Dại Phạm Thiên với ánh sáng chói lòa hiện đến hỏi một A Tu La:
_ Này A Tu La, trong kinh Đại Bát Niết Bàn, Đức Thế Tôn đã di giáo rõ ràng: “Này các Tỷ-kheo, có thể có Tỷ-kheo nói: "Này Hiền giả, tôi tự thân nghe từ miệng Thế Tôn, tự thân lãnh thọ, như vậy là Pháp, như vậy là Luật, như vậy là lời dạy của vị Ðạo Sư".
Này các Tỷ-kheo, các Ngươi không nên tán thán, không nên hủy báng lời nói của Tỷ-kheo ấy. Không tán thán, không hủy báng, mỗi mỗi chữ, mỗi mỗi câu, cần phải được học hỏi kỹ lưỡng và đem so sánh với Kinh, đem đối chiếu với Luật.
Khi đem so sánh với Kinh, đối chiếu với Luật, nếu chúng không phù hợp với Kinh, không tương ứng với Luật, thời các Ngươi có thể kết luận: "Chắc chắn những lời này không phải là lời Thế Tôn, và Tỷ-kheo ấy đã thọ giáo sai lầm". Và này các Tỷ kheo, các Ngươi hãy từ bỏ chúng.
Khi đem so sánh với Kinh, đem đối chiếu với Luật, nếu chúng phù hợp với Kinh, tương ứng với Luật, thời các Ngươi có thể kết luận: "Chắc chắn những lời này phải là lời dạy của Thế Tôn và Tỷ-kheo ấy đã thọ giáo chơn chánh".
Này các Tỷ-kheo, như vậy là Ðại giáo pháp thứ nhất, các Ngươi hãy thọ trì”.
A Tu La nghe xong chép miệng:
_ Ờ thì... đúng là Phật có nói như thế. Nhưng chuyện gì?
_ Đức Phật đã dạy rành rành trước sau chỉ có hai tạng Kinh và Luật để y chỉ, nhưng tại sao các Tỳ-kheo lại cứ đua nhau giảng dạy tạng Luận - Vi Diệu Pháp? Nó có trong Kinh và Luật đâu?
_ Này, này, ông đừng có nói bậy. Trong kinh, từ “Vi Diệu Pháp” còn được gọi là Thắng Pháp, là A-tỳ-đàm, là Abhidhamma đấy nhé!
_ Ngươi đừng bắt chước kiểu lập lờ đánh lận con đen của những kẻ muốn phá hoại Đạo Phật. Trong Kinh Nikāya và Luật Pātimokkha, Đức Phật dùng từ “Abhidhamma” để chỉ 37 Phẩm Trợ Đạo. Tôi có đầy đủ bằng chứng để chứng minh điều này.
A Tu La đỏ mặt tía tai, gằn giọng:
_ Hừ, Phật Pháp phải có đầy đủ tam tạng thánh điển Kinh - Luật - Luận. Tiếng Pali gọi là “tripitaka”, ông không biết sao?
_ Biết! Nhưng Đức Phật có dạy như thế không? Kinh có nói như thế không? Luật có nói như thế không? Tôi nhắc lại, trước sau Ngài khuyến giáo chỉ có Kinh và Luật mà thôi! Chẳng lẽ bất cứ cái gì bằng tiếng Pali cũng là sự thật, là chân lý?
A Tu La gầm lên:
_ Này, biết bao luận sư Phật giáo và cả luận sư gốc Bà-la-môn đã nói tạng Luận - Vi Diệu Pháp là… pháp vi diệu kia mà. Phải tin vào Pháp Bảo và Tăng Bảo chứ.
Đại Phạm Thiên lắc đầu:
_ Nhưng trước hết mọi người cần phải tin vào Phật Bảo chứ. Ngài đã dạy rõ ràng: “Nhưng ở đây, này các Tỷ-kheo, nếu có Tỷ-kheo nói như sau: "Tại trú xứ kia có nhiều Tỷ-kheo trưởng lão ở, những vị này là bậc nghe nhiều, được trao truyền kinh điển, trì Pháp, trì Luật, trì toát yếu. Ðối diện với các trưởng lão ấy, tôi nghe như vậy, đối diện với các trưởng lão ấy, tôi lãnh thọ như vậy: "Ðây là Pháp, đây là Luật, đây là lời dạy của bậc Ðạo sư"".
Này các Tỷ-kheo, các Thầy không nên tán thán, không nên hủy báng lời nói của Tỷ-kheo ấy, không tán thán, không hủy báng, mỗi mỗi chữ, mỗi mỗi câu cần phải học hỏi kỹ lưỡng và đem so sánh với Kinh, đem đối chiếu với Luật.
Khi đem so sánh với Kinh, đem đối chiếu với Luật và nếu chúng phù hợp với Kinh, tương ứng với Luật, thời các Thầy có thể kết luận: "Chắc chắn những lời ấy là lời dạy của Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác và các Tỷ-kheo ấy đã thọ giáo chơn chánh".
Này các Tỷ-kheo, như vậy là đại căn cứ địa thứ ba các Thầy cần phải thọ trì” (Sđd). Ngay trong thời Đức Phật cũng đã có biết bao kẻ giả danh Ngài, giả pháp Ngài để lừa phỉnh các Tỳ-kheo. Chẳng lẽ sau này không còn ai dám làm như thế? Các luận sư chỉ nói suông, không chứng minh gì cả, tin sao được.
A Tu La gào lớn:
_ Khổ quá! Ông còn muốn chứng minh gì nữa?
_ Đức Thế Tôn dạy “Phật Pháp thiết thực hiện tại, không có thời gian”. Những ai cho rằng tạng Luận - Vi Diệu Pháp cũng là Thánh tạng hãy chứng minh nó thiết thực hiện tại, giúp diệt tham-sân-si, diệt khổ ngay tức thời xem nào?
A Tu La gân cổ hét to:
_ Chời ơi là chời! Tạng Luận - Vi Diệu Pháp của người ta có đến hàng trăm hàng ngàn khái niệm tâm lý, tâm sở, tâm vương, tâm hiệp thế, tâm đáo đại… cho đến cả “sát-na” tâm nữa đấy! Cao siêu nhường thế, ông đã biết hay chưa mà bày đặt chê bai?
_ Tôi đã đọc và học nó quá nhiều rồi mới biết nó chỉ là những giá trị ảo. Nó chỉ là kiểu phân tích “chẻ sợi tóc làm tư, bóc cây tăm làm tám” của những ông “thích hý luận” hù dọa các học trò “thích cắn câu” mà thôi. Học Luận - Vi Diệu Pháp có cần thời gian để nắm hàng trăm hàng ngàn khái niệm ấy không? Nếu cần, nó không phải Phật Pháp “không có thời gian”. Nếu có ý nghĩa tức thời, hãy chứng minh để chứng tỏ mình biết đặt lý trí lên trên đức tin. Xin hỏi lại: trong hàng ngàn mớ tâm ấy, tâm nào giúp diệt triền cái? Tâm nào diệt kiết sử? Tâm nào diệt dục và diệt như thế nào? A Tu La nên nhớ, để biết cách diệt tham-sân-si, một Tỳ-kheo giữ giới thanh tịnh học kinh Nikāya tới đâu là hiểu ngay đến đó và có thể chứng minh cụ thể. Chỉ có những kẻ giới luật không trong sạch như ông mới không biết mà thôi.
Nghe một hơi A Tu La thở dài chống chế:
_ Ông cứ đứng ngoài nói ra nói vào mệt quá. Hãy học Luận - Vi Diệu Pháp đi sẽ rõ. Nó cao siêu lắm, không dễ hiểu đâu!
Đại Phạm Thiên lắc đầu:
_ Tôi hỏi ông, giả sử có một người đứng trên bờ giếng sâu, rêu rao suông dưới đáy giếng có vàng nhưng không chứng minh cụ thể. Lắm kẻ cứ thế tin theo, nhắm mắt lao đầu xuống kiếm tìm; như vậy họ khôn hay dại, biết suy tư hay tin cuồng?
A Tu La gãi đầu gãi tai, miệng ú ớ. Đại Phạm Thiên tiếp luôn:
_ Nghi ngờ chánh đáng là phẩm chất của những người khôn ngoan, có lý trí, và biết thận trọng. Nghe sao tin vậy là hậu quả của ngây thơ, dại dột. Đức Phật đã dạy rồi: “_ Đương nhiên, này các Kalama, các ông có những nghi ngờ! Đương nhiên, này các Kalama, các ông có những phân vân! Trong những trường hợp đáng nghi ngờ, các ông đương nhiên khởi lên phân vân.
Này các Kalama, chớ có tin vì nghe truyền thuyết; chớ có tin vì theo truyền thống; chớ có tin vì nghe người ta nói; chớ có tin vì được Kinh điển truyền tụng; chớ có tin vì nhân lý luận siêu hình; chớ có tin vì đúng theo một lập trường; chớ có tin vì đánh giá hời hợt những dữ kiện; chớ có tin vì phù hợp với định kiến; chớ có tin vì xuất phát từ nơi có uy quyền, chớ có tin vì vị Sa-môn là bậc đạo sư của mình.
Nhưng này các Kalama, khi nào tự mình biết rõ như sau: "Các pháp này là bất thiện - các pháp này là có tội; các pháp này bị các người có trí chỉ trích; các pháp này nếu thực hiện và chấp nhận đưa đến bất hạnh khổ đau”, thời này Kalama, hãy từ bỏ chúng!
Này các Kalama, khi nào tự mình biết như sau; "Các pháp này là thiện; các pháp này không có tội; các pháp này không bị người có trí chỉ trích; các pháp hày nếu thực hiện và chấp nhận, đưa đến hạnh phúc an lạc”, thời này các Kalama, hãy đạt đến và an trú!” (Tăng Chi Bộ Kinh I, trang 337-8)
Ngừng một lát, Đại Phạm Thiên nói tiếp:
_ Vậy mà nhiều người chưa chi đã vội tin tạng Luận - Vi Diệu Pháp chỉ vì nghe truyền thuyết, vì theo truyền thống, vì nghe nói suông, vì truyền tụng kiểu luận giải chia chẻ, vì nhân lý luận siêu hình, vì đúng theo lập trường, vì đánh giá hời hợt các dữ kiện, vì định kiến lâu đời, vì người nói có chức danh, và vì thầy mình nói sao cứ tin theo làm vậy.
A Tu La một chiều im lặng, bỗng nhiên ngửa mặt lên trời nức nở:
_ Trời ơi, sao ông nói dai như đỉa đói. Thú thực, nếu tạng Luận - Vi Diệu Pháp có ý nghĩa tức thời, giúp diệt được tham-sân-si, thì tôi đã thoát kiếp A Tu La từ lâu rồi. Chính vì tôi đã dại dột giới thiệu tạng Luận - Vi Diệu Pháp để những kẻ tin theo rơi vào mê hồn trận, xa rời Kinh Phật, cho nên bây giờ tôi phải chịu quả báo thế này. Hỡi ôi, không biết chừng nào tôi mới thoát được nợ đây? Rõ khổ thân tôi!
_ Chính vì thế tôi đến đây để giúp đỡ ông! Không còn ai si mê tin bậy, ông mới hết bị đọa chứ sao!
Nói xong, Đại Phạm Thiên vội vàng tắt máy ghi âm, cỡi mây bay thẳng về trời. Nhờ vậy Tiểu Phạm Thiên tôi mới có chứng cớ ghi lại bản báo cáo này.
Mong rằng các Phật tử đọc đến đây đã biết được bí mật của tạng Luận - “Vi niệu pháp”, biết nghe đúng lời Phật, biết chớ có tin bừa để tự cứu chính mình và cứu các A Tu La.
TIỂU PHẠM THIÊN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét