Trí và Tín là hai thành viên trong Gia Đình Phật Tử thế hệ mới. Cả hai đang ngồi thảo luận với nhau trong khuôn viên chùa Chánh Pháp. Tín hỏi Trí:
_ Này bạn, thế nào là kinh văn cấp một?
_ Có nhiều căn cứ để xác định thứ tự. Xét riêng về mặt ngôn ngữ thì kinh cấp 1 là các bản kinh văn được chuyển dịch từ tư liệu gốc sang một ngôn ngữ khác. Ví dụ các bản kinh chữ Pali và chữ Sanskrit được xem là các kinh văn cấp một vì được kết tập đầu tiên và ghi lại từ tiếng Magadhi (Ma Kiệt Đà) là tiếng Đức Phật dùng để giảng pháp.
_ Như vậy các bản kinh A-hàm chữ Hán được dịch từ chữ Sanskrit là kinh văn cấp hai, và kinh A-hàm tiếng Việt dịch từ bản tiếng Hán là kinh cấp ba?
_ Đúng vậy! Theo tinh thần khách quan khoa học, mức độ tin cậy vào các kinh văn, tài liệu tuỳ theo sự phân cấp đó, bởi lẽ “Tam sao thất bổn”. Nói nôm na cho dễ hiểu, ví dụ nếu bạn tin các kinh Pali cấp một kết tập lần đầu tiên tại Savathi khoảng 90 đến 95%, thì nên tin các kinh A-hàm cấp hai khoảng 50%, cấp 3 khoảng 20% thôi. Thậm chí phải căn cứ vào bản kinh Pali hoặc Sanskrit để đánh giá mức độ chuẩn xác của kinh A-hàm.
_ Còn các kinh văn tài liệu xuất hiện sau này thì sao?
_ Cũng theo các nguyên tắc khách quan khoa học, để phân cấp tài liệu, ngoài yếu tố chuyển dịch ngôn ngữ còn phải căn cứ vào thời gian và nơi chốn xuất hiện dữ liệu để xác định. Các văn bản tài liệu ra đời càng về sau và càng xa nơi xẩy ra sự kiện chính sẽ có các cấp độ lớn hơn và mức độ tin cậy ít hơn.
_ Như vậy các bản Hoa Nghiêm, Lăng Già, Lăng Nghiêm, Pháp Hoa… thuộc Bắc tạng và các bản chú giải kinh Pali, chú giải Pháp cú thuộc Nam tạng được xếp vào các tài liệu cấp ba, cấp bốn.
_ Khách quan khoa học là vậy. Điều cậu cần phải lưu ý là tất cả các văn bản tài liệu đó đều được kết tập, chú giải bởi các luận sư gốc Bà-la-môn, có người còn khét tiếng chống phá các giáo phái ly khai khỏi Bà-la-môn. Ngay từ thời Phật, đã có các gián điệp chui vào Phật giáo nhằm phá hoại, chia rẽ, ly gián. Cậu cần phải cảnh giác.
_ Nhưng có người nói rằng các bản kinh văn ra đời sau này là do khế lý, khế cơ, phù hợp với trình độ tiến bộ của chúng sanh, thậm chí còn cao siêu hơn kinh gốc?
_ Trong kinh gốc Đức Phật có dạy như thế không và Bốn Thánh Chân Lý Ngài dạy có phù hợp cho mọi thời đại, mọi nơi, mọi người không? Những kẻ muốn phá hoại Phật Pháp có biết nói như thế để hợp thức hóa “võ khí” của họ không? Những ai biết đặt trí tuệ lên trên đức tin thì căn cứ vào các nguyên tắc của khoa học trước. Còn những ai đặt đức tin lên trên lý trí thì tin vào những gì cậu vừa nói. Riêng những ai theo Tám Chánh Đạo thì đặt chánh tri kiến lên hàng đầu. Cậu thuộc loại nào?
_ Đương nhiên là loại thứ nhất và theo Tám Chánh Đạo.
_ Vì sao?
_ Vì đức tin mà thiếu lý trí và khoa học là mê tín, tà tín, cuồng tín. Còn khoa học cũng phải biết phân biệt chánh tín và tà tín để đứng về phía chân lý. Nếu không, khoa học cũng gây hại cho con người. Nhiều ông bác học chế thuốc độc giết người còn khủng khiếp hơn người thường.
_ Đúng vậy!
_ Hoá ra khi các vị Kàlàmà được Đức Phật chỉ dạy mười điều chớ tin bậy, họ còn tiến bộ và khoa học nhiều hơn các Tấn sĩ Phật học ngày nay.
_ Cho nên phải cấp cho dân chúng Kàlàmà và những người như họ tấm bằng “Hậu Tiến sĩ Phật học” nữa đấy!
_ Tớ hoan hô cả hai tay!
CHÁNH TÍN ĐẠO SƯ
_______________
Ghi chú: Trích kinh “Các Vị Ở Kesaputta”, Tăng Chi 3 Pháp, tr.337:
“- Ðương nhiên, này các Kàlàmà, các Ông có những nghi ngờ! Ðương nhiên, này các Kàlàmà, các Ông có những phân vân! Trong những trường hợp đáng nghi ngờ, các Ông đương nhiên khởi lên phân vân. Này các Kàlàmà, chớ có tin vì nghe báo cáo, chớ có tin vì nghe truyền thuyết; chớ có tin vì theo truyền thống; chớ có tin vì được kinh điển truyền tụng; chớ có tin vì lý luận suy diễn; chớ có tin vì diễn giải tương tự; chớ có tin vì đánh giá hời hợt những dữ kiện; chớ có tin vì phù hợp với định kiến; chớ có tin vì phát xuất từ nơi có uy quyền, chớ có tin vì vị Sa-môn là bậc đạo sư của mình. Nhưng này các Kàlàmà, khi nào tự mình biết rõ như sau: "Các pháp này là bất thiện; Các pháp này là đáng chê. Các pháp này bị các người có trí chỉ trích. Các pháp này nếu thực hiện và chấp nhận đưa đến bất hạnh khổ đau", thời này Kàlàmà, hãy từ bỏ chúng!”
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét