Thứ Bảy, 23 tháng 6, 2018

VÔ UÝ HAY VÔ QUÝ???


Một nhóm huynh trưởng trong GĐPT Tám Chánh Đạo đang ngồi thảo luận với nhau giữa sân chùa. Huynh Chánh Tư Duy nêu vấn đề:

_ Thưa các huynh, trong kinh văn Phật giáo, có hai từ là “vô úy” và “vô quý”. Hai từ này đồng nghĩa hay khác nghĩa nhau?

Có ý kiến phát biểu liền:

_ Hai từ “vô úy” và “vô quý” giống nhau, cùng có nghĩa là “không sợ hãi”.

Huynh Chánh Kiến lắc đầu:

Nhưng ý nghĩa của chúng hoàn toàn khác nhau. Chúng ta cần phải phân biệt rõ để không rơi vào bẫy của kẻ hiểm ác.

Người kế bên:

_ Khác nhau như thế nào, vấn đề quan trọng ra sao mong huynh giải thích rõ hơn.

Huynh Chánh Kiến từ tốn:

_ Theo tôi biết, “úy” là sợ hãi những điều không đáng sợ hãi và vì vậy “vô úy” là không sợ hãi những điều không đáng sợ hãi. Ví dụ trong bài kinh “Người Có Lòng Tin”, Tăng Chi 10 pháp, Đức Thế Tôn dạy các Tỳ-kheo nên “vô úy thuyết pháp cho hội chúng”, có nghĩa là trong khi thuyết pháp cho hội chúng không nên bị sợ hãi làm cho bối rối.

Huynh Chánh Tín tán đồng:

_ Đúng vậy, đây là điều sợ hãi không nên có, không đáng sợ hãi.

Huynh Chánh Kiến tiếp tục:

_ Hoặc trong bài kinh “Nguồn Nước Công Đức”, Tăng Chi 8 pháp, Đức Thế Tôn khuyến khích các cư sĩ thực hành không sát sanh, không trộm cướp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu tức là bố thí không sợ hãi, bố thí không hận thù, bố thí không làm hại cho các chúng sanh khác. Nhờ vậy những người này cũng sẽ nhận được sự không sợ hãi, không hận thù, không hại.

Huynh Chánh Giới hào hứng:

_  À tôi hiểu rồi, “bố thí không sợ hãi” ở đây được hiểu là “vô úy thí”, có nghĩa là mình không sát sanh, không trộm cướp tức là mình đã bố thí cho người khác sự không sợ hãi vì sát sanh, trộm cướp.

Huynh Đại Tín nhíu mày, nghi vấn:

_ Trong Đại thừa cũng có nói đến “vô úy thí”. Có gì sai trái?

Huynh Chánh Kiến ôn tồn:

_ Vấn đề không đơn giản như huynh nghĩ. Vì các luận sư Bà-la-môn Đại thừa và những ai tin họ không phân biệt rõ ràng có những sợ hãi không đáng sợ hãi, tức “úy”; và có những sợ hãi đáng phải sợ hãi…

Huynh Chánh Hạnh nhanh miệng:

_ Huynh muốn nói đến pháp “Quý”, một trong hai thiện pháp “Tàm Quý” thường được Đức Thế Tôn Thích Ca Mâu Ni nhắc đến?

_ Đúng vậy. “Tàm” là xấu hổ, “quý” cũng là sợ hãi. Nhưng ở đây là xấu hổ và sợ hãi trước những việc đáng xấu hổ và sợ hãi. Như xấu hổ và sợ hãi trước thân làm ác, miệng nói ác, ý nghĩ ác; xấu hổ và sợ hãi trước các việc làm ác-bất thiện.

Huynh Chánh Giới lại tham gia:

_ Nhờ biết xấu hổ và sợ hãi đúng pháp mà một người không làm ác, không nói ác, không nghĩ ác, không phạm tội lỗi.

_ Đúng vậy. Ngược lại trước những cám dỗ hoặc hận thù, nếu một người không biết xấu hổ điều đáng xấu hổ (vô tàm) và không biết sợ hãi điều đáng sợ hãi (vô quý), họ sẽ dễ phạm tội hơn hoặc chây lì tái phạm tội nhiều lần.

_ À, tôi đã hiểu rồi. Nếu mọi người không phân biệt rõ ràng giữa “vô úy” và “vô quý” để rồi sợ hãi những điều không đáng sợ hãi, hoặc không biết sợ hãi những điều đáng sợ hãi, dẫn đến gây biết bao việc hại mình, hại người, hại cả hai, hại toàn thế giới.

Lúc này Chánh Tả là em Chánh Ngữ cũng góp ý:

_ Em đề nghị chúng ta nên viết hoa chữ “Quý” vì Quý là một danh từ riêng, nó cũng là một học pháp, một thiện pháp quan trọng; và để dễ phân biệt hơn giữa “vô Qúy” và “vô úy”.

Cả nhóm im lặng như tán đồng. Huynh Chánh Mạng lúc này mới lên tiếng:

_ Trong tôn giáo, sợ hãi những điều không đáng sợ hãi thường dẫn đến mê tín, nhưng không biết sợ hãi trước những điều đáng sợ hãi lại dẫn đến cuồng tín. Cả hai đều nguy hại cho mình và cho mọi người!

Huynh Chánh Nghiệp cũng tham gia:

Còn trong sanh tử luân hồi, những tà kiến này sẽ dẫn đến tái sanh vào cõi dữ đọa xứ. Tôi nhớ rõ trong Pháp Cú, kệ số 317, có các câu này: “Không đáng sợ lại sợ. Đáng sợ lại thấy không. Do chấp nhận tà kiến. Chúng sanh đi ác thú”. Các huynh quan sát kỹ đời sống tập tính của các ác thú, sẽ thấy đúng như vậy.

Huynh Chánh Niệm sơ kết hội thảo:

_ Và đây chính là điều mà các luận sư Bà-la-môn gián điệp mong muốn nơi những đệ tử Phật. Cho nên họ mới lập lờ đánh lận con đen, ra sức tuyên truyền cho “vô úy thí”, khiến những kẻ ngây thơ tin theo không biết phân biệt rõ ràng, dẫn đến không sợ hãi một cách bừa bãi, bất kể là chuyện gì. Trong Đại thừa có biết bao nhiêu những điển hình để chứng minh cho điều tôi vừa nói.

Cả nhóm đều hồ hởi đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu vì đã nhận thức được một điều rất quan trọng.


Thư Ký Nhóm

____________


Pháp Trích Lục

Kinh “Sợ Hãi Và Vô Úy”, số 204, Tăng Chi 10 Pháp 

1. Thành tựu mười pháp, này các Tỷ-kheo, người nữ cư sĩ sống ở gia đình không có vô úy. Thế nào là mười?

Sát sanh... lấy của không cho... tà hạnh trong các dục... nói láo... nói hai lưỡi... nói lời thô ác... nói lời phù phiếm... tham ái... sân tâm... tà kiến...

Thành tựu mười pháp, này các Tỷ-kheo, người nữ cư sĩ sống ở gia đình không có vô úy.

2. Thành tựu mười pháp này, này các Tỷ-kheo, người nữ cư sĩ sống ở gia đình không có sợ hãi.

Ðoạn tận sát sanh... đoạn tận lấy của không cho... đoạn tận tà hạnh trong các dục... đoạn tận nói láo... đoạn tận nói hai lưỡi... đoạn tận nói lời thô ác... đoạn tận nói lời phù phiếm... đoạn tận tham ái... đoạn tận sân tâm... chánh kiến...

Thành tựu mười pháp này, này các Tỷ-kheo, người nữ cư sĩ sống ở gia đình không có sợ hãi.

Thừa tự Pháp trích lục:

Bài kinh trên là điển hình cho thấy có hai sự sợ hãi và không sợ hãi khác nhau cần phải phân biệt rõ.

Với cụm từ “vô úy” ở trên, từ “úy” có nghĩa là sợ hãi những điều không đáng sợ hãi, và “vô úy” có nghĩa là không sợ hãi những điều không đáng sợ hãi. “Không có vô úy” có nghĩa là không có không sợ hãi (hay sợ hãi) những điều không đáng sợ hãi.

Ví dụ vì người nữ cư sĩ không biết sợ hãi những điều đáng sợ hãi nên mới sát sanh, trộm cắp, tà dâm, nói dối, uống rượu… chính vì thế người này mới gặt quả báo “không có vô úy”, có nghĩa là sợ hãi những điều không đáng sợ hãi do phá giới, phá hạnh mang lại.

Ngược lại người nữ cư sĩ biết sợ hãi những điều đáng sợ hãi; nên người này mới không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu… Nhờ vậy người nữ cư sĩ này mới đạt được sự không sợ hãi do giữ giới, giữ hạnh mang lại.

Kinh Pháp Cú đã khuyến cáo:

"Không đáng sợ, lại sợ,
Đáng sợ, lại thấy không,
Do chấp nhận tà kiến.
Chúng sanh đi ác thú.” (PC 317)

THÍCH CHÁNH LÝ 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét