Thứ Năm, 8 tháng 3, 2018

NAM TÔNG CŨNG BỊ LỪA


Hai cư sĩ bàn luận với nhau. Cư sĩ Trí hỏi cư sĩ Tuệ:
_ Ông có biết tác giả “Chú giải Kinh Pháp Cú” là ai không?
_ Đích thị là ông luận sư gốc Bà-la-môn Phật Âm – Buddhaghosa.
_ Ông ta sống vào thời nào?
_ Nửa cuối thế kỷ thứ năm sau Công nguyên.
_ Ông ta sống sau Phật cả ngàn năm, làm sao biết Đức Phật nghĩ như thế này, nghĩ như thế kia? Liệu có nên tin tưởng một chiều các chú giải của một ông Bà-la-môn sống sau Phật cả ngàn năm?
Cư sĩ Tín nheo mắt:
_ Chậc, đại khái cũng giống các nhà văn sáng tác tiểu thuyết chứ sao.
_ Đâu có dễ như vậy! Chú giải Thánh Kinh hoàn toàn khác với viết tiểu thuyết, không tự ý sáng tác hư cấu được. Hơn nữa, ông cần lưu ý ông ta không những là Bà-la-môn mà còn nổi tiếng chống các phái ly giáo khỏi đạo Bà-la-môn nữa đấy. Ông phải thận trọng chớ vội tin (1).
_ Ừ nhỉ, đọc chú giải kinh Pháp Cú, hoặc Thanh Tịnh Đạo tôi thấy có nhiều điểm quái gở, đáng nghi ngờ…
_ Ví dụ?
Cư sĩ Tín mở một cuốn sách:
_ Như ngay tựa đề đầu tiên bản chú giải Pháp Cú có câu thế này “Nếu con mắt làm hại ngươi hãy móc bỏ nó đi” (1)
Cư sĩ Trí cười khẩy:
_ Đó là tinh tấn Ba-la-mật?
_ Tinh tấn “ba mửa mật” thì có! Cứ vậy, lá mật làm phiền ông cũng móc bỏ đi à? Trái tim đau làm hại ông cũng móc bỏ đi à? Cái đầu nhức làm hại ông cũng chặt phứt nó đi à? Chú giải gì ác dzậy!
_ Ác kiểu đó chưa kinh khủng lắm!
_ Trời đất còn chú giải kinh… hoàng kiểu gì nữa?
_ Có chú giải kể chuyện một con quỷ Dạ-xoa vừa ăn thịt con nít ngoen ngoẻn, nghe một câu kệ cũng chứng thánh quả Dự Lưu ngay liền (2)
_ Quỷ thần thiên địa ơi! Chú giải kiểu đó, hổng lẽ các vị thánh Dự Lưu khác cũng đều là Dạ-xoa cả sao?
_ Ai cấm được mấy ông Bà-la-môn chơi ác, kể bậy? Những ai tin Phật Âm, họ nghe một câu Phật dạy mà tâm đắc, Phật Âm cũng cho chứng đắc… Dạ-xoa tức thì.
_ Chơi ác thiệt! Còn chuyện này nữa, Phật Âm Bà-la-môn sống sau Phật Thích Ca cả ngàn năm vẫn biết rõ Phật Thích Ca “suy nghĩ” như vầy: Trải qua bốn A tăng kỳ (Asankheyya) và một trăm ngàn đại kiếp (mahakappa) của quả địa cầu, Ta đã từng cắt thủ cấp khôi ngô tuấn tú của chính mình, Ta đã từng móc mắt Ta, Ta đã từng rứt thịt nơi quả tim Ta, Ta đã từng đoạn ly vợ con yêu dấu nhất đời mà Ta quý trọng chẳng khác nào mạng sống của tự thân Ta, nhất nguyện để hoàn thành hạnh Parami (Ba La Mật) ngõ hầu để có thể tuyên dương chánh pháp, phổ độ quần sanh” (3)
_ Phật Âm Bà-la-môn xúi dại đệ tử Phật Thích Ca, tuyên dương ác pháp, phổ hại quần sanh thì có, chứ chú giải cái nỗi gì.
_ Thật vậy! Chui vào hàng ngũ kẻ khác, xúi dại người ta tầm thường hoá Thánh vị, xuyên tạc vu khống Bậc Minh Hạnh Túc, cũng là một cách chống lại những kẻ đối nghịch.
Quả nhiên Đức Phật dạy không sai, “Chớ có tin cho dù đó là truyền thống, truyền thuyết hay bậc đạo sư”.
_ Phật Âm Bà-la-môn ra đời khi đạo Phật đã tồn tại từ hàng ngàn năm. Lúc này đạo Phật đã có hàng vạn trưởng lão “nguyên thuỷ từ trong bụng mẹ”. Người đời sau không tin các vị này lại dễ dàng tin ngay một tu sĩ ngoại đạo khét tiếng chống ly khai đạo Bà-la-môn. Thật không sao hiểu nổi! (4)
_ Hãy đọc và so sánh kỹ các luận giải của Phật Âm Bà-la-môn với chánh Kinh, chánh Luật, ông còn phải giật mình kinh hoàng nhiều lần nữa đấy!
_ Việc này trước hết dành cho các tu sĩ.
_ Nhưng bảo vệ chánh pháp là nhiệm vụ của mọi người.
_ Đồng ý. Tôi sẽ cẩn trọng hơn. Cảm ơn ông đã nhắc nhở.
 CƯ SĨ CHÁNH TRUYỀN
______________________
(1) Xem “Tích Truyện Pháp Cú”, Thiền viện Viên Chiếu dịch, Nguyên tác: "Buddhist Legends”, Eugène Watson Burlingame
(2) Chú giải Kinh Pháp Cú tập 1, tác giả Phật Âm – Buddhaghosa, dịch giả Pháp Minh, Thành hội Phật Giáo TPHCM – 1997, trang 90: “Bài kệ vừa dứt, nữ Dạ Xoa chứng được quả Tu Đà Hườn”.
(3) Chú giải kinh Pháp Cú tập 1, Dịch giả Pháp Minh, Thành hội Phật Giáo TPHCM - 1997, tr.10

(4) Theo bản tường trình Dhammakitti viết về Buddhaghosa (Nguyên tác: The Life and work of Buddhaghosa. Tác giả: Bimala Charan Law, M.A., B.L; Dịch giả: Tỳ-khưu Thiện Minh)Trong khi tường trình về triều đại nhà vua Mahānāma trị vì tại đảo quốc Tích Lan vào những năm đầu thế kỷ thứ V sau CN, cuốn biên niên sử Mahāvaṃsa đã kể lại cuộc đời và sự nghiệp của Buddhaghosa như sau: "Ông là một thanh niên thuộc đẳng cấp Bà-la-môn, sinh tại vùng phụ cận thị trấn Magadha, là nơi trồng cây Đại Bồ-đề, ông đã hoàn tất việc huấn luyện theo phái "vijja" và "sippa”,  và có kiến thức rất sâu rộng về ba phái "Phệ-đà”,  và ông cũng là người có được nhiều tài năng uyên bác, đã hoạt động không biết mỏi mệt chống lại các phái ly giáo, đã tự coi mình là người chống lại ly giáo khắp vùng Jumbudīpa…” Ghi chú: Lúc này Bà-la-môn Buddhaghosa còn thanh niên, chưa nằm vùng trong Phật giáo, cho nên ông ta ‘chống các phái ly giáo’ là chống ly khai Bà-la-môn giáo. Tất nhiên Phật Giáo nằm trong số này.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét