Thứ Sáu, 25 tháng 3, 2016

Bồ-tát giới phá hoại Đạo Phật


Để chứng minh Bồ-tát giới phá hoại Đạo Phật, bài luận chứng này căn cứ theo cuốn “Phật Thuyết Kinh Phạm Võng Phẩm Bồ Tát Tâm Địa”, do Hòa Thượng Thích Trí Tịnh dịch Việt, từ bản chữ Hán do Cưu Ma La Thập giới thiệu và chuyển dịch vào đời vua Dao Tần thuộc Hậu Tần (384-417). Như vậy bản Hán văn này xuất hiện tại Trung Quốc vào khoảng một ngàn năm sau khi Đức Phật nhập diệt.
Lại nữa, ‘Kinh Phạm Võng - Bồ tát giới’ của Cưu Ma La Thập có nội dung hoàn toàn khác với Kinh Phạm Võng gốc (số 1, Trường Bộ 1). Bài Kinh Phạm Võng Pali gốc, chính là ‘tấm lưới trời lồng lộng’ bao trùm tất cả 62 luận chấp của ngoại học một cách hết sức chặt chẽ và logic. Vì thế nó cũng là ‘cái gai’ đối với các Bà-la-môn.
Trong khi đó Kinh Phạm Võng Phẩm Bồ Tát Tâm Địa” của Cưu Ma La Thập tuy có tựa đề là “kinh” nhưng nội dung chỉ nói đến 10 giới trọng và 48 giới khinh dành cho Bồ-tát xuất gia lẫn tại gia, nên còn được gọi tắt là “Bồ-tát giới”. Sự bất cập lẫn lộn một cách bất thường giữa kinh và luật như vậy cho thấy tài liệu ‘hậu bối’ này rất xa lạ với hệ thống phân biệt rõ ràng giữa KINH và LUẬT của Đạo Phật chính thống.
Bên cạnh đó, kinh Phạm Võng Bồ-tát giới còn bộc lộ rất nhiều những điều phi pháp phi luật, cho thấy kinh Phạm Võng - Bồ-tát giới của Đại Thừa hoàn toàn có khả năng do người đời sau chế tác ra nhằm phá hoại Phật Pháp.
Bài luận chứng này chỉ chứng minh khía cạnh tà vạy của Bồ-tát giới khi xem Pháp và Luật Nguyên thuỷ của Đức Thế Tôn chỉ là thứ tà kiến, tà giáo, không khác gì ngoại đạo (sic) và cấm các Bồ-tát Đại Thừa thọ trì (?) Đây là dấu hiệu rõ ràng nhất chứng tỏ Bồ-tát giới là sản phẩm của các ác ma gián điệp chống phá Đạo Phật, chứ không phải của Đức Phật.
Hãy xét cụ thể vài điều luật của Bồ-tát giới liên quan đến vấn đề trên để thấy rõ hơn. Trong 10 giới trọng của Bồ-tát giới có giới trọng thứ sáu nguyên văn thế này:
“…--6.- GIỚI CẤM RAO LỖI CỦA TỨ CHÚNG
Nếu Phật tử, tự miệng rao nói tội lỗi của Bồ Tát xuất gia, Bồ Tát tại gia, Tỳ Kheo, Tỳ kheo Ni, hoặc bảo người rao nói những tội lỗi ấy : nhân rao nói tội lỗi, duyên rao nói tội lỗi, cách thức rao nói tội lỗi, nghiệp rao nói tội lỗi. Là Phật tử, khi nghe những kẻ ác, ngoại đạo cùng người nhị thừa nói những điều phi pháptrái luật trong Phật pháp, thời phải luôn luôn có lòng từ bi giáo hóa những kẻ ác ấy cho họ sinh tín tâm lành đối với Đại thừa, mà trái lại Phật tử lại tự mình rao nói những tội lỗi trong Phật pháp. Phật tử nầy phạm «Bồ Tát Ba La Di tội ».
Phản biện:
“Người Nhị Thừa” là ai? Là những người tu theo Pháp và Luật chính gốc của Đức Thích Ca Mâu Ni. Những kẻ cải biến đời sau còn dùng danh từ “Tiểu Thừa - Cỗ xe nhỏ” để miệt thị những người theo Phật giáo chính thống. Đây là thủ đoạn phân hoá và phá hoại rất thâm độc của các tổ sư gián điệp gốc ngoại học.
Trong “Lời Giới Thiệu Kinh Trung Bộ” bản in 1986, HT Thích Minh Châu đã gọi đích danh sự miệt thị này là ‘ác ý’, ‘dụng tâm hiểm độc’, ‘cuồng vọng đen tối’ của những ‘ngọn đèn lẻ tẻ mù mờ’, ‘bập bẹ triết lý’, ‘ba hoa của Ma vương’
“Càng dịch, chúng tôi càng thấy rõ ác ý của các nhà Bà-la-môn đã dùng danh từ TIỂU THỪA để gán vào những lời dạy thực sự nguyên thủy của đức Phật và khiến cho các Phật tử không dám đọc, không dám học, không dám tu những pháp môn ấy. Càng dịch, càng thấy rõ dụng tâm hiểm độc của các vị Bà-la-môn, đã khôn khéo xuyên tạc Đạo Phật, khiến cho những giáo lý căn bản, những tinh hoa cao đẹp nhất của tư tưởng nhân loại, đã bị những tư tưởng tà giáo xen lẫn, bị ruồng bỏ, bị che dấu, không được biết đến, không được học hỏi tu hành. Nhưng chân lý bao giờ cũng là chân lý, mặt trời bao giờ cũng là mặt trời. Những lời ba hoa của Ma Vương, các cuộc đo tài của những ngọn đèn lẻ tẻ mù mờ, lời lẽ bập bẹ của những kẻ mới tập tểnh đi vào con đường Triết lý, tất cả cũng chỉ là cuồng vọng đen tối, được ánh sáng rực rỡ của chân lý quét sạch”.
Tam tạng cải biến do các tổ sư gốc Bà-la-môn giới thiệu đã tráo trở lên mặt miệt thị phái nguyên thuỷ gốc là “Tiểu Thừa”, quay lại vu khống Kinh Luật gốc của Phật là phi pháp, phi luật; như vậy không phải là ‘ác ý’, ‘dụng tâm hiểm độc’, ‘ngọn đèn lẻ tẻ mù mờ’, ‘bập bẹ triết lý’, ‘cuồng vọng đen tối’, ‘ba hoa của Ma vương’ chứ còn là gì nữa?
Những ai còn tin vào Bồ-tát giới hãy chứng minh cụ thể Kinh - Luật Nhị Thừa ác độc như thế nào, không thiện lành như thế nào lại bị Bồ-tát giới lập lờ đánh đồng chung với kẻ ác?
Pháp và Luật ‘Tiểu Thừa’ do chính Đức Phật Thích Ca Mâu Ni thuyết, tại sao Bồ-tát giới lại xem ngang hàng ngoại đạo? Nhận thức này có hoàn toàn giống như các Bà-la-môn thời Phật không?
Những người Nguyên Thuỷ Nhị Thừa dạy nhau chánh Kinh Nikāya - chánh Luật Pātimokkha từ chính kim khẩu của Đức Thế Tôn chứ họ nói phi pháp phi luật như thế nào mà Bồ-tát giới lại vu khống họ?  
Bồ-tát giới cấm rao lỗi tứ chúng, nhưng lại công khai đả kích những người con Phật theo chánh giáo Nhị Thừa là sao? Chính Bồ-tát giới đã rao ‘lỗi’ Nhị Thừa, dù Nhị Thừa chẳng có lỗi gì cả, chỉ thuần tuý là những Pháp Luật chính thống của Phật.
Nhị Thừa có ‘lỗi’ chăng chỉ do kẻ khác vu khống bịa đặt cho họ mà thôi. Chính Bồ-tát giới đã nêu rõ “những kẻ ác, ngoại đạo cùng người nhị thừa nói những điều phi pháp, trái luật trong Phật pháp”. Vu khống kiểu này chính Bồ-tát giới đã tự mình rao nói những tội lỗi trong Phật pháp”.
Các Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni Tiểu Thừa tuân theo Chánh Luật Pātimokkha, không che dấu tội lỗi cho nhau, trái lại họ phải khẩn cầu người khác chỉ lỗi, hoặc phải nêu rõ, chỉ rõ lỗi của nhau để giúp nhau tiến bộ trong tinh thần hoà thuận nhau như ‘nước hoà với sữa’.
Tất nhiên các vị Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni đều hiểu có những chuyện thuộc phạm vi Tăng chúng, có những chuyện thuộc phạm vi quần chúng. Những chuyện không đáng thì ‘trải cỏ che lấp’ nhằm tránh sự tranh đấu chia rẽ trong hội chúng. Nhưng điều này không có nghĩa các vị che dấu tội lỗi cho nhau trong các kỳ Bố-tát, thậm chí có trường hợp phải Hành sự công bố (pakāsanīyakammaṃ) công khai cho dân chúng biếtNhững vấn đề này hoàn toàn khác nhau và đều được nêu rõ trong Tạng luật Patimokkha, tội Ưng Đối Trị thứ 9 và 64.
Trong khi đó Bồ-tát giới lại cấm rao lỗi tứ chúng chung chung, nói cách khác là che dấu tội lỗi cho nhau, điều này có gây ung thối bên trong cho chính Đại Thừa giáo không? Một người bị bệnh trọng cứ che dấu bệnh của mình hoặc của người khác, không khai báo cho bác sĩ chữa trị. Những người này có khỏi bệnh được không hay càng bị suy kiệt nhiều hơn? Gặp bệnh truyền nhiễm cứ che dấu cho nhau có càng giết nhau không?
Phải chăng chỉ có những hội chúng chuyên gian trá lọc lừa mới che dấu tội lỗi cho nhau để tiếp tục đánh lừa người khác? Phải chăng chỉ có các tổ chức tội phạm, trộm cắp, buôn thần bán thánh mới không khai báo tội lỗi cho nhau để tiếp tục hoạt động?
Những ai còn cố chấp Bồ-tát giới cần ghi nhớ thêm điều này: theo chính văn của bản Bồ-tát giới này, trong phần đầu nơi trang 8 có ghi rõ rành rành: “Thuở ấy, đức Phật Thích Ca Mâu Ni lúc mới thành đạo vô thượng chánh giác, trong khi ngồi dưới cội Bồ Ðề, Ngài bắt đầu kiết Bồ Tát Giới”?!
Thế đấy, lúc Phật mới thành đạo còn ngồi dưới cội Bồ Đề, một ông Kiều Trần Như còn chưa có lấy đâu ra có các ông “Bồ Tát xuất gia, Bồ Tát tại gia, Tỳ Kheo, Tỳ kheo Ni” đây?
Lúc này hội chúng chưa có một ai, lấy đâu có đệ tử để Bụt Bồ-tát giới xưng ‘Phật tử’ đây?
Lúc này Pháp Luân chưa chuyển một ngày lấy đâu ra có chuyện Đại Thừa - Tiểu Thừa Nhị Thừa để Bồ-tát giới bên trọng bên khinh, bên bao che, bên phỉ báng đây?
Một người trí chỉ cần suy xét bấy nhiêu cũng đủ biết đâu là chánh, đâu là tà; đâu là Thánh đạo, đâu là ngụy đạo.
Tà luật Bồ-tát giới Bà-la-môn ngoài 10 giới trọng, còn có 48 giới khinhtrong đó có giới khinh thứ tám như sau:
Nguyên văn: “- GIỚI CÓ TÂM TRÁI BỎ ÐẠI THỪA
Nếu Phật tử, có quan niệm trái bỏ kinh luật Ðại thừa thường trụ, cho rằng không phải của Phật nói mà đi thọ trì kinh luật tà kiến và tất cả cấm giới của Thanh Văn nhị thừa cùng ngoại đạo ác kiến. Phật tử nầy phạm «khinh cấu tội».”
Phản biện:
Thử hỏi những ai tin theo Bồ-tát giới: Lúc Phật kiết bồ-tát giới khi vừa mới chứng đạo, còn ngồi dưới cội Bồ-đề đã có hội chúng chưa lại bắt đệ tử thế này thế kia? Pháp luân chưa vận chuyển một ngày sao lại có chuyện trọng Đại thừa, khinh Nhị thừa? Hẳn, Bồ-tát giới là tà giới do kẻ đời sau vẽ ra nên mới hở cả đầu cả đuôi như vậy.
Lại nữa, có lẽ nào chư Phật thời quá khứ và Đức Phật Thích Ca hiện tại, trước sau như một các Ngài đều khuyên dạy các đệ tử Thanh Văn về chánh pháp chánh luật như trong Kinh Luật Nguyên thuỷ còn ghi lại; thế nhưng vài trăm năm sau khi xuất hiện trong ‘tam tạng mới’, chư ‘Phật’ lại quay ngoắt hoàn toàn, phủ nhận chúng, xem chúng là tà kiến, sánh ngang ‘cùng ngoại đạo ác kiến’? Hẳn chỉ có sự ngây thơ cuồng tín cùng cực mới tin theo điều này.
Thử hỏi, Kinh Luật Thanh Văn dạy diệt tham, diệt sân, diệt si, diệt dục ái, diệt những pháp gây khổ đau, giúp con người giải thoát ngay lin, vậy chúng tà kiến ở chỗ nào?
Tất cả giới cấm của Thanh Văn như Năm giới, Tám giới của Cư Sĩ, Mười giới của Sadi, 227 giới của Tỳ-kheo, 311 giới của Tỳ-kheo-ni tất cả đều hướng đến làm thiện pháp tăng trưởng, ác pháp suy giảm, giúp mỗi người và hội chúng được thiện lành an lạc. Vậy chúng tà vạy chỗ nào, ác giới chỗ nào; mà Bồ-tát giới Đại Thừa lại xem chúng ngang hàng ngoại đạo ác kiến?
Có phải các Bà-la-môn, các ngoại học cuồng tín cũng xem Kinh và Luật của Đức Phật là ‘tà kiến, ngoại đạo, ác kiến’ không? Và họ cũng cấm những đồng đạo của họ thọ trì kinh luật Phật giáo không? Ngược lại, trong Kinh Luật Nguyên Thuỷ có chỗ nào Đức Phật Thích Ca cấm các Tỳ-kheo đi đến các tu sĩ ngoại đạo không? Ngài có cấm các đệ tử tìm hiểu về ngoại học không và có khép họ tội gì không? Chắc chắn là không! Vì sao?
Vì các Tỳ-kheo đã nắm vững giáo pháp của Phật, biết phân biệt rõ chánh tà, thắng liệt; các vị này còn sợ gì bị ngoại pháp thế gian dụ dỗ mà Đức Phật cấm đoán. Chính vì thế các ngài được tự do tự tại đi đến các hội chúng khác, thoải mái tìm hiểu các tu sĩ ngoại đạo.
Nếu Đại thừa giáo thực sự cao siêu vĩ đại, còn Nhị Thừa chỉ là thứ ‘tiểu thừa sơ cơ, thấp kém’; vậy Bồ-tát giới còn sợ gì các Bồ-tát con bị dụ dỗ, mà lại cấm họ thọ trì Kinh Luật gốc? Có phải Bồ-tát giới đang chơi trò ‘bịt mắt bắt dê’ không?  
Rõ ràng chỉ có con nít ba tuổi hoặc các ‘con dê’ bị bịt mắt mới không thấy được vấn đề này.
Nguyên văn Bồ-tát giới khinh thứ 15: “- GIỚI DẠY GIÁO LÝ NGOÀI ÐẠI THỪA
Nếu Phật tử, từ Phật tử, lục thân, tất cả thiện tri thức, đến ngoại đạo ác nhân, đều phải khuyên bảo thọ trì kinh luật Đại thừa. Nên giảng cho hiểu nghĩa lý khiến phát Bồ đề tâm, Thập Phát Thú tâm, Thập Trưởng Dưỡng tâm, Thập Kim Cương tâm. Trong ba mươi tâm ấy, giảng cho họ hiểu pháp đụng tuần thứ của mỗi món. Mà Phật tử lại ác tâm, sân tâm đemkinh luật của Thanh văn nhị thừa cùng các bộ luận của ngoại đạo tà kiếnđể dạy ngang cho người. Phật tử nầy phạm «khinh cấu tội».”
Phản biện:
Trong cuốn “Kinh Phạm Võng Bồ Tát Tâm Địa Phẩm Lược Sớ” do Ni sư Trí Hải dịch có chú thích thẳng thừng ‘Ngoài giáo lý Đại thừa tức là tà giáo hoặc Nhị thừa. Ngoại đạo là tà kiến’. Theo đây, Nhị Thừa bị xếp chung với tà giáo và bị xem như ngoại đạo, ngoại đạo là tà kiến, vậy Nhị Thừa là tà giáo tà kiến (?)
Mà Nhị Thừa là gì? Chính là giáo lý Nguyên Thuỷ của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni (!?) Đã thế những kẻ cải biến đời sau còn gọi sách mé Nhị Thừa là Tiểu Thừa với ý miệt thị, và còn bị sánh chung với ‘tà giáo’, ‘ngoại đạo’, ‘tà kiến’.  
Thế nhưng những ‘tâm lượng’ được Bồ-tát giới liệt kê trong Giới thứ 15 này, thực ra có gì là của riêng Đại Thừa? Thực tế những pháp ấy có pháp nào tốt đẹp thì cũng chỉ là những pháp ‘ăn cắp’ của Nhị Thừa mà thôi.
Hãy xét thử vài ‘tâm lượng’.
Thập Phát Thú Tâm (theo chú thích trong bản dịch của Ni sư Trí Hải, gồm có: 1. Xả tâm, 2. Giới tâm, 3. Nhẫn tâm, 4. Tấn tâm, 5. Định tâm, 6. Huệ tâm, 7. Nguyện tâm, 8. Hộ tâm, 9. Hỉ tâm, 10. Đảnh tâm). Trong mười ‘tâm lượng’ cao siêu này, có tâm lượng nào không có trong Kinh Luật Nhị Thừa?
Còn trong Thập Trưởng Dưỡng tâm (gồm 1. Từ tâm, 2. Bi tâm3. Hỉ tâm,4. Xả tâm5. Thí tâm6. Hảo tâm7. Ích tâm8. Đồng tâm9. Định tâm,10. Huệ tâm) có tâm lượng cao siêu nào thuộc chánh pháp mà Đức Phật Thích Ca Mâu Ni không dạy cho các đệ tử Thanh Văn?
Rõ ràng, đây chính là kiểu “cáo mượn oai hùm”, nhưng lại “vừa ăn cướp, vừa la làng” của những tổ sư gián điệp.
Xin nhắc lại những gì thực sự cao siêu thuộc chánh pháp mà Đại Thừa có, tất cả cũng chỉ là những pháp ăn cắp của Nhị Thừa Nguyên Thuỷ để dụ dỗ con Phật tưởng lầm Đại Thừa Bà-la-môn giáo là Phật giáo. Còn những thứ thực sự của Đại Thừa chỉ là những tà pháp kế thừa của ngoại đạo, của Bà-la-môn giáo đã được các tổ sư gián điệp đưa vào để làm biến chất Đạo Phật, xúi dại con Phật, huỷ hoại Diệu pháp.
Không đúng ư? Bà-la-môn có niệm thần chú không? Có đấy, đây là một trong năm đức tánh của họ (bao gồm huyết thống, trì chú, đẹp trai, giới hạnh, học rộng)! Đại Thừa giáo có niệm thần chú không? Có dẫy đầy! Chú Đại Bi, chú Bát Nhã, chú Đà-la-ni, chú Dược Sư, chú Lăng Nghiêm, Mật chú, Lục tự thần chú v.v.. và v.v...
Bà-la-môn có ăn chay và đả kích cách ăn tam tịnh nhục của Chư Phật không? Có, từ nhiều kiếp trước họ đã dựa vào đây để chống phá Đức Phật quá khứ Kassapa, bài kinh “Hôi Thối” (Sn42) là chứng minh điển hình. Đại Thừa giáo có ăn chay và dựa vào đây đả kích Phật giáo Nguyên Thuỷ không? Có, có rất nhiều. Xem trên Internet.
Bà-la-môn giáo có dùng nước rửa sạch tội lỗi trong các tế đàn cầu nguyện không? Có. Đại Thừa giáo có thứ ‘nước sái tịnh’ trong các lễ đàn của mình không? Có.
Bà-la-môn có dựng màn hình hoa Mandala trong các buổi lễ của họ không? Có, nó là nghi thức thông thường của phái bện tóc. Mật tông có nghi thức dựng vẽ mạn hình Mandala không? Có, rất phổ biến v.v… và v.v…
Trên đây chỉ mới nêu vài trường hợp tiêu biểu, trong chánh Kinh chánh Luật gốc còn ghi lại rất nhiều các phi pháp phi luật khác của các Bà-la-môn. Xin mời người đọc tham khảo để biết rõ các tổ sư gian điệp của Đại Thừa giáo đã kế thừa xuất sắc các tà giới, tà mạng của Bà-la-môn giáo như thế nào.
Nguyên văn Bồ-tát giới khinh thứ 24: "GIỚI KHÔNG TẬP HỌC ÐẠI THỪA
Nếu Phật tử, có kinh luật Đại thừa pháp, chánh kiến, chánh tánh, chánh pháp thân của Phật, mà không chịu siêng học siêng tu, lại bỏ bảy của báu, trở học những sách luận tà kiến của nhị thừa, ngoại đạo, thế tục, đó là làm mất giống Phật, là nhân duyên chướng đạo, chẳng phải thật hành đạo Bồ Tát. Nếu cố làm như vậy, Phật tử nầy phạm “khinh cấu tội”.
Phản biện:
Bồ-tát giới trước sau xem Nhị Thừa là tà kiến, chướng đạo, sánh ngang ngoại đạo và cấm các Bồ-tát con đụng đến. Chỉ có điều Phật kiết giới Bồ-tát lúc mới chứng đạo còn ngồi dưới cội Bồ-đề mà nói chuyện ‘Phật tử, Đại thừa, Nhị thừa’ thì chỉ có con nít ba tuổi mới không thấy vô lý.
Đã vậy, thời Phật các Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni đều học thuộc lòng Kinh - Luật và khẩu truyền chứ đâu có viết thành ‘sách luận’ như sau này, mà Bồ-tát giới cấm ‘sách luận tà kiến của nhị thừa’? Đúng là giới của ác ma giả Phật!
Nhưng các Bồ-tát con thực hành Bồ-tát đạo ấy như thế nào? Có thật chánh kiến, chánh tánh, chánh pháp không? Người có trí chỉ cần đọc kỹ giới khinh thứ 16 của Bồ-tát giới thôi cũng đủ nhận chân sự xúi dại phá đạo của Bồ-tát giới.
Thật vậy, nguyên văn giới khinh thứ “…16.- GIỚI VÌ LỢI MÀ GIẢNG PHÁP LỘN LẠO
Nếu Phật tử, phải tận tâm học kinh luật oai nghi Đại thừa, thông hiểu nghĩa lý, khi thấy có hàng tân học Bồ Tát từ xa trăm dặm nghìn dặm đến cầu học kinh luật Đại thừa, nên đúng như pháp giảng giải tất cả khổ hạnh, hoặc đốt thân, hoặc đốt cánh tay, đốt ngón tay. Nếu không đốt thân hay cánh tay, ngón tay cúng dường chư Phật thời không phải là hàng Bồ Tát xuất gia. Nhẫn đến xả thịt nơi thân cùng tay chân mà bố thí cho tất cả những cọp, sói, sư tử đói, cùng tất cả loài quỷ đói. Rồi sau mới tuần tự theo căn cơ của mỗi người giảng chánh pháp cho hàng tân học ấy được mở thông tâm ý. Nếu Phật tử vì quyền lợi, đáng dạy mà không dạy, lại giảng kinh luật một cách điên đảo, văn tự lộn xộn không có thứ lớp trước sau, thuyết pháp có tính cách hủy báng Tam Bảo. Phật tử nầy phạm « khinh cấu tội ».
Phản biện:
Trong Chánh Kinh Chánh Luật Nhị Thừa, trước sau Đức Thế Tôn đều lên án mạnh mẽ lối khổ hạnh vô trí của ngoại học. Ngài chủ trương con đường Trung Đạo theo Tám Chánh Đạo: không tham đắm dục lạc thế tục cũng không khổ hạnh ép xác. Đây là đạo lộ của bậc Hiền trí, Đại tuệ “Ở đây, này Tỷ-kheo, Bậc Hiền trí, Ðại tuệ, không có nghĩ tự làm hại mình, không có nghĩ tự làm hại người, không có nghĩ tự mình làm hại cả hai, có suy nghĩ điều gì thời suy nghĩ lợi mình, lợi người, lợi cả hai, lợi toàn thể thế giới. Như vậy, này Tỷ-kheo, là Bậc Hiền trí, Ðại tuệ” (Kinh Tăng Chi II, trang 159)
Theo lời dạy trên, kẻ vẽ ra Bồ-tát giới thuộc loại Ác trí, Tà tuệ cho nên mới kiết giới xúi các Bồ-tát con hoặc đốt thân, hoặc đốt cánh tay, đốt ngón tay’ tự làm hại mình và nêu gương xấu làm hại người khác. Hành vi này có khác gì những kẻ cuồng tín dám liều thân cho giáo lý của mình.
Kẻ vẽ ra Bồ-tát giới thuộc loại Ác trí, Tà tuệ xúi các Bồ-tát con ‘Nhẫn đến xả thịt nơi thân cùng tay chân mà bố thí cho tất cả những cọp, sói, sư tử đói, cùng tất cả loài quỷ đói’. Xả thân bố thí kiểu này mấy con cá cắn câu, mấy con nai khờ dại cũng làm được.
Các Bồ-tát con không còn biết đến lời dạy chân chánh của Đức Phật trong kinh luật Nhị Thừa, để rồi vô tình trở thành những kẻ bất chánh hại mình, hại người, hại cả hai:
“Và này các Tỷ-kheo, như thế nào là người bất chánh suy tư như người bất chánh? Ở đây, này các Tỷ-kheo, người bất chánh suy nghĩ tự làm hại mình, suy nghĩ làm hại người khác, suy nghĩ làm hại cả hai. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là người bất chánh suy tư như người bất chánh” (Tiểu Kinh Mãn Nguyệt, số 110, Trung Bộ 3).
Trong Kinh Luật Nhị Thừa chánh gốc còn rất nhiều những lời dạy minh triết của Đức Thế Tôn, và trong Bồ-tát giới còn rất nhiều các giáo điều tà vạy khác nữa. Nhưng thiết nghĩ bấy nhiêu cũng quá đủ để những người trí hiểu rõ đâu là chánh đạo, đâu là tà đạo; đâu là chánh giới, đâu là tà giới.
Mong tất cả con Phật hãy nhận chân sự thật để tự cứu lấy mình và cứu những người thân của mình.
Theo Tạp Chí Nghiên Cứu Phật Học

1 nhận xét:

  1. BỒ TÁT GIỚI KHÔNG PHÁ HOẠI ĐẠO PHẬT!
    Bồ Tát giới không hề phá hoại Đạo Phật như tác giả đã luận. Cụ thể:
    1. Về giới thứ 6.
    Tại sao cấm rao lỗi của tứ chúng? Một người phạm lỗi là có nhân duyên của nó. Việc đem lỗi của một người đi rêu rao sẽ tạo ra thị phi và sẽ làm cho người bị phạm lỗi tự ti, khó có đường mà sửa lỗi. Cho nên cấm rao lỗi của tứ chúng là để tránh thị phi và tạo điều kiện cho người phạm lỗi sửa lỗi.
    Tác giả cho rằng điều này là “che dấu tội lỗi cho nhau” thì không đúng. Tại vì đầy đủ của giới cấm này còn có “luôn luôn có lòng từ bi giáo hóa những kẻ ác ấy cho họ sinh tín tâm lành đối với Đại thừa”. Không rêu rao lỗi của người phạm lỗi, đồng thời phải giáo hóa họ, nghĩa là chỉ cho họ điều sai trái để khắc phục, chứ không phải là che dấu.
    Thứ nữa, tác giả đã phiến diện cho rằng “Nhị Thừa” là Tiểu thừa là không đúng. Ở đây “nhị” nghĩa là hai, nhị thừa là hai thừa bao gồm cả Tiểu Thừa và Đại Thừa. Cho nên giới cấm này áp dụng cho cả Tiểu Thừa và Đại Thừa, không hề có ác ý đối với Tiểu Thừa hay Nguyên Thủy.
    2. Về giới có tâm trái bỏ Đại Thừa.
    Điều này hoàn toàn đúng. Vì sao? Đã thọ Bồ Tát Giới, tức là đã nguyện tu theo Đại Thừa rồi mà lại đi thọ trì kinh luật tà kiến, ngoại đạo, cho đến giới cấm của Thanh Văn thì khác nào không coi trọng Đại Thừa. Nếu không coi trọng Đại Thừa thì tu Bồ Tát Giới làm gì?
    Nên nhớ việc thọ Bồ Tát Giới là hoàn toàn tự nguyện, không ép buộc. Nếu đã tự nguyện thọ Bồ Tát Giới rồi thì tại sao lại đi thọ trì kinh luật khác? Nhưng thế chẳng khác nào có hai tâm?
    Tác giả đã đổ oan cho Đại Thừa, Đại Thừa không cho rằng Kinh Luật Thanh Văn dạy diệt tham, diệt sân, diệt si, diệt dục ái… là tà kiến. Vì sao? Vì chính bậc tu Đại Thừa cũng phải diệt tham, diệt sân, diệt si, diệt dục ái… thì làm sao có thể cho đó là tà kiến. Tác giả ngộ nhận điều này.

    NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT !

    Trả lờiXóa