Hai Tỳ-kheo đang ngồi thảo luận với nhau trong khuôn viên tu viện. Tỳ-kheo thứ nhất đặt vấn đề:
_ Thưa đạo huynh, đệ có một thắc mắc liên quan đến giới luật.
_ Xin nêu cụ thể! Vị Tỳ-kheo thứ hai hoan hỷ tiếp lời.
_ Thưa, nguyên trong tạng Luật Patimokkha của Tỳ-khưu-ni, phần Ba-la-di, có ghi rõ những trường hợp miễn tội cho vị Tỳ-kheo-ni xúc chạm với người nam, đó là khi vị ni “Không cố ý, vị ni thất niệm, vị ni không hay biết, vị ni không ưng thuận, vị ni bị điên, vị ni có tâm bị rối loạn, vị ni bị thọ khổ hành hạ, vị ni vi phạm đầu tiên thì vô tội”.
_ Rõ ràng quá, huynh còn phân vân gì nữa?
_ Đệ không hoài nghi điều gì về chánh Luật, chỉ thắc mắc phần chú giải thêm.
_ Chú giải thế nào? Của ai?
_ Dạ, của luận sư Bà-la-môn Phật Âm. Ông ta chú thích tự giải phần “vị ni không hay biết” đó là trường hợp “vị ni không biết đây là người nam hay người nữ” thì vô tội.
_ Trời đất, chú giải kiểu gì kì dzậy? Chẳng lẽ một cô ni xúc chạm với một người bán nam, bán nữ và vì không biết kẻ ấy thực là nam hay nữ nên cô ta được miễn tội?
_ Vô lý! Đâu có được!
_ Lại nữa, cô ta chạm xúc trong lúc trời tối như bưng, không biết rõ kẻ kia là trai hay gái, như vậy cũng được xóa tội hay sao?
_ Phi lý! Vẫn phạm luật như thường!
_ Lại nữa, cô ta trước sau nhắm mắt không nhìn thấy gì, rồi la toáng lên rằng không biết kẻ kia đàn ông hay đàn bà, như thế cô ni không có tội à?
_ Tà lý! Phạm giới rành rành!
_ Lại nữa, cô ta xúc chạm với kẻ khác qua tấm vách hoặc qua tấm màn dày và cũng không biết người sau vách là nam thanh hay nữ tú, vậy cô ta cũng được thoát tội chăng?
_ Ngụy lý! Phá luật, phạm quy rõ ràng. Chỉ cần một trường hợp huynh vừa nêu đã rõ vấn đề. Nhưng theo hiền huynh, trường hợp “vị ni không hay biết” là như thế nào?
_ Thật dễ hiểu, đó là khi vị Tỳ-kheo-ni trong trạng thái vô thức như bị ngất xỉu, hoặc bị hôn mê, hoặc uống thuốc an thần ngủ quá say đến độ bị kẻ xấu xâm phạm vẫn không hay biết thì vô tội.
_ Đúng vậy! Những lý do huynh nêu thật hợp lý. Nhưng còn trường hợp “vị ni không cố ý hoặc thất niệm hoặc không ưng thuận hoặc bị thọ khổ hành hạ” nếu có xúc chạm người nam nhưng vẫn được vô tộilà sao?
_ Đó là khi vị Tỳ-kheo-ni phải ở giữa đám đông chen lấn, hoặc bị cưỡng bức, hoặc lúc cô ni bị trặc tay, trặc chân phải để cho ông thầy thuốc tiếp xúc chữa trị, hoặc khi cấp cứu phải dùng phương pháp hô hấp hồi sinh; hoặc phải xúc chạm khi chữa các vết thương, vết mổ... những trường hợp như vậy được vô tội.
_ Ừ nhỉ, giải thích của huynh mới chính đáng và hữu lý. Ngược lại chú giải của ông Bà-la-môn Phật Âm thật vô lý, phi lý, tà lý và ngụy lý quá. Rất nhiều các chú giải khác cũng y như vậy. Có người gọi đó là kiểu “vẽ rắn thêm chân” cũng đúng thôi. Bây giờ đệ hết thắc mắc rồi.
_ Huynh nên nhớ, có những kẻ “y pháp bất y nhân” nhưng y theo tà pháp rồi chối bỏ bậc chân nhân, cũng chết. Lại có những người “y nhân bất y nghĩa” nhưng y theo tà nhân rồi bất tuân chánh nghĩa, cũng tiêu luôn. Cho nên trong Bát Chánh Đạo cần phải y theo, Đức Thế Tôn đưa Chánh Tri Kiến lên hàng đầu là vì vậy.
_ Nhưng làm thế nào để có Chánh Tri Kiến?
_ Phải đầy đủ năm chi phần hỗ trợ: GIỚI, VĂN, THẢO LUẬN, CHỈ và QUÁN. Giới là nếp sống phải gìn giữ. Văn là kinh văn, thanh văn (nghe chánh pháp) chứ không phải luận văn hay chú giải của các tổ sư gián điệp nguy hiểm. Chỉ và Quán là hai pháp môn tu tập. Còn thảo luận là việc mình và cậu đang làm đây.
_ Huynh quả là có Chánh Tri Kiến!
_ Chớ vội kết luận. Xin nhắc lại, phải đầy đủ năm chi phần nữa đấy!
_ Đệ nhớ rồi, xin cảm ơn huynh.
CHÁNH Y ĐẠO SƯ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét