng cười, tiếng nói, tiếng đùa giỡn trước kia đã có với nữ nhân... tuy không nhớ đến tiếng cười, tiếng nói, tiếng đùa giỡn trước kia đã có với nữ nhân, nhưng xem gia chủ hay con gia chủ thọ hưởng, thưởng thức thích thú trong năm dục công đức...
tuy không xem gia chủ hay con gia chủ thọ hưởng, thưởng thức thích thú trong năm dục công đức, nhưng sống Phạm hạnh với tâm nguyện hướng đến một thân chư Thiên, nguyện rằng: "Với giới này hay với giới cấm này, hay với khổ hạnh này, hay với Phạm hạnh này, ta sẽ thành một Thiên nhân này hay một Thiên nhân khác".
Vị ấy thích thú, ước muốn, bị kích thích bởi nữ nhân. Này Bà-la-môn, đấy gọi là Phạm hạnh bị bể vụn, bị khuyết phạm, bị nhiễm ô, bị điểm chấm.
Này Bà-la-môn, đấy gọi là hành Phạm hạnh không thanh tịnh, bị liên hệ, bị hệ lụy với dâm dục, không giải thoát khỏi sanh, già, chết, sầu bi, khổ, ưu, não. Ta nói rằng không giải thoát khỏi khổ”  (Bài kinh “Dâm Dục”, Tăng Chi 3, Chương 7, V. Phẩm Đại Tế Đàn, trang 349).
{ Thừa tự Pháp trích lục
Những lời dạy trên cần phải được mỗi Tỳ-kheo ghi nhớ kỹ, thọ trì cẩn thận, thực hành mọi lúc, mọi nơi mới giúp vị Tỳ-kheo tránh khỏi những cạm bẫy ái dục khiến phải trở lui đọa xứ luân hồi.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét